메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Focus > 상세화면

2024 WINTER

CÁI TÊN TRỞ THÀNH HUYỀN THOẠI

Kim Min-ki bắt đầu sự nghiệp âm nhạc từ thời đại học. Ông sáng tác các ca khúc nổi tiếng được người dân cả nước yêu thích, và điều hành Nhà hát Hakchon – nơi đào tạo ra nhiều diễn viên và nhạc sĩ trứ danh. Vở nhạc kịch rock Tuyến tàu điện ngầm số 1 do ông dàn dựng được ghi nhận là tác phẩm viết lại lịch sử biểu diễn của Hàn Quốc. Mùa hè năm 2024, Kim Min-ki đã rời bỏ nhân gian, hóa thành một huyền thoại trong giới âm nhạc và sân khấu nghệ thuật Hàn Quốc.

Một cảnh trong buổi diễn nhạc kịch Tuyến tàu điện ngầm số 1 năm 2021. Tác phẩm được Kim Min-ki chuyển thể và đạo diễn từ tác phẩm cùng tên của Nhà hát GRIPS ở Đức. Phần âm nhạc được biên soạn bởi Jung Jae-il, người đã sáng tác nhạc nền cho phim Ký sinh trùng (Parasite) và loạt phim gốc Trò chơi con mực (Squid game) của Netflix. Tác phẩm này được xem như là giáo trình của giới nhạc kịch Hàn Quốc, mở ra thời kỳ hoàng kim của biểu diễn sân khấu nhỏ vào những năm 1990.
ⓒ HAKCHON

Kim Min-ki rời cõi tạm vào ngày 21 tháng 7 năm nay. Cụm từ ngắn gọn nhất mô tả về ông là “Bob Dylan của Hàn Quốc”. Là một ca sĩ kiêm nhạc sĩ, ông đã chạm đến đôi tai thính giả bằng giọng hát đặc biệt khó quên chỉ với một lần nghe qua, và viết nên những ca từ đậm chất thơ lay động lòng người. Thập niên 1970, khi ông dò dẫm nhưng bước đi đầu tiên với vai trò ca sĩ, cũng là thời điểm mà chính quyền độc tài quân sự coi việc phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu của quốc gia. Thanh niên phải liên tục nghe những khẩu hiệu như “Hãy trở thành rường cột của đất nước”, “Hãy học tập chăm chỉ, đóng góp cho sự phát triển của quốc gia”. Do đó, ca hát hay âm nhạc cũng giống như món hàng xa xỉ đối với thanh niên thời bấy giờ.

Khi đó, những thanh niên như Kim Min-ki, Hahn Dae Soo, Yang Byung Jip đã xuất hiện, phá tan xiềng xích của một thời kỳ khắc nghiệt. Họ đã viết ra những ca từ đẹp đẽ như thơ nhưng cũng sắc buốt như sương giá nhằm phê phán thẳng thừng hoặc ngụ ý khéo léo về một xã hội tù túng. Họ là sự khởi đầu cho thời đại của các ca sĩ kiêm nhạc sĩ dân gian hiện đại (modern folk) thế hệ đầu tiên của Hàn Quốc.

Trong số những nghệ sĩ đó, Kim Min-ki khá đặc biệt. Ông nhận thấy có một cái giếng ẩn dụ vô tận trong thế giới tự nhiên, động vật, và cây cỏ mà con người rất dễ bỏ qua. Ông thả gàu nước âm nhạc lao vút vào cái giếng sâu ấy, rồi kéo trở lên lời ca tiếng hát phản ánh trọn vẹn xã hội. Các ca khúc của ông có ca từ và giai điệu giản dị, mộc mạc nhưng khiến cho người hát lẫn người nghe đắm chìm trong những rung cảm sâu sắc.

Kim Min-ki được ca ngợi là một trong những ca sĩ đi đầu của một thời đại, đồng thời là một nghệ sĩ vô cùng tài năng. Những ca khúc nổi tiếng ông sáng tác những năm 1970 vẫn được hát phổ biến rộng rãi đến nay. Sau khi chuyển sang sự nghiệp sản xuất sân khấu, ông đã cống hiến hết mình để phát triển văn hóa biểu diễn sân khấu nhỏ.
ⓒ HAKCHON

Biểu tượng của sự phản kháng

Cuộc đấu tranh dân chủ tháng 6 năm 1987 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử hiện đại của Hàn Quốc. Phong trào nổ ra khi sự kiện tra tấn đến chết sinh viên Park Jong-chul được phơi bày. Bất kể già trẻ lớn bé, đoàn người giận dữ đã xuống đường, đồng thanh hát vang “Giọt sương mai” (1971) - một trong những ca khúc tiêu biểu của Kim Min-ki. Cuộc đấu tranh dân chủ tháng 6 cuối cùng đã dẫn đến chế độ bầu cử tổng thổng trực tiếp, và Hàn Quốc đã thực hiện bước đi lịch sử đầu tiên hướng đến nền dân chủ thật sự. Nhờ đó, bài hát này đã trở thành biểu tượng của phong trào dân chủ Hàn Quốc.

Kim Min-ki sinh năm 1951, vốn là sinh viên ngành mỹ thuật đầy triển vọng. Ông đam mê nghệ thuật từ khi còn học cấp 2, cấp 3, và đậu vào Khoa Hội họa tại trường Đại học Quốc gia Seoul năm 1969. Màn song ca ngẫu hứng giữa ông và một người bạn trong buổi đón tân sinh viên ngay lập tức gây tiếng vang trong trường. Từ đó, Kim Min-ki gác lại cọ vẽ, chuyển hướng sang con đường làm nhạc sĩ và ca sĩ.

Năm 1971, Kim Min-ki ra mắt album đầu tiên mang tên Kim Min-ki. Có thể nói đây là album chính thức duy nhất của ông. Với 10 ca khúc như “Giọt sương mai”, “Người bạn”,... album này được xem là tác phẩm lịch sử mở ra thời đại ca sĩ kiêm nhạc sĩ hiện đại của Hàn Quốc. Vì bài hát của ông thường được hát thường xuyên trong các phong trào dân chủ những năm 70, nên Kim Min-ki thường bị chính quyền triệu tập để điều tra. Album đầu tiên của ông bị cấm lưu hành, hầu hết nhạc phẩm của ông đều bị chỉ định là nhạc cấm.

Kim Min-ki đau lòng. Ông từ bỏ trường lớp và sân khấu, chuyển đến nông thôn, mỏ than, rồi nhà máy. “Cây thường xanh” (1979) là một ca khúc nổi tiếng khác của ông ra đời trong chặng đường đó. Đây là một khúc ca chúc mừng khi ông nghe tin những người công nhân ở xưởng may nơi mình làm việc đang tổ chức đám cưới tập thể. Câu kết của bài hát, “Dẫu con đường phía trước còn xa xăm, hiểm trở / Chúng ta sẽ bứt phá, tiến lên và cuối cùng giành chiến thắng”, được hát lên không ngừng trong những cuộc mít-tinh. Ca khúc này sau đó lại một lần nữa khiến cõi lòng của người dân cả nước ngập tràn cơn mưa nước mắt sục sôi. Năm 1998, khi người dân Hàn Quốc đang lao đao trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, bài hát được sử dụng làm nhạc nền cho một quảng cáo dịch vụ công cộng, đi kèm là hình ảnh tay golf chuyên nghiệp Park Se-ri cởi phăng tất chân, đi vào làn nước để thực hiện cú đánh mang về chiến thắng. Thông điệp và giai điệu của bài hát đã vượt thời gian, một lần nữa gợi nhắc ý chí quật cường của con người khi đối diện với khó khăn.

Đời sống phía sau sân khấu

Tuy Kim Min-ki có thể dành trọn đời để ca hát và sáng tác nhạc, nhưng ông đã quyết định bắt đầu chương thứ hai của cuộc đời mình dành cho sân khấu. Nói chính xác thì nơi ông hướng đến là hậu trường chứ không phải trên sâu khấu. Năm 1978, ông bí mật tập hợp một nhóm công nhân và nhạc sĩ trong sự dè chừng ánh mắt của nhà cầm quyền. Vở nhạc kịch Ánh đèn nhà máy ra đời trong hoàn cảnh đó và được phân phối dưới dạng băng cát-sét lậu. Tác phẩm kể câu chuyện đầy cam go về sự đàn áp của chủ lao động với người làm công, đến việc thành lập công đoàn, rồi tiếp nối bằng những cuộc đấu tranh. Nhiều thể loại khác nhau như folk, jazz, rock & roll, âm nhạc truyền thống đều được sử dụng. Phần nhạc được biểu diễn bằng cả nhạc cụ phương Tây và nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc. Nhìn vào bố cục của vở nhạc kịch này, có thể nói đây là một “album chủ đề” ra đời trước album trứ danh The Wall (Bức tường) của ban nhạc Anh Pink Floyd.

Sau đó, Kim Min-ki mở Nhà hát Hakchon ở Daehangno, Seoul vào năm 1991. Ông lại hóa thân thành người điều hành nhà hát kiêm đạo diễn sân khấu một cách ngoạn mục. Nhà hát Hakchon vốn là trung tâm biểu diễn nhạc sống trước khi thế hệ nhạc indie đầu tiên của Hàn Quốc nổi lên ở những câu lạc bộ nhạc sống tại khu vực phía trước Hongdae những năm 90. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Kim Kwang-seok đã để lại hàng chục ca khúc nổi tiếng trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Ông đã làm nên huyền thoại khi có đến khoảng 1.000 buổi trình diễn ở đây. Chương trình Buổi hòa nhạc nhỏ của Noh Young-sim (1991) cũng đóng vai trò lớn trong sự phát triển của Nhà hát Hakchon. Không cố định trong một kịch bản sẵn có, những cuộc trò chuyện thẳng thắn với khách mời và cùng thưởng thức giai điệu âm nhạc đã làm nên sự nổi tiếng của chương trình. Cuối cùng, nó được đưa vào chương trình truyền hình thường kỳ trên đài KBS. Kể từ đó, phả hệ của chương trình trò chuyện âm nhạc được tiếp diễn, bao gồm Lời đề nghị của Lee Sora, Thư tình của Yoon Do-hyun, Sổ tay phác thảo của Yoo Hee-yeol.

Trong khi đó, Kim Min-ki đã phóng tác và chuyển thể vở nhạc kịch rock Tuyến tàu điện ngầm số 1 từ nguyên tác của nhà biên kịch người Đức Volker Ludwig. Vở nhạc kịch thể hiện góc nhìn châm biếm, hài hước về xã hội Hàn Quốc cuối thế kỷ XX. Tính đến năm 2009, nó đã được ghi nhận có 4.000 lượt trình diễn kể từ khi ra mắt lần đầu vào năm 1994, và được đánh giá là tác phẩm đồ sộ trong lịch sử sân khấu nhạc kịch Hàn Quốc. Vở nhạc kịch cũng gây chú ý khi tạo ra những diễn viên tên tuổi trong giới điện ảnh Hàn Quốc sau này như Kim Yoon-seok, Sul Kyung-gu, Cho Seung-woo, Hwang Jung-min.

Vở kịch Võ sĩ quyền anh (The Boxer) công chiếu lần đầu vào năm 2012, kể về sự kết nối và hy vọng thông qua cuộc gặp gỡ giữa một ông lão từng là nhà vô địch quyền anh thế giới và một cậu học sinh trung học bị coi là cá biệt. Kim Min-ki chuyển thể và đạo diễn tác phẩm Trái tim võ sĩ quyền anh ra đời năm 1998 của Lutz Hübner, vở kịch đã giành giải Deutscher Jugendtheaterpreis (Giải thưởng Nhà hát Thanh thiếu niên Đức).
ⓒ HAKCHON

Bước chân lặng lẽ và đĩnh đạc

Kim Min-ki nổi tiếng là người có mối quan tâm và tình cảm đặc biệt dành cho trẻ em từ lúc còn ở nông thôn và nhà máy. Thế là từ năm 2004, ông tập trung sản xuất kịch thiếu nhi để đem lên sân khấu. Ông dồn hết tâm huyết cho vở nhạc kịch thiếu nhi Gochujang Tteokbokki (tạm dịch Bánh gạo cay) - tác phẩm cuối cùng của Nhà hát Hakchon - ngay cả khi đang chiến đấu với căn bệnh ung thư dạ dày. Tuy nhiên, do tình trạng sức khỏe suy yếu của Kim Min-ki và sự khó khăn trong quản lý điều hành nên Nhà hát Hakchon đã đóng cửa vào tháng 3 năm 2024. Khoảng bốn tháng sau, Kim Min-ki đã bước vào nơi yên nghỉ vĩnh hằng.

Một cảnh trong vở nhạc kịch Gochujang Tteokbokki. Đó là một tác phẩm thú vị miêu tả câu chuyện trưởng thành của hai anh em học sinh tiểu học khá vụng về. Kể từ khi ra mắt lần đầu vào năm 2008, bộ phim đã nhận được nhiều giải thưởng trong giới sân khấu và được công nhận về giá trị nghệ thuật, khẳng định mình là tác phẩm tiêu biểu của nhạc kịch thiếu nhi Hàn Quốc.
ⓒ HAKCHON

Do ảnh hưởng văn hóa Nho giáo, trước đây người Hàn Quốc có xu hướng tránh gọi tên thật, thay vào đó sử dụng bút danh để xưng hô trong những hoàn cảnh ít trang trọng. Mặc dù phong tục này dường như đã biến mất ở thời hiện đại, nhưng vẫn có một số nhà thơ sijo hay họa sĩ tranh phương Đông vẫn sử dụng bút danh. Kim Min-ki cũng có một bút danh không chính thức là Dwitgeot, nghĩa là “một người tầm thường ở phía sau”. Bút danh này gói gọn cả cuộc đời của ông. Ông không khẳng định sự hiện diện của mình mà lặng lẽ đứng ở hậu trường hỗ trợ các nghệ sĩ, cống hiến để biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn.

Kim Min-ki trân trọng lịch sử và thắp sáng niềm tin của mình qua các ca khúc và hoạt động sân khấu. Ông không có ý định trở thành một nhân vật tên tuổi trên sàn diễn. Trong một thế giới mà mọi người đều tự gọi mình là một ngôi sao lớn, một thế giới đầy sự khao khát ánh sáng huy hoàng rực rỡ, thậm chí đến trẻ nhỏ cũng mơ ước trở thành thần tượng hoặc ngôi sao YouTube, thì cái bóng thầm lặng của Kim Min-ki càng trở nên to lớn và thiết thực hơn trong xã hội Hàn Quốc ngày nay.

Lim Hee-yun – Nhà phê bình âm nhạc
Dịch. Lê Thị Phương Thủy

전체메뉴

전체메뉴 닫기