메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features > 상세화면

2024 WINTER

MỘT CUỘC SỐNG CHẬM RÃI, GIẢN DỊ VÀ THUẬN THEO TỰ NHIÊN

Kim Woo-Jung, giám đốc điều hành thương hiệu thời trang mang tên Gajungsic Fabric, công ty mà cô đã vận hành từ năm 2015, sản xuất ra những trang phục đơn giản và thoải mái. Cô đã sống khắp nơi ở Seoul trước khi định cư tại Seochon 5 năm trước. Mọi người nói rằng quần áo cômay ra “đậm chất Seochon”.

Kim Woo-Jung xuất thân ở Masan, tỉnh Gyeongsangnam-do và bắt đầu sống ở Seoul khi 20 tuổi và cho đến nay cô đã chuyển nhà gần 20 lần. Là một nhà thiết kế thời trang, cô đã xây một phòng làm việc ở Seochon vào 5 năm trước và kết duyên với khu phố này. Năm ngoái, cô chuyển đến một ngôi nhà có thể nhìn thấy núi Inwang và đang tận hưởng cuộc sống ở Seochon.

'“Làm” cơm, “làm” quần áo, “làm” nhà. Trong tiếng Hàn, người ta sử dụng cùng một động từ “jit-da” (짓다) để nhắc đến ba thứ thiết yếu cho cuộc sống con người: ăn, mặc, ở (động từ “ jit-da” là từ đồng âm khác nghĩa, diễn tả các hành động như nấu (cơm), may (quần áo), xây (nhà) – chú thích của người dịch). Điều này có thể là do nó đều biểu đạt được rằng người Hàn đều xem trọng sức khỏe và sự thoải mái. Đó là mong muốn ăn bữa cơm này và sống thật khỏe mạnh; mong mặc lên những bộ quần áo này và thấy thật thoải mái; mong được hạnh phúc trong ngôi nhà này. Đó chính xác là cảm giác của giám đốc điều hành Gajungsic Fabric - cô Kim Woo-Jung - khi may quần áo. Giống như dòng chữ “Gajungsic Baekban” được dán trước cửa những nhà hàng khiến cho chúng ta nhớ đến những bữa ăn gia đình mang hương vị mẹ nấu, cái tên “Gajungsic Fabric” khiến chúng ta cảm giác như áo quần ở đây được may cho người nhà.

“Cơm nhà thì nhẹ bụng mà. Giống như cơm nhà vốn dùng ít gia vị công nghiệp và được nấu từ nguyên liệu tươi ngon, chúng tôi may nên những bộ áo quần đẹp đẽ mà dù mặc nhiều lần và dùng thật lâu bạn cũng không thấy chán. Tôi đã học về thời trang trong một thời gian dài, làm việc cho một công ty may mặc và sử dụng tất cả các loại chất liệu làm từ sợi tổng hợp, và cuối cùng tôi thấy chất liệu tự nhiên là tốt nhất.”

Chất liệu tốt

Giám đốc Kim hứng thú với quần áo từ khi còn nhỏ, sau khi theo học chuyên ngành thời trang tại trường đại học, cô đã trở thành nhà thiết kế thời trang trong 10 năm tại một công ty sản xuất quần áo trẻ em và phụ nữ. Mệt mỏi vì cuộc sống quá khốc liệt, cô quyết định nghỉ việc sau khi trở về từ chuyến du lịch dài ba tháng để tạm thời nghỉ ngơi. Đó là bởi vì cô chợt nghĩ đến dáng vẻ của bản thân mà chính mình đã quên mất đi. Thỉnh thoảng khi cô thấy chán cuộc sống công sở ngột ngạt, cô tự tay may quần áo để mặc. Sau khi nghỉ việc ở công ty, côcó thể tập trung vào công việc mà mình yêu thích. Gajungsic Fabric đã ra đời như vậy vào năm 2015.

“Tôi muốn may quần áo một cách chậm rãi và cẩn trọng hơn một chút trong xã hội hiện đại, nơi mà mọi thứ được tạo ra quá dễ dàng và thừa mứa. Các công ty may mặc phải chú ý đến doanh số bán hàng và quản lý hàng tồn kho, và những chi phí đó được tính vào trong giá bán. Mục tiêu là tạo ra nhiều chất liệu rẻ hơn và kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Tôi muốn tiếp cận một cách từ từ, ở lại lâu, và kết nối sâu sắc ngay cả với một số ít người. Tôi tin rằng nếu bạn chọn quần áo mà tưởng tượng đến việc ai đó đã may ra nó với biết bao tâm huyết, cảm xúc này sẽ ảnh hưởng đến cách bạn mặc trang phục ấy.”

Giám đốc Kim mở công ty sản xuất vải tại gia như thể tạo ra những món đồ thủ công mỹ nghệ không phải để kiếm tiền mà là để duy trì sở thích may quần áo Vì vậy, cô không tiếc chi phí cho vật liệu. Cũng như tầm quan trọng của nguyên liệu khi nấu ăn, chất liệu cũng là điểm mấu chốt trong may mặc. Cô đặc biệt thích chất liệu vải lanh và cotton. Kim Woo-Jung gợi ý mặc vải lanh vào mùa xuân và hè, cô đã mặc váy làm bằng vải lanh suốt hơn nửa năm. Bởi vì chất liệu này “có độ rũ tự nhiên, càng mặc sẽ càng ôm vào người”. Dù không kiếm được nhiều tiền, cô vẫn tự chi trả chi phí đi lại để chu du khắp nơi tìm chất liệu vải tốt.

Toàn cảnh showroom của Gajungsic Fabric được sắp xếp tại Đài tưởng niệm Shin-a, Jeongdong, Seoul cách đây không lâu. Kim Woo-Jung nghĩ rằng quần áo không chỉ giữ ấm cơ thể mà còn sưởi ấm cho tâm hồn, hy vọng những bộ quần áo được may bằng cả tấm lòng sẽ tạo sự thoải mái trong cuộc sống hàng ngày của khách hàng và đồng hành cùng họ trong một thời gian dài.

Khi đi công tác với tư cách là nhân viên công ty, cô chỉ quan tâm đến tính hiệu quả bằng cách nắm bắt xu hướng. Bởi vì sản xuất nhanh chóng, bán đi mau lẹ, sớm bị quên lãng đi cũng chẳng sao. Nhưng bây giờ, vì làm việc một mình nên chậm và khó khăn lắm mới tìm được chất liệu tốt. Vì vậy, không còn cách nào khác là phải làm ít đi. “Khi chất liệu tốt và một bản thiết kế tối giản gặp gỡ nhau sẽ tạo ra một bộ quần áo có thể mặc được lâu dài”, người phụ nữ tự tin ấy vô cùng hài lòng với triết lý kinh doanh của bản thân, “làm ít đi một chút để bán hết mà không để thừa”.

Các tác phẩm thủ công mỹ nghệ được đặt trên kệ trưng bày. Kim Woo-Jung hợp tác với các thợ thủ công mỹ nghệ hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thủy tinh, đồ gốm, kim loại, da và tổ chức triển lãm định kỳ tại đây. Nhiều người trong số họ là các tác giả đang làm việc ở Seochon.

Cuộc sống ở Seochon

Hầu hết khách hàng đều là khách quen lâu năm. Nhiều người trong số họ là những vị khách lặng lẽ và kín đáo. Có nhiều trường hợp cả mẹ và con gái đều trở thành khách hàng sau khi con gái mặc những quần áo mà mẹ đã từng mặc. Giám đốc Kim nói rằng “Thật là vui sướng làm sao khi các thế hệ khác nhau đều yêu thích quần áo của tôi vì chúng không chạy theo trào lưu”. Có rất nhiều khách hàng ngắm đồ và đặt hàng trên blog hoặc website đã lâu của công ty, nhưng số lượng khách hàng muốn trực tiếp đến và cảm nhận chất liệu đã tăng lên nên mới đây cô đã mở một showroom ở Jeongdong.

Tên tuổi Gajungsic Fabric được phổ biến qua truyền miệng, thỉnh thoảng được nghe nói rằng nó trông “rất Seochon”. Rốt cuộc một bộ quần áo trông “rất Seochon” là như thế nào? “Là những bộ quần áo trông thật tự nhiên. Bạn có thể mặc nó mà đi dạo quanh xóm hay thậm chí là đi đến bảo tàng. Nó không quá lộng lẫy, nhưng cũng không hề xuề xòa. Vì quần áo là những thứ gần gũi nhất với tôi nên tôi nghĩ nó nên khiến cho người mặc cảm giác ấm cúng . Tôi nghĩ thứ quần áo thoải mái, gọn gàng và ấm áp là thứ quần áo ‘rất Seochon’”.

Kim Woo-Jung hiểu rõ Seochon hơn bất cứ ai nhưng cô lại không phải là người gốc Seochon. Xuất thân từ Masan, Gyeongsangnam-do, cô bắt đầu sống ở Seoul khi vào đại học. Cô đã từng sống ở hơn 10 quận ở khu vực Seoul, từ Yongsan-gu đến Jongno-gu. Cô đã đến Seochon khoảng 5 năm trước. Đã từng sống ở nhiều nơi tại Seoul và rồi quyết định định cư tại Seochon, cô chia sẻ rằng “Sống ở đây rồi mới thấy, Seochon quả là một nơi thật tuyệt”. Ngôi nhà mà cô đang ở là ngôi nhà thứ 18 cô sống ở Seoul và là ngôi nhà thứ ba sau khi kết hôn. Đây là một căn nhà thông tầng, nằm trên tầng ba và tầng bốn của tòa nhà thương mại gần đường lớn. Tôi đã chọn căn nhà này luôn vì ngay khi mở cửa, tôi đã bị hớp hồn bởi phong cảnh núi Inwang và ánh nắng mặt trời chiếu từ bốn phía vào trong nhà ở phía bên kia cửa sổ lớn.

“Ở Seochon này, quá khứ và hiện tại đan xen vào nhau. Nếu đi ra khỏi đây một chút bạn sẽ thấy những tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố, nhưng bên trong khu phố lại là những con hẻm thân thuộc giống như quê nhà mà ta từng rong chơi khi còn nhỏ. Bên trong con hẻm, những ngôi nhà mang phong cách hiện đại và truyền thống cùng tồn tại. Seochon chính là nơi vừa có những bà cụ phơi ớt bên lề đường ngập nắng lại vừa có những người trẻ thời thượng. Khác với các khu vực thương mại như Myeongdong hay Gangnam, sức hút của Seochon chính là tạo cảm giác con người ta được là chính mình.”

Trên sân thượng, nơi có thể nhìn ra núi Inwang, có nhiều loại cây khác nhau được trồng bởi người chồng yêu thích việc làm vườn. Kim Woo-Jung thường ngắm cảnh hoàng hôn của ngôi làng Seochon ở đây vào lúc mặt trời lặn.

Cuộc sống thuận hòa với thiên nhiên

Seochon là nơi lưu giữ dấu vết của thời gian lẫn hương vị của cuộc sống thường nhật, là nơi tuổi tác lẫn sự già nua được xem là đức hạnh. Sự kề cận với thiên nhiên, với khả năng phục hồi của nó, cũng là một phước báu.

“Ở đây không có nhà cao tầng mà chỉ có những khu phố thâm thấp nên ta có thể nhìn thấy núi Inwang từ xa. Seochon là trung tâm của Seodaemun, nhưng nếu đi ra xa một chút ta sẽ thấy thung lũng Suseong-dong và đài quan sát nhìn xuống toàn bộ Seoul. Bạn có thể nhìn thấy cuộc sống đô thị từ những người đang lao động vất vả ngay trong nháy mắt, cách đó chỉ một bước chân. Cảm giác như được nạp năng lượng và tái tạo tinh thần. Đó là lí do vì sao tôi rất thích Seochon.”

Khi câu chuyện về khu phố đang hồi rôm rả, một con chim ác là bay lên cây ngân hạnh trước cửa sổ rộng lớn của phòng khách.

“Đó là mấy con chim ác là đã xây tổ trên cái cây ấy trong mùa xuân này. Hai chú chim hợp sức lại với nhau và liên tục gom nhặt các cành nhánh từ khắp nơi, rốt cuộc chúng lấy từ đâu ra vậy? Làm tổ rồi lại làm rơi xuống nên dưới gốc phủ đầy những nhánh cây.”

Quá trình cải tạo và trang trí nhà cửa của vợ chồng Kim Woo-Jung cũng không khác gì những chú chim. Chồng cô, Jung Young-min, người vừa từ bỏ công việc thành công là quảng cáo marketing và bắt tay chuẩn bị cho cuộc sống mới, đã sửa chữa mọi ngóc ngách trong căn nhà. Kim Woo-Jung sơn tường, chọn và thay đổi màu của cửa và tủ âm tường. Những món đồ bà sưu tầm được trong những chuyến công tác châu Âu rất hữu ích khi ông dùng nó để thay thế đèn, tay nắm cửa, tay cầm. Họ trải thảm và bố trí các đồ nội thất sao cho cùng tông mà họ đã cùng nhau lựa chọn tại các cửa hàng vintage. Trong khu vườn nhỏ trên sân thượng, các loại cây như phong quỳ thảo nở hoa cho đến khi sương giá xuống, bạc hà táo khi chạm vào lá có mùi thơm, hoa baby hoang dã và ngải sa tanh cùng những cây cỏ đuôi chồn to lớn,... đều đang  phát triển. Sau khi chuyển nhà gần một năm, dù chậm nhưng quá trình tu sửa và chăm sóc nhà cửa giống hệt như cách cô may quần áo.

Khung cảnh gác xép tầng hai của căn nhà. Chồng của cô đã trực tiếp sơn tường và làm đồ nội thất. Khắp mọi ngóc ngách đều được trang trí bằng những món đồ cổ mà hai vợ chồng đã sưu tầm từ lâu. Hai vợ chồng tận dụng nơi này như một không gian sinh hoạt chung với những người hàng xóm.

Cô đặt một bức tranh nhỏ có tên “Những hòn đá trên núi Inwang” của nghệ sĩ Sue Oh trước cửa sổ phòng khách. Bức tranh của tác giả Ko Jiyoung sơn màu vàng bơ mang lại cảm giác ấm áp được treo trên tường phòng khách. Con búp bê đặt trong tủ là tác phẩm của nghệ sĩ đan tay Bosong Kang . Tất cả họ đều là những nghệ nhân của Seochon được biết đến với gu thẩm mỹ tương tự nhau.

“Tôi đã ngưỡng mộ một nghệ nhân thổi thủy tinh từ lâu, nhưng hóa ra anh ấy sống ở Seochon. Khu phố này toàn những người theo đuổi đam mê theo cách riêng của họ. Chúng tôi có gu thẩm mỹ giống nhau, và tác phẩm của họ cũng hợp với quần áo tôi may nên thỉnh thoảng, tôi trình diễn tác phẩm của họ ở một góc của phòng trưng bày. Chồng tôi, người thích chơi đàn ukulele và làm mộc, đã trang trí căn gác xép trên tầng bốn để chúng tôi có chỗ tọa đàm về sách vở và họp mặt văn hóa. Chúng tôi sống và chia sẻ văn hóa, kinh nghiệm với hàng xóm láng giềng trong khu phố như chia sẻ thức ăn vậy.”

Một cuộc sống thường nhật nơi bạn được làm những việc mình thích, gặp gỡ những con người tử tế, hỗ trợ lẫn nhau và đôi khi được an ủi bởi thiên nhiên. Điều này có thể thực hiện được vì chúng tôi sống ở Seochon.

Cho Sang In – Nhà báo nghệ thuật
Dịch. Phạm Hương Giang

전체메뉴

전체메뉴 닫기