메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features > 상세화면

2018 WINTER

CHUYÊN ĐỀ

K-Beauty:
Ngành công nghiệp nở hoa và Mỹ học Hàn Quốc
CHUYÊN ĐỀ 2Ý thức thẩm mỹ của phụ nữ trong tranh cổ

Mới thoạt suy nghĩ thoáng qua thì Vẻ đẹp Hàn Quốc hiện đại “K-beauty” có vẻ mang ít nhiều khoảng cách với quan điểm thẩm mỹ và giá trị quan truyền thống Hàn Quốc. Tuy nhiên gần đây, nếu nhìn vào hình ảnh thế hệ trẻ trong trang phục hanbok dạo chơi nơi cố cung, có lẽ ta không thể nói rằng giữa truyền thống và hiện đại hoàn toàn không có sự liên hệ nào. Trong phạm vi vấn đề này, những bức bích họa trên tường của mộ cổ thời kỳ Goguryeo (37 TCN–668) và tranh phong tục hậu kỳ Joseon (1392–1910) là những minh chứng tuyệt vời có thể kiểm chứng bằng thị giác về ý thức thẩm mỹ truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc.

Một phần bức bích hoạ trên mộ cổ Muyongchong, thế kỷ thứ 5 thời Goguryeo, nằm tại vùng Thông Hoá tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Hai cô gái nhỏ nhắn, gương mặt tròn trịa đang phục vụ thức ăn và trà, cuốn hút một cách rất tự nhiên.

Trên những bức bích hoạ trong mộ cổ Goguryeo từ thế kỷ thứ 4 đến thứ 6 xuất hiện nhiều hình ảnh người phụ nữ. Những nhân vật phụ nữ được miêu tả ở đây rất đa dạng, từ hoàng hậu và quý tộc, đến vũ công, nhạc công và tỳ nữ… Trong số những nhân vật này, ngoại trừ Hoàng hậu và các cung nữ được vẽ trên Mộ cổ số 3 Anak tại tỉnh Hwanghaenam-do của Bắc Hàn, những người còn lại rất hiếm thấy ai có thân hình mập mạp. Những phụ nữ trên tranh bích hoạ này chủ yếu có chiều cao khiêm tốn, thân hình nhỏ nhắn, và gương mặt bầu bĩnh.
Có một điều thú vị rằng, mặc dù những phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu xuất hiện trong các bức bích hoạ này mặc trang phục xa hoa và tư thế sang trọng, nhưng lại không được vẽ một cách đẹp và quyến rũ như vậy. Những hoạ sĩ đương thời, ngược lại, tập trung miêu tả hình ảnh người phụ nữ thuộc tầng lớp bình dân hay những cô bé gái ít tuổi một cách nổi bật hơn. Và những hình ảnh này được thể hiện như khuôn mẫu cho vẻ đẹp lý tưởng của người phụ nữ Goguryeo, như tiên nữ giáng trần hay thần Nhật Nguyệt.

Miss Goguryeo
Trong số những người phụ nữ này, ta có thể bắt gặp “hoa hậu Goguryeo” trong bức bích hoạ trên ngôi mộ cổ Muyongchong (Ngôi mộ của Vũ công) tại khu vực Tonggou (Thông Hóa), tỉnh Cát Lâm nằm ở phía đông bắc Trung Quốc vào thế kỷ thứ 5. Hai nhân vật nữ chính là hai người con gái đang đi ra từ phía cửa bếp, trên tay bưng bàn ăn và bàn trà. Cô gái phía trước bê một chiếc bàn trà nhỏ đang rảo bước chạy, theo sau là cô gái bưng chiếc bàn lớn hơn chút. Chiếc áo khoác ngoài của họ có hình dáng của áo durumagi, màu trắng và đỏ với hoạ tiết hình giọt nước màu đen. Bên dưới lộ ra chiếc quần đỏ và chiếc váy xếp ly trắng, dưới chân là đôi dép hình chiếc tất beoseon. Đây là trang phục rất hợp thời lúc bấy giờ. Hai cô gái có đôi chân khoẻ khắn và chiều cao khiêm tốn, trên gương mặt tròn trịa là vẻ mặt chất phác, giản dị. Nhìn kiểu tóc búi cao và buộc phía ra sau có thể đoán được hai cô gái trong độ tuổi từ 15 đến khoảng ngoài 20, cả hai đều mang vẻ đẹp khoẻ khoắn.
Khi tôi có dịp tham gia vào nghiên cứu khoa học về những bức bích hoạ chung của Nam–Bắc Hàn vào tháng 5 năm 2006, tôi đã có dịp được nhìn thấy thiếu nữ Goguryeo trên bức bích hoạ của mộ cổ Susan-ri ở Pyongyang (Bình Nhưỡng). Cô gái có gương mặt trong sáng ấy chính là tỳ nữ đang đứng che ô cho phu nhân khi gia đình chủ mộ đi xem xiếc. Bức bích hoạ bị hư hỏng nặng nên không thể nhìn rõ, nhưng gương mặt thon dài hình trứng của cô gái không khác gì mỹ nữ của thời nay. Vẻ đẹp mỹ miều ấy như bông hoa bầu trắng nở rộ giữa đêm trăng. Nhìn hình ảnh của cô gái này, tôi có thể suy đoán rằng thời bấy giờ, người Goguryeo đặt ra tiêu chuẩn vẻ đẹp lý tưởng của người phụ nữ là vẻ đẹp mềm mại và nhẹ nhàng.
Có thể nói rằng, đằng sau khí phách của những người đàn ông Goguryeo gây dựng nên đế chế hùng mạnh Đông Bắc Á, luôn tồn tại những người phụ nữ. Trong số những người phụ nữ nổi tiếng mạnh mẽ của thời đại Goguryeo, phải kể đến Yuhwa – thân mẫu của Jumong, người sáng lập vương triều Goguryeo; Soseono – hoàng hậu của Jumong; nàng công chúa Pyeonggang sẵn sàng kết hôn cùng chàng trai thường dân Ondal; Yeon Gaesoyeong và Yeon Gaesojin – hai người con gái can đảm của tướng quân Yeon Gaesomun đã trực tiếp tham gia vào trận chiến với nhà Đường… Với những lý do này, người phụ nữ Goguryeo luôn được đánh giá là mạnh mẽ kiên cường, nhưng trong tranh bích hoạ, họ lại được miêu tả thật thanh lịch qua những nét vẽ và màu sắc tinh tế, mềm mại.

“Tết Đoan Ngọ” của Shin Yun-bok (1758–1814). Cuối thế kỷ 18, mực và màu trên giấy 28, 2 x 35,6 cm.Bức tranh phong tục này của Shin Yun-bok, một hoạ sĩ hậu kỳ Joseon, miêu tả những cô gái đang chơi rất vui vẻ và uyển chuyển trong ngày tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch ). Bảo vật Quốc gia số 135.

Một phần bức bức hoạ trên mộ cổ Susan-ri, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 5 và hiện giờ thuộc Bình Nhưỡng. Bức tranh miêu tả một nữ tỳ rất đẹp và trong sáng đang che ô cho phu nhân.

Những cô gái với trang phục “hai mảnh”
Trên bức bích họa của ngôi mộ Ssangyeongchong (Ngôi mộ Cột Đôi) của thành phố Nampo và mộ Susan-ri thuộc quận Gangseo, tỉnh Pyongannam-do được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 5, đầu thế kỷ thứ 6, hình ảnh những cô gái được vẽ bằng những nét vẽ mảnh mai và mềm mại hơn rất nhiều so với những thời đại trước đó. So với những cô gái ở vùng Thông Hóa, họ mang trang sức và trang điểm rất nổi bật và sành điệu. Sự thay đổi này cũng thể hiện rõ trong trang phục. Chiếc váy xếp ly và chiếc áo khoác ngoài durumagi họ mặc xòe rộng xuống theo hình thang cân, với hình dáng chữ A thẳng tắp, thể hiện một vẻ đẹp đơn giản.
Trang phục thời Goguryeo nổi bật lên sự tối giản. Đặc biệt là quần áo của người phụ nữ thường dân vừa chất phác, đường nét vừa trang nhã, phô bày vẻ đẹp của trang phục thường ngày. Viền cổ, tay áo và chỗ khoét nách của áo jeogori và áo khoác ngoài durumagi được may viền đen hoặc viền khác màu với áo, ở eo có dây buộc. Ngoài những kiểu váy kẻ sọc, các màu dành riêng cho quý phu nhân của tầng lớp thượng lưu, đa số váy xếp ly đều có màu trắng. Phía dưới gấu váy, một số trường hợp có những đường kẻ nhiều màu.
Trang phục của người Goguryeo, về cơ bản, cả nam và nữ đều bao gồm quần vào áo khoác jeogori, phụ nữ phần đông sẽ mặc váy xếp ly phủ ra bên ngoài quần và áo khoác ngoài dài trùm qua mông.

Quần và áo, nghĩa là gồm “hai mảnh”, trong lịch sử phục trang thế giới chính là trang phục thường ngày thuận tiện nhất, và là thời trang phổ biến nhất thời kỳ hiện đại. Ở Hàn Quốc, áo và quần vì được du nhập từ phương Tây nên khái niệm “hai mảnh” (two pieces) được xem là yangbok (“Âu phục”), tuy nhiên thực ra trong lịch sử mỹ thuật thế giới, trang phục này lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ tư, trên những bích họa trong mộ cổ Goguryeo. Vì thế khi nói đến nguồn gốc của thời trang “hai mảnh”, phải nói rằng người Goguryeo chính là ông tổ của trang phục này.
Trang phục hai mảnh của người Goguryeo là thời trang kết hợp màu sắc khác nhau ở trên và dưới. Váy trắng kết hợp một cách sành điệu cùng áo khoác màu đỏ rượu hoặc hồng hay táo bạo hơn là màu tím đậm. Truyền thống trang phục trên dưới mang màu sắc khác nhau, vừa nuôi dưỡng cảm giác về màu sắc, vừa có thể nói đó là nguyên nhân chính cho sự phát triển kỹ thuật nhuộm và dệt vải. Nhìn bức tranh thần Nhật Nguyệt trên ngôi mộ cổ Ohoebun số 4, so với trang phục của thần Mặt trời – tay áo khoác màu nâu và chiếc váy vàng, chiếc áo có ống tay màu đỏ và váy xanh lục của thần Mặt trăng thật vô cùng sặc sỡ. Sự kết hợp sắc màu tương phản này được sử dụng rất nhiều trong tranh bích họa Tứ thần thời hậu kỳ Goguryeo, và có thể nói đó cũng là đại diện cho tinh thần màu sắc của người Hàn Quốc.
Trang phục trên bích họa trong mộ cổ thời Goguryeo chính là nguyên mẫu của hanbok được được hoàn thiện vào hậu kỳ Joseon và truyền đến ngày nay. Những di tích về phục trang của thời kỳ Silla (37 TCN–935) và Goryeo (918–1932) còn rất hiếm do đó khó có thể kiểm chứng một cách chi tiết quá trình biến đổi từ sau thời kỳ Goguryeo, tuy nhiên, ở thời Joseon, về cấu tạo cơ bản vẫn bao gồm “hai mảnh” là quần và áo jeogori, kết hợp màu sắc khác nhau giữa áo và quần tiếp tục được kế thừa từ truyền thống Goguryeo. Chỉ có một thay đổi, đó là, khi bước vào hậu kỳ Joseon, độ dài của áo khoác ngoài ngắn đi rất rõ rệt. Đồng thời về màu sắc, có sự ưu tiên lựa chọn việc kết hợp màu mạnh xanh đỏ sặc sỡ cho lễ phục, và xanh chàm nhạt cho màu sắc trang phục thường ngày.

Những cô gái xuất hiện trong tranh của Shin Yun-bok (1758–1814) là được mệnh danh là “thế hệ mới” dẫn dắt trào lưu thời trang đương thời. Đầu thế kỷ 19, sự kết hợp giữa màu sắc và hình dáng của chiếc váy xanh lam hợp mốt cùng chiếc áo khoác ngoài jeogori màu trắng có những nét tương đồng với trang phục sành điệu của những cô gái Paris cùng thời đại.

Bản năng mưu cầu cái đẹp
Tranh phong tục thời hậu kỳ Jeoson được chia làm hai dòng. Nếu tranh phong tục thế kỷ 18 tập trung vào lao động xã hội nông nghiệp, thì đầu thế kỷ 19 lại thể hiện sự tương phản một cách rõ rệt, đó là những bức tranh về việc ăn chơi chốn đô thị. Trong tranh phong tục về lao động chủ yếu xuất hiện hình ảnh người phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế hoặc lao động việc nhà, còn tranh phong tục về giải trí thì tập trung vào những người phụ nữ đang đi dạo hoặc vui chơi. Đại diện tiêu biểu nhất cho hai trường phái này chính là tranh của Kim Hong-do (1745–1806) với “Tuyển tập tranh phong tục” – đại diện cho loại tranh thứ nhất, và “Tranh mỹ nhân”, “Tuyển tập tranh phong tục” của Shin Yun-bok (1758–1814) – đại diện cho loại tranh thứ hai. Hai hoạ sỹ miêu tả rất tỉ mỉ kiểu dáng trang phục, cách ăn mặc và phân chia các tầng lớp qua các thời kỳ.
Trong số những bức tranh phong tục này, đặc biệt nếu nhìn những bức vẽ của triều đại Joseon từ thời vua Sukjong (Túc Tông, trị vì 1674–1720) đến thời vua Sunjo (Thuần Tổ, trị vì 1800–1834), ta có thể cảm nhận được hình ảnh nỗ lực khám phá vẻ đẹp của bản thân trong cuộc sống hàng ngày, hoàn toàn khác xa với hình tượng người phụ nữ Joseon luôn kín đáo và lệ thuộc vào chế độ gia trưởng. Ý thức thẩm mỹ của người phụ nữ hậu kỳ Joseon trái ngược với quy tắc và lễ nghi Khổng giáo cuả xã hội lấy tầng lớp quý tộc đương thời làm trung tâm. Chi tiết về chiếc váy kéo cao, buộc tới eo, lộ ra chiếc quần bên trong màu trắng cho thấy khoảng cách khá xa với quan niệm trinh tiết bị ép buộc đối với phụ nữ thời bấy giờ. Thậm chí họ còn mặc trang phục coi thường chế độ phân biệt tầng lớp, hoặc không tuân theo lệnh vua cấm sử dụng búi tóc giả gaje.
Thêm nữa, một số phụ nữ trong những bức tranh còn cố gắng để lộ đường cong cơ thể phía trên bằng chiếc áo jeogori bó chặt, và che phủ phần dưới cơ thể lại bằng những chiếc váy phồng lên một cách cồng kềnh nhiều tầng lớp. Họ rất yêu thích phong cách làm nổi bật cơ thể với phần trên mảnh khảnh và phần dưới nở nang. Hình dáng ấy làm ta liên tưởng đến dáng hình của những “bình gốm mặt trăng” Beakja vào hậu kỳ Joseon. Điều thú vị là thẩm mỹ kiểu dáng siết chặt phần trên và nhấn mạnh vào sự nở nang của phần dưới có điểm tương đồng với thời trang phụ nữ được thịnh hành tại châu Âu thời đó.
Màu sắc cơ bản trong trang phục thường ngày được yêu thích của phụ nữ thời hậu kỳ Joseon là màu xanh dương. Kiểu dáng của trang phục có thể cho thấy sự khác biệt về tầng lớp, nhưng về màu sắc, bất kể tầng lớp nào, thì màu nước xanh dương, với các sắc thái từ xanh ngọc nhạt tới xanh lam đậm, vẫn chiếm ưu thế. Có thể tìm thấy minh chứng cho điều này qua trang phục phụ nữ xuất hiện trong hơn 30 bức tranh của “Tuyển tập tranh phong tục” của Shin Yun-bok. Theo kết quả phân tích màu sắc quần áo phụ nữ xuất hiện trong tuyển tập này, trong tổng số 70 người thì có 52 người mặc quần áo được nhuộm nhóm màu xanh dương, chiếm 74%.
Việc yêu thích sự kết hợp áo khoác trắng và váy xanh dương (cheonghwa baekja) thể hiện rõ trong ý thức thẩm mỹ của cuộc sống hàng ngày. Sự phối màu trắng xanh phảng phất trong gốm sứ Beakja, gốm nền trắng được vẽ hoạ tiết xanh cô-ban, rất thịnh hành thời kỳ đó. Phải chăng điều này có nguồn gốc từ bản tính của người Joseon, yêu quý bầu trời thu trong vắt với những đám mây trắng bồng bềnh? Ngoài ra, tuy số lượng không nhiều nhưng sự phối màu áo jeogori vàng và váy đỏ, váy xanh lam với áo hồng hay áo xanh lục nhạt, áo sắc tím... cũng là sự kết hợp đầy cá tính dễ nhận thấy.

“Mỹ nhân đồ” của Shin Yun-bok, hậu kỳ Joseon, mực và màu trên lụa, 114 x 45,5 cm.Thể hiện ý thức thẩm mỹ của tác giả, bức chân dung này là hình ảnh thiếu nữ đang làm dáng với gương mặt hơi cúi xuống thanh tú. Trang phục cho thấy cô gái này thuộc tầng lớp thượng lưu, cô là hiện thân của vẻ đẹp lý tưởng truyền thống Hàn Quốc. Bảo vật số 1973.

Cá tính nổi trội trong sự đơn giản
Những phu nhân của tầng lớp quý tộc yangban thời kỳ Joseon mặc những chiếc áo khoác trắng nhưng có cổ áo, tay áo và hai bên hông có viền được phối màu khác nhau. Những chiếc áo này được gọi là samhoejang jeogori (“jeogori ba màu”), trường hợp chỉ có viền cổ và tay áo có sọc màu gọi là banhoejang jeogori (“jeogori hai màu”) và nếu không có trang trí gì thì gọi là min jeogori (“jeogori trơn”). Những chiếc áo jeogori kết hợp màu sắc một cách tươi sáng của gam màu lạnh trắng xanh làm nổi bật cá tính và sự mộc mạc giản dị. Những đồ trang sức tô điểm thêm cho chiếc áo như norigea, hoa cài, trâm cài tóc binyeo, cặp tóc, dép... góp phần cho chiếc áo jeogori thêm phần trang nhã.
Áo “jeogori ba màu” của phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu hiếm thấy xuất hiện trong tranh phong tục. Trong tuyển tập của Shin Yun-bok, chỉ ba người phụ nữ mặc áo “jeogori ba màu” này. Họ là những phụ nữ thuộc tầng lớp Yangban, còn lại những phụ nữ mặc trang phục “jeogori hai màu” và “jeogori trơn” đa số là kỹ nữ gisaeng, hoặc là những người thuộc tầng lớp bình dân.
“Mỹ nhân đồ” của Shin Yun-bok phô bày những nét đẹp mỹ miều của phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu hậu kỳ Joseon và xứng đáng trở thành đại diện của phụ nữ Hàn Quốc trước thời cận đại. Có nhiều định kiến cho rằng đa số nhân vật chính trong tranh này là kỹ nữ, nhưng chiếc áo “jeogori ba màu” chứng tỏ họ được coi như những phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu. Ở lứa tuổi ngoài hai mươi, những cô gái này tóc chải đoan chính, trên tóc gắn những búi tóc giả buộc cao lên rất thời trang. Đặc biệt váy màu xanh lam kết hợp với áo jeogori samhoejang trắng và tía vừa đơn giản vừa sang trọng. Dây ruy băng màu tía trên tóc và dải màu bên hông màu đỏ càng làm nổi bật vẻ đẹp mỹ miều của cô gái. Đôi chân mang tất trắng, bước đi thoăn thoắt, lộ ra ngoài tấm váy rộng và đầu hơi nghiêng nghiêng làm duyên.
Những cô gái xuất hiện trong tranh của Shin Yun-bok chính là “thế hệ mới” tạo ra trào lưu thời trang đương thời. Đầu thế kỷ 19, những chiếc váy màu xanh lam thời thượng và chiếc áo jeogori màu trắng của họ cũng mang những điểm tương đồng với trang phục của phụ nữ Paris cùng thời.

100 năm sau là thời kỳ khó khăn với người Hàn Quốc. Nửa đầu thế kỷ 20, vì chịu ảnh hưởng của thời kỳ thuộc địa Nhật Bản và tiếp nhận văn hoá phương Tây, những người phụ nữ bỏ quên thẩm mỹ truyền thống và học theo những giá trị của người khác, thật khó thể hiện cá tính của riêng mình một cách rõ ràng.Nhưng cũng 100 năm sau nữa, đến nửa đầu thế kỷ 21, con cháu của những người phụ nữ ấy đã tạo nên một trào lưu bùng nổ trên phạm vi toàn thế giới, với tên gọi “K-beauty” ( Vẻ đẹp Hàn Quốc ). Chính vì lẽ đó thế hệ mới này mang đến khác biệt với thế hệ trước, tạo nên sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ, viết lên một trang mới trong lịch sử Hàn Quốc, với tên gọi “nhân loại mới”.

Lee Tae-hoGiáo sư thỉnh giảng Khoa Lịch sử nghệ thuật, Đại học Myongji Viện trưởng Viện Nghiên cứu tranh phong cảnh Seoul
Trần Phương AnhDịch.

전체메뉴

전체메뉴 닫기