메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

On the Road > 상세화면

2024 WINTER

JEONGSEON, TUYẾN DU LỊCH HOA TUYẾT TRÊN NỀN CÔNG NGHIỆP THAN XƯA

Jeongseon là một thị trấn đầy quyến rũ suốt bốn mùa nhưng du lịch mùa đông đặc biệt phát huy chân giá trị hơn cả. Bạn có thể làm bạn với tuyết trắng tinh khôi tương phản với bãi chứa than đen với cả những đám mây trên con đường đi bộ trekking, gặp gỡ chợ phiên Jeongseon diễn ra 5 ngày/lần có quy mô lớn nhất cả nước. Đây cũng là hình ảnh truyền thống đại diện cho những ngôi làng vùng núi Hàn Quốc.

Nếu không có huyện Jeongseon, tỉnh Gangwon-do, có thể đã không có một Hàn Quốc của ngày nay. Giai thoại về Lễ Khai trương Ga Hambaek vào ngày 09 tháng 3 năm 1957 sẽ giúp chúng ta hiểu được về vị thế của huyện. Buổi lễ ngoài sự tham dự của đại diện chính phủ Hàn Quốc là Bộ trưởng Bộ Giao thông Lee Jong-rim và Bộ trưởng Bộ Công thương Kim Il-hwan còn có các vị khách khác. Họ là Walter C. Dowling - Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc và Wang Dongyuan - Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc. Đến cả các vị đại sứ nước ngoài tại Hàn Quốc cũng tham dự lễ khai trương của một nhà ga nằm ở một khu vực hẻo lanh. Lý do của việc này là vì ý nghĩa của Ga Hambaek rất khác biệt.

Trái tim của ngành công nghiệp than

Ga Hambaek và tuyến đường sắt Hambaek chạy qua khu vực này vào thời điểm đó tuy cũng là phương tiện giao thông giúp người dân di chuyển, nhưng công dụng chính của nó là vận chuyển than. Ở Hàn Quốc nơi không sản sinh ra một giọt dầu, than đá là nguồn năng lượng không thể thiếu để sản xuất điện, vận hành nhà máy, trường học và sưởi ấm để tồn tại trong mùa đông khắc nghiệt. Jeongseon là nơi cung cấp năng lượng số 1 của Hàn Quốc từ những năm 1950 đến những năm 1980. Không ngoa khi nói rằng sự phát triển hiện tại có được là nhờ Jeongseon.

Jeongseon là trung tâm của các mỏ khai thác than tư nhân. Lúc đỉnh điểm, đã bùng nổ tới 36 mỏ than trong một thời gian dài bao gồm mỏ than tư nhân lớn nhất Hàn Quốc là vùng mỏ Dongwon, khu khai thác mỏ Sabuk cho đến vùng mỏ Samcheok, khu khai thác than Jeongam, mỏ than Jamiwon và mỏ than Muksan... Nhu cầu về than khổng lồ trên toàn quốc đã dẫn đến thời hoàng kim chưa từng có trước đây. Người ta nói rằng tuyến đường vàng tốt nhất cho taxi trong nước là ở Jeongseon Sabuk, và có thời nơi đây cũng là nơi có đại lý đồ gia dụng điện tử tự hào có doanh số bán hàng cao nhất. Nơi xuất phát của câu nói “Cả con chó chạy ngang qua cũng ngậm tờ 10.000 won chạy” cũng là nơi đây - Jeongseon.

Tên của chợ Gugongtan bắt nguồn từ hình ảnh than tổ ong có chín lỗ. Du khách có thể tìm thấy nhiều tác phẩm nghệ thuật với chủ đề than tổ ong và thợ mỏ ở khắp nơi trong chợ.

Tình hình thay đổi đột ngột vào khoảng giữa đến cuối thập niên 1980. Đây là thời điểm người ta dự kiến chi phí khai thác than sẽ ngày căng tăng và nhu cầu về than giảm xuống trong khi giá dầu ổn định. Cuối cùng, “chính sách hợp lý hóa ngành công nghiệp than” đã được đưa ra. Đó là biện pháp hướng đến việc đóng cửa các mỏ than không có lợi nhuận. Kết quả là, hầu hết trong số 347 mỏ than trên cả nước đã đóng cửa vào những năm 1990. Dù vậy, nhà máy khai thác Taebaek Jangseong cũng còn tồn tại và đóng cửa vào tháng 9 năm 2024, và nhà máy khai thác Samcheok Dogye cũng sẽ đóng cửa vào năm 2025. Sau đó, dự kiến sẽ chỉ còn lại một mỏ than ở Hàn Quốc, đó là mỏ than Samcheok Gyeongdong của tư nhân.

Mỏ than hồi sinh thành không gian nghệ thuật

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mỏ than hoàn toàn biến mất vào lịch sử. Khí chất độc đáo của người Hàn Quốc luôn biến khủng hoảng thành cơ hội đã thành công trong việc tái sinh cả những không gian đã bị bỏ hoang do công cuộc chuyển đổi của công nghiệp trong hình hài mới. Samtan Art Mine chính là một ví dụ điển hình.

Samtan là tên gọi tắt của Samcheok Tanjwa (vùng mỏ Samcheok), và “Art” là nghệ thuật theo đúng nghĩa đen của nó. Người ta đã biến nhà máy khai thác Samcheok Tanjwa cơ sở Jeongam đóng cửa sau gần 38 năm hoạt động từ năm 1964 đến tận năm 2001 thành một không gian nghệ thuật. Điều độc đáo là dấu tích của ngành công nghiệp xưa được bảo tồn tối đa và khoác lên trên đó lớp áo khoác nghệ thuật. Đó là lý do tại sao nơi đây được đặt tên là Art Mine.

Samtan Art Mine là cơ sở nghệ thuật về khai thác mỏ đầu tiên ở Hàn Quốc đã biến cơ sở vật chất và trang thiết bị của vùng mỏ Samcheok từng hoạt động từ năm 1964 đến năm 2001 thành không gian văn hóa và nghệ thuật.

Địa điểm đầu tiên để tham quan là tòa nhà chính của Trung tâm Nghệ thuật Samtan, nơi vốn được dùng làm khu văn phòng tổng hợp thời Samcheok Tanjwa. Đầu tiên là phòng tắm chung gây cảm giác choáng ngợp. Đây là một phòng tắm lớn có thể chứa được 1.000 thợ mỏ sử dụng một lần. Vòi hoa sen trên trần nhà có thể phun nước theo cả bốn hướng cùng một lúc. Bên dưới là một loạt các tác phẩm nghệ thuật và ảnh đương đại được trưng bày. Và ở một bên là triển lãm ảnh những người thợ mỏ đã khai thác than ở một mỏ khác cho đến tận gần đây.

Phòng rửa giày nơi rửa sạch những đôi giày bảo hộ nhuốm màu đen, phòng giặt quần áo bảo hộ và phòng vận hành tổng hợp, quản lý tất cả thiết bị máy móc cũng đã biến thành phòng trưng bày. Cũ và mới, các trang thiết bị công nghiệp và các tác phẩm nghệ thuật hòa quyện với nhau ở một nơi tạo nên bầu không khí độc đáo. Ở một phía có cả bảo tàng trưng bày quá khứ như một thước phim của vùng mỏ Samcheok cho thấy những công cụ khai thác, hình ảnh và vật liệu thực tế từ thời điểm đó.

Ở tòa nhà phía sau tòa chính có Rail by Museum. Nơi đây có tòa tháp bằng thép thô và nặng nề cao 53m có thể nhìn thấy từ lối vào của Samtan Art Mine. Có hai tời nâng theo chiều dọc được lắp đặt bên trong. Tời nâng là một loại thang máy công nghiệp được các thợ mỏ sử dụng để nâng than đã khai thác lên mặt đất hoặc sử dụng khi lên xuống lò giếng mỏ hầm lò có chiều thẳng đứng. Thiết bị này có thể vận chuyển 400 thợ mỏ một lúc và 20 tấn than cứ mỗi bốn phút.

Lò giếng mỏ hầm lò theo trục thẳng đứng có đường kính 6m ngay bên dưới tời nâng đi vào bóng tối đen như mực sâu thẳm tới mức không thể đo được. Theo lời người giám tuyển, độ sâu của lò giếng lên tới 653m từ bề mặt xuống lòng đất. Tháp Lotte World ở Seoul cao nhất ở Hàn Quốc có độ cao 556m. Tháp Thượng Hải ở Trung Quốc cao 632m, Abraj Al Bayt ở Mecca, Ả Rập Xê Út cao 601m và tháp Eiffel ở Paris, Pháp cao 324m. Phải đến lúc nghe những điều này, chúng ta mới có thể mường tượng được độ sâu của lò giếng mỏ hầm lò. Đứng trước lò giếng ta như cảm nhận được địa nhiệt, độ ẩm khủng khiếp, và cả nỗi sợ hãi bất tận mà những “chiến binh công nghiệp dưới lòng đất” đã xây dựng Hàn Quốc ngày nay hẳn đã trải qua.

Các xe goòng và băng tải nhìn như thể sắp di chuyển trên đường ray và khung thép, dây cáp thép trong lò giếng... vẫn được bảo tồn nguyên hình ảnh lúc còn hoạt động trong hệ thống toàn vẹn của thời xưa. Không gian có thể cảm nhận tốt nhất không khí trước đây của mỏ Jangam vùng mỏ Samcheok này đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật khổng lồ mang lại sự cảm động tuyệt vời.

Và trong một ngày không xa, một không gian tương tự khác sẽ ra đời. Đó là Công viên Văn hóa Mỏ than Sabuk được xây dựng trong mỏ than Dongwon cũ. Được biết, công việc đang được đẩy nhanh với mục tiêu khai trương vào nửa đầu năm 2025.

Con đường khiến cả những đám mây cũng ngợi khen

Nếu Samtan Art Mine và Công viên Văn hóa Mỏ than Sabuk là những nơi gặp gỡ được nghệ thuật và lịch sử qua di sản lịch sử, thì cũng có nơi bạn có thể trải nghiệm vẻ đẹp và sự vĩ đại của thiên nhiên. Đó là Untan Godo - con đường vận chuyển than trong quá khứ.

Khách du lịch leo núi Hambaek, nơi nổi tiếng là tuyến đường leo núi có hoa tuyết mùa đông.

Untan Godo có nghĩa là “con đường trên vùng cao được làm để vận chuyển than” và trên thực tế, khu vực có con đường đi ngang qua có độ cao so với mực nước biển trung bình là 546m. Tên gọi chính thức là “Untan Godo 1330” bắt nguồn từ độ cao 1.330m so với mực nước biển của đèo Hangmanjae là ngọn núi cao nhất nơi đây.

Untan Godo đi qua bốn địa phương tự trị, trong đó có Jeongseon. Đây là một con đường dài 173km bắt đầu từ Yeongwol ở phía Tây của Jeongseon, đi qua Jeongseon và Taebaek rồi tiếp tục đến Samcheok nằm trên bờ biển Đông. Tổng cộng con đường có chín đoạn tuyến, trong đó quan trọng nhất là đoạn tuyến 4 và 5 đi qua Jeongseon. Điều đó là vì nơi đây còn nhiều dấu tích của thời than được vận chuyển xứng đáng với tên gọi và tốc độ phục hồi nhanh chóng của thiên nhiên sau khi người dân bớt tìm đến kể từ sau khi thi hành chính sách hợp lý hóa ngành than.

Trước hết, đoạn tuyến 4 là đoạn đường dài 28,76km bắt đầu từ ga Yemi Jeongseon và kéo dài đến Kkotkkeokkijae (Hwajeolyeong). Con đường này gìn giữ vẹn nguyên lịch sử của “Untan” và giờ đây có thể nói là tuyến đường rất phù hợp để đi bộ có thể xem là con đường trekking (loại hình du lịch khám phá, trong đó người tham gia đi bộ đường dài qua các địa hình tự nhiên như rừng rậm, đồi núi... – chú thích của người dịch). Đặc biệt, khi leo lên Saebijae trong công viên Hộp Thời gian (Time Capsule) có cây thông xuất hiện trong bộ phim “Cô nàng ngổ ngáo” (My Sassy Girl, 2001) với diễn xuất của Gianna Jun và Cha Tae-hyun, ta sẽ thấy sự quyến rũ khó tả của trekking nhờ phong cảnh xung quanh. Tuyến đường này mất trung bình khoảng 9 tiếng 30 phút, độ cao tăng đều dần từ 403m lên 1.197m.

Manhangjae núi Hambaek là con đường có nơi cao nhất có thể đi lên bằng ô tô ở Hàn Quốc. Nhờ đó, ta không cần phải leo núi vất vả để ngắm cảnh của vương quốc tuyết một cách thoải mái.

Đoạn tuyến 5 kết nối từ Kkotkkeokkijae đến Manhangjae. Hồ Dorongi (Doryongnyong, Kỳ nhông) nằm ngay khi vừa đi qua Kkotkkeokkijae được sinh ra do nền đất sụp trong quá trình khai thác than vào thập niên 1970. Từ đó, nghe nói nơi đây trở thành nơi cầu nguyện với những con kỳ nhông sống trong hồ của những người vợ có chồng là thợ mỏ cầu cho chồng trở về an toàn. Câu chuyện này bắt nguồn từ việc cho rằng nước trong hồ rút đi nghĩa là lò giếng đã bị ngập hoặc bị sập, như vậy thì không chỉ kỳ nhông mà cả thợ mỏ sẽ không an toàn. Đoạn tuyến 5 dài 15,7km và chỉ cần khoảng sáu tiếng là đủ kể cả đi bộ chậm. Tuyến đường nhấp nhô và cao dần từ độ cao 1.067m so với mặt nước biển cho tới Manhangjae cao 1.330m, điểm cao nhất có thể đến được bằng ô tô từ Hàn Quốc. Nhìn có vẻ khó đi nhưng bạn sẽ phát hiện thấy chính mình không hề biết mệt khi vừa đi vừa ngắm phong cảnh dưới chân núi ở bên phải.

Cho dù đó là đoạn tuyến 4 hay đoạn tuyến 5, Untan Godo đều có điểm chung là độ dốc thoai thoải và bề mặt bằng phẳng không giống các con đường trekking khác trên thế giới. Đó là bởi vì ngay từ đầu tuyến đường này không được xây dựng dành cho trekking, mà để dành cho những chiếc xe tải lớn vận chuyển than di chuyển. Do đó, đây là một điểm du lịch tuyệt vời hơn đâu hết không chỉ để đi bộ đường dài mà còn cho những người thích chạy leo núi (mountain running) và đi xe đạp leo núi (MTB). Ngoài trượt tuyết Bắc Âu, cũng có những du khách mang theo ván trượt tuyết của riêng mình đến chơi. Ngoài ra ở đây còn có những khu đất rộng lớn ở lưng chừng khiến nơi đây nổi lên thành thánh địa cho những du khách ba lô đi bộ với lều và túi ngủ.

Dù nơi đây là nơi mà trong quá khứ, cả bầu trời và mặt đất đều tối đen vào cả những ngày trời nắng vì bụi than và biến thành con đường lầy lội theo đúng nghĩa đen vào những ngày mưa khiến ta không thể đi lại nếu không đi ủng thì giờ đây, con đường đã mang một ý nghĩa khác hẳn. Từ con đường vận chuyển than biến thành con đường khiến cả những đám mây cũng tấm tắc khen (Untan có thể được hiểu thành “vận than” hoặc “vân thán”) khi đi ngang, vị thế của con đường đang thay đổi. Đặc biệt vào giữa mùa đông, bạn sẽ được trải nghiệm cả thế gian đều trắng lấp lánh khi trên đầu là mây trắng và dưới chân là tuyết trắng khi đi bộ dọc theo Untan Godo.

Từ Đài quan sát Byeongbangchi có thể hình ảnh kỳ bí của nhánh sông Donggang chảy bao quanh hòn đảo có hình dáng của bán đảo Triều Tiên.


Kwon Ki-bong – Nhà văn
Ảnh. Shin Jung-sik
Dịch. Nguyễn Thị Phương Mai

전체메뉴

전체메뉴 닫기