Mater 2-10 là tác phẩm có nội dung chạy xuyên suốt trên đường ray lịch sử cận đại Hàn Quốc giống như các tuyến đường sắt thời kỳ thuộc địa Nhật Bản. Nhưng trái ngược với những cảm xúc lãng mạn thường được gợi lên cùng hình ảnh “đoàn tàu hỏa”, ký ức của người dân Hàn Quốc về thứ phương tiện vận tải này lại đầy ắp bi kịch và đắng cay. Có lẽ chúng ta đã quen với việc ngành đường sắt thường được tượng trưng cho những điều như sức mạnh không thể cản lại của xã hội cận đại, hình ảnh lao nhanh đến tương lai tươi sáng với động lực phát triển từ lửa và thép, hay việc mở ra thời đại kết nối mọi và mọi địa điểm lại gần nhau hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, như một nhân vật trong tiểu thuyết đã nói, đường sắt Hàn Quốc là thứ “được xây dựng từ máu và nước mắt của người dân Joseon”. Người Hàn Quốc bị buộc phải từ bỏ nhà cửa để nhường chỗ cho mạng lưới đường sắt, và bị cưỡng bách lao động trong công cuộc xây dựng chính những tuyến đường sắt đó. Tựa đề tiếng Anh của tác phẩm, Mater 2-10, xuất phát từ tên mẫu đầu máy xe lửa huyền thoại được sử dụng thời bấy giờ. Đầu máy xe lửa cũng tượng trưng cho sự chia rẽ dân tộc, vì vậy tiêu đề tiểu thuyết đã phủ lên tác phẩm thêm một tầng bi kịch nữa.
Tác phẩm bắt đầu với cảnh nhân vật chính Yi Jino phản đối việc đóng cửa nhà máy bằng cách tham gia biểu tình tại chỗ. Thế giới thực tại của anh khi ấy chỉ giới hạn trong phạm vi chỗ anh đang ngồi trên đỉnh một cột ống khói nhà máy cao chót vót, nhưng khi hồi tưởng lại ký ức của bản thân, cùng những câu chuyện được bà nội và những người thân khác kể lại, anh đã thực hiện một chuyến du hành xuyên qua không gian và thời gian. Gia đình của Yi Jino có một mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử ngành đường sắt trên bán đảo Triều Tiên. Cụ cố của anh, Yi Baekman, đã yêu tàu hỏa ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy vào thuở thiếu thời, đến mức ông đã đặt tên cho các con trai mình lần lượt là Ilcheol (một thanh sắt) và Icheol (hai thanh sắt). Tuy nhiên, giống như hai mặt đối lập mà ngành đường sắt mang lại là cơ hội và sự bóc lột, hai anh em lớn lên lại đi theo hai hướng hoàn toàn trái ngược nhau. Anh trai Ilcheol trở thành nhân viên đường sắt và leo lên đến vị trí kỹ sư máy. Nhưng cho dù khá dư dả về mặt kinh tế, ông phải chịu đựng sự áp bức của thực dân Nhật Bản, lúc nào cũng phải sống luồn cúi và cố gắng làm vừa lòng họ. Ngược lại, người em trai Icheol sau lần gặp gỡ một đảng viên cộng sản đã trở thành một nhà hoạt động trong phong trào lao động, dù ngày đêm bị cảnh sát truy đuổi nhưng luôn được sống với một trái tim trong sáng và trung thực.
Đây không phải là một tác phẩm có kết cục rõ ràng. Tuy nhiên, hình ảnh Yi Jino trong cuộc biểu tình chống lại nhà máy nơi anh làm việc đã gợi lại những cuộc đấu tranh của công nhân trải dài từ thời kỳ thuộc địa đến dưới chế độ độc tài sau giải phóng. Cuộc đấu tranh ấy vẫn luôn dai dẳng và xuyên suốt kể từ khi hình thành giai cấp công nhân. Cuối cùng, Yi Jino nhận ra rằng anh chỉ là một diễn viên đảm nhận một vai trò trên sân khấu, và quyết tâm sẽ tận sức cống hiến để hoàn thành vai diễn của mình. Mater 2-10 soi rọi quá khứ và tìm thấy ở đó không chỉ những hy vọng về tương lai mà còn cả sự cấp thiết phải tiếp tục cuộc đấu tranh trường kỳ này.
Cuối cùng, tôi muốn nói đến một điểm liên quan đến dịch thuật. Có một lý thuyết dịch thuật phổ biến cho rằng bản dịch văn học phải mượt mà và không gây “lấn cấn” khi đọc (tức là phải thuần văn phong ngôn ngữ đích), nhưng các dịch giả của tác phẩm này đã chọn giữ lại những yếu tố đặc trưng của nguyên tác, như cách xưng hô trong gia đình và địa vị xã hội, để không làm lu mờ đi giá trị lịch sử và văn hóa Hàn Quốc. Kết quả là họ đã tạo ra một thế giới tự sự phong phú hơn rất nhiều nhờ việc sử dụng các khái niệm mang đậm bản sắc văn hóa Hàn Quốc mà không làm cho độc giả cảm thấy quá nặng nề.