메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Greener Pastures > 상세화면

2024 WINTER

HIỆU BÁNH XANH

Có một tiệm bánh vô cùng đặc biệt. Mặc dù vẫn dùng những dụng cụ như khuôn và lò nướng giống như các tiệm bánh thông thường, nhưng nơi đây, bánh được làm ra từ nắp chai nhựa thay vì bột mì. Nhựa phế thải nay trở thành những chiếc bánh tart hay canelé. Tuy không thể ăn, nhưng đó là khoảnh khắc rác thải được tái sinh thành những đồ vật mới có ích. Bài viết này giới thiệu tiệm bánh nhựa (Plastic Bakery), nơi làm cho trái đất trở nên khỏe mạnh hơn.

Sản phẩm được làm từ các mảnh nhựa có độ tinh khiết cao, với nhiều kiểu dáng đa dạng như bánh waffle, canelé, tart, được sử dụng làm các món đồ trang trí nội thất như đế cắm nhang, chậu hoa, khay đựng.
ⓒ Plastic Bakery

Từ “plastic” (nhựa) có nguồn gốc từ “plastikos” trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là “có thể tạo thành mọi hình dạng mong muốn”. Trên thực tế, dường như không có gì không thể làm từ nhựa. Nhựa hiện diện khắp nơi xung quanh chúng ta, từ những vật dụng quen thuộc hàng ngày như bình giữ nhiệt, những chiếc ghế, cho đến những thứ không thể thấy được như linh kiện bên trong chiếc điện thoại thông minh hay xe hơi.

Bánh mì nướng từ nhựa

Năm 1907, Leo Baekeland (1863-1944) phát minh ra nhựa, sau đó, vào những năm 1920, các sản phẩm ứng dụng từ nhựa tổng hợp bắt đầu phát triển đa dạng. Sau hơn 100 năm, đến nay tiệm bánh Plastic Bakery được thành lập. Plastic Bakery là một công ty chuyên tái chế những chiếc nắp chai nhựa bỏ đi thành những món đồ trang trí nhỏ có hình ổ bánh mì. Giống như tên gọi “tiệm bánh”, ở đây nhựa được nướng như cách người ta nướng bánh. Sản phẩm được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Người ta trực tiếp cân đo lượng nhựa đã được nghiền nát, sau đó nướng hoặc ép vào khuôn trong một khoảng thời gian nhất định. Qua các công đoạn này, rác thải nhựa được tái chế thành những chiếc bánh với họa tiết độc đáo.

Do đâu mà Plastic Bakery lại có ý tưởng nướng bánh từ nắp chai nhựa bỏ đi? Giám đốc của Plastic Bakery, ông Park Hyong-ho không phải là đầu bếp hay là người theo chuyên ngành mỹ thuật. Ông học cử nhân điện, nhưng trong quá trình học cao học môn Kỹ thuật Thiết kế Thông minh (Smart Design Engineering), ông bắt đầu quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững.

“Trong thời gian học cao học, tôi đã tham gia workshop Thiết kế Kinh tế Tuần hoàn (Circular Economy Design Workshop) do Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) và Viện Đào tạo Sau đại học về Thiết kế Quốc tế, Trường Đại học Hongik đồng tổ chức. Tại workshop diễn ra ở Hồng Kông, tôi nhận ra việc tuần hoàn tài nguyên (hay tái chế tài nguyên – chú thích của người dịch) là vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu. Đặc biệt, tôi ấn tượng sâu sắc với dự án Nhựa Quý giá (Precious Plastic), giúp tái chế nhựa để biến chúng thành những tài nguyên có giá trị. Sau đó, tôi quyết tâm thử lên kế hoạch và thực hiện một dự án tái chế tài nguyên tại Hàn Quốc.”

Sau khi về nước, Giám đốc Park bắt đầu cân nhắc nghiêm túc việc phát triển một dự án thân thiện với môi trường. Một ngày nọ, khi đang loay hoay tìm kiếm ý tưởng cho một loại hình dự án mới lạ, tình cờ ông nhìn thấy những chiếc khuôn bánh mì. Văn phòng công ty Plastic Bakery khi ấy nằm gần chợ tổng hợp Bangsan, đường Eulji-ro, quận Jung-gu, thành phố Seoul. Chợ tổng hợp Bangsan là nơi chuyên bán các loại nguyên phụ liệu công nghiệp và bao bì, trong đó có một con phố chuyên cung cấp dụng cụ làm bánh. Khi nhìn thấy những vật dụng đó, Giám đốc Park đã nảy ra ý tưởng: nếu nướng nhựa như nướng những chiếc bánh mì có lẽ sẽ tạo ra những sản phẩm thú vị. Đó chính là khởi nguồn của Plastic Bakery.

Thử thách và cơ hội hợp tác của Plastic Bakery

Giám đốc Park Hyong-ho đã sử dụng các thiết bị như lò nướng, máy làm bánh waffle để nướng nhựa hết lần này đến lần khác. Nhựa dễ bị biến dạng dưới tác động của nhiệt và áp suất. Tuy nhiên, việc tìm ra nhiệt độ, áp suất, và thời gian phù hợp nhất không phải là chuyện dễ dàng. Nếu nhiệt độ quá cao, bề mặt sẽ bị rỗ, còn nếu nhiệt độ thấp khó tạo hình theo hình dáng mong muốn. Qua hàng trăm lần thử đi thử lại thất bại, ông mới tìm ra nhiệt độ, áp suất và thời gian tối ưu cho từng loại nhựa với màu sắc và tính chất khác nhau. Việc điều chỉnh nhiệt độ khác nhau cho từng phần của khuôn bánh cũng là một bí quyết riêng của Plastic Bakery.

Nguyên liệu sử dụng là nắp chai nhựa. Khác với chai PET trong suốt vốn là loại nhựa được tái chế khá phổ biến, nắp chai vừa nhỏ vừa khó thu gom riêng nên khó tái chế. Ban đầu, Giám đốc Park và các thành viên trong đội của ông phải ngồi xổm phân loại rác gần các khu dân cư để thu thập từng chiếc nắp chai. Tuy nhiên, từ năm 2023, Trung tâm Hỗ trợ Tự lực Chuncheon đã bắt đầu trực tiếp thu thập, rửa sạch, phơi khô và cung cấp những nắp chai đã được nghiền thành dạng mảnh nhỏ để thuận tiện cho việc tái chế.

Plastic Bakery đang tạo ra một tương lai bền vững bằng cách kết hợp tính ứng dụng, thẩm mỹ và ý nghĩa của việc tái chế nguyên liệu thông qua việc hợp tác với nhiều thương hiệu khác nhau.
ⓒ Plastic Bakery

Plastic Bakery sử dụng nhựa tinh khiết cao để tạo ra các sản phẩm kiểu dáng đa dạng như bánh waffle, canelé và bánh tart. Những sản phẩm này trở thành vật dụng trang trí nội thất với những công năng mới như đồ cắm nhang hay chậu hoa. Ý tưởng và giá trị sản phẩm của Plastic Bakery đã được nhiều công ty danh tiếng biết đến. Thương hiệu mỹ phẩm toàn cầu L'Occitane đã hợp tác với Plastic Bakery để sản xuất khay đựng xà phòng hình bánh tart tái chế từ các chai nhựa rỗng của họ. Sản phẩm này không chỉ có tính ứng dụng và thẩm mỹ, mà còn thêm ý nghĩa tái chế. Công ty chuyên sản xuất thiết bị ngoại vi máy tính Logitech cũng giới thiệu bộ sản phẩm bao gồm ống cắm bút chì hình bánh canelé và giá đựng danh thiếp hình đá cuội của Plastic Bakery. Các thương hiệu như Kia Motors, LG Household & Health Care, và Lush cũng là đối tác hợp tác với Plastic Bakery. Các đơn hàng cho triển lãm và các buổi workshop dành cho nhân viên và khách hàng vẫn tiếp tục tăng lên.

“Bắt đầu công việc kinh doanh từ một ý tưởng tốt đẹp, nhưng tôi không khỏi lo lắng liệu khách hàng có đón nhận và sản phẩm có tiêu thụ được hay không. Vì nếu không có lợi nhuận, chúng tôi cũng không thể duy trì dự án này. Tuy nhiên, sau khi sản phẩm ra mắt, may mắn thay, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị hợp tác với chúng tôi. Nhờ đó, Plastic Bakery đã tìm được đường hướng hoạt động riêng. Thay vì sản xuất hàng loạt một mẫu sản phẩm duy nhất, chúng tôi tiếp tục thử nghiệm để chứng minh khả năng tái chế của nhựa. Đó là sự lựa chọn giữa ranh giới “sản phẩm” và “tác phẩm”. Chính vì từ bỏ tham vọng được công nhận về mặt thương mại như vậy, tôi có thêm nhiều cơ hội để thử thách bản thân trong nhiều lĩnh vực khác nhau.”

Hiện nay, Plastic Bakery còn tạo ra những sản phẩm có một không hai bằng cách dùng bút 3D vẽ hoặc viết lên các sản phẩm trang trí hình bánh mì. Sợi nhựa (filament) được sử dụng trong quá trình này cũng được làm từ nhựa tái chế. Gần đây, công ty cũng ra mắt sản phẩm ghế lười (bean bag) sử dụng nhựa tái chế từ nắp chai làm chất độn. Bên cạnh đó, họ còn trình làng các thiết kế không gian sử dụng sản phẩm tái chế.

Từ tính năng căn bản đến khả năng phát triển bền vững của nhựa

Đối với Plastic Bakery, nhựa là một cách diễn đạt khác của “khả năng”. Từ một thứ có biến thành bất kỳ đồ vật gì, chính tại nơi đây, nhựa có thể được tái sinh thành mọi thứ. Nhược điểm khó phân hủy trong tự nhiên của nhựa nay lại được nhìn nhận như một cơ hội. Giám đốc Park Hyong-ho chia sẻ “hy vọng” này với những ai đang lo ngại về tương lai mà nhựa mang lại.

Mỗi loại bánh như canelé, tart, waffle được làm từ nhựa có thời gian và nhiệt độ nướng khác nhau.
ⓒ Plastic Bakery

“Nhựa nâng cao chất lượng cuộc sống của chúng ta một cách đáng kể. Nhựa không chỉ tác động tích cực đến con người mà còn đến vô số loài sinh vật khác. Được sử dụng thay thế ngà voi, nhựa giúp ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài voi, hay dùng nhựa giúp giảm sử dụng gỗ, qua đó cũng làm giảm tốc độ phá hủy rừng nguyên sinh Amazon. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta lại nói rằng cuộc sống của chúng ta thay đổi “tại vì” nhựa mà không phải là “nhờ vào” nhựa. Hay nói cách khác, người ta nghĩ rằng nhựa sẽ dẫn đến sự diệt vong của nhân loại. Nếu nhấn mạnh mặt tiêu cực của nhựa sẽ dễ thu hút sự chú ý của nhiều người, nhưng việc này dần dà gây cảm giác mệt mỏi, các dự án phát triển bền vững do đó cũng dần mất đi tính ổn định. Vì vậy, tôi cho rằng tốt hơn chúng ta nên bắt đầu từ việc ghi nhận những tác động tích cực và lịch sử mà nhựa mang lại. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể cùng tồn tại với nhựa. Điều chúng ta cần là khắc phục nhược điểm khó luân chuyển tuần hoàn trong tự nhiên của nhựa. Do đó, thay vì nhận thức một cách cảm tính và đối phó với vấn đề môi trường, chúng ta nên cùng nhau suy nghĩ tìm ra “cách để sử dụng”, hay “làm thế nào để tái sử dụng” sẽ tốt hơn.”

Giám đốc Park Hyong-ho khuyên các nhà phát minh và doanh nghiệp đang hoạt động với mục tiêu phát triển bền vững rằng: “Hãy cân nhắc và nghiên cứu một cách thấu đáo”. Vì nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng, sản phẩm tạo ra có thể trở thành rác thải mới. Giám đốc Park có kế hoạch tiếp tục nỗ lực cải tiến các kỹ thuật làm bánh hiện tại, đồng thời tìm ra những phương pháp tái chế tài nguyên mới.

“Ngày càng nhiều doanh nghiệp chú trọng đến việc tái chế tài nguyên và đạt được những thành tựu đáng chú ý trong lĩnh vực này như NoPlasticSunday, Would You Love, LOWLIT COLLECTIVE, v.v. Cùng với nỗ lực nâng cao giá trị và nhận diện thương hiệu của mình, Plastic Bakery hy vọng nhiều người sẽ nhận ra khả năng tái chế của nhựa.”

Có thể hay không thể là do con người lựa chọn. Plastic Bakery chọn “có thể”. Hay nói chính xác hơn là chọn “khả năng” phát triển bền vững của nhựa và hành tinh trái đất. Sự lựa chọn đó chắc chắn sẽ hứa hẹn một thời kỳ hoàng kim thứ hai của nhựa trong tương lai.

Lee Seong-mi – Nhà văn
Dịch. Mai Kim Chi, Mai Xuân Huyên

전체메뉴

전체메뉴 닫기