Bộ hồ sơ liên quan đến phái đoàn sứ thần Joseon được cử đến Nhật Bản trong vòng 200 năm kể từ ngay sau khi cuộc chiến khốc liệt Nhâm Thìn Oa loạn (1592–1598) giữa ba quốc gia Đông Bắc Á nổ ra trên bán đảo Hàn kết thúc đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới vào tháng 10 năm 2017 với tên chính thức là “Hồ sơ Sứ thần Joseon: Ghi chép lịch sử về việc kiến tạo hòa bình và giao lưu văn hóa Hàn – Nhật thế kỷ 17 đến thế kỷ 19” (s on Joseon Tongsinsa/Chosen Tsushinshi: The History of Peace Building and Cultural Exchanges between Korea and Japan from the 17th to 19th Century). Đây là tài liệu có ý nghĩa đặc biệt ở việc lần đầu tiên Hàn Quốc và Nhật Bản cùng hợp tác thực hiện một dự án chung nhưng điều cần quan tâm hơn đó chính là tầm quan trọng của bộ hồ sơ này trong lịch sử thế giới.
“Thuyền chở đoàn sứ thần Joseon mang quốc thư đang trên đường đến Nhật Bản”, thời kỳ Edo. Tác giả khuyết danh. Mực và màu trên giấy, 58,5 x 1524 cm. Bức tranh miêu tả con tàu đang trên dòng sông Yodogawa, ở Osaka với các thủy thủ Nhật Bản đang chèo thuyền chở các sứ thần Joseon mang theo quốc thư của vua Joseon. Rời Joseon từ cảng Busan ở phía Nam, sau đó đoàn sứ thần chuyển sang chiếc tàu sang trọng do Mạc phủ Tokugawa tiếp đón và đang hướng đến cửa sông. Trên thuyền trang trí cờ với gia huy của Mạc phủ Tokugawa. Các nhạc công Joseon đang ngồi giữa thuyền chơi nhạc cụ.
Năm 1607, khi Hoàng thất Joseon cử sứ thần đầu tiên đến Nhật Bản là thời điểm cuộc chiến tranh Nhâm Thìn Oa loạn kết thúc chưa đầy 10 năm. Sau cái chết của Toyotomi Hideyoshi, người đóng vai trò chính trong cuộc xâm lược bán đảo Hàn, Mạc phủ Tokugawa đã đề nghị Joseon cử sứ thần để kết thúc quan hệ thù địch và duy trì hòa bình. Hoàng thất Joseon vốn kiệt quệ sau cuộc chiến tranh khiến cả nước bị phá hủy hoàn toàn đã chấp nhận đề nghị này.
Thời gian cử tongsinsa (sứ thần) dự kiến kéo dài hơn nửa năm tính từ thời điểm xuất phát ở Hán Thành (漢城, tức Seoul ngày nay) đến khi tới Edo (江戶, tức Tokyo ngày nay) và quay lại. Quy mô của các đoàn sứ thần cũng lớn, thường lên đến 400–500 người. Chính quyền Mạc Phủ Nhật Bản đã dành ra một khoản chi phí cao đến mức họ có thể gặp phải những khó khăn tài chính để tiếp đón tiếp đoàn sứ thần. Đi đến đâu, đoàn cũng nhận được sự tiếp đãi nồng hậu. Trong vòng khoảng 200 năm từ sau lần cử sứ thần đầu tiên đến năm 1811 có tổng số 12 đoàn sứ thần được phái cử và họ không chỉ đóng góp vào việc duy trì hòa bình giữa hai nước mà còn trở thành cánh cửa mở ra để hai nước giao lưu văn hóa.
Bộ hồ sơ sứ thần Joseon được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới lần này bao gồm 5 tài liệu ghi chép ngoại giao (51 mục), 65 tài liệu ghi chép lịch trình (136 mục), 41 tài liệu ghi chép giao lưu văn hóa (146 mục), tổng số có 111 tài liệu (333 mục). Những tài liệu này hiện thuộc quyền sở hữu của nhiều cơ quan của hai nước trong đó Hàn Quốc bảo quản 63 tài liệu (124 mục) và Nhật Bản bảo quản 48 tài liệu (209 mục).
Lần đề nghị công nhận này được Quỹ Văn hóa Busan Hàn Quốc và Hội đồng Liên lạc Liên địa sứ thần Joseon của Nhật Bản (朝鮮通信使緣地連絡協議會, Liaison Council of All Places Associated with Chosen Tsushinshi) cùng xúc tiến có một ý nghĩa vô cùng to lớn, trước tiên, đó chính là thành tựu mà Hàn Quốc và Nhật Bản đã cùng nỗ lực đạt được.
Có được sự công nhận về tầm quan trọng trong lịch sử thế giới
Lần thẩm định này được tiến hành trong bầu không khí bất bình thường của Hội đồng Tư vấn Quốc tế (IAC) về Di sản Tư liệu Thế giới năm 2017. Đó là do hai hồ sơ trình lên có tính chất trái ngược nhau. Một bộ hồ sơ về sứ thần Joseon và một bộ hồ sơ liên quan đến phụ nữ mua vui (Úy an phụ) cho quân đội Nhật Bản thời kỳ Thế chiến thứ II đều được gửi lên đề nghị. Trong đó, nhiều người cũng biết hồ sơ liên quan đến vấn đề phụ nữ mua vui được 15 đoàn thể nhân dân của 8 quốc gia trong đó có cả Hàn Quốc và Nhật Bản gửi lên đã bị chính phủ Nhật Bản kịch liệt phản đối.
Hội đồng Tư vấn Quốc tế đã bảo lưu việc công nhận bộ hồ sơ liên quan đến vấn đề phụ nữ mua vui cho quân đội Nhật Bản thời kỳ Thế chiến thứ II vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn và chỉ gửi bản đề nghị công nhận bộ hồ sơ sứ thần Joseon cho Tổng Giám đốc UNESCO. Bằng việc kêu gọi đối thoại giữa các bên liên quan về vấn đề phụ nữ mua vui cho quân đội Nhật Bản thời kỳ Thế chiến thứ II, UNESCO đã tuyên bố nguyên tắc rằng trong thời gian tới chỉ các hồ sơ được các bên liên quan đồng ý mới được coi là đối tượng xét duyệt và có thể coi việc công nhận bộ hồ sơ sứ thần Joseon chính là ví dụ cho việc hiện thực hóa nguyên tắc đó.
Việc thẩm định để công nhận Di sản Tư liệu Thế giới được dựa trên nhiều tiêu chuẩn khác nhau như giá trị xã hội, trạng thái bảo tồn và tính quý hiếm của đối tượng xét duyệt. Trong đó, điều quan trọng nhất là tầm quan trọng của đối tượng xét duyệt trong lịch sử thế giới. Điều này cho thấy tiêu chuẩn một bộ hồ sơ được xét duyệt sẽ căn cứ trên cơ sở hồ sơ đó có là những ghi chép về một sự kiện có ảnh hưởng đến lịch sử thế giới hay một thành tựu văn minh nào đó hay không chứ không giới hạn trong một khu vực hay một quốc gia cụ thể. Hội đồng Tư vấn Quốc tế đã công nhận những hồ sơ tuân theo tiêu chuẩn này là Di sản Tư liệu Thế giới và đề nghị những trường hợp chưa đáp ứng được tiêu chuẩn đăng ký làm di sản khu vực hoặc di sản quốc gia.
Với chủ trương xem xét các hồ sơ trên cơ sở vượt qua chiều kích quốc gia và mở rộng tầm quan trọng trên chiều kích lịch sử thế giới, bất cứ hồ sơ nào cũng đều phải được hỗ trợ bởi những phân tích lịch sử có tầm nhìn rộng lớn. Xét ở khía cạnh này, các di sản tư liệu thế giới đóng vai trò như là một hướng tiếp cận mới, khác với lập trường lịch sử vốn có. Việc bộ hồ sơ về Sứ thần Joseon được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới có thể coi là đã tạo cơ hội cho sự lý giải mới về tình hình lịch sử xoay quanh tài liệu này.
“Cuộc diễu hành của phái đoàn sứ thần Joseon đến lâu đài Edo”. Tranh của Kim Myeong-guk, thời trung kỳ Joseon. Mực và màu trên giấy, 30,7 x 596 cm. Bức tranh miêu tả lại quang cảnh của đoàn sứ thần Joseon đang diễu hành tiến vào cung điện Edo vào năm 1636. Phía trên từng nhân vật trong tranh có ghi chú chữ viết, giải thích vị trí và vai trò của từng người. Bức họa được cho là tác phẩm của Kim Myeong-guk (1600–?), một họa sĩ đi theo đoàn sứ thần lúc bấy giờ.
Di sản lịch sử khắc họa tình hình Đông Bắc Á thế kỷ 17
Nếu muốn xem xét tầm quan trọng của bộ hồ sơ Sứ thần Joseon trong dòng chảy lịch sử thế giới cần phải tập trung vào thực trạng của thời kỳ mà các hồ sơ đó được tạo ra. Trong khoảng thời gian từ năm 1607 đến năm 1811, khi các sứ thần Joseon được cử qua lại giữa hai nước Hàn–Nhật, thì châu Âu đang tiến hành toàn cầu hóa thông qua thương mại trên biển kể từ thời đại khám phá được bắt đầu từ đầu thế kỷ 16.
Tàu của các thương nhâu châu Âu thời kỳ này đã đi vòng qua mũi Hảo Vọng của Cực Nam châu Phi, tiến vào Ấn Độ Dương, qua lại từ Aden của bán đảo Ả rập đến Ấn Độ và Đông Nam Á, Indonesia và Nam Thái Bình Dương và hình thành nên thị trường thương mại trên biển rộng lớn. Tất nhiên, đích đến cuối cùng của thời đại khám phá là thị trường Trung Quốc và vào giữa thế kỷ 18, giao dịch thương mại chủ yếu giữa các công ty Đông Ấn của Hà Lan và Anh với Trung Quốc đã chiếm một phần tương đối lớn trong giao dịch thương mại toàn thế giới.
Nhưng mối quan tâm của triều đình Trung Quốc lại nghiêng về trật tự Đông Bắc Á hơn là thương mại trên biển với các thương nhân châu Âu. Khu vực này tách biệt với dòng chảy của thế giới bên ngoài và đang tìm kiếm một trật tự độc lập. Ngay sau khi vương triều nhà Minh sụp đổ kể từ cuộc chiến tranh Nhâm Thìn Oa loạn, Nhật Bản và Trung Quốc đã cắt đứt mọi quan hệ. Trung Quốc dừng mọi giao dịch với Nhật Bản và Nhật Bản cũng duy trì chính sách đóng cửa. Nhưng do có mối liên hệ văn hóa về tư tưởng Nho giáo và cùng sử dụng chữ Hán nên sự gián đoạn này không có nghĩa là cắt đứt trên mọi phương diện. Hơn nữa, Trung Quốc và Nhật Bản cũng rất cần nhau trên lĩnh vực thương mại. Nhật Bản có nhiều nhu cầu về hàng hóa của Trung Quốc, đặc biệt là các ấn phẩm.
Xem xét một cách toàn diện quan hệ Hàn–Nhật đương thời, việc cử sứ thần chỉ là một trong nhiều hoạt động ngoại giao mà Hoàng thất Joseon thực hiện.
Nhưng thông qua hoạt động này, nền hòa bình giữa hai nước đã được củng cố để từ đó, Hàn Quốc nổi lên như một nước trung gian trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
“Bộ sưu tập hải hành ký” (Haehaeng chongjae) là tập hợp những ghi chép được viết bởi các thành viên của Đoàn sứ bộ Hàn Quốc đến Nhật Bản trong suốt thời kỳ Goryeo và Joseon. Bộ sưu tập này bao gồm 28 bài, hầu hết được viết trong khoảng thế kỷ 17 – 18, thời kỳ Joseon. Các ghi chép này được biên soạn bởi Hong Gye-hui (1703 – 1771), một học giả, một quan lại dưới triều vua Yeongjo và Jeongjo, thời Joseon.
Trong khi đó, Trung Quốc là nước dùng bạc làm phương tiện thanh toán nên họ cần đến bạc vốn được sản xuất rất nhiều ở Nhật Bản. Khi Trung Quốc và Nhật Bản cắt đứt quan hệ thương mại do mâu thuẫn chính trị, nhờ vào vị trí chính trị đặc thù của mình, Joseon đã đảm nhận vai trò là cánh cửa tiếp xúc gián tiếp của Trung Quốc và Nhật Bản. Trên thực tế, Joseon đã thực hiện vai trò trung gian thông qua sự tiếp xúc với cả hai bên Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong trật tự chính trị, kinh tế, văn hóa Đông Bắc Á mới được hình thành đầu thế kỷ 17 như vậy, không chỉ bộ hồ sơ sứ thần Joseon mà “Yeonhaengnok” (燕行錄, “Yên hành lục”) – những ghi chép của sứ thần Joseon được cử đến Trung Quốc – cũng đã được sáng tác. Vì thế, nếu phân tích hồ sơ sứ thần Joseon cùng với “Yên hành lục” sẽ giúp cho việc tìm hiểu xem trật tự khu vực độc lập có tên Đông Bắc Á này đã được duy trì như thế nào cho đến trước thời kỳ toàn cầu hóa do các cường quốc châu Âu tiến hành được hoàn thành bởi cuộc chiến tranh á phiện.
Hơn nữa, nếu xem xét tổng hợp cả hai hồ sơ này, chúng ta cũng có thể hiểu được bối cảnh của “thuyết cân bằng Đông Bắc Á” được nguyên tổng thống Rho Moo-hyun đề ra 10 năm trước. Nói cách khác, hồ sơ Sứ thần Joseon và “Yên hành lục” không đơn giản chỉ là những ghi chép về quá khứ mà còn là di sản lịch sử quan trọng để chúng ta có thể tìm hiểu các luận thuyết của hiện tại.
Mặt khác, cũng cần quan tâm đến tính đặc thù của khu vực Đông Bắc Á trong dòng chảy lịch sử thế giới. Người châu Âu trong thời đại khám phá đã biến hầu hết các khu vực trên thế giới thành thuộc địa. Chỉ có khu vực Đông Bắc Á là ngoại lệ. Khu vực chưa một lần trở thành thuộc địa của châu Âu này sau đó đã nổi lên như một trục quan trọng của lịch sử thế giới.
Trung Quốc và Nhật Bản là một bộ phận vô cùng quan trọng trong lịch sử thế giới từ cuộc chiến tranh Thanh–Nhật nổ ra cuối thế kỷ 19 nhằm tranh giành quyền kiểm soát khu vực Đông Bắc Á đến cuối cuộc chiến Thái Bình Dương năm 1945. Thế lực của hai cường quốc này dẫn đến một cuộc chiến tranh thay thế và đối đầu căng thẳng trong khu vực. Cuối thế kỷ 20, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, khu vực này lại càng được quan tâm nhiều hơn. Trong tình hình như vậy, bộ hồ sơ sứ thần Joseon đồng thời còn là chứng cứ lịch sử để tìm hiểu nguồn gốc của những mối quan tâm chính trị mà các cường quốc hiện nay đang tập trung vào khu vực này. Vì thế, bộ hồ sơ này có tầm quan trọng lớn hơn rất nhiều so với phạm vi sử liệu nghiên cứu lịch sử quan hệ Hàn–Nhật.
Những ghi chép tổng thể của người Hàn về Nhật Bản đương thời
“Cuộc diễu hành của phái đoàn sứ thần Joseon đến Edo” Tranh của Hanegawa Toei, 1748. Mực và màu trên giấy, 69,7 x 91,2 cm. Sau khi trình quốc thư của vua Jeseon lên Tướng quân tại lâu đài Edo, phái đoàn sứ thần Joseon diễu hành qua thành phố đến nơi nghỉ của họ tại đền Hongganji ở Asakusa.
Bên cạnh tính lịch sử, bộ hồ sơ Sứ thần Joseon cũng có những mặt độc đáo trên phương diện nội dung và hệ thống. Hồ sơ này bao gồm các văn bản ngoại giao, nhật ký hành trình, tranh ảnh và trao đổi của các nhà trí thức nên có thể nói đây là tập hợp các kinh nghiệm tổng quát của người Hàn thời Joseon về Nhật Bản. Nội dung và cấu tạo như thế này, ở các khu vực văn hóa khác có thể bị xem nhẹ do bị phân chia thành từng mục riêng lẻ nhưng bộ hồ sơ Sứ thần Joseon lại là tập tài liệu mang tính tổng hợp khi liên kết được các tài liệu đa dạng đó.
Điều này cho thấy các trí thức đương thời của Nhật Bản và Hàn Quốc đã nỗ lực kết hợp một cách chặt chẽ nội dung tổng thể và bộ phận để vẽ nên một bức tranh lớn về các bên liên quan. Cách kết hợp này xuất phát từ tư duy châu Á tập hợp các yếu tố bộ phận thành tổng thể và lấy tổng thể kiểm soát các bộ phận.
Đặc biệt, giá trị cần quan tâm là những tài liệu này bao gồm cả những đối thoại giữa các nhà trí thức được thực hiện bằng bút đàm. Các trí thức hai nước mặc dù bị cản trở bởi rào cản ngôn ngữ nhưng vẫn sôi nổi đối thoại qua cầu nối là Hán văn và tư tưởng Nho giáo. Nếu đánh giá một cách khắt khe, những đối thoại này có thể không hơn những đối thoại cá nhân nhưng các nhà quản lý và trí thức hai nước đã không coi các đối thoại của họ về những biến động xã hội là mang tính riêng tư mà đã gộp chúng vào các ghi chép chung. Bởi vì, việc duy trì chế độ cử sứ thần trong hơn 200 năm đã hình thành nên nhận thức rằng việc đối thoại giữa các nhà trí thức như thế này không chỉ cung cấp thông tin hữu ích về hai bên mà còn giúp ích cho việc duy trì hòa bình trên cơ sở hiểu được lập trường của nhau. Nhận thức này là trí tuệ đồng thời là cách tư duy chung của khu vực văn hóa chữ Hán. Nói cách khác, việc gộp đối thoại của các trí thức vào ghi chép chung là giao thức quan trọng của tiếp xúc văn hóa, ngoại giao đặc thù khu vực Đông Bắc Á và cũng là phương tiện để khám phá tâm tư và lập trường của các bên liên quan.
Tranh ảnh đóng vai trò lớn trong việc cung cấp thông tin
Bộ hồ sơ Sứ thần Joseon cũng cho thấy khía cạnh thú vị trong quá trình xử lý và truyền tải thông tin. Điều này được thể hiện trong các bức tranh và ghi chép hành trình.
Giống như việc ghi chép bằng tranh các sự kiện quốc gia trong “Joseon Wangjo Uigwe” (朝鮮王朝儀軌, “Triều Tiên vương triều nghi quỹ”) đã được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới, các trí thức Joseon có truyền thống không chỉ trần thuật mà còn sử dụng các phương tiện thị giác khác như các bức họa về các sự kiện quốc gia khác nhau để truyền tải và bảo lưu thông tin. Hồ sơ Sứ thần Joseon cũng đã cho thấy truyền thống này.
Để vẽ các sự kiện trong chuyến đi của sứ thần, có khi có cả họa sĩ cùng đi, cũng có khi người ta tuyển tạm thời họa sĩ ở nước sở tại. Điều này cho thấy người xưa coi trọng các tài liệu thị giác trong việc ghi chép và truyền tải thông tin đến mức độ nào. Trong thời kỳ mà cơ hội du lịch nước ngoài còn khan hiếm, hầu hết mọi người đều phải dựa những kinh nghiệm gián tiếp thông qua các báo cáo của sứ thần thì tranh ảnh đóng một vai trò lớn trong việc cung cấp thông tin cụ thể và chính xác.
Xem xét một cách toàn diện quan hệ Hàn–Nhật đương thời, việc cử sứ thần chỉ là một trong nhiều hoạt động ngoại giao mà Hoàng thất Joseon thực hiện. Nhưng thông qua hoạt động này, nền hòa bình giữa hai nước được đã củng cố để từ đó, Hàn Quốc nổi lên như một nước trung gian trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Bộ hồ sơ sứ thần Joseon là những ghi chép sinh động về vai trò trung gian này. Đồng thời, đây cũng được coi là bộ hồ sơ có tầm quan trọng trong lịch sử thế giới, khắc họa được khởi nguồn và quá trình hình thành trật tự khu vực có sự biến đổi mạnh mẽ giữa trạng thái mâu thuẫn và hòa bình trong suốt thế kỷ 20 và kéo dài cho đến tận ngày nay.
Suh Kyung-hoGiáo sư danh dự Đại học Quốc gia Seoul Nguyên Ủy viên Hội đồng tư vấn Quốc tế Di sản Tư liệu thế giới UNESCO
DịchLê Thu Giang