메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2019 AUTUMN

Bong Joon-ho
“Cái tên trở thành một thể loại điện ảnh”

Cuối cùng phim điện ảnh Hàn đã nhận giải Cành Cọ Vàng – giải thưởng cao quý nhất của liên hoan phim quốc tế Cannes. Chúng ta cùng bước vào thế giới phim của đạo diễn Bong Joon-ho, nhìn lại tác phẩm đoạt giải của ông: “Ký sinh trùng” (Parasite) - một tác phẩm lột tả lạnh lùng và chi tiết quang cảnh chủ nghĩa tư bản thời nay, thu hút mối quan tâm chung của xã hội quốc tế.

Bộ phim truyện thứ bảy của Bong Joon-ho “Ký sinh trùng” (Parasite) đã đoạt giải Cành cọ vàng – giải cao quý nhất tại liên hoan phim quốc tế Cannes năm 2019.

Đúng năm nay, bộ phim “Ký sinh trùng” của đạo diễn Bong Joon-ho đoạt giải Cành Cọ Vàng tại liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 72, như để đón chào 100 năm kỷ niệm điện ảnh Hàn Quốc. “Thật đúng lúc!”, lời thoại của nhân vật Ki-taek do diễn viên Song Kang-ho đảm nhận dường như được để dành cho chính bộ phim.

Không chỉ ở liên hoan phim quốc tế Cannes, “Ký sinh trùng” đã được chào đón nhiệt liệt ở nhiều nước trên thế giới. Chỉ riêng tại liên hoan phim, bộ phim được bán cho 192 nước, lập kỷ lục trong lịch sử điện ảnh Hàn. Đặc biệt, tại Pháp – nơi bộ phim được trình chiếu đầu tiên, bộ phim đã nhận được phản ứng bùng nổ, dẫn đầu bảng tại các quầy vé trên toàn nước Pháp, đẩy lùi hai bộ phim bom tấn của Hollywood là “Đặc vụ áo đen: Sứ mệnh toàn cầu” (Man in black: international) và “Dị nhân: Phượng hoàng bóng tối” (Xmen: Dark Phynix) xuống hạng 2 và hạng 3.

Điều thú vị đặc biệt nằm ở một trong hai tấm áp phích quảng cáo ở Pháp dựng cảnh giám đốc Park thì thầm vào tai vợ. Lee Sun-kyun và Cho Yeo-jeong là hai gương mặt xa lạ với khán giả Pháp. Thêm vào đó, người Pháp ít khi in chữ viết cỡ lớn lên trên các áp phích quảng cáo phim. Vì thế, câu quảng cáo in cỡ lớn “Si tu me spoiles la fin. Je te tue!” (Nếu để lộ, tôi sẽ giết!) đóng vai trò như một ô thoại cho cảnh thì thầm thật hài hước và đầy ý nghĩa. Áp phích được xây dựng trên giả định thông qua tin tức về liên hoan phim, nhiều khán giả Pháp đã biết đây là một bộ phim không thể tiết lộ trước.

Biến giấc mơ lâu năm thành hiện thực

Nhiều năm qua, với những người làm điện ảnh Hàn Quốc, liên hoan phim quốc tế Cannes là một khán đài trong mơ. Sau khi bộ phim “Guồng quay nghiệt ngã với phụ nữ” (Spinning The Tales of Cruelty towards Women, 1983) của đạo diễn Lee Doo-yong lần đầu tiên được đề cử cho hạng mục Nhãn quan độc đáo (Un Certain Regard), Im Kwon-taek với bộ phim “Xuân Hương truyện” (Chunhyang, 2000) đã trở thành đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Hàn được đưa vào danh sách đề cử tranh giải Cành Cọ Vàng.

Suốt 100 năm của lịch sử phim Hàn, quá trình thay đổi và phát triển đáng chú ý của đạo diễn Bong Joon-ho trong hơn 20 năm qua hoàn toàn đồng nhất với những gì quần chúng chờ đợi và mong muốn ở điện ảnh.Từ xưa đến nay, Bong Joon-ho vẫn luôn là cái tên gây sốt nhất trong giới điện ảnh Hàn Quốc.

Đạo diễn Im – người được mệnh danh “đạo diễn quốc dân” lại thêm một lần được đưa vào danh sách đề cử tranh giải với bộ phim “Túy họa tiên” (Chihwaseon, 2002), nhận giải đạo diễn xuất sắc và có công lớn trong việc quảng bá phim Hàn ra nước ngoài. Tiếp nối theo ông, đạo diễn Park Chan-wook nhận Giải thưởng lớn (Grand Prix) của ban giám khảo với bộ phim “Báo thù” (Old boy, 2003), đạo diễn Lee Chang-dong nhận giải kịch bản xuất sắc với bộ phim “Thi ca” (Poetry, 2010), giúp phim Hàn đạt đến vị thế toàn cầu tại liên hoan phim Cannes. Bên cạnh đó, dĩ nhiên không thể không nhắc đến đạo diễn Im Sang-soo, người liên tiếp được đưa vào danh sách tranh cử cho các tác phẩm “Người hầu gái (The Housemaid, 2010) [sản xuất lại từ “Người hầu gái” (The Housemaid, 1960) của đạo diễn Kim Ki-young] và “Hương vị của đồng tiền” (The taste of Money, 2012).

Như vậy, kể từ khi “Xuân Hương truyện” được đề cử tranh giải đến khi “Ký sinh trùng”nhận giải Cành Cọ Vàng năm nay, điện ảnh Hàn cần 19 năm để biến giấc mơ thành hiện thực. Trong quãng thời gian ấy, phim điện ảnh Hàn ngày càng phong phú hơn cả về đề tài, bối cảnh và kỹ thuật làm phim.

Phát biểu cảm tưởng khi nhận giải, đạo diễn Bong Joon-ho cho biết “tôi mơ làm đạo diễn từ khi còn học trung học cơ sở”. Thời ngồi ghế giảng đường đại học, ông tham gia câu lạc bộ điện ảnh và làm bộ phim ngắn “Người da trắng” (Baeksaekin, 1994). Đây là hành trang giúp ông vào học tại Học viện Nghệ thuật Điện ảnh Hàn Quốc khóa 11. Tại đây, ông làm bộ phim “Không mạch lạc”

(Incoherence, 1994), được đề cử cho liên hoan phim quốc tế Vancouver và nhận được nhiều chú ý. Ông cũng tham gia diễn xuất trong phim “Nhà nghỉ Xương rồng” (Motel Cactus, 1997), viết kịch bản phim “Bóng ma” (Phantom the Submarine, 1999), từng bước mở rộng lĩnh vực hoạt động.

Cục diện mới

“Chú chó mất tích” (Barking Dogs Never Bite), bộ phim dài đầu tay của đạo diễn Bong Joon-ho được ra mắt năm 2000 có thể nói đã cho thấy một cục diện mới, bắt đầu cho thiên niên kỷ mới của điện ảnh Hàn. Chất điện ảnh và không gian điện ảnh pha trộn trong phim, ẩn chứa năng lượng đột phá vượt xa khỏi những bộ phim Hàn trước đây. Thế giới nghệ thuật kiên cố vốn có đã được tác giả thể hiện theo cách riêng của mình, qua sức tưởng tượng tự do, phóng khoáng đến mức kinh ngạc.

Thời điểm ấy, ông cho biết: “trong các đạo diễn phim điện ảnh Hàn, thích nhất Kim Gi-yeong”, và “có tới hơn 10 cuộn băng” phim của Kim Gi-yeong. Khi còn nhỏ, ông chủ yếu tiếp cận phim ảnh qua chương trình chiếu phim trên ti-vi hoặc AFKN thay vì rạp chiếu phim. Ông làm quen với khái niệm “diễn xuất” qua bộ phim hoạt hình “Conan cậu bé tương lai” (Future Boy Conan) của Nhật. Đặc biệt, “thời còn đi học ở Học viện Điện ảnh, mỗi khi buồn tôi thường xem cả ngày” bộ phim nhiều tập kéo dài 14 tiếng đồng hồ này.

Một người vốn được coi là kẻ nổi loạn, thuộc thành phần thiểu số của điện ảnh Hàn Quốc thời ấy như ông cuối cùng đã trở thành trung tâm của điện ảnh Hàn. Thế hệ sinh viên trải qua những năm tháng đại học khi bầu không khí của phong trào sinh viên đã dần lắng, thế hệ tiếp nhận văn hóa đại chúng không kén chọn từ hoạt hình đến phim hạng B không phải ngoài rạp mà qua ti-vi, cửa hiệu băng đĩa đã chính thức tham gia giới điện ảnh. Điều này có nghĩa, ngay từ trong mạch cảm xúc, Bong Joon-ho đã khác với các đạo diễn trước đó. Năm 2000, sau khi “Chú chó mất tích” được ra mắt, Bong Joon-ho được đưa vào danh sách “đạo diễn của những người mê phim”, sánh vai cùng Park Chan-uk [phim “JSA khu vực an ninh chung” (Joint Security Area /JSA)], Kim Jee-woon [phim “Vua trái luật” (The Foul King)], Ryu Seung-wan [phim “Hoặc chết hoặc xấu” (Die Bad)].

Sau đó, với bộ phim “Quái vật sông Hán” (The Host, 2006), Bong Joon-ho được đề cử cho Tuần lễ đạo diễn tại liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 59. Đồng thời, các bộ phim “Tokyo!” (2008) [làm cùng Michel Gondry, Leox Carax] và “Người mẹ” (Mother, 2009) của ông liên tiếp được đề cử cho hạng mục Nhãn quan độc đáo tại liên hoan phim lần thứ 61, 62. Với bộ phim “Siêu lợn” (Okja, 2017) làm riêng cho Netflix, lần đầu tiên ông được đưa vào hạng mục tranh giải lại liên hoan phim lần thứ 70. Và năm nay, ở lần thứ 5 đến với Cannes, ông giành giải Cành Cọ Vàng.

“Ký ức kẻ sát nhân” (Memories of Murder, 2003) dựa trên vụ án giết người hàng loạt có thật, được nhắc đến nhiều nhất ở các tiểu ban phim Hàn tại nhiều liên hoan phim quốc tế, bao gồm cả liên hoan phim quốc tế Bogota.

“Người mẹ” (Mother, 2009) miêu tả sự nỗ lực hết mình của bà mẹ cứu con trai bị vướng vào vụ án giết người. Bộ phim được đề cử tranh giải “Nhãn quan độc đáo” (Un Certain Regard) tại liên hoan phim Cannes lần thứ 62.

“Quái vật sông Hàn” (The Host, 2006), bộ phim lôi cuốn hơn 13 triệu người xem trên toàn thế giới được xem là thành công lớn nhất của Bong Joon-ho tại phòng vé. Phim được đề cử cho hạng mục “Tuần lễ đạo diễn” tại liên hoan phim Cannes lần thứ 59.

“Ký sinh trùng” (Parasite, 2019) là tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp làm phim của Bong Joon-ho, được biết đến với sự tỉ mỉ trong từng chi tiết, sự va chạm giữa những yếu tố khác biệt và những bức chân dung khắc họa khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản.

Tỉ mỉ và lạc điệu

Phong cách miêu tả từng chi tiết tỉ mỉ gắn liền với biệt danh “Bong tail” và lối “diễn xuất lạc điệu” được tạp chí điện ảnh Pháp Cahiers du Cinéma đặt tên “mỹ học của sự lạc điệu” (L'art du piksari) chính là hai đặc trưng quan trọng của phim Bong Joon-ho.

Trong tác phẩm “Ký ức kẻ sát nhân” (Memories Of Murder, 2003) – bộ phim điện ảnh dài thứ hai làm sáng danh tên tuổi Bong Joon-ho, những ý tưởng mà ông đề xuất với đạo diễn mỹ thuật để tái hiện bối cảnh thời đại đã vượt ngưỡng mọi khuôn mẫu thiết kế sản xuất phim. Có thể thuốc lá xưa hay xe cổ không phải những yếu tố đặc biệt, nhưng hình vẽ khêu gợi trên tường trạm gác phòng chống tội phạm, hộp bánh bất ngờ xuất hiện ở nhà bà đồng không chỉ giúp tái hiện bối cảnh mà còn đóng vai trò như những yếu tố làm nhịp nhàng thêm mạch truyện. Dĩ nhiên, tất cả những hiệu quả này còn do hiệu quả của cách hạn chế màu sắc nguyên thủy nhằm tái hiện bầu không khí ảm đạm, bức bối của thời đại. Màu nguyên thủy xuất hiện trong phim chỉ là cánh quạt máy xanh và chiếc quần lót đỏ trên thi thể. Thậm chí chiếc máy sưởi khổng lồ bằng nước nóng ở phòng điều tra trong tầng hầm cũng được đội mỹ thuật làm riêng. Những chi tiết của Bong Joon-ho không dễ nhận biết và vì thế càng được đánh giá là tinh tế, trác tuyệt.

Bên cạnh đó, cảnh đội trưởng đội điều tra trượt chân ngã xuống bờ ruộng nơi đang xác minh hiện trường trong phim “Ký ức kẻ sát nhân” hay cảnh quái vật trẹo chân ngã khỏi bậc thang khi xuất hiện đuổi theo đám người trong phim “Quái vật sông Hàn” chính là những nét “lạc điệu” làm nên sự va chạm của những yếu tố khác biệt, và sức hấp dẫn riêng xuyên suốt bộ phim. Không chỉ thế, chuyên trang về điện ảnh IndieWire đã bình luận khi “Ký sinh trùng” được công bố tại liên hoan phim quốc tế Cannes: “Bản thân Bong Joon-ho là một thể loại” (The giddy, brilliant, and totally unclassifiable “Parasite” proves that Bong Joon-ho has become a genre unto himself). “Ký sinh trùng” đã cho thấy một thể loại riêng với đặc trưng không thể đoán trước. Đây có thể nói là kiệt tác của Bong Joon-ho – đạo diễn của chủ nghĩa hoàn hảo nỗ lực miêu tả một thế giới không hoàn hảo.

Khám phá đương thời

Đặc trưng khác của phim Bong Joon-ho có thể nói là sự đào bới tỉ mỉ các yếu tố hiện thực rất Hàn như tình cảm gia đình hay cấu trúc giai cấp được lộ diện rõ nét trong “Ký sinh trùng”. Chung cư trong “Chú chó mất tích”, sự kiện giết người hàng loạt ở phía Nam tỉnh Gyeonggi trong “Ký ức kẻ sát nhân”, sông Hàn trong “Quái vật sông Hàn”, tình mẫu tử trong “Người mẹ” đều là những không gian, cảm xúc mang tính biểu trưng cho xã hội Hàn.

Bong Joon-ho cho biết “Quái vật sông Hàn” là “bộ phim về sự trưởng thành của nhân vật chính Gang-du”. Gang-du đã phải trả một cái giá quá thương tâm là cái cái chết của con gái để tỉnh ngộ. Không chỉ thế, phim của ông luôn có sự đề cập đến công quyền – đôi khi vắng bóng, đôi khi vô dụng như trong trường hợp của “Quái vật sông Hàn”, những kẻ yếu thế đã phải tự giải quyết biến sự mà không hề có sự giúp đỡ của nhà nước hay xã hội. Trong một cuộc phỏng vấn, Bong Jun-ho từng nói đây là “cuộc đua tiếp sức để tự bảo vệ của những kẻ yếu thế”. Trong bộ phim “Người mẹ”, ông đã để một bà mẹ phải biến thành “quái vật” giữa hiện thực ấy. Trước thái độ thờ ơ của những cảnh sát, xem cái chết của cô gái trẻ chỉ đơn thuần là một “vụ việc” khiến người mẹ phải đơn thân hành động khốc liệt, chứng minh cho sự trong sạch của con trai.

Gia đình thất nghiệp trong “Ký sinh trùng” lại là một bức tranh khác miêu tả lạnh lùng xã hội Hàn Quốc. Giữa gia cảnh cả nhà cùng thất nghiệp, cậu trai lớn bỗng có cơ hội dạy thêm thu nhập cao tại nhà giám đốc họ Park, vậy là cả gia đình cậu cùng hướng đến nhà giám đốc Park. Hai gia đình “hội ngộ”, nhưng thời gian trôi qua, hiện thực đầy bi quan đã ập tới – hiện thực mà sự “cộng tồn” giữa họ không bao giờ tồn tại. Bong Joon-ho đã khắc hoạ chủ nghĩa tư bản trong thời đại của chúng ta”, vượt qua ranh giới nhân chủng, ranh giới quốc gia và đây chính là lý do tác phẩm được liên hoan phim Cannes trao giải thưởng cao quý nhất. Như vậy, đối với câu hỏi từ “Chú chó mất tích” đến “Ký sinh trùng”, Bong Joon-ho chiếm một vị trí như thế nào với điện ảnh Hàn Quốc hơn 20 năm qua, câu trả lời đã quá rõ. Suốt 100 năm của lịch sử phim Hàn, quá trình thay đổi và phát triển đáng chú ý của đạo diễn Bong Joon-ho trong hơn 20 năm qua hoàn toàn đồng nhất với những gì quần chúng chờ đợi và mong muốn ở điện ảnh. Từ xưa đến nay, Bong Joon-ho vẫn luôn là cái tên gây sốt nhất trong giới điện ảnh Hàn Quốc.

Ju Sung-chul Tổng biên tập Cine21
Phan Thị Hồng HàDịch

전체메뉴

전체메뉴 닫기