메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features > 상세화면

2024 SUMMER

CÔNG VIÊN MANG LẠI HƠI THỞ CHO THÀNH PHỐ

Công viên Rừng Seoul là không gian tạo nên nét khác biệt cho Seongsu-dong. Đây là công viên đầu tiên ở Hàn Quốc có người dân trực tiếp tham gia xây dựng được khai trương vào năm 2005. Công viên có diện tích 350.000 pyeong (khoảng 116 hecta) bao gồm bốn công viên chủ đề độc đáo là Công viên Văn hóa Nghệ thuật, Công viên Học tập Trải nghiệm, Rừng sinh thái và Vườn sinh thái Đầm lầy. Đồng thời, các đặc trưng sinh thái, địa lý của khu vực được phản ánh rõ nét đã làm cho nơi đây trở thành một không gian thư giãn tiêu biểu trong lòng thành phố.

Công viên Rừng Seoul được tạo thành ở nơi hợp lưu của sông Hán và suối Jungnang, có hình tam giác khi nhìn từ trên cao. Hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn tốt và các cơ sở văn hóa được đáp ứng nên nơi đây trở thành nơi thư giãn nổi tiếng trong thành phố.
ⓒ Viện Seoul (The Seoul Institute)

Công viên Rừng Seoul được xây dựng tại điểm giao nhau của dòng sông Hán chảy từ phía đông và suối Jungnang chảy xuống từ phía bắc. Nếu nhìn từ trên cao, công viên trông giống như hình tam giác có một góc cong. Vành đai xanh dựng đứng chạy dọc theo rìa công viên như muốn chặn tiếng ồn và chất ô nhiễm từ các tuyến đường xung quanh. Bên trong không gian xanh hình tam giác ấy che phủ những khu rừng có mật độ khác nhau. Có thể thấy công viên Rừng Seoul là một vùng đất đã được sử dụng nhiều từ thuở xưa bởi vị trí địa lý nằm ven sông Hán, có tuyến đường chính có thể nhanh chóng di chuyển vào trung tâm thành phố.

CÔNG VIÊN ĐÔ THỊ

Công viên Rừng Seoul từng là nơi săn bắn của hoàng gia triều đại Joseon (1392-1910). Năm 1908, nhà máy lọc nước đầu tiên của Hàn Quốc được lắp đặt để cung cấp nước máy cho người dân. Về sau, nó được thay đổi diện mạo để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như sân gôn, trường đua ngựa, công viên thể thao. Vào những năm 1990, chính quyền đã có cuộc vận động phát triển khu vực này thành khu dân cư và kinh doanh, nhưng kế hoạch xây dựng công viên đã được tiến hành nhằm tạo không gian thư giãn trong trung tâm thành phố cho cư dân ở phía đông bắc Seoul - nơi còn thiếu công viên so với các khu vực khác. Năm 2003, cuộc thi thiết kế cảnh quan Công viên Rừng Seoul bắt đầu. Đến tháng 6 năm 2005, Công viên Rừng Seoul với quy mô 350.000 pyeong (khoảng 116 hecta) cuối cùng đã được mở cửa cho người dân.

ⓒ Thành phố Seoul

Công viên Rừng Seoul được xây dựng với mục tiêu là công viên vượt xa các công viên lân cận có thiết kế phổ biến, là một khu rừng đô thị đẳng cấp thế giới đại diện cho Seoul như công viên Trung Tâm (Central Park) của New York hay công viên Hyde của London. Thời điểm đó, Công ty Xây dựng và Thiết kế cảnh quan Dongsimwon - đơn vị đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế công viên Rừng Seoul, hy vọng rằng nơi này sẽ trở thành nơi mà người dân có thể thưởng thức cả văn hóa và nghệ thuật chứ không chỉ dừng lại ở cảnh quan thiên nhiên. Kết quả là bốn không gian chủ đề bao gồm Công viên Văn hóa Nghệ thuật, Rừng sinh thái Tự nhiên, Công viên Học tập Trải nghiệm Thiên nhiên, Vườn sinh thái Đầm lầy cùng với công viên ven bờ sông Hán đã được tạo nên.

KHÔNG GIAN ĐỂ THƯ GIÃN

Cách nhanh nhất để đến Công viên Rừng Seoul bằng phương tiện công cộng là đi tàu điện ngầm. Nếu bạn ra khỏi cổng số 4 của ga Rừng Seoul và đi vào Understand Avenue - không gian được tạo thành từ những chiếc container đầy màu sắc, bạn sẽ thấy Công viên Văn hóa Nghệ thuật - nơi có thể nói là trung tâm của công viên Rừng Seoul. Nơi này vốn dĩ là một trường đua ngựa đã được thiết kế thành không gian mà du khách có thể tham gia các hoạt động một cách đa dạng.

Tại quảng trường ngay cổng chính có tượng những con chiến mã, dáng vẻ năng động của chúng rất hài hòa với đài phun nước tràn đầy sinh khí ở phía sau. Dù có công viên nước riêng nằm sâu phía bên trong công viên, nhưng có lẽ vì nằm gần cổng chính nên đài phun nước này lại được yêu thích khi trở thành nơi nghịch nước cho trẻ em vào mùa hè. Khi trời trở nóng, những gia đình có con nhỏ trải khăn ngồi quanh đài phun nước. Vào kỳ nghỉ, những phòng thay đồ đơn giản cũng được lắp đặt dành cho du khách chơi té nước tại đây. Ngoài ra, chiếc Ao Gương trải dài phía sau đài phun nước lại mang đến cho du khách niềm vui theo một cách hoàn toàn khác. Trong chiếc ao nông này, cây cối xung quanh soi bóng xuống mặt nước, tạo cảm giác như chúng ta đang ở sâu trong núi. Đôi khi, bạn cũng có thể thấy dáng vẻ của những chú chim đang khát hạ cánh xuống ao trong thoáng chốc để uống nước.

Ao Gương nằm ở lối vào Công viên Rừng Seoul là một cái ao nông với độ sâu 3cm. Khung cảnh xung quanh gồm cả những hàng cây thủy sam chạy dọc bờ ao được in bóng như một bức tranh.
ⓒ Viện Seoul (The Seoul Institute)

Khi những hàng cây thưa dần và con đường thẳng bắt đầu uốn lượn nhẹ nhàng, một khoảng xanh rộng lớn hiện ra. Nơi đây là sân chơi gia đình, được bao quanh bởi con đường bộ hành với những loài cây cao lớn như cây lá phong, cây thủy sam vươn thẳng lên trời. Bãi cỏ rộng, mát mẻ mang đến cho người dân thành phố cảm giác tự do tột cùng. Ở nơi đây, mọi người dành thời gian thư giãn theo cách riêng của mình, chẳng hạn như bày biện đồ ăn đem theo ra dùng, đọc sách, nghe nhạc, ngủ trưa hoặc đạp xe. Cũng có một số người xem phim trên màn hình mini vào ban đêm. Đây cũng là không gian mà các chú chó vui chơi nhiều nhất ở công viên Rừng Seoul. Các lễ hội lớn như Lễ hội nhạc Jazz chủ yếu được tổ chức ở đây.

Người dân đang xem buổi biểu diễn trên sân khấu ngoài trời nằm đối diện Ao Gương. Vì nó được xây dựng thành không gian mở nên các sự kiện văn hóa nghệ thuật thường xuyên được tổ chức ở đây.
ⓒ Yoon Joon-hwan

NỖ LỰC ĐỂ BẢO TỒN

Rừng sinh thái Tự nhiên nằm ở vị trí sâu nhất của công viên Rừng Seoul. Kiến trúc sư thiết kế công viên đã trồng những loài cây tương tự mô hình khu rừng rậm gần Seoul và điều chỉnh mật độ để tạo ra một không gian gần gũi với thiên nhiên hoang dã. Vì quy mô công viên Rừng Seoul khá lớn nên việc du khách chỉ tham quan quanh khu vực cổng vào rồi quay trở ra là chuyện thường xuyên. Nhưng những ai đã từng đến Rừng sinh thái Tự nhiên đều ấn tượng bởi phong cảnh hiếm có ở Seoul và ghé thăm nhiều lần. Điều khiến mọi người chú ý nhất ở đây chính là khu thả hươu sao. Trong khu vực được bảo vệ bởi hàng rào thép gai dài, có khoảng chục con hươu đi lại tự do. Những ai muốn ngắm nhìn những chú hươu rõ hơn có thể lên cầu bộ hành có đài quan sát bắc ngang qua công viên, nối với vùng gò đất cao của sông Hán. Bạn có thể thấy một khu rừng rậm rạp như rừng nguyên sinh vì từ lâu đã cấm con người cũng như loài hươu ra vào nơi đây. Xung quanh trồng nhiều cây hoa anh đào nên khi mùa xuân đến, du khách nối thành hàng dài để qua cầu ngắm hoa. Điểm bắt đầu của cây cầu nằm ở vị trí cao nhất trong công viên Rừng Seoul được gọi là Đồi Gió và giá trị thực sự của ngọn đồi này có thể được kiểm chứng vào mùa thu. Những ngọn cỏ lau nở đúng mùa lao xao trong gió nhẹ mang đến cảm giác yên bình đầu mùa.

Trong khi đó, ở một góc khác cũng trong khu đất hình tam giác, có một khu Vườn sinh thái Đầm lầy được tạo nên do tận dụng hồ chứa nước sẵn có. Hồ chứa này trước đây có chức năng kiểm soát lũ. Nếu sông Hán tràn khi mưa lớn, hồ chứa sẽ tích trữ nước mưa và đóng vai trò vừa phòng ngừa thiệt hại mưa lũ vừa làm đê chắn sóng. Để kỷ niệm điều này, một số cây trụ của công trình hồ chứa nước đã được để lại, và vào mùa hè, những cây dây leo leo lên những cây trụ này tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp. Ban Quản lý Vườn sinh thái đầm lầy đã tận dụng tối đa địa hình của hồ chứa sẵn có và lắp đặt đài quan sát bằng gỗ để du khách quan sát các loài chim và thực vật vùng đất đầm lầy.

Trong khi đó, Công viên Học tập Trải nghiệm dành cho trẻ em tìm hiểu về sinh thái đã được thành lập bằng cách cải tạo một cơ sở nhà máy lọc nước khép kín. Đặc biệt, vườn triển lãm đẹp đến mức khiến người ta phải trầm trồ là khu vườn tận dụng kết cấu bể lắng của nhà máy lọc nước thay vì phá dỡ đi. Trông như thể cây cối đang mọc lên trên tòa nhà hoang phế. Điều này là nhờ vào việc lấp đầy đất cho con kênh hình chữ U được giữ nguyên cùng với bức tường và trồng cây dây leo để khi mùa hè đến, chúng trổ lá và rủ xuống tạo nhiều bóng mát.

ⓒ Thành phố Seoul

CÔNG VIÊN CÓ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN

Nếu nhìn từ xa trông giống nhau nhưng rừng và công viên khác nhau một cách rõ ràng. Nếu rừng là thiên nhiên thì công viên là một không gian xanh không chỉ có thiên nhiên mà còn gồm cả các hoạt động đa dạng của con người. Những công viên không thể thay đổi linh hoạt theo đời sống thường nhật của người dân và bối cảnh văn hóa xung quanh chắc chắn sẽ bị tách biệt khỏi thành phố. Công viên Rừng Seoul là một công viên có nhiều điểm đáng chú ý về mặt này.

Công viên Rừng Seoul là công viên đầu tiên ở Hàn Quốc có người dân tham gia trong suốt quá trình lập kế hoạch, sáng tạo, quản lý và vận hành. Trong quá trình quy hoạch công viên, ý kiến của các chuyên gia và mọi tầng lớp xã hội đã được phản ánh thông qua các cuộc hội thảo và các buổi trưng cầu dân ý. Đồng thời, trong quá trình xây dựng, người dân đã gây quỹ và trực tiếp trồng hàng chục nghìn cây xanh. Trọng tâm của sáng kiến này là Seoul Green Trust, được thành lập vào năm 2003. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mở rộng và bảo tồn không gian xanh trong các khu vực sinh sống của Seoul và tạo ra môi trường đô thị trong lành dựa trên sự tham gia của người dân. Seoul Green Trust đã thực hiện nhiều chương trình khác nhau tại công viên Rừng Seoul cùng với các tình nguyện viên kể từ khi thành lập và cũng vận hành công viên theo ủy thác từ năm 2016 đến năm 2021. Các hoạt động đa dạng do tổ chức này triển khai tại công viên Rừng Seoul đã được đánh giá cao về mặt đảm bảo tính bền vững liên tục trong quản lý công viên thông qua sự tham gia của người dân, cũng như nội dung và mục đích của chương trình tham gia của người dân nên đã được trao Giải thưởng Cảnh quan Đô thị Châu Á (Asian Townscape Awards) năm 2020. Đây xem như là mô hình quản lý công viên có sự tham gia của cộng đồng đầu tiên và những thành quả của nó đã được quốc tế công nhận.

Sức ảnh hưởng của công viên Rừng Seoul không chỉ dừng lại ở công viên. Nó vừa phản ánh đặc điểm khu vực của Seongsu-dong vừa đóng vai trò là không gian công cộng - nơi các thành viên của cộng đồng địa phương cùng nhau tụ họp. Để tạo ra một công viên mà người dân cần, Ban quản lý tích cực thu thập ý kiến của họ, một mặt xem xét các đặc điểm xung quanh - nơi tập trung các doanh nghiệp xã hội, tạo cơ hội cho chính những người làm nên sự thay đổi của khu vực được tận hưởng công viên Rừng Seoul một cách vui vẻ. Công viên Rừng Seoul đang thay đổi bộ mặt của Seongsu-dong - nơi được coi là vùng đất kém phát triển do tập trung các ngành công nghiệp nhẹ như sản xuất giày thủ công, và công viên đang chứng minh sự tồn tại của mình như “một lý do khác để mọi người muốn đến Seongsu-dong”.

Kim Mo A – Phóng viên Tạp chí Kiến trúc Cảnh quan Hàn Quốc
Dịch. Trần Thị Như Ngọc

전체메뉴

전체메뉴 닫기