메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

커버스토리 칼럼 게시판 > 상세화면

2020 WINTER

CHUYÊN ĐỀ

Minhwa: Tranh dân gian cho niềm Hạnh phúcCHUYÊN ĐỀ 2TÌNH YÊU TÔI DÀNH CHO MINHWA

Yoon Yul-soo, Giám đốc Bảo tàng Gahoe, dành cả cuộc đời để đi sưu tầm, nghiên cứu và trưng bày tranh dân gian. Vào năm 1973 với vai trò giám tuyển nghệ thuật của bảo tàng Emille, ông chính thức chạm ngõ với thế giới tranh dân gian để rồi say mê với những bức tranh mình được nhìn thấy. Thử nhìn lại quãng thời gian vui buồn của ông với vô số tranh dân gian về hổ, rồng, chim ác là, mẫu đơn và hoa sen.

Tôi sinh ra và lớn lên tại Namwon, tỉnh Jeonlla Bắc vùng trọng điểm với nhiều di tích thuộc triều đại Baekjae và Silla. Nhờ đó nơi đây dễ dàng phát hiện những cổ vật thuộc thời kỳ Tam quốc. Trong lúc đi cày trên những cánh đồng cũng có thể tìm thấy mảnh đất nung hay thậm chí là cả một tác phẩm đất nung gần như nguyên vẹn hình dáng. Vì thế ngay từ bé, tôi đã hay nhặt nhạnh những mảnh đất nung nằm vương vãi trên đồng mang về nhà. Do thói quen này mà bất kể lúc nào tôi cũng thích sưu tầm một cái gì đó.

Khi đang học tiểu học, đam mê sưu tầm thực sự bắt đầu và tem là cái đầu tiên tôi thực hiện. Tôi sở hữu một bộ tem đáng nể sau nhiều năm chăm chỉ góp nhặt. Thật không may nó đã bị trộm. Vì quá đỗi thất vọng nên tôi nghĩ mình phải sưu tầm cái không ai thèm đánh cắp. Thứ lóe lên trong đầu tôi ngay lúc đó chính là mấy lá bùa. Bùa vốn được dán ở mọi nhà thực sự là phù hợp nhất nên tôi bắt đầu lao vào hành trình sưu tầm những lá bùa cho mình. Một cơ may xuất hiện trong thời gian tôi tham gia quân ngũ. Khi đó tôi đang là tiểu đội trưởng và binh sĩ biết tôi có sở thích sưu tầm bùa chú nên mỗi dịp về phép và trở lại đơn vị họ đều mang theo nhiều lá bùa khác nhau. Nhờ đó bộ sưu tập của tôi dần đa dạng với những lá bùa đến từ nhiều vùng miền.

Khởi nguồn cho mối lương duyên giữa tôi và những bức tranh dân gian là vào tháng 4 năm 1973, khi tôi vừa xuất ngũ và bắt đầu với công việc giám tuyển nghệ thuật tại Bảo tàng Emille của giám đốc Zo Za-yong.

“Chim Ác là và Hổ”Thế kỷ 20. Mực và màu trên giấy. 98,3 x 37 cm.Bảo tàng Tranh dân gian Gahoe.Bức tranh có bố cục không phổ biến với hình ảnh chim ác là, hổ thành một hàng dọc thẳng với đỉnh núi và bối cảnh là hoa mẫu đơn.

Bảo tàng Emille
Giám đốc Zo Za-yong mặc dù là kiến trúc sư theo học tại Mỹ nhưng lại có kiến thức uyên thâm về nghệ thuật và văn hóa truyền thống Hàn Quốc. Đặc biệt ông dành tình yêu, mối quan tâm rất lớn cho tranh dân gian và dành tất cả sức lực để sưu tầm chúng. Là một giám tuyển nghệ thuật nhưng hoàn toàn không biết gì về tranh dân gian nên mỗi ngày tôi cùng giám đốc ngồi trước một bức tranh để nghiền ngẫm và thảo luận. Nhờ đó mà sau hàng trăm bức tranh tôi đã hiểu và cứ thế say mê chúng.

Tháng 11 năm 1975, giám đốc Zo Za-yong mang theo 32 bức tranh dân gian của bảo tàng và bắt đầu cuộc triển lãm lưu diễn tại Mỹ. Khởi đầu từ Hawaii và kéo dài suốt bảy năm và đây được xem là bước ngoặt khi tranh dân gian Hàn Quốc lần đầu tiên được giới thiệu ra nước ngoài. Kể từ buổi triển lãm tại bảo tàng thành phố Oakland tổ chức năm 1981 tôi được phụ trách nghiệp vụ cho các buổi triển lãm. Thời điểm đó khi nhìn thấy sự hào hứng của người Mỹ, tôi vững tin một triển vọng mới cho tranh dân gian nước mình.

Tôi thôi công việc tại bảo tàng Emille năm 1983 khi nó được chuyển từ phường Deungchon, Seoul đến núi Songni, Boeun thuộc tỉnh Chungcheong Bắc. Nhưng tình yêu dành cho tranh dân gian một khi bắt đầu thì không thể dừng lại được. Sau đó trong suốt thời gian làm việc tại các bảo tàng khác, tôi không ngừng học hỏi và tự nghĩ rằng cách học tốt nhất chính là quan sát thật nhiều tranh. Nghĩ vậy nên tôi không thấy cực và đi khắp mọi nơi trong nước. Nhờ thế tác phẩm sưu tầm dần nhiều lên.

“Danh tướng Trương Phi”Thế kỷ thứ 19. Mực và màu trên giấy. 111 x 64 cm.Bảo tàng Tranh dân gian Gahoe.Tiểu thuyết lịch sử “Tam quốc diễn nghĩa” đã kịch tính hóa, thi vị hóa các sự kiện và nhân vật lịch sử. Các nhân vật trong tiểu thuyết được vẽ lại trong tranh với mục đích chủ yếu là nhằm giáo huấn. Trương Phi là một vị tướng vô cùng gan dạ đã giúp Lưu Bị thành lập Thục Hán.

Bảo tàng Tranh dân gian Gahoe
Hơn 30 năm làm giám tuyển nghệ thuật tại các bảo tàng, tôi đúc kết cho riêng mình nhiều kiến thức và kinh nghiệm, để rồi tôi mơ một ngày mình sẽ tự điều hành một viện bảo tàng. Mơ ước đó vốn được cất sâu trong tim và hết sức tình cờ và, ngẫu nhiên, tôi đã thực hiện được. Tôi biết đến thông báo tuyển giám đốc điều hành của một bảo tàng đặt tại làng hanok Bukchon của Tổng công ty Xây dựng Phát triển đô thị Seoul một ngày trước khi hết hạn. Tôi và vợ toát cả mồ hôi để chuẩn bị mọi hồ sơ cần thiết trong chỉ vỏn vẹn một ngày. Cuối cùng thật may khi bản thân nắm bắt được cơ hội giúp phát huy kinh nghiệm lâu năm và nhiệt huyết trong tôi.

Đó là sự hòa quyện gần như hoàn hảo giữa tranh dân gian và những gian nhà truyền thống. Tranh dân gian là một loại hình nghệ thuật phù hợp nhất với tâm tư lối sống của người Hàn Quốc. Được điều hành bảo tàng tranh dân gian đặt tại làng truyền thống Bukchon, nơi vẫn lưu giữ tương đối khá nguyên vẹn những mảng màu truyền thống, đối với tôi là một cơ may lớn.

Rồi cuối cùng vào năm 2002 một bảo tàng nhỏ chuyên trưng bày tranh dân gian đã được thành lập. Hai vợ chồng tôi thảo luận với nhau về cách điều hành bảo tàng sao cho hài hòa với bối cảnh không gian nhà truyền thống từ tên gọi cho đến cách thức triển lãm. Đầu tiên, chúng tôi gỡ vách ngăn ở các phòng rồi làm thành một phòng lớn dành cho việc trưng bày. Nền nhà được lắp đặt hệ thống sưởi giúp khách tham quan có thể cởi giày và bước vào với đôi chân trần. Quả là không dễ dàng gì. Số tiền ít ỏi kiếm được khi làm công ăn lương tôi đã dùng vào việc sưu tầm tranh dân gian nên về kinh tế tôi không mấy dư dả. Nếu không có sự khích lệ và hỗ trợ nhiệt tình của vợ thì chắc đã không có bảo tàng tranh dân gian Gahoe ngày nay. Sinh ra và lớn lên tại Seoul với ngành học Lịch sử Hàn Quốc nên vợ tôi hiểu rõ ý nghĩa đặc biệt của việc xây dựng một bảo tàng tranh dân gian tại Bukchon hơn bất cứ điều gì.

Chủ đề của buổi triển lãm đầu tiên là “Trừ tà”. Tôi chỉ chọn ra những tranh dân gian và lá bùa có yếu tố trừ tà mà tôi sưu tầm được trong nhiều năm. Bùa vốn có nhiều loại và trong số đó có Đường tứ trụ (dangsaju) là kiểu bùa thể hiện vận mệnh của một người bằng những hình vẽ vô cùng tương đồng với những nét bút trên tranh dân gian để giúp những ai không biết chữ cũng dễ dàng nắm bắt được nội dung. Bùa Đường tứ trụ đóng vai trò như phương thức xoa dịu nỗi đau con người và tranh dân gian lại là nơi nói thay những ước nguyện của tầng lớp thường dân. Mặc dù chúng có hình thái và mục đích sử dụng khác nhau nhưng đều là những thứ có thể nắm bắt tâm tư trong lòng con người. Với điểm này thì tôi nghĩ rằng Đường tứ trụ hoàn toàn đủ giá trị. Trước đây cũng có triển lãm tranh dân gian liên quan đến trừ tà thế nhưng một triển lãm chuyên đề bùa chú và tranh dân gian dùng trừ tà thì đó là triển lãm đầu tiên.

Tôi dán kín những lá bùa mình sưu tầm được trong thời gian qua lên tường và mấy tấm pa-nô mà vẫn không đủ chỗ. Vì vậy chúng tôi dán lên xà ngang và cột nhà như trong các gia đình vẫn hay làm. Và phải nằm dưới nền nhà cổ thì mới có thể ngắm tranh. Đây không giống như các triển lãm thông thường khác là mang giày đi vào và thưởng thức tranh mà là triển lãm trải nghiệm nhà cổ với việc cởi giày ra, nằm xuống sàn nhà, để toàn bộ cơ thể có thể cảm nhận được không gian triển lãm. Khi đó chúng tôi cũng có hướng đi cho những buổi triển lãm sau này của Bảo tàng Tranh dân gian Gahoe. Đặc biệt qua những bức vẽ về hổ vốn được xem là biểu tượng khởi nguồn của văn hóa Hàn Quốc và chuẩn mực nhất trong các loại tranh dân gian mang ý nghĩa trừ tà, chúng tôi muốn quảng bá việc dân tộc ta vốn đã xem hổ là loài vật rất gần gũi và linh thiêng.

Minhwa, tranh dân gian, là một loại hình nghệ thuật truyền thống đồng điệu nhất với tâm tư, lối sống của người Hàn Quốc. Bảo tàng Tranh dân gian đặt tại làng hanok truyền thống Bukchon ngay trung tâm thủ đô Seoul là nơi vẫn còn lưu giữ tương đối khá nguyên vẹn những mảng màu truyền thống. Được điều hành nơi này, đối với tôi, là một sự may mắn tuyệt vời.

Bảo tàng Tranh dân gian Gahoe được thành lập vào năm 2002 với không gian là một ngôi nhà truyền thống tại Bukchon ngay trung tâm Seoul. Nơi dây lưu giữ khoảng 2.000 hiện vật bao gồm tranh dân gian, bùa chú và các hiện vật dân gian khác. Do sự phát triển và quy hoạch của quận nên nó đã được dời đến một tòa nhà hiện đại gần đó vào năm 2014.

Các triển lãm ở nước ngoài
Trong triển lãm đầu tiên, khách tham quan đều là nhà nghiên cứu dân tộc học và người nước ngoài vốn quan tâm đến tín ngưỡng dân gian của Hàn Quốc. Sau đó, chúng tôi cố gắng quảng bá đến mọi người dân về tranh dân gian mà mình sưu tầm được qua những triển lãm được lên kế hoạch hàng năm. Vì những triển lãm diễn ra theo kế hoạch chỉ trưng bày những tác phẩm vốn sẵn có nên quy mô có phần hạn chế nhưng tôi vẫn cảm thấy ý nghĩa vì nó trưng bày những tranh dân gian theo từng chủ đề đặc trưng. Triển lãm còn là cơ hội để tôi sắp xếp lại những tác phẩm sưu tầm sao cho có hệ thống.

Sau đó chúng tôi đã tiến hành hơn 20 triển lãm với những chủ đề như “Triển lãm Văn tự đồ – Hệ thống đạo đức trong văn hoá Nho giáo” (2003), “Triển lãm tranh phong tục Shaman giáo – Tìm về sơ khởi tín ngưỡng dân gian địa phương” (2004), “Cá tìm về suối Thanh Khê” (2005), “Triển lãm tranh hoa mẫu đơn” (2006), “Triển lãm tranh sơn thủy” (2007)… Không chỉ ở Seoul mà các triển lãm ở các tỉnh, tôi cũng tích cực tham gia. Mỗi lần phác thảo kế hoạch triển lãm, tôi nghiên cứu sâu hơn về từng chủ đề và thành quả được lưu lại trong các danh mục nghệ thuật.

Những triển lãm mộc mạc khởi đầu tại bảo tàng nhỏ và thiếu thốn đã bắt đầu vươn ra ngoài lãnh thổ. Cuộc triển lãm ở nước ngoài đầu tiên được diễn ra tại Bảo tàng Zanabazar ở Ulaanbaatar, Mông Cổ vào tháng 3 năm 2006 với chủ đề “Tranh dân gian bất đối xứng và đất nung vẹo vọ” chứa đựng sự khéo léo và khiếu khôi hài trong tranh dân gian Hàn Quốc. Sau đó là “Triển lãm tranh dân gian Hàn Quốc và ảnh trong sách – Cuộc gặp gỡ giữa tranh dân gian và sách ảnh” (2010) tổ chức tại Viện Mỹ thuật Ký ức Otani ở Nishinomiya, Nhật Bản; “Triển lãm tranh Pháp sư của Hàn Quốc” (2010) do Viện Văn hoá Hàn Quốc tại Pháp tổ chức; “Triển lãm Tranh dân gian Hàn Quốc Phước Thọ Khang Ninh” (2012) tại Bảo tàng Sayamaike, Osaka. Đây là những triển lãm mà chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức để tổ chức. Và từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 7 năm 2015 chúng tôi đã tổ chức toàn bộ 8 cuộc triển lãm ở các thành phố khác nhau trên khắp nước Úc. Sau đó chúng tôi tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên riêng về tranh dân gian ở Nga vào năm 2018 tại Bảo tàng Nghệ thuật Phương Đông Quốc gia ở Moscow. Tiếp đó là triển lãm tại Viện Mỹ thuật Quốc gia Belarus ở Minsk, nước Cộng hoà Belarus.

Triển lãm đặc biệt về hổ
Kể từ giây phút đầu tiên tiếp xúc tranh dân gian đến nay mới đó đã 47 năm. Hiện nay mục tiêu của tôi là tổ chức “Triển lãm chuyên đề về Hổ” với 100 bức tranh dân gian về hổ. Triển lãm tự nhiên sẽ kèm theo những nghiên cứu mang tính hệ thống, logic và lưu lại trong một tập hợp danh mục. Nhưng hết thảy mọi thứ chính là triển lãm này sẽ tạo ra niềm vui lâu dài cho nhiều người. Tôi đang lấy sức để hiện thực hóa mục tiêu này.

Yoon Yul-sooGiám đốc Bảo tàng GahoeDịch. Bùi Thị Mỹ Linh

전체메뉴

전체메뉴 닫기