메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2022 WINTER

NHỮNG ĐẠO DIỄN THEO ĐUỔI SỰ HOÀN HẢO TRONG NGHỆ THUẬT

Có nhiều yếu tố khiến K-drama phát triển lên một bước cao hơn. Trong số đó, khả năng đạo diễn là một yếu tố không thể bỏ qua. Các đạo diễn phim truyền hình không đơn thuần tái hiện kịch bản mà còn nâng cao mức độ hoàn chỉnh của tác phẩm bằng rung cảm của riêng mình để mang đến cảm xúc cho khán giả.

(Từ trái sang)
Đạo diễn Yeon Sang-ho của phim “Địa ngục”, đạo diễn Lee Jae-kyoo của phim “Ngôi trường xác sống”, đạo diễn Lee Eung-bok của phim “Thế giới ma quái”, đạo diễn Hwang Dong-hyuk của phim “Trò chơi con mực”.
ⓒ Netflix



Ở Hàn Quốc, có xu hướng cho rằng nhà biên kịch là trung tâm của một bộ phim truyền hình. Nhìn chung, “Bộ phim truyền hình này là tác phẩm của ai?” là câu hỏi dành cho nhà biên kịch chứ không phải là câu hỏi dành cho đạo diễn. Khi một bộ phim truyền hình hay mới được phát sóng, khán thính giả thường tìm kiếm xem ai đã viết kịch bản. Dĩ nhiên, không thể phủ nhận sự góp mặt của đạo diễn phim truyền hình. Có những đạo diễn ngôi sao mà tên tuổi của họ luôn khiến khán giả kỳ vọng, mà một ví dụ là đạo diễn Lee Byung-hoon - đạo diễn của bộ phim truyền hình “Nàng Dae Jang Geum” (2003-2004), người đã góp phần mở rộng Làn sóng Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong thời kỳ quy mô sản xuất phim truyền hình còn nhỏ, vai trò chính của đạo diễn là hiện thực hóa câu chuyện trong thời gian và ngân sách hạn chế, đồng thời giao tiếp tốt với các diễn viên và biên kịch mà mình đang làm việc cùng. Nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây, khi quy mô sản xuất phim truyền hình được mở rộng, vai trò và vị thế của các đạo diễn cũng thay đổi.


 

Đa dạng hóa quy mô sản xuất và thể loại
Đầu thập niên 2000, thị trường phim truyền hình Hàn Quốc mở rộng nhờ thâm nhập vào Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á; theo đó, quy mô sản xuất phim truyền hình cũng dần dần được tăng lên. Bộ phim truyền hình “Hậu duệ mặt trời” (Descendants of the Sun, 2016) do đài KBS2 phát sóng là một ví dụ điển hình. Được sản xuất bởi Content Media Group NEW, bộ phim truyền hình này đã vượt ra khỏi thông lệ vốn có - các đài truyền hình là trung tâm - để tiến hành theo hình thức mới: công ty sản xuất chủ đạo từ kế hoạch cho đến bán bản quyền, lưu hành nhạc phim. Lúc bấy giờ, được đầu tư một số tiền lớn là 13 tỷ won, bộ phim truyền hình này được sản xuất trước 100%, được phát sóng đồng thời ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, bộ phim đã ghi nhận tỷ lệ người xem hơn 30%, còn tại nền tảng phim ảnh iQiyi của Trung Quốc đã ghi nhận gần 200 triệu lượt xem mỗi tập và làm nên một hiện tượng.

Khi quy mô sản xuất được mở rộng, một cách tự nhiên, thể loại phim truyền hình cũng trở nên đa dạng hơn. Trước đây, phim truyền hình quy mô lớn rất khó sản xuất nên không có các nhà biên kịch tham gia viết kịch bản cho dòng phim này. Tuy nhiên, khi chi phí sản xuất dần được tính toán hợp lý, trí tưởng tượng của các nhà biên kịch bắt đầu bùng nổ. Nhà biên kịch Kim Eun-sook, người đã thành công rực rỡ với “Hậu duệ mặt trời”, đã liên tiếp trình làng nhiều kịch bản khác, bắt đầu từ “Yêu tinh” (Guardian: The Lonely and Great God, 2016-2017) cho tới bộ phim lịch sử bom tấn “Quý ngài Ánh dương” (Mr. Sunshine, 2018).

Sự đa dạng về thể loại và sự tăng trưởng về quy mô của phim truyền hình cũng làm nổi bật khả năng của các đạo diễn trong việc chuyển từ kịch bản thành hình ảnh. Đạo diễn Lee Eung-bok, người đã làm việc với biên kịch Kim Eun-sook trong ba tác phẩm kể trên và liên tiếp khiến chúng thành công, nhanh chóng nổi lên như ngôi sao trong giới đạo diễn được nhiều người công nhận vì tài năng đạo diễn tinh tế. Thông qua loạt phim gốc của Netflix “Thế giới ma quái” (Sweet Home, 2020) Lee Eung-bok đã chứng tỏ ông cũng đang thử sức với thể loại phim sinh vật kỳ bí ở Hàn Quốc.



Một cảnh trong phim “Thế giới ma quái”, chuỗi phim kinh dị về quái vật mà đạo diễn Lee Eung-bok đã thử nghiệm, thoát ra khỏi thể loại quen thuộc của mình. Nguồn tài chính ổn định đã khuyến khích các đạo diễn thử sức và nỗ lực nhiều hơn.
ⓒ Netflix

Đạo diễn điện ảnh
Trong thời gian qua, các đạo diễn điện ảnh Hàn Quốc chưa cảm thấy mặn mà lắm với việc làm phim truyền hình ở mức độ tái hiện kịch bản. Vả lại, việc phải sản xuất gấp rút theo lịch trình phát sóng cũng là một gánh nặng lớn. Tuy nhiên, khi nền tảng OTT xuất hiện và hệ thống tiền sản xuất đã ổn định, các đạo diễn điện ảnh liên tục tiến vào mảng phim truyền hình.

Diễn viên Bae Doo-na, người đóng vai y nữ, đang diễn xuất tại trường quay “Vương triều xác sống” mùa 1. Chỉ đạo bộ phim truyền hình này, đạo diễn Kim Sung-hoon đã tận dụng tối đa cảnh quan thiên nhiên của thời đại Triều Tiên - bối cảnh lịch sử của phim - để tạo nên những hình tượng xác sống mới mẻ.
ⓒNetflix

Hình ảnh đạo diễn Yoon Jong-bin (giữa) đang trò chuyện với các diễn viên tại phim trường “Thánh ma túy”. Trong bộ phim truyền hình đầu tiên do mình đạo diễn “Thánh ma túy”, Yoon Jong-bin đã chứng tỏ độ hoàn hảo về kỹ thuật của mình. Anh là đạo diễn đã có một sự nghiệp phim ảnh đồ sộ, với những bộ phim trong đó nhân vật chính thường là kẻ bị đưa vào một thế giới khác.
ⓒNetflix



Thêm vào đó, do dịch COVID-19 khiến việc chiếu phim tại rạp trở nên khó khăn, ngày càng có nhiều nhân lực ngành điện ảnh thâm nhập vào lĩnh vực phim truyền hình. Khá nhiều bộ phim truyền hình Hàn Quốc được chú ý trên toàn thế giới thông qua Netflix là các tác phẩm được chỉ đạo bởi các đạo diễn điện ảnh. Đạo diễn Kim Sung-hoon của “Vương triều xác sống” (Kingdom, 2019-2021) đã gia nhập làng giải trí bằng một bộ phim hài vào năm 2006. Phim kinh dị “Ngày đen tối” (A Hard Day, 2014) được mời tham dự Tuần lễ Đạo diễn tại Liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 67, và phim thảm họa “Đường hầm” (Tunnel, 2016) cũng được mời tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế. Đạo diễn Hwang Dong-hyuk, người đã giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải Emmy năm nay cho “Trò chơi con mực” (Squid Game, 2021), cũng là đạo diễn “Ngoại già tuổi đôi mươi” (Miss Granny, 2014) - bộ phim có nhiều phiên bản làm lại ở nhiều quốc gia khác nhau, và phim cổ trang “Nam Hán Sơn Thành” (The Fortress, 2017) - bộ phim đã giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế. Đạo diễn Yoon Jong-bin của “Thánh ma túy” (Narco-saints), bộ phim được phát hành vào tháng 9 năm ngoái, cũng nhiều lần nhận được giải thưởng đạo diễn xuất sắc tại các liên hoan phim cho các tác phẩm táo bạo như “Găng-tơ vô danh” (Nameless Gangster: Rules of Time, 2012), “Kế hoạch Bắc Hàn” (The Spy Gone North, 2018).

Đạo diễn Lee Sang-ho (phải) đang nói chuyện với diễn viên Yoo Ah-in tại phim trường “Bản án từ địa ngục”. Vốn học chuyên ngành hội họa phương Tây ở trường đại học, Lee Sang-ho đang hoạt động sôi nổi trong vai trò đạo diễn và nhà biên kịch trong nhiều thể loại như phim hoạt hình, webtoon, phim điện ảnh và phim truyền hình.
ⓒNetflix

Đạo diễn Lee Jae-kyoo đang chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên Park Ji-hu trong “Ngôi trường xác sống”. Anh đang cố gắng diễn giải rằng khung cảnh trường học sẽ trở nên hỗn loạn như thế nào khi thảm họa xảy ra. Ví dụ, anh đã chỉ đạo cho các học sinh trong phim mặc trang phục màu xanh lá cây để tạo nên sự tương phản với lớp học nhuốm máu.
ⓒNetflix



Giờ đây, việc làm đạo diễn phim truyền hình hay phim điện ảnh không còn là vấn đề quá quan trọng nữa. Đó là bởi ranh giới giữa hai thể loại này đang dần trở nên mờ nhạt khi nhân lực sản xuất hầu như tham gia vào cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình. Yeon Sang-ho chính là đạo diễn tiêu biểu tạo nên sự biến đổi này. Vốn là một đạo diễn phim hoạt hình, nhưng đến năm 2016, Yeon Sang-ho giành được thành công lớn với phim điện ảnh “Chuyến tàu sinh tử” (Train to Busan), và vào năm 2021 là “Bản án từ địa ngục” (Hellbound) - loạt phim gốc của Netflix được báo chí nước ngoài gọi là một tác phẩm “kỳ ảo đen tối”. Yeon Sang-ho theo đó hoạt động tích cực trong cả vai trò đạo diễn và biên kịch cho phim hoạt hình, phim điện ảnh và phim truyền hình. Ngoài ra, đạo diễn Lee Jae-kyoo - người được quan tâm bởi loạt phim gốc khác của Netflix “Ngôi trường xác sống” (All of Us are Dead, 2022) - cũng bắt đầu với vai trò nhà sản xuất phim truyền hình và cũng đã tạo ra những cú hit phòng vé. “Huyền thoại lữ khách” (Damo: The Legendary Police Woman, 2003) - bộ phim truyền hình đầu tay của anh - thậm chí đã tạo nên một hiện tượng được gọi là “Damo phế nhân” ám chỉ những khán giả say mê bộ phim này.

Sự chi tiết và tính chuyên nghiệp
Vào thập niên 1990, khi phim truyền hình thịnh hành ở Hàn Quốc, phim tình cảm, phim gia đình và phim truyền hình cổ trang là những thể loại chính. Tuy nhiên, bước vào thập niên 2000, khi người xem tiếp xúc với nhiều thể loại phim truyền hình nước ngoài thông qua internet hoặc truyền hình cáp, khán giả Hàn Quốc bắt đầu có xu hướng thích phim truyền hình nước ngoài hơn phim truyền hình trong nước. Để đổi mới, đạo diễn Ahn Pan-suk đã sản xuất bộ phim truyền hình “Quyền lực trắng” (Behind the White Tower, 2007) từ tiểu thuyết cùng tên của tiểu thuyết gia người Nhật Toyoko Yamazaki và gây được tiếng vang lớn. Bộ phim y khoa này nhận được nhiều sự chú ý nhờ cách miêu tả chuyên nghiệp và chi tiết, khiến khán giả như thể đang được xem cảnh phẫu thuật thực tế, đồng thời thu hút người xem một cách mạnh mẽ mà không cần đến các yếu tố tình cảm mùi mẫn hay kịch tính. Do ảnh hưởng của bộ phim này, hàng loạt các bộ phim truyền hình thể loại mà trong đó, các nhân vật chính làm những nghề nghiệp cụ thể như bác sĩ, luật sư hay cảnh sát hình sự ra đời, và các đạo diễn luôn muốn đạt được mức hoàn hảo khi làm phim thay vì chỉ tái hiện kịch bản một cách thiếu đầu tư. Kim Won-suk là đạo diễn đã có những thay đổi theo xu hướng này. Chủ yếu thực hiện các vở kịch một màn vào thập niên 2000 nhưng bước vào thập niên 2010, đạo diễn Kim bắt đầu thể hiện khả năng đạo diễn tinh tế và đầy cảm xúc của mình trong các tác phẩm như “Chuyện tình ở Sungkyunkwan” (Sungkyunkwan Scandal, 2010) và “Mùi đời: Cuộc sống không trọn vẹn” (Misaeng, 2014) dựa trên tiểu thuyết lãng mạn và webtoon.

Mặt khác, bộ phim giật gân pha giả tưởng “Tín hiệu” (Signal, 2016) mang phong cách cổ điển, còn “Ông chú của tôi” (My Mister, 2018) thì ghi lại những cảm xúc độc đáo về những con phố đêm Seoul. “Biên niên sử Arthdal” (Arthdal Chronicles, 2019) tái hiện thời gian và không gian của thời tiền sử với những tưởng tượng phong phú, điều chưa từng thử sức trong các bộ phim cổ trang trước đó. Mỗi tác phẩm do Kim Won-suk đạo diễn đều được đánh giá là một sự thử sức, có thể gọi là thách thức trong lĩnh vực phim truyền hình Hàn Quốc. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua Yoo In-sik, đạo diễn nổi tiếng với việc thêm tình cảm và màu sắc đậm chất Hàn Quốc vào các bộ phim dài tập. Những nỗ lực như thế trong quá khứ chính là nền tảng cho sự ra đời của những tác phẩm lừng danh thế giới như bộ phim “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” (Extraordinary Attorney Woo, 2022) gần đây.



Đạo diễn Yoo In-sik đang nói chuyện với diễn viên Park Eun-bin tại trường quay “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo”. Kể từ khi gia nhập làng giải trí vào năm 2003, hầu hết các bộ phim truyền hình do anh đạo diễn cho đến nay đều rất thành công. Qua tác phẩm này, một lần nữa, anh chứng tỏ tài năng của một đạo diễn kỳ cựu.
ⓒ ASTORY



Các đạo diễn của K-drama coi trọng việc chỉ đạo diễn xuất không kém việc sản xuất hình ảnh giống như dàn cảnh. Sở dĩ các diễn viên phim truyền hình hấp dẫn là vì họ tạo nên được sức mạnh hiệp thông giữa bản thân và nhân vật. Các đạo diễn đã phát huy tối đa điều này thông qua chỉ đạo diễn xuất. Chính vì lý do này, khả năng diễn xuất xuất sắc của các diễn viên có thể được coi là một trong những yếu tố khiến K-drama được yêu thích. Nhìn từ quan điểm này, dường như không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn Hwang Dong-hyuk giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất và nam diễn viên Lee Jung-jae giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Emmy 2022. Những sự kiện này chứng tỏ một sự thật rằng khả năng cạnh tranh của K-drama nằm ở sức mạnh tổng hợp giữa đạo diễn và diễn xuất.



Jung Duk-hyunNhà phê bình văn hóa đại chúng
Dịch.Thân Thị Thúy Hiền

전체메뉴

전체메뉴 닫기