메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2023 SPRING

ĐAN THỜI GIAN TỪ LÔNG NGỰA

Nghệ nhân Jeong Da-hye tốt nghiệp đại học chuyên ngành điêu khắc, nhưng sau đó cô chuyển sang tìm tòi khám phá vẻ đẹp cùng tiềm năng của ngành thủ công mỹ nghệ lông ngựa. Công việc của cô phân tích lại những di sản văn hóa nghệ thuật mà bao thế hệ người Hàn đã thưởng thức trong thời gian dài bằng mỹ cảm hiện đại. Nỗ lực này mang về cho cô Giải thưởng Thủ công Mỹ nghệ Loewe năm 2022.


Những chiếc giỏ làm từ lông ngựa được Jeong Da-hye lấy cảm hứng từ đồ đất nung thời tiền sử. Lông ngựa ở đây lấy từ bờm hoặc đuôi ngựa, có màu trắng, nâu, hoặc đen. Chúng có đặc tính vừa mềm mại, vừa nhẹ, lại dẻo dai nên khi tạo hình dạng khối sản phẩm không bị méo mó, biến dạng.
© Cung cấp bởi Soluna Craft Korea

Trong suốt tháng 7 năm 2022, Viện bảo tàng Nghệ thuật Thủ công Seoul (Seoul Museum of Craft Art) đón đông đảo khách đến tham quan hơn hẳn thường lệ. Đó là nhờ sức hút lớn của bức ảnh được RM - trưởng nhóm BTS, cũng là người nổi tiếng yêu nghệ thuật đăng tải lên trang Instagram cá nhân sau khi anh tham quan triển lãm những tác phẩm lọt vào vòng chung kết của Giải thưởng Thủ công Loewe (Loewe Foundation Craft Prize) năm 2022. Bức ảnh đầu tiên là tác phẩm “Thời gian của sự chân thành” (A Time of Sincerity) của nghệ nhân Jeong Da-hye, lấy cảm hứng từ đồ đất nung hoa văn hình răng lược thời kỳ đồ đá mới.



“Thời gian của sự chân thành” của nghệ nhân Jeong Da-hye, tác phẩm được trao Giải thưởng Thủ công Loewe lần thứ 5 vào năm 2022. Viện bảo tàng Nghệ thuật Thủ công Seoul (Seoul Museum of Craft Art) đã tổ chức triển lãm, trưng bày trước công chúng các tác phẩm lọt vào vòng chung kết giải thưởng này trong suốt tháng bảy năm vừa qua và đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
© Cung cấp bởi Soluna Craft Korea

Giống như tên tác phẩm, chiếc giỏ làm từ lông ngựa được nghệ nhân Jeong hoàn thành sau một thời gian dài lao động miệt mài đã đạt hạng cao nhất Giải thưởng Thủ công Loewe danh giá thế giới. Đây là vinh dự trao cho tác phẩm duy nhất hội tụ tính độc đáo sáng tạo, tính nghệ thuật và tinh thần của nghệ nhân trong số các tác phẩm tranh giải của hơn 3.100 nghệ nhân nổi tiếng đến từ 116 quốc gia.


Cuối tháng sáu năm ngoái, 30 nghệ nhân thủ công khắp thế giới lọt vào danh sách chung cuộc tham dự lễ trao tặng Giải thưởng Thủ công Loewe năm 2022 tề tựu tại Viện bảo tàng Nghệ thuật Thủ công Seoul chụp hình lưu niệm.
© Cung cấp bởi Viện bảo tàng Nghệ thuật Thủ công Seoul (Seoul Museum of Craft Art)

Lông ngựa ở đây được lấy từ bờm hoặc đuôi ngựa. Jeong Da-hye, 33 tuổi, một nghệ nhân mới, đã tỉ mẩn đan từng sợi từng sợi loại vật liệu lạ lẫm chưa được công chúng biết đến, tạo nên những đồ vật có kết cấu hình dạng độc đáo chưa từng thấy ở bất cứ đâu. Cô xỏ qua lỗ kim những sợi lông ngựa vừa mảnh như tóc vừa bán trong suốt, rồi đan kết thành những vật dụng như dây chuyền hoặc mũ. Bên cạnh đó, cô cũng chế tác những đồ trang trí tao nhã mô phỏng hình dạng các di vật lịch sử bằng đất nung.

Vì sao nghệ nhân chú ý đến chất liệu mới lạ như lông ngựa?
Lông ngựa là vật liệu phổ biến trong xã hội phân tầng giai cấp thời kỳ Joseon (1392-1910). Chúng được dùng làm các loại mũ bao gồm gat (mũ có chóp hình trụ, rộng vành) mà nam giới quý tộc đội khi đi ra ngoài, hoặc các vật dụng đội đầu thường ngày trong nhà để giữ lễ nghi như manggeon (băng đô búi tóc), tanggeon (mũ đội bên trong mũ gat). Ngoài dùng làm vật đội đầu, lông ngựa còn được sử dụng rộng rãi để làm ghệt tay áo (ống tay áo) hay đồ trang sức.



Ghệt tay áo được nghệ nhân chế tác bằng kỹ thuật truyền thống. Thời xưa, ghệt tay áo làm từ lông ngựa được đeo vào cánh tay để ngăn đổ mồ hôi vào mùa hè.
© Cung cấp bởi Soluna Craft Korea

Tôi tiếp xúc vật liệu lông ngựa lần đầu vào năm 2017, khi tham gia dự án do Quỹ Nghề Thủ công và Thiết kế Hàn Quốc (Korea Craft & Design Foundation) quản lý. Sau đó tôi học kỹ thuật xử lý lông ngựa từ người bảo tồn nghề làm manggeon và từ người tốt nghiệp đào tạo nghề làm mũ tanggeon. Cả hai nghề thủ công này đều là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Được biết cô theo chuyên ngành điêu khắc ở bậc đại học. Ngành thủ công mỹ nghệ lông ngựa có vẻ khác xa với chuyên ngành cử nhân của cô, vậy đâu là điểm thu hút của ngành này?
Khi bắt đầu làm việc với lông ngựa tôi hết sức lo lắng. Tôi rất trăn trở liệu việc lựa chọn bắt đầu học lên cao học vào cuối độ tuổi 20 có phải là quyết định đúng đắn hay không. Đồng thời để trang trải cuộc sống, cuối tuần tôi làm thêm bán thời gian, trong tuần thì vừa chế tác vừa học.

Để tạo ra một vật hình khối bằng chất liệu lông ngựa, đầu tiên phải nối từng sợi ngắn với nhau, sau đó dùng kim đan khít chúng lại. Công việc lao động giản đơn lặp đi lặp lại này đã mê hoặc tôi. Nhìn từng sợi lông ngựa mỏng manh dần kết thành một khối vững chắc, tôi thêm can đảm rằng mình có thể làm tốt ở lĩnh vực này.

Thật thú vị khi làm ra đồ thủ công hữu ích từ lông động vật. Nó gợi cảm giác ban sơ, lại thân thiện môi trường.
Trước đây, lượng rác thải lớn sinh ra khi điêu khắc luôn khiến tôi bận lòng. Chế tác thủ công từ lông ngựa thì khác. Nó chẳng những không tạo ra nhiều chất thải, mà ngay cả khi tác phẩm bị bỏ đi cũng không gây hại cho môi trường. Tôi rất hài lòng ở điểm này. Khuôn gỗ dùng khi đan cũng do tôi tự tay cắt gọt.

Cô có thể chia sẻ về quá trình chế tác được không?
Dụng cụ chỉ cần lông ngựa, kim, kéo và khuôn gỗ là đủ. Đầu tiên, tôi chọn ra những sợi lông ngựa có độ dày đồng đều và suôn mượt. Tiếp theo, tôi cắt và chuẩn bị khuôn gỗ theo hình dạng mong muốn. Kế đến, cột lông ngựa vào khuôn rồi dùng kim đan kết các sợi khít vào nhau. Sau khi đan xong, cho sản phẩm vào nước sôi xử lý nhiệt để cố định hình dạng. Cuối cùng là để khô tự nhiên rồi lấy ra khỏi khuôn là hoàn tất. Quá trình thực hiện khá đơn giản.

Nghe nói cô đến từ Jeju. Lông ngựa có được trực tiếp cung cấp từ đó không?
Một người quen hiện đang điều hành trang trại ở Jeju thỉnh thoảng có cắt lông ngựa và gửi cho tôi. Nhưng chỉ với số lượng đó thì không đủ. Hiện tôi sử dụng nhiều loại lông ngựa nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc, Mông Cổ,...

Theo cô, khó khăn khi xử lý vật liệu tự nhiên như lông ngựa là gì?
Một bó lông ngựa nhiều lắm chỉ sử dụng được khoảng từ 10% đến 20%. Thời gian đầu, vì tiếc nên tôi dùng cả các sợi không được tốt lắm, nhưng khi hoàn thành, hình dáng sản phẩm không đẹp. Bây giờ bằng cảm nhận của đôi tay, tôi đã khá thành thạo trong việc tuyển chọn ra những sợi lông ngựa chất lượng tốt. Ngồi làm việc cả ngày tuy gây áp lực lên phần cổ tay và vai, nhưng có lẽ đây là khó khăn chung mà người thợ thủ công mỹ nghệ nào cũng gặp phải.

Việc chế tác dường như được chia thành hai khuynh hướng chính. Một là làm những vật dụng thường ngày như dây chuyền, đồ chơi treo nôi, ghệt tay áo; hai là chế tác những đồ vật mô phỏng di vật lịch sử bằng đất nung có họa tiết răng lược. Cô có thể chia sẻ đôi lời về phong cách chế tác của mình không?
Thời gian đầu, tôi hướng đến tính ứng dụng nên chủ yếu tập trung phát triển những sản phẩm như dây chuyền hay đồ chơi treo nôi. Dần dà tôi cảm thấy tiếc vì chưa truyền tải trọn vẹn cảm hứng mà mình thụ đắc từ lông ngựa. Tôi muốn thể hiện một cách hiệu quả hơn đặc tính độc đáo của lông ngựa, chẳng hạn như sự vững chắc khi tạo thành hình khối, hay sắc óng ánh khi có ánh sáng chiếu vào.

Tôi rất thích những cổ vật thời tiền sử. Qua những vật thể hình dạng giản đơn, tôi cảm nhận được sức mạnh đôi tay của con người thời ấy. Vì vậy, tôi nghĩ đến việc thử thể hiện sức mạnh của lông ngựa mà tôi cảm nhận được thông qua những vật hình dạng khác lạ, mộc mạc như đồ đất nung hoa văn răng lược. Đến nay, tôi đang thử sức với các tác phẩm kiểu đồ đất nung với nhiều loại hình dạng và kích cỡ.

“Thời gian của sự chân thành”, tác phẩm đạt giải cao nhất vòng chung kết Giải thưởng Thủ công mỹ nghệ Loewe, được làm công phu đến mức ngạc nhiên. Cô mất bao lâu để hoàn thành tác phẩm này?
Tác phẩm này sáng tạo dựa trên hình dạng đồ đất nung thời cổ đại. Vì tác phẩm dự thi giải thưởng quốc tế nên tôi muốn gửi vào đó tính lịch sử và vẻ đẹp của thủ công mỹ nghệ lông ngựa truyền thống. Tôi đã mượn một phần hoa văn trên sabangwan, một loại mũ thời Joseon mà nam giới sử dụng. Sản phẩm hoàn thành trong khoảng hai tháng. Việc chế tác cần một thời gian dài cũng là thông điệp quan trọng tôi muốn gửi gắm qua tác phẩm. Tên gọi “Thời gian của sự chân thành” ra đời từ đó. Phải góp nhặt sự chân thành từ từng ngày, từng ngày mới có thể biến những sợi lông ngựa thành một vật hình khối. Đây cũng chính là điều tôi tâm niệm với bản thân. Để có cuộc sống tự chủ, độc lập, tôi phải sống chân thành từng ngày trong đời.

Phản ứng nào từ người xem triển lãm khiến cô nhớ mãi?
Nhiều người bất ngờ khi biết tuổi của tôi. Có lẽ mọi người nghĩ tác giả của sản phẩm thủ công truyền thống hẳn là nhiều tuổi. Tôi bắt đầu công việc vì thấy thú vị, nhưng giờ đây khác với trước kia, tôi cảm thấy mình đang mang theo một sứ mệnh. Vì một nhánh của thủ công truyền thống mai một dần, cũng đồng nghĩa với việc một một ngả đường lưu dấu tinh thần dân tộc của chúng ta tan biến vậy. Tôi theo đuổi ngành này và mới ở nửa đầu độ tuổi 30, nên nghề thủ công từ lông ngựa sẽ còn kéo dài thêm vài chục năm nữa.



Jeong Da-hye tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành điêu khắc và cao học chuyên ngành dệt sợi. Cô ra mắt tác phẩm thủ công mỹ nghệ lông ngựa truyền thống mang hơi thở hiện đại. Manggeon, một loại băng đô quấn đầu nam giới quý tộc để giữ tóc không bị rớt, dưới bàn tay nghệ nhân trở thành vật dụng có thêm công dụng mới làm trang sức cho nữ giới.
© Cung cấp bởi Soluna Craft Korea

Cô nghĩ gì về giá trị của thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc?
Tiêu chí tôi đặt ra khi làm việc luôn là “bản thân tôi”. Quan trọng nhất là tác phẩm đó tôi có hài lòng hay không, đã đáp ứng được tiêu chuẩn bản thân mình đặt ra hay chưa. Thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc cũng thế. Đó chính là cái của riêng chúng ta, theo cách nhìn của dân tộc mình, chứ không phải theo tiêu chuẩn của người ngoài. Lẽ nào cái đẹp trong mắt dân tộc mình lại không có được sự đồng cảm của thị trường thế giới hay sao?

Kang Bo-ra Phóng viên tự do
Dịch. Mai Kim Chi, Mai Xuân Huyên

전체메뉴

전체메뉴 닫기