메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features > 상세화면

2024 WINTER

NÚI INWANG ÔM TRỌN SEOCHON

Núi Inwang là biểu tượng của khu vực Seochon, phong cảnh tuyệt đẹp ở nơi đây đã xuất hiện trong nhiều bức tranh sơn thuỷ từ xa xưa. Vào triều đại Joseon, các hiền nhân thường đến đây thưởng ngoạn ngâm thơ; ngày nay, địa danh này đã trở thành nơi leo núi nổi tiếng cho người dân tìm đến khám phá, cũng là nơi tản bộ thư giãn của cư dân địa phương.

Quang cảnh trung tâm thủ đô Seoul nhìn từ núi Inwang. Lee Seong-gye, người sáng lập triều đại Joseon, cho xây dựng những bức tường pháo đài nối liền các sườn núi của bốn ngọn núi Bukaksan, Naksan, Namsan và Inwangsan bao xung quanh để bảo vệ kinh thành Hanyang. Bức tường thành Hanyang (nay là Seoul) có chiều cao trung bình khoảng 5-8m, tổng chiều dài khoảng 18,6km.
ⓒ Tổ chức Du lịch Hàn Quốc

Qua thời gian, cửa hàng ngũ cốc trở thành khu trò chơi điện tử, trong khi cửa hàng kim khí lại chuyển thành nhà hàng. Và rồi những ngôi nhà từng là hàng xóm láng giềng phủ đầy những tấm chắn bụi trong một thời gian, nay lần lượt biến thành không gian thương mại. Có những lúc tôi cảm giác thật xa lạ nhìn khung cảnh khu phố mỗi khi bước chân ra khỏi nhà. Thế nhưng, mỗi tối trên con đường trở về nhà, lòng bỗng thật thư thái khi nhìn thấy núi Inwang và núi Bukak phía bên kia cổng thành Gwanghwamun. Khi đứng ở ngã tư ga tàu điện ngầm Cung Gyeongbok lối vào Seochon, thu vào tầm mắt là sườn núi Bukak như thể một chú chim đang dang rộng đôi cánh, hiện ra phía xa xa theo con đường Jahamun-ro trải dài. Seochon đã thay đổi theo thời gian nhưng thế núi vẫn như thế.

Trong dòng chảy của sự đổi thay, Seochon vẫn tồn tại những con đường quanh co thay vì thẳng tắp. Các con hẻm tràn ngập những ngôi nhà truyền thống hanok với mái ngói lượn sóng, hình dạng nhà giống với các phụ âm tiếng Hàn “gi-eok” (ㄱ), “ni-eun” (ㄴ), ‘di-geut” (ㄷ), “ri-eul” (ㄹ). Còn có những con đường xuất hiện các ngôi nhà có hình dạng như phụ âm “mi-eum” (ㅁ), “bi-eup” (ㅂ). Khi dạo quanh những con hẻm, có lúc tôi bị lạc đường khi mải đắm chìm vào vẻ đẹp của những hoa văn trên tay nắm cửa hay song cửa sắt, hay khi đọc những dòng chữ đẹp như tranh vẽ được viết trên môn bài. Thế rồi, tôi thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy bóng núi Inwang sừng sững phía bên kia con hẻm.

Seochon từng là khu vực trọng yếu trong lịch sử kể từ khi triều đại Joseon dời đô về Hanyang (nay là thủ đô Seoul). Khu phố này có bốn thư viện công cộng và 20 hiệu sách nhỏ xung quanh, một trong số đó được điều hành bởi nữ tiểu thuyết gia Han Kang – người vừa đoạt giải thưởng Nobel văn học năm 2024. Đây là lý do tôi muốn thay đổi cách gọi chữ “seo” trong Seochon, từ “seo” (tây, hướng tây) thành “seo” (thư, sách).

Thế núi hùng vĩ

Núi Inwang toạ lạc ở phía tây Cung Gyeongbok, trải dài qua địa phận Seochon và các khu vực lân cận. Với độ cao 338,2m, chỉ mất chưa đầy một giờ để ta leo lên đến đỉnh núi từ bất kỳ hướng nào. Núi Inwang là núi đá hoa cương nham thạch với dáng vẻ uy nghi và hùng vĩ cùng những thung lũng sâu đã từng là nơi loài hổ thường lai vãng trước đây.

Nếu như ở châu Âu người ta nói mọi con đường đều dẫn đến thành Rome thì vào thời Joseon, ta cũng có con đường Uiju-ro nối bán đảo Triều Tiên với Trung Quốc đại lục. Con đường này nối Uiji, tỉnh Pyonganbuk-do ở Hanyang qua khu vực miền Trung và miền Bắc của bán đảo. Trước đây, các sứ thần Trung Quốc sử dụng tuyến đường này, đi qua Uiju đến Pyeongyang (Bình Nhưỡng) và Kaesong để vào Hanyang. Họ sẽ lưu trú tại lữ quán Hongjewon bên ngoài cổng phía tây và sau khi chỉnh trang lại quan phục, sẽ vượt qua đèo Muakjae để vào thành Hanyang. Đèo này nằm trong thung lũng giữa núi Inwang và Ansan bên ngoài thành, cho đến những năm 1970, giao thông trên đoạn đường nguy hiểm này bị ngừng lại mỗi khi tuyết rơi dày.

Jang-dong bát cảnh thiếp (Tập tranh tám thắng cảnh của Jang-dong ở Seoul). Jeong Seon. Thập niên 1750.Màu nước trên giấy. 33,4 × 29,7cm.
Jeong Seon là một hoạ sĩ từng sống ở Seochon, đã chọn tám địa danh có phong cảnh nổi bật ở khu vực này để phác hoạ. Bức tranh này là một trong số đó, tác phẩm vẽ thung lũng dưới chân núi Inwang, thể hiện nét vẽ điêu luyện của một nghệ sĩ ở độ tuổi thất tuần.
ⓒ Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc

“Khoanh tay ngắm nhìn Hanyang bên kia sông Imjin, núi non bao quanh trùng điệp tường thành trông như phượng hoàng dang cánh toả ra ánh sáng rực rỡ.”

Những ấn tượng được sứ thần Dong Yue (Đổng Việt, 1431-1502) thời nhà Minh ghi lại trong nhật trình du hành Chaoxianfu (Triều Tiên phú) đến giờ vẫn còn nguyên vẹn. Địa thế núi Inwang ông mô tả vẫn còn đó. Ngày nay, những du khách thăm quan ngọn Inwang vẫn thường leo lên tảng đá trên đỉnh núi để chụp ảnh lưu niệm. Nếu đứng trên đó vào những ngày nắng trong, những ngọn núi xung quanh sẽ hiện ra dưới dạng hình “ㅅㅅㅅ” (phụ âm si-ot).

Địa danh ngắm hoa nổi tiếng

Thời xưa, người dân thành Hanyang chọn đài Pilwun và đài Seshim, toạ lạc hai bên trái và phải dưới chân núi Inwang, là những địa danh tuyệt đẹp để thưởng ngoạn hoa xuân. Yeolyang sesigi (Liệt dương tuế thời ký) - tác phẩm ghi lại những phong tục theo mùa và lễ hội hàng năm của triều đại Joseon, viết rằng cứ đến tháng 3 hàng năm, khách du xuân lại tụ hội như mây và kéo ùn như sương mù về đài Pilwun - nơi bạt ngàn hoa mai và đài Seshim - nơi tràn ngập hoa đào.

Ngay cả nhà Thực học Pak Ji-won (Phác Chỉ Nguyên, 1737-1805), người thường không đam mê thơ ca, đã hai lần dùng hình tượng đài Pilwun để đề thơ trong quyển bốn tuyển tập Yeonamjip (Yên Nham tập). Phong cảnh nơi này cũng được mô tả chi tiết trong tuyển tập Mumyeongjajib (Vô Danh Tử tập) của văn thần Yun Gi vào thế kỷ XVIII.

“Tây đài nổi lên với những tảng đá rộng và bằng phẳng / Mùa xuân nắng ấm rực rỡ ngập tràn đô thành”

Đài Seshim từng là nơi hoàng gia thường xuyên ghé thăm. Đây là nơi nhà vua ngự du cùng các quan đại thần để bắn cung và đàm đạo thơ ca. Hiện nay, dân chúng khó có thể tiếp cận hai khu vực này vì đài Pilwun nằm trong khuôn viên Trường Trung học Nữ sinh Baehwa, còn đài Seshim thuộc khuôn viên của Trường Khiếm thính Quốc gia Seoul.

Thung lũng Suseong-dong

Thung lũng Suseong-dong là tuyệt tác cảnh quan, nằm ở phía đông của núi Inwang. Vào triều đại Joseon, các gia đình quyền môn thế tộc đã xây dựng cư thất và đình tứ (nguyệt đài) để sinh sống ở đó. Vào hạ, các hiền sĩ thường tụ hội để thưởng thức cầm kỳ thi hoạ. Tuy nhiên, năm 1971 khu chung cư thí điểm Ogin đi vào hoạt động đã làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan nơi đây. Khoảng 40 năm sau, vào năm 2012, thung lũng Suseong-dong đã lấy lại được diện mạo vốn có khi khu chung cư bị phá dỡ hoàn toàn. Những con đường tản bộ xung quanh thung lũng Suseong-dong được sửa sang lại rất đẹp, sử dụng làm không gian vui chơi cho cư dân địa phương.

Một bài thơ về thung lũng Suseong-dong được tìm thấy trong quyển chín của tuyển tập Wandang seonsaeng jeonjip (Nguyễn đường tiên sinh toàn tập) gồm các tác phẩm của học giả - thư pháp gia Kim Jeong-hui (Kim Chính Hỷ, 1786–1856) vào cuối triều đại Joseon. Trong bài thơ bắt đầu bằng “Ngay khi vào thung lũng, chỉ một vài bước chân / Tiếng sấm gầm dưới chân”, ông đã ngâm một câu thơ “Đi vào ban ngày cũng như thể là đêm”.

Mùa hè năm trước, vốn là lúc cái nóng giảm dần và cơn tấn công của đàn muỗi cũng dịu bớt nhưng thời tiết vẫn còn oi bức, và rồi trời đổ mưa suốt mấy ngày liền. Sáng sớm tinh mơ, tôi cầm ô leo lên thung lũng Suseong-dong. Thung lũng vẫn chìm trong màn đêm và tràn ngập tiếng mưa. Khi đứng trước cây cầu đá mang tên Girin và nghe thấy rõ tiếng nước róc rách, tôi có thể cảm nhận được trọn vẹn hồn thơ của Kim Jeong-hui trong cõi u tịch ấy. Dòng suối từ trên núi đổ về phía cầu Girin, chảy tung toé qua những tảng đá tạo nên âm thanh thật sống động.

Thung lũng Suseong-dong là danh lam thắng cảnh được giới quý tộc triều đại Joseon tìm đến thưởng ngoạn. Cầu Girin được làm từ hai phiến đá dài 3,8m ghép lại với nhau, có ý nghĩa lịch sử to lớn vì đây là cây cầu đá duy nhất được bảo tồn nguyên vẹn trong tường thành Hanyang.
ⓒ Shutterstock

Toàn cảnh Seoul

Đường Bugak vắt ngang sườn núi được xây dựng để tăng cường an ninh xung quanh Cheong Wa Dae (Nhà Xanh) sau vụ đột kích của các đặc vụ vũ trang Triều Tiên vào năm 1968. Con đường này bắt đầu từ hang động Sajik tại khu vực Đàn tế Sajik và trải dài khoảng 10km về phía Đông dọc theo sườn núi Bugak. Đây là con đường hai làn nối liền núi Inwang và Bugak, chia thành đường núi Inwang và đường núi Bugak vào năm 1984 tại Changuimun (cửa ngõ phía Tây Bắc của pháo đài Seoul vào triều đại Joseon). Hai con đường này lần lượt được gọi là Inwang Skyway và Bukak Skyway. Đình bát giác nằm trên đỉnh Bukak Skyway được xem là địa điểm hẹn hò nổi tiếng của các cặp đôi.

Đi lên con đường Inwang - Bukak Skyway, rảo bộ về hướng Changuimun, bạn sẽ lên đến được đài Mumu -  đài quan sát trên núi Inwang. Vào những ngày quang đãng, tầm nhìn không bị cản trở, từ đài quan sát ta có thể nhìn được toàn cảnh Cheong Wa Dae nằm ngay dưới chân núi Bukak, Cung Gyeongbok và các địa danh khác của Seoul như tháp Namsan Seoul và tháp Lotte World. Bạn còn nghe thấy cả tiếng chó sủa trong vùng Seochon ở gần đó, nhìn thấy rõ xe buýt trong làng và những chiếc xe đạp đang hướng về thung lũng Suseong-dong.

Núi Inwang có khoảng 30 trạm gác quân sự nên người dân bị hạn chế tham quan trong một thời gian dài. Việc mở cửa hoàn toàn núi Inwang vào năm 2018 dẫn đến các trạm gác quân sự bị phá bỏ, và một số nơi được biến thành không gian thư giãn cho người dân. Trong ảnh là “Nơi trú ẩn trong rừng”, cũng là chỗ ở của lính canh được cải tạo lại thành không gian văn hoá.
ⓒ Studio Kenn

Con đường ngắn nhất để đi từ đài quan sát đến tường thành Hanyang mất tầm khoảng 15 phút đi bộ là leo lên cầu thang gỗ đối diện quán cà phê sách Chosochaekbang. Ở cuối bậc thang, bức tường thấp của pháo đài ốp bằng đá hiện ra giống như cột sống của núi Inwang. Trên đường leo lên đỉnh núi, nhìn qua ngó lại dáng núi trải dài trong và ngoài tường thành, ta có cảm giác như mình đang cưỡi trên lưng một con hổ đứng bằng hai chân sau.

Leo núi Inwang giữa trời mưa, sương mù dày đặc bao phủ khiến mọi thứ hoá hư không. Mỗi khi cơn gió đổi hướng vén làn mưa mỏng, những ngọn núi Ansan, Bukak và Namsan như thoắt ẩn thoắt lộ ra mái đầu. Bất chợt, tôi nghĩ liệu đây chẳng phải là hình ảnh Hanyang mà Taejo Lee Seong-gye (Thái tổ Lý Thành Quế) đã từng thấy khi leo lên núi Inwang để chọn nơi đóng đô!

Kim Gil-ji – Nhà văn viết du ký
Ảnh. Han Jung-hyun
Dịch. Phùng Thị Thanh Xuân

전체메뉴

전체메뉴 닫기