메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features > 상세화면

2016 WINTER

CHUYÊN ĐỀ

Điện ảnh Hàn Quốc thế kỷ 21: Năng Động Và Ước MơCHUYÊN ĐỀ 1Điện ảnh Hàn Quốc thế kỷ 21: Hào quang và Bóng tối

Đứng từ vị trí của điện ảnh Hàn Quốc ngày nay nhìn lại, từ cuối thế kỉ 20 đến nay chưa đến 20 năm nhưng đó cứ như một quá khứ xa xăm. Dù ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã có những bước chuyển to lớn trong thế kỷ 21 nhưng điện ảnh Hàn Quốc vẫn chưa tìm được chỗ đứng rõ ràng của mình trên bản đồ điện ảnh thế giới.

Sự kiện thảm đỏ và công chiếu VIP cho phim “Chuyến tàu đếnBusan” (Train to Busan) được tổ chức vào ngày 18/07/2016 tạiYeongdeungpo Time Square, Seoul, thu hút một đám đông lớn.Sự kiện dành cho bộ phim bom tấn về thảm hoạ của Hàn Quốcnày cho thấy một diện mạo mới của ngành công nghiệp điện ảnhHàn Quốc trong thế kỷ 21.

Cho đến những năm 1980, việc đi xem phim Hàn Quốc ở Hàn Quốc không phải là một “xu thế”. Từ rất lâu, trong mắt người Hàn Quốc, phim Hàn Quốc thuộc dạng phim “lấy nước mắt” rẻ tiền. Điện ảnh Hàn Quốc trong thập niên 1960 phát triển rực rỡ và đa dạng theo cách riêng của họ, nhưng từ những năm 1970, việc kiểm duyệt và quy chế khắt khe của chế độ độc tài, cũng như việc phổ cập ti vi trên phương diện rộng ngăn cản sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc trong gần 20 năm sau đó. Từ giữa thập niên 1990, điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu có sự thay đổi lớn, được xem như là một sự phục hưng. Các nhà sản xuất trẻ trí thức và đầy tinh thần thử thách, các đạo diễn mới đầy tài năng nghệ thuật và tham vọng bắt đầu dẫn đầu xu thế mới và từ sau đó, điện ảnh Hàn Quốc đạt được bước phát triển rực rỡ cả về mặt thương mại lẫn nghệ thuật.
Nhận thức quốc tế cũng bắt đầu thay đổi theo đó. Thời kì giữa những năm 1990, du học sinh Hàn Quốc học điện ảnh ở Paris ít nhất một lần nghe thấy câu hỏi từ các bạn sinh viên khác: “Ở Hàn Quốc cũng có làm phim à?”, vì cho đến thời điểm đó, ngoại trừ một số ít các chuyên gia điện ảnh, ngay cả những người đam mê phim nước ngoài cũng rất hiếm người có cơ hội tiếp cận với phim Hàn Quốc.

I“Xuân hương truyện”(Chun-hyang, 2000)của Im Kwon-taek làbộ phim Hàn Quốcđầu tiên được đề cửtranh giải Liên hoanPhim Cannes.

Tuy nhiên, khi bước vào thế kỷ 21, cục diện này thay đổi nhanh chóng. Việc các tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc được giới thiệu và giành giải thưởng ở các Liên hoan phim quốc tế có uy tín không còn là việc hiếm, các đạo diễn thế hệ mới bắt đầu bước chân vào nghệ thuật điện ảnh vào giữa cuối thập niên 1990 như Hong Sang-soo, Kim Ki-duk, Park Chan-wook, Bong Joon-ho… giờ đây thu hút số lượng khán giả hâm mộ nước ngoài khá lớn.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp điện ảnh
Hàn Quốc thuộc quốc gia có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển nhanh nhất trong thế kỉ 21. Số lượng khán giả từ 61.690.000 người trong năm 2000 tăng lên 217.290.000 người trong năm 2015, số phim sản xuất trong nước tăng từ 57 lên 232 phim, và số lượng màn hình tăng từ 720 đến 2.424, tất cả đều tăng lên trên 3 lần, tổng doanh thu năm 2015 đạt 2.110 tỉ won (khoảng 1,83 tỷ USD). (Tổng doanh thu năm 2005 là 1.524,5 tỷ won, không có số liệu thống kê chính xác cho thời gian trước đó).
Dĩ nhiên trên phương diện tốc độ tăng trưởng, con số này không thể so được với thị trường điện ảnh Trung Quốc. Sau khi đạt được tốc độ tăng trưởng 64,3% không thể tin được trong năm 2010, ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng vô cùng cao, trên dưới 30% hằng năm. Với số lần xem phim (rạp) trên đầu người vẫn chỉ đạt mức 0,92 lần (năm 2015), ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc được dự đoán tạm thời sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này trong thời gian tới. Tuy nhiên, khó có nước nào khác ngoài Trung Quốc có ngành công nghiệp điện ảnh đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ như Hàn Quốc.

Một cảnh trong phim“Ốc đảo” (Oasis, 2002)của Lee Chang-dong,câu chuyện tình yêucủa người phụ nữ bịbại não và không thíchnghi được với xã hội.

Choi Min-sik đóng vainghệ sĩ thiên tài JangSeung-eop của triềuđại Joseon cuối thế kỷ19 trong “Tuý hoạ tiên”(2002), phim truyệnthứ 98 của đạo diễnIm Kwon-taek.

Yếu tố tăng trưởng đáng chú ý nhất của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc là sự thay đổi trong số lần xem phim trên đầu người. Năm 2000, số lần xem phim trung bình hằng năm của người Hàn Quốc chỉ ở mức 1,3 lần. Tuy nhiên, năm 2005 con số này tăng lên gấp đôi đạt mức 2,95 lần sau 5 năm, và sau đó lần đầu tiên đột phá ở mức 4,17 lần vào năm 2013, và 4,22 lần trong năm 2015. Con số này rất đáng chú ý vì theo dữ liệu năm 2013, số lần xem phim bình quân đầu người hằng năm của Hoa Kỳ là 4 lần, của Pháp là 3,14 lần, của Anh là 2,61 lần, của Đức 1,59 lần, và của Nhật Bản 1,22 lần. Ngay cả Ấn Độ, quốc gia sản xuất nhiều phim nhất trên thế giới (năm 2013 là 1.602 phim), số lần xem phim trên đầu người chỉ dừng ở mức 1,55 lần.
Điều gì đã làm cho điện ảnh Hàn Quốc đạt tỉ lệ tăng trưởng cao cũng như số lần xem phim trên đầu người đạt mức cao nhất như vậy? Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong chính sách điện ảnh của chính phủ Hàn Quốc. Dưới chế độ hạn ngạch điện ảnh (screen quota) nghiêm ngặt, các rạp phim của Hàn Quốc phải chiếu phim Hàn trên 73 ngày trong một năm. Những người hoạt động trong ngành điện ảnh đã và đang nhận hỗ trợ tài chính từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, Ủy ban phim ảnh của các khu vực, các đoàn thể tự trị địa phương, và Liên hoan phim quốc tế. Ngoài Trung Quốc là nước thực thi chính sách hạn chế nghiêm ngặt việc nhập khẩu phim nước ngoài, Hàn Quốc là quốc gia thực thi chính sách chấn hưng điện ảnh trong nước ở mức cao nhất thế giới.

Những chính sách này giúp cho phim Hàn Quốc chiếm vị trí ưu thế trong doanh thu rạp phim. Phim Hàn Quốc đều đặn mang lại hơn một nửa doanh thu, cụ thể là 59,7% năm 2013, 50,1% năm 2014 và 52,0% năm 2015. Theo số liệu năm 2013, ngoài hai trường hợp ngoại lệ là Hoa Kỳ (94,6%) và Ấn Độ (94,0%), Hàn Quốc thuộc số ít quốc gia có vị trí ngang bằng hoặc vượt trội hơn phim Mỹ trong thị trường này, cùng với Trung Quốc (58,6%) và Nhật Bản (60,6%). Năm 2013, tỉ lệ phim trong nước của Pháp là 33,8%, của Anh là 22,1% (bao gồm cả phim hợp tác với nước ngoài).
Ngoài ra, xoá bỏ chế độ kiểm duyệt, sự xuất hiện của nhiều đạo diễn trẻ tài năng… cũng được xem là các yếu tố đóng góp cho sự tăng trưởng của điện ảnh Hàn Quốc. Dĩ nhiên, giờ đây ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc rõ ràng đã bước sang một giai đoạn mới. Số lần xem phim trên đầu người và số màn hình gần đạt đến ngưỡng giới hạn, việc xoá bỏ các chính sách xúc tiến điện ảnh đang áp dụng… cho thấy mô thức tăng trưởng của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc trong tương lai sẽ không giống như bây giờ.

Một cảnh trong “Người xem tướng” (The Face Reader,2013) của đạo diễn Han Jae-rim. Diễn viên Kim Hyesoođóng vai Yeonhong, một kĩ nữ và người xem tướngquyến rũ.

Một cảnh ấn tượng trong “Đội quân siêu trộm” (TheThieves, 2012) của đạo diễn Choi Dong-hoon, bộ phimhành động hài nói về cuộc săn đuổi viên kim cương của10 tên trộm.

Vị trí của điện ảnh Hàn Quốc
Trước khi bộ phim “Xuân Hương truyện” (Chunhyang) của đạo diễn Im Kwon-taek được chọn tham dự Liên hoan Phim Cannes năm 2000, chưa từng có bộ phim Hàn Quốc nào được mời tham dự liên hoan phim được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1946 này. Việc tuyển chọn của Liên hoan Phim Cannes không phải là tiêu chuẩn tuyệt đối nhưng có thể nói rằng trong thế kỉ 20, trên bản đồ điện ảnh thế giới chủ yếu do các học giả điện ảnh và nhà phê bình điện ảnh phương Tây tạo ra, phim Hàn Quốc không hề tồn tại. Phim Hàn Quốc hoàn toàn không được giới thiệu trong “Lịch sử điện ảnh thế giới Oxford” (Oxford University Press) xuất bản năm 1966, và trong các ấn phẩm liên quan đến lịch sử điện ảnh thế giới khác cũng vậy.

1 Một cảnh trong “Kẻ truy đuổi (The Chaser, 2008) củađạo diễn Na Hong-jin, bộ phim kinh dị nói về một kẻ giếtngười hàng loạt, những nạn nhân của hắn, một tên macô và cựu cảnh sát truy đuổi kẻ sát nhân.
2 Một cảnh trong “Chạy đâu cho thoát” (Veteran, 2015) củađạo diễn Ryoo Seung-wan, bộ phim mô tả cuộc sốngngầm của người thừa kế thế hệ thứ ba của một tập đoàn.
3 Một cảnh trong “Người hầu gái” (The Handmaiden, 2016),bộ phim của đạo diễn Park Chan-wook được quan tâmnhất gần đây.
4 Một cảnh trong “Tiểu quái Jeon Woochi” (Jeon Woochi:The Taoist Wizard, 2009) của đạo diễn Choi Dong-hoon,bộ phim hài về thời kỳ Joseon.

Tình hình bắt đầu thay đổi từ năm 2000. Tại Liên hoan Phim Cannes, Im Kwon-taek giành giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ phim “Tuý hoạ tiên” (Painted fire, 2002), Park Chan-wook giành Giải thưởng lớn (Grand Prix) cho bộ phim “Báo thù” (Oldboy, 2004) và giải của Ban giám khảo (Jury Prize) cho phim “Cơn khát” (Thirst, 2009). Trong khi đó, đạo diễn Lee Chang-dong mang lại cho Jeon Do-yeon giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất với bộ phim “Bí mật ánh dương” (Secret Sunshine, 2007) và ông cũng giành giải thưởng Kịch bản hay nhất cho bộ phim “Thi ca” (Poetry, 2010). Ba tác phẩm của Hong Sang-soo và hai tác phẩm của Lim Sang-soo cũng được đề cử tham dự Cannes dù không nhận được giải thưởng nào.

Bộ phim “Ốc đảo” (Oasis, 2002) của Lee Chang-dong giành Giải thưởng đặc biệt dành cho đạo diễn và giải Nữ diễn viên mới xuất sắc nhất (diễn viên Moon So-ri) tại Liên hoan Phim Venice. Kim Ki-duk giành được giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất cho “Samaritan Girl” vào năm 2004 tại Liên hoan Phim Berlin, và cho “Căn nhà trống 3-Iron” tại Liên hoan Phim Venice cùng năm đó. Ông cũng giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan Phim Venice cho “Pieta” (2012). Điều này cho thấy điện ảnh Hàn Quốc trong thế kỉ 21 đang được đánh giá tích cực, điều mà thế kỉ trước đó khó có thể hình dung được.
Với những thành tựu đạt được trong hơn 10 năm trở lại đây, liệu chúng ta có thể khẳng định điện ảnh Hàn Quốc cuối cùng cũng đã tìm được chỗ đứng thật sự cho mình trên bản đồ điện ảnh thế giới? Vẫn chưa có câu trả lời khả quan cho câu hỏi này. Cứ mỗi 10 năm, Tạp chí điện ảnh của Anh “Sight & Sound” công bố danh sách “Những bộ phim vĩ đại nhất của mọi thời đại” (The Greatest Films of All Time) qua khảo sát ý kiến các nhà phê bình phim và đạo diễn trên toàn thế giới. Trong 100 phim xếp hạng đầu của danh sách được công bố vào tháng 12 năm 2012, không có phim Hàn Quốc nào và tất nhiên, điều này có thể dự đoán được. Tuy nhiên, có sáu phim Châu Á lọt vào danh sách Top 10 hàng năm từ sau những năm 2000 nhưng cũng không có bộ phim Hàn Quốc nào.
Dĩ nhiên chúng ta không cần phải chú trọng quá mức vào danh sách này. Trong tương lai, danh sách này sẽ được tiếp tục chỉnh sửa và soạn thảo lại, và cho đến nay như mọi khi, không ít phim lại được phát hiện ra trong thời đại sau. Tuy vậy, qua danh sách này, chúng ta có thể đoán ra được sự thật là nhiều chuyên gia điện ảnh trên thế giới cho rằng phim Hàn Quốc không thuộc đội ngũ tiên phong trong mĩ học điện ảnh cùng thời đại. Nói cách khác, điện ảnh Hàn Quốc vẫn chưa có chỗ đứng rõ ràng trên bản đồ điện ảnh thế giới trong cùng thời đại.

Nam diễn viên SongKang-ho và nữ diễn viênKim Ok-bin trong phim“Cơn khát” (2009), bộphim kinh dị của đạo diễnPark Chan-wook nói vềmột vị linh mục biến thànhma cà rồng.

Phim của bất cứ khu vực nào cũng đều khắc hoạ “đặc tính khu vực” riêng ở một mức độnào đó (đôi khi rất đậm nét). Vậy, phim Hàn Quốc có đặc tính gì? Nói cách khác, “đặc tínhkhu vực” được khắc nét trong phim của các đạo diễn Bong Jun-ho và Lee Chang-dong,Park Chan-wook và Kim Ki-duk là gì?

Ở đây, chúng ta cần suy nghĩ lại cụm từ “phim Hàn Quốc”. Trong cùng cách diễn đạt “phim Hàn Quốc”, “phim Ấn Độ” hay “phim Anh” có ẩn chứa tính nhị nguyên mơ hồ. Vì không dễ trả lời cho câu hỏi rằng phải chăng Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh ở đây thể hiện điểm chung có ý nghĩa, chứ không chỉ là cách thể hiện quốc tịch đơn thuần. Nỗ lực khái quát hoá một cách nóng vội đặc tính của các bộ phim được sản xuất ra trong một khu vực nào đó có thể trở thành một loại định kiến và khiến người ta bỏ qua những điểm mạnh vốn có của từng bộ phim. Dù vậy, phim của bất cứ khu vực nào cũng đều khắc hoạ “đặc tính khu vực” riêng ở một mức độ nào đó (đôi khi rất đậm nét). Vậy, phim Hàn Quốc có đặc tính gì? Nói cách khác, “đặc tính khu vực” được khắc nét trong phim của các đạo diễn Bong Joon-ho và Lee Chang-dong, Park Chan-wook và Kim Ki-duk là gì?
Thật khó đưa ra lời đáp ngay lập tức cho câu hỏi này, mà ngược lại, phim của họ cho thấy hoàn toàn không có điểm chung. Phim của Hong Sang-soo và Kim Ki-duk thuộc dòng phim theo chủ nghĩa hiện đại Châu Âu, trong khi phim của Park Chan-wook và Bong Joon-ho (và đôi khi cả Kim Ki-duk) được xem như khúc biến tấu mang tính mĩ học của cái gọi là thể loại “Asian extreme movie” . Nói cách khác, phim Hàn Quốc là một tập hợp các loại phim đa dạng không dễ quy về “đặc tính khu vực” và đặc tính này cũng là một yếu tố tạo nên một cách mơ hồ chỗ đứng cho điện ảnh Hàn Quốc trên bản đồ điện ảnh thế giới.

1 Hwang Jung-min đóngvai một pháp sư trong“Tiếng than” (The Wailing,2016) của đạo diễn NaHong-jin, phim nói về mộtvụ giết người hàng loạt bíẩn xảy ra ở một làng quê.
2 Một cảnh trong “Thần bài”(The High Rollers, 2006)của đạo diễn Choi Donghoon,bộ phim nói về mộtnhóm đánh bạc trong thếgiới ngầm.
3 Một cảnh trong “Nhà vuavà chàng hề” (King andthe Clown, 2005) của đạodiễn Lee Joon-ik, đượccho là phim "nhạc kịchđầu tiên về hoàng gia"trong lịch sử điện ảnhHàn Quốc.

Các đạo diễn với khuynh hướng đa dạng khác nhau
Điện ảnh Hàn Quốc ngày nay cùng tồn tại nhiều dòng phim đa dạng khó có thể tóm tắt bằng một vài đặc trưng. Tuy nhiên, chúng ta có thể chia thành bốn loại, dù có hơi đơn giản hóa quá mức.
Loại đầu tiên có thể được gọi là dòng phim theo “chủ nghĩa hiện thực dân tộc”. Người dẫn đầu dòng phim này dĩ nhiên là Im Kwon-taek. Thời trẻ, cây đại thụ lâu đời đại diện cho điện ảnh Hàn Quốc này tập trung vào dòng phim chính thống, nhưng từ giữa những năm 1970, ông liên tục đơn độc đấu tranh để khai hoa cho điện ảnh dân tộc về mặt mĩ học và bộ phim thứ 102 của ông, “Hồi xuân” (Revivre) được khởi chiếu năm 2012. Lee Chang-dong cũng được xem là đạo diễn thích hợp nhất cho dòng phim này. Là một nhà đạo đức đi ngược lại niềm vui của kẻ đam mê điện ảnh, ông vắng bóng từ sau bộ phim “Thơ ca” (Poetry, 2010).

Jun Ji-hyun đóng vaichính trong “Ám sát”(2015) của đạo diễn ChoiDong-hoon, bộ phim nóivề một người phụ nữtrong phong trào khángchiến chống thực dânNhật được các nhà phêbình phim ca ngợi.

Im Sang-soo, đạo diễn “Người hầu gái” (The Housemaid, 2010) và “Hương vị của đồng tiền” (The Taste of Money, 2012), tự do phóng khoáng hơn nhưng vẫn được xếp vào danh sách này. Tất cả tác phẩm của những đạo diễn này đều tập trung vào đặc tính khu vực của Hàn Quốc khi mô tả sự kiện lịch sử và nghịch lý hiện thực. Điểm chung của các tác phẩm này là ưu tiên chủ đề hơn hình thức và phong cách. Các đạo diễn thế hệ trẻ tiếp nối cho dòng phim này vẫn chưa có ai nổi bật.
Dòng phim thứ hai tạm thời có thể gọi là dòng phim theo “chủ nghĩa hiện đại”. Hong Sang-soo và Kim Ki-duk có thể được xếp vào dòng phim này. Tuy nhiên, họ có nhiều điểm khác biệt hơn điểm tương đồng. Hong Sang-soo muốn đạt đến cảm giác hiện thực mới qua sự phá cách trong hình thức, trong khi Kim Ki-duk mải mê với ý niệm cứu rỗi qua nỗi đau thể xác. Một số ít đạo diễn trẻ đang sản xuất ra các bộ phim có thể xếp vào thể loại này nhưng vẫn còn hiếm nhân vật tạo được tiếng vang.
Dòng phim thứ ba được gọi là dòng phim “phá cách thể loại” và đạo diễn dòng phim này là những người vừa được đại chúng ủng hộ lẫn phê phán, bao gồm Park Chan-wook, Bong Joon-ho, Kim Jee-woon, và Ryoo Seung-wan. Họ xuất thân là những người đam mê phim ảnh và cùng từng bị thể loại phim hạng B mê hoặc. Phim của những đạo diễn này chủ yếu đặt trọng tâm vào thể loại kinh dị hay hành động, thuộc dạng phim hỗn hợp kinh dị hài, gần gũi với đại chúng nhưng thỉnh thoảng mang dáng dấp của một nhà tạo mẫu cố chấp. Tuy nhiên, các đạo diễn này mỗi người đều có nhiều điểm khác biệt. Park Chan-wook muốn diễn giải bi kịch cổ điển thành phim thể loại(genre film), trong khi Bong Joon-ho kết hợp chính trị học khu vực vào việc đổi mới thể loại phim.

Huh Moon-youngNhà phê bình điện ảnh
Ảnh Cine21
Dịch Nguyễn Ngọc Trâm Oanh

전체메뉴

전체메뉴 닫기