메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

커버스토리 칼럼 게시판 > 상세화면

2017 WINTER

CHUYÊN ĐỀ

Gangwon-do:
Vùng đất của Núi non, Huyền thoại và Ký ức
CHUYÊN ĐỀ 1HÃY NGẮM VẦNG THÁI DƯƠNG MỌC LÊN TỪ BIỂN ĐÔNG

Một vùng núi non trùng điệp nối đuôi nhau chìm vào biển Đông thiên thanh, một nơi cảnh đẹp hùng vĩ đến nhói lòng người cuốn cả vào đời sống cằn cỗi. Đó chính là những hình ảnh về tỉnh Gangwon được vẽ lên tận trong sâu thẳm tâm hồn con người Hàn Quốc. Mùi hương nồng nàn của hoa dongbaek vàng, mùi thơm của những cánh đồng hoa kiều mạch trải thảm trắng dưới ánh trăng, và mặt trời trồi lên từ biển Đông làm xao xuyến lòng người. Chúng đã trở thành những biểu tượng quen thuộc về Gangwon, cả với những ai chưa đến đó một lần. Bởi chúng đã được miêu tả trong vô số tác phẩm văn chương và âm nhạc.

Chàng ca sĩ đang gảy đàn ghi-ta trên một sân khấu giản dị được trang bị dưới ánh đèn mờ ảo, bỗng chốc cất giọng hát, đó là bản “Five Hundred Miles” của Peter, Paul và Mary. Bầu không khí sôi động tạm lắng xuống và mọi người cùng chầm chậm đắm hồn mình vào lời ca. Trong bóng tối và trong yên lặng, họ cố gắng kiềm chế cảm xúc, trong khi một số đang rơi nước mắt.
Đó là hình ảnh trong quán cà phê nhỏ ở một thị trấn nào đó của nước Mỹ mà ta thường thấy trên YouTube. Bản nhạc có khi hàm xúc, có khi khuếch trương một câu chuyện nào đó. Người Mỹ lấy những bài hát về nỗi nhớ quê hương và gia đình của một kẻ lang thang, để nén lại thành sự hoan hỉ và niềm bi ai của lịch sử cận đại, bao gồm câu chuyện về công cuộc xây dựng đường sắt, về nội chiến Nam – Bắc, về cuộc đại khủng hoảng, về nạn thất nghiệp, rồi sau đó họ lại thưởng thức những bản nhạc ấy theo kiểu khuếch trương nó thành một tình cảm phổ biến của người Mỹ nói chung.
Trong khoảnh khắc ngắn ngủi cùng nghe một bản nhạc mà những người không cùng quốc tịch và văn hóa cũng hiểu và đồng cảm cùng với nhau, dường như điều này không có gì là khó khăn hay quá bất ngờ. Chỉ cần họ có thể bỏ qua những định kiến. Đề tài câu chuyện lần này là tỉnh Gangwon. Với duyên cớ này, chúng ta hãy cùng nghe lại bài ca “Đèo Hangyeryeong” của nhạc sĩ Ha Deok-kyu do ca sĩ Yang Hee-eun thể hiện.

Con đường đi đến núi Kumgang
Về vị trí địa lý, tỉnh Gangwon xứng ngang tầm với Thụy Sĩ ở trời Âu. Bởi vì, tương tự như phần lớn lãnh thổ của Thụy Sĩ trải dài quanh dãy núi Alps, tỉnh Gangwon cũng bao bọc từ núi Kumgang (khoảng giữa của dãy Baekdu Daegan, nơi tạo nên đường xương sống của bán đảo Hàn) cho đến dãy núi Taebaek. Vào thời kỳ mà kinh tế nông nghiệp là ngọn nguồn của mọi sự sống, tỉnh Gangwon bao bọc bởi núi như thế không phải là vùng đất màu mỡ dễ dàng sinh tồn. Đến nỗi có phần trích lục trong “Taengniji”, quyển bách khoa thư về địa lý nhân văn cuối thời Joseon, có câu: “Do đất vùng này quá cằn cỗi và chủ yếu là ruộng sỏi đá, cho nên dù gieo cả mal [đơn vị đo lường ngũ cốc tương đương 18 lít] thì cũng chỉ thu hoạch được mười mấy thúng”. Ngày nay, hoàn cảnh này cũng không khá hơn. Do điều kiện môi trường như thế, nên vùng núi tỉnh Gangwon trở thành nơi lánh nạn cho những người bị áp bức về chính trị xã hội tìm đến trú thân.
Khi nghĩ đến thời kỳ nhà nước thu thuế bằng hiện vật, có thể dễ dàng hình dung ra được hoàn cảnh này. Ở tỉnh Gangwon chỉ có hai nhà kho để bảo quản ngũ cốc đóng thuế, nhưng tất nhiên quy mô của kho này nhỏ, đến cả thuyền chuyên chở số ngũ cốc cũng rất ít và bé. Không những thế, còn phát sinh một ngoại lệ cho vùng này là số ngũ cốc thu hoạch được ở Yeongdong chỉ dùng ở đây. Thậm chí, vào thế kỷ 17 triều đình còn cho thi hành bộ luật đất đai mang tên Daedongbeop, trong đó thống nhất cống vật thay từ hiện vật sang gạo trắng, và cách tính thuế ở mỗi hộ dân tùy theo quy mô đất đai của mỗi hộ, từ đó vai trò của kho thuế giảm hẳn. Vì vậy bớt được gánh nặng cho những người nông dân nghèo hoặc không có đất đai.

Bongpyeong, quê hương của tiểu thuyết gia Lee Hyo-seok (1907 – 1942), nơi những cánh đồng hoa kiều mạch nở trải dài, như trong tác phẩm của ông. Vào tháng 9 hàng năm, khi những cánh đồng hoa kiều mạch nở, nơi đây diễn ra lễ hội gắn liền với tên tuổi nhà văn.

Vào thời đại được thống trị bởi những nhà Nho vốn xem những ngọn núi đáng thưởng lãm là phương tiện để tu luyện tinh thần thì tỉnh Gangwon chỉ được xem là một chặng đường để đi đến núi Kumgang. Đáng tiếc là ngày nay ngọn Kumgang nằm về phía Bắc ranh giới đình chiến giữa hai miền Nam – Bắc. Từ xưa Kumgang đã là một ngọn núi nổi tiếng, đến mức thi nhân Trung Quốc Tô Đông Pha từng ngâm rằng, “Chỉ vì muốn thấy núi Kumgang mà ta đã mong ước được sinh ra ở đất Goryeo.” Tuy vậy, không phải người Goryeo nào cũng dễ dàng đến được nơi này. Muốn đi du ngoạn bằng xe ngựa hoặc xe lừa cũng cần ít nhất bốn người đi cùng nhau và nếu có xuất phát từ Seoul đi chăng nữa cũng mất thời gian khoảng một tháng, có đủ điều kiện kinh tế đi nữa cũng khó lòng mà nghĩ đến.

Dù vậy khát vọng được thưởng lãm núi Kumgang cũng không hề nguội lạnh đi. Đã có nhiều tao nhân mặc khách và các Nho sĩ không ngừng tìm đến đây khi muốn nghỉ ngơi cho đầu óc thảnh thơi. Nhờ vậy cuộc thưởng ngoạn núi Kumgang trở thành chất liệu thường thấy nhất trong số các tác phẩm văn học du ký, nội dung chủ yếu là miêu tả cụ thể về cảnh quan và địa hình núi non, thể hiện cảm xúc của tác giả. Có lẽ vì thế mà nhà thơ kiêm họa sĩ Kang Se-hwang thế kỷ 18 đã thốt lên rằng: “Leo núi là việc cao cả hạng nhất mà con người nên làm, nhưng đi ngắm núi Kumgang thì có khi lại là điều khá tầm thường”.
Tuy nhiên, cũng có những áng văn xuất chúng về nơi này. Trong bài kasa mang tên “Đông du ca” của một tác giả khuyết danh sáng tác cuối thời Joseon, có đoạn miêu tả tỉ mỉ đời sống sinh hoạt của tầng lớp bình dân ở tỉnh Gangwon mà tác giả thấy được trong chuyến du hành, như sau:
“Đi từ Cheorwon đến đây, tôi thấy / Sơn thủy trùng điệp, vài mái nhà lưa thưa / đồng sỏi cằn cỗi, phải xới đất bằng bộ xẻng đôi / Quán lên đèn, không dầu, đành dùng củi nhựa thông / dùng đất làm bếp và ống khói trong góc nhà để đốt lò.”
Ở Pháp, thời Napoleon thế kỷ 19, nghe nói tầng lớp bần cùng chiếm đến 85% dân số. Như vậy cái nghèo thời đó không chỉ là vấn đề của riêng tỉnh Gangwon. Tuy nhiên, cái nghèo của thường dân Gangwon trong mắt một tác giả đầu thế kỷ 20 thời thuộc địa Nhật không thường dễ thấy như thế.

“Thác Sambuyeon”, một bức trong loạt tranh vẽ “Tinh thần của Biển và Núi” của Jeong Seon (1676 – 1759), năm 1747. Mực và màu trên lụa, kích thước 31,4 x 24,2 cm.

Những cây hoa dongbaek vàng và cánh đồng hoa kiều mạch
Nhà văn Kim Yu-jeong (1908 – 1937) là con út trong một gia đình khá giả sống mấy đời ở làng Sille, Chuncheon tỉnh Gangwon, thường đi lại giữa Seoul và Chuncheon. Khi đã trải qua quãng đời học tập ở Seoul, 22 tuổiông quay trở lại làng Sille, thời đó chỉ có khoảng 50 hộ dân sinh sống. Có quá nhiều thay đổi đối với cuộc đời Kim trong quãng thời gian xa quê. Cha mẹ mất sớm, anh trai tán gia bại sản vì cuộc sống hoang phí. Không có tiền đóng học phí, hết cả tiền sinh hoạt, rồi lại thất tình và đột nhiên đổ bệnh, khi trở về làng Sille, anh trai ra đón, ông đã có ý nghĩ đòi lại phần gia tài của mình, dù phải kiện người anh.
Thế nhưng có những điều ủi an cho tâm hồn và thể xác rệu rã của Kim lúc này không phải là chút gia tài, mà là những bông dongbaek [một loại hoa nguyệt quế] nhuộm vàng núi Geumbyeong, những con người thuần khiết vùng quê đang bền bĩ giữ nếp sống giản dị, có sao sống vậy, không chút trang hoàng, không chút hình thức khoa trương, đặc biệt là những phụ nữ Gangwon.
Kim vực dậy tinh thần nhờ con người và cảnh sơn thủy quê mình, ông dựng một gian nhà tạm giữa đồi quê, tập họp thanh niên trong làng và mở lớp dạy học ban đêm. Rồi một ngày kia, ông nghe một phụ nữ cùng làng kể câu chuyện về người nữ lang bạt (deulbyeongi, người phụ nữ rày đây mai đó như dân du mục, bán rượu và sự yêu kiều). Nhờ câu chuyện này, Kim hoàn thành tác phẩm đầu tiên của mình mang tên “Kẻ lang bạt vùng núi”, từ đó ông bước vào con đường sáng tác văn chương với quyết tâm viết lại những khổ hạnh của thời kỳ này.
Kim đã nâng tầm văn chương hiện đại Hàn Quốc lên một tầm cao mới, với những miêu tả về hình ảnh đàn ông xấu xa, chẳng hạn như hình ảnh gã đàn ông thay vì làm phải làm nông thì lại đẩy vợ mình đi làm điếm để mơ cuộc sống an nhàn trong “Người vợ”, rồi có cả hình ảnh gã trai luôn mơ đào được vàng mới là khôn ngoan thay vì phải cực nhọc cả năm chỉ để kiếm được vài thúng đậu trong “Vườn đậu hái ra vàng”, rồi hình ảnh chàng trai phải bỏ trốn khỏi quê bởi nợ nần và mất mùa, tìm vùng đất sống tốt hơn, nắm tay cô vợ nhỏ tuổi mà vượt hết non này núi nọ trong tác phẩm “Cơn mưa rào”.
Nếu như những áng văn của Kim Yu-jeong khởi đầu từ lối quan sát đời sống nông thôn ngày càng tồi tệ bắt nguồn từ những mâu thuẫn do sự vơ vét bóc lột của thực dân Nhật và canh tác mướn trên đất địa chủ, thì Lee Hyo-seok (1907 – 1942) ngược lại, dù thực tại ngày càng nghiệt ngã và nguy kịch vẫn cố gắng sức vượt lên khỏi hiện thực và xây dựng một thế giới tràn ngập triển vọng. Lee xuất thân từ vùng Bongpyeong huyện Pyeongchang. Một năm sau cuộc chiến Trung – Nhật, khi cuộc vơ vét thuộc địa của đế quốc Nhật đạt đến cực điểm, ông ra mắt tùy bút mang tên “Trong khi đốt lá khô”. Nội dung tùy bút này có đoạn ông tả lại cảm nhận mùi hương cà phê mới rang từ mùi khói đốt lá khô và cứ mùa đông đến là dựng cây thông Noel rồi nảy ý định đi trượt tuyết.
Điều độc đáo ở chỗ quan điểm văn chương của Lee là: “Con người dù có bần cùng và nhơ tạp đến mức nào đi chăng nữa thì văn chương vẫn có một sức hấp dẫn là thể hiện tươi đẹp những điều ấy”. Dưới đây là một trích đoạn thường xuyên được trích dẫn trong kiệt tác “Khi hoa kiều mạch nở” của Lee Hyo-seok.
“Đường đi vắt ngang lưng đèo. Không biết có phải vì đang đêm khuya hay chăng mà trong màn đêm tĩnh lặng tựa như mọi sự sống đều dừng lại, ta nghe thấy tiếng thở của ánh trăng tựa một con dã thú, như bắt được trong lòng bàn tay, nhành hạt đậu và lá ngô mướt xanh trong ánh trăng. Lưng đèo chỉ toàn một màu kiều mạch, hoa bắt đầu rộ nở, cảnh quan ngây ngất đến nghẹn lòng khi hoa kiều mạch trắng như rắc muối lên cả cánh đồng. Nhành cây đỏ yếu ớt như hương thơm, còn tiếng bước chân của đàn lừa nghe bỗng nhẹ tênh.”
Người dân Gangwon lập nên “Làng văn học Kim Yu-jeong” ở Sille nơi Kim từng sinh sống, còn ở làng Bongpyeong thì có “Bảo tàng văn học Yi Hyo-seok” để tưởng nhớ văn chương và cuộc đời văn nhân này.

Những con đường thủy, con đường tuyết trắng và đường cao tốc
Con đường đèo bình thường nhất ở Gangwon cũng cách mặt nước biển 1.000 mét. Hầu hết những mạch nước bắt nguồn từ núi cao vùng Gangwon đều chảy về sông Hàn. Cho đến thập niên 1930, dòng sông Hàn rất thuận lợi trong việc vận chuyển nguồn tài nguyên lâm sản từ trên vùng cao ở Gangwon, vốn đường bộ ở đó rất hiểm trở. Gỗ từ vùng Inje và Yanggu ở phía Bắc thì chuyển về hướng sông Bukhan và gỗ từ vùng Jeongseon, Pyeongchang và Yeongwol thì tập trung về sông Namhan, góp thành bè và xuôi về phương Nam. Từ Inje đến Chuncheon tốn mất một ngày đường, từ Chuncheon đến Seoul thì mất một tuần đến nửa tháng. Những tay lái đò tết gỗ thành bè trên sông, cải biên bài dân ca Arirang vùng Gangwon thành một bài ca lao động mới mang tên “Arirang tết bè gỗ”, để mỗi khi cất tiếng hát thì sự khó nhọc và chán chường trong lao động được ủi an. Trên những chiếc bè này còn chở thêm các loại gốm sứ trắng, dược thảo, củi có chất lượng tốt từ vùng Yanggu và Bangsan gửi lên Seoul.
Sông Bukhan còn là trục giao thông đường thủy quan trọng dành cho các tàu chở muối đi lại giữa Chuncheon và Seoul. Các chuyến thuyền chở ngũ cốc đóng thuế cũng sử dụng tuyến đường thủy này. Tuyến đường thủy trên sông Bukhan chính thức ngưng hoạt động kể từ đầu thập niên 1940, khi tỉnh Gangwon bắt đầu xây dựng các con đập ở khắp nơi để làm thủy điện. Giao thông đường thủy ngưng hoạt động nhưng thay vào đó là điện bắt đầu được kéo về với dân cùng Gangwon. Con suối Naerin vùng Inje vốn văng vẳng bài ca chèo thuyền với hằng hà thuyền bè xếp nối đuôi nhau, không biết tự bao giờ, đến nay chỉ vang tiếng hoan hô của thế hệ thanh niên trẻ đang say xưa với các môn thể thao chèo thuyền vượt thác.

Về mặt địa lý, Gangwon của Hàn Quốc ví ngang tầm với Thụy Sĩ của trời Âu. Bởi vì tương tự như phần lớn lãnh thổ của đất nước Thụy Sĩ trải dài quanh dãy núi Alps, tỉnh Gangwon cũng bao quanh từ vùng núi Kumgang cho đến dãy Taebaek, được xem như đường xương sống của bán đảo Hàn.

Nếu ở tỉnh Gangwon mọi con đường thủy đều tạo mọi việc thuận lợi hơn thì các con đường tuyết trắng ở đây hoàn toàn bất lợi đến mức khước từ mọi giao lưu. Bước đi trên con đường tuyết ngập đến đầu gối nơi đây là một cực hình nghiệt ngã còn hơn phải ăn bánh mì chan nước mắt. Con đường đó vừa là con đường tu hành rèn khổ hạnh, vừa là con đường trở về nhà. Điều này được thể hiện rõ trong tác phẩm “Đường đến Sampo” của nhà văn Hwang Sok-yong, có đoạn ba nhân vật chính trong truyện trở thành kẻ lang thang theo trào lưu công nghiệp hóa thời bấy giờ và bị lạc trong con đường phủ đầy tuyết khi tìm đến một vùng quê mang tên Sampo.
Trong bộ phim “Con đường tuyết” kể về cuộc sống của những thiếu nữ bị bắt làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật thời Thế chiến thứ hai thì dựng bối cảnh đường trở về nhà của các thiếu phụ là những dãy núi cao vô tận ở Daegwallyeong và con đường rừng phủ đầy tuyết trắng ở Inje.
Tuyến đường bộ cao tốc Yeongdong được mở năm 1971 với tuyến đầu là từ Pangyo đến Wonju và Semal, đến năm 1975 thì nối thêm các tuyến từ Semal đi Hoengseong, Pyeongchang và Gangneung. Từ đó, các con đường núi ở Gangwon biến thành đường leo núi của cư dân đô thị, dù là mùa nào đi chăng nữa cũng đều dễ dàng tìm đến được. Một vùng đường ven biển Donghae, trước đây được chỉ định là vùng quân sự và bị hạn chế đi lại, phát triển thành khu vực tắm biển nghĩ dưỡng cũng là từ thời kỳ này. Thanh niên thập niên 1970 thường gảy đàn ghi-ta thùng hát bài ca có tên “Đi săn cá voi” của Song Chang-sik trong bộ phim “Cuộc hành quân của những kẻ ngốc”, điểm nhấn của bài ca này là đoạn “Nào, đi nào! Đến với biển Donghae!”. Những thứ xa xỉ hạng nhất của giới thanh thiếu niên thời ấy là lên chuyến tàu lửa lữ hành dạo quanh vào mỗi dịp hè, hay bắt chuyến xe buýt chạy dọc theo con lộ cao tốc trải dài tăm tít, hoặc quàng lên vai chiếc ba lô chứa vài dụng cụ cắm trại sơ sài rồi chạy ra hướng biển Đông.
Cũng vào năm hoàn thành tuyến quốc lộ cao tốc Yeongdong, sân trượt tuyết Yongpyeong đã hoàn công tại vùng Daegwallyeong phủ đầy tuyết trắng, được xem là trung tâm của giới thể thao mùa Đông trong nước. Mùa hè năm ngoái, nơi đây đã diễn ra lễ kỷ niệm thành công đăng cai tổ chức Thế vận hội mua Đông PeongChang 2018.

Bờ biển phía đông của tỉnh Gangwon, nơi có rất nhiều điểm để ngắm cảnh mặt trời mọc tuyệt đẹp trên biển. Đối với người Hàn, biển Đông Hwanghae không chỉ là biển mà còn là một nơi linh thiêng nhắc nhớ về những dấu ấn lịch sử, và đây cũng là nơi họ tìm đến để nghỉ ngơi sau những mệt nhoài của cuộc sống thường nhật.

Con đường ra biển Donghae
Vào một ngày của tháng 12 năm 2016, ca sĩ Han Young-ae được mời đến hát trong cuộc thị uy dưới ánh nến với hơn 2 triệu người tham gia. Bằng chất giọng khàn trầm ấm và hùng hồn, ca sĩ cất giọng hát bài “Tổ quốc tôi, dân tộc tôi”, với đoạn mở đầu, “Hãy nhìn xem! Ánh dương mọc lên từ biển Đông / Chiếu sáng lên từ đỉnh đầu của ai kia / Trong cuộc đấu tranh tràn máu / ở bên trên chúng ta, khi đã có được sự thuần khiết cao quý.”
Người viết lời cho bài ca này là Kim Min-ki, tác giả sáng tác bài “Những giọt sương sớm” khi còn độ tuổi sinh viên, được xem là bài ca phản kháng tiêu biểu của người Hàn Quốc vào thập niên 1970. Còn tác giả viết lời cho bản “Đi săn cá voi” là nhà văn Choe In-ho, đương thời đã là một tác giả trẻ đang ở tuyệt đỉnh của vinh quang nghề này. Thật là một sự châm biếm của lịch sử khi những bản nhạc này, dù không cố ý cũng chẳng vô tình, lại có liên quan đến thời kỳ mà chúng ra đời, dù xem tuyến đường quốc lộ cao tốc Yeungdong là biểu tượng của công nghiệp hóa phát triển kinh tế, hoặc xem nó là sản phẩm của sự độc tài phát triển đi chăng nữa.
Giống như mọi con đường ở Gangwon đều đổ về biển Donghae, đối với người Hàn Quốc biển Donghae không chỉ đơn giản là vùng biển ở phía Đông, mà còn như một biểu tượng của niềm tin. Phải như thế thì mới hiểu và đồng cảm được tâm hồn tha thiết của những con người vượt qua những đường đèo ở dãy núi Baekdu Daegan như Deagwallyeong, Hanyeryeong, Misiryeong để đối diện được với biển Đông, để trong phút chốc ấy hơi thở bỗng nhẹ tênh và để được trải nghiệm chút tự do khi thoát khỏi đời thường ngột ngạt, và những con người để được ngắm mặt trời mọc vào ngày đầu năm mới mà phải tỉnh giấc trong đêm rồi vượt quốc lộ cao tốc Yeongdong để đến dạo biển Donghae. Mọi điều tiết thế là xong, bây giờ là thời gian dành để thưởng thức âm nhạc.



Lễ hội âm nhạc Daegwallyeong PyeongChang

với biểu tượng văn hóa ở Gangwon

Ryu Tae-hyung Phóng viên chuyên mục Âm nhạc

Lễ hội âm nhạc Daegwallyeong PyeongChang, được công nhận là một lễ hội âm nhạc quốc tế, lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2004 ở Yongpyeong Resort, được dàn dựng thành lễ hội âm nhạc mùa Hè với sự kết hợp giữa các buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống và các chương trình huấn luyện sau khi học hỏi benchmarking mô hình lễ hội âm nhạc Aspen của Mỹ. Aspen vốn là một ngôi làng quặng mỏ với 6.000 dân nhưng sau khi mở lễ hội âm nhạc năm 1949, nơi đây trở thành thành phố lễ hội âm nhạc tiêu biểu cho nước Mỹ.

Dàn giao hưởng Marinsky Orchestra và Opera Company của St.Petersburg, Nga đang trình diễn vở opera “The Love for Three Oranges” của Sergei Prokofiev, dưới sự chỉ huy của Zaurbek Gugkaev, tại Lễ hội âm nhạc PyeongChang 2017.

Lấy kiểu mẫu này, Kang Hyo, giáo sư Học viện âm nhạc Juilliard và nhóm Sejong Soloists đi tìm hiểu để dàn dựng lễ hội. Vào thời điểm xuất phát, hoàn cảnh không thuận lợi chút nào. Đại sảnh làng tuyết dùng làm sân khấu để diễn tấu không phải là đại sảnh chuyên dụng cho nên muốn truyền tải âm thanh thật tốt đến tai thính giả thì phải dựa vào micro khuếch đại. Thêm vào đó, ở khu Yongpyeong Resort dùng để mở đại hội âm nhạc này, cùng thời điểm lại mở các sự kiện khác nữa, đoạn đầu còn có sự cố khiến thính giả bất ngờ là bởi tiếng hô vang vọng qua từ đại hội kiếm đạo gần đó.
Tuy nhiên, ở độ cao 700 mét so với mực nước biển, Lễ hội âm nhạc Daewallyeong PyeongChang vừa để tránh nóng vừa được xem biểu diễn, với chủ đề hằng năm khác nhau, lượng người yêu nhạc kéo nhau đến Pyeongchang ngày càng nhiều. Họ tuyển chọn chủ đề tập trung thu hút được giới âm nhạc trong và ngoài nước, tổ chức chương trình thiên về âm nhạc có tính nhất quán hằng năm. Ở đại hội này không chỉ giới thiệu những danh phẩm kinh điển mà còn liên tục cập nhật những tác phẩm biểu diễn lần đầu trên thế giới, ở Châu Á và tại Hàn Quốc, cả những tác phẩm nổi tiếng lưu danh trong lịch sử âm nhạc và những bản nhạc hiện đại mang tính thử nghiệm, từ đó để lại nhiều thành tích đáng nể.
Nhưng chỉ khi khai trương đại sảnh âm nhạc cổ điển Alpensia Concert Hall vào năm 2010 thì lễ hội mới tạo dựng được một không gian cảm thụ diễn tấu đúng chất. Vào năm này, kỷ lục đạt được là sê–ri biểu diễn của các nhân vật nổi danh đã bán hết vé. Hằng năm các nghệ sĩ và giới giáo sư đẳng cấp liên tục tham gia đại hội và từ đó mở rộng thành trào lưu tham gia biểu diễn của các nhà hoạt động âm nhạc ưu tứ trên toàn thế giới.
Từ đại hội lần thứ 8 vào năm 2011, nghệ sĩ cello Chung Myung-wha và nghệ sĩ violin Chung Kyung-hwa cùng tham gia đảm nhận vai trò đạo diễn nghệ thuật cho chương trình.

Đại hội âm nhạc này phát huy tính kết nối quốc tế với chủ đề “Chiếu sáng” đã kêu gọi được số lượng quan khách đông nhất trong lịch sử khi thu hút hơn 35 ngàn người, và chương trình ngày càng trở nên đa dạng hơn cho quan khách tham dự như chủ đề “Đại hội âm nhạc du lịch”.
Lễ hội âm nhạc Daegwallyeong PyeongChang năm nay có chủ đề là âm nhạc Nga với tên gọi “Những bài ca trên sông Volga”, biểu diễn opera trên sân khấu Music Tent lập năm 2012 là một sự kiện mang tính biểu trưng. Lễ hội khởi đầu với buổi biểu diễn trong nhà nhưng giờ đã phát triển thành chương trình giao hưởng opera quy mô lớn kể cả về mặt hệ thống trang thiết bị. Những nghệ sĩ âm nhạc trẻ như Son Yeol-eum phụ trách phó đạo diễn nghệ thuật đã cho thính giả thưởng thức một màn đồng diễn hùng tráng đầy ý nghĩa, hòa quyện không phân biệt quốc tịch và tuổi tác đã chiếm được chỗ đứng vững chắc cho mình. Đặc biệt năm nay có rất nhiều đại biểu từ các đoàn nghệ thuật quốc lập đã tham gia để học benchmarking mô hình này.

(Từ trái sang) Nghệ sĩ cello Chung Myung-hwa, Luis Claret và Laurence Lesser đang chơi bản “Requiem” của David Popper cùng nghệ sĩ piano Kim Tae-hyung tại Lễ hội âm nhạc PyeongChang 2017.

Lễ hội âm nhạc Daegwallyeong PyeongChang đạt được sự cân bằng như cặp bánh xe khi có sự phối hợp ăn ý giữa những nhà biểu diễn xuất chúng và những trường âm nhạc nổi trội. Thực tế các học viên không dừng lại ở những bài giảng được nghe, mà thường cùng nhau xem biểu diễn, dùng bữa và dạo chơi cùng nhau, thỉnh thoảng còn gặp gỡ nhau trong quán cà phê.
Sự góp mặt của hai nghệ sĩ Chung Myung-wha và Chung Kyung-hwa cũng đủ tỏa sáng chương trình. Họ đã phát huy xuất sắc khả năng chọn tiết mục biểu diễn và bố trí nghệ sĩ cho chương trình. Nhận được khá nhiều hỗ trợ từ các nhà tài trợ nổi tiếng và không những thế còn kết nối liên tục các mối quan hệ này chính là bí quyết của chương trình lễ hội âm nhạc Daegwallyeong PyeongChang. Đợt này Yamaha đã bố trí đến 40 bộ đàn dương cầm để có thể luyện tập bất cứ đâu trong Alpensia. Các hãng hàng không và các doanh nghiệp địa phương vùng Gangwon như Terarosa Coffee cũng cùng góp sức tài trợ cho lễ hội.

Lễ hội âm nhạc mùa Đông Pyeongchang đang tổ chức từ tháng 2 năm 2016. Lễ hội này là nằm trong khuôn khổ dự án đặc khu Thế vận hội mùa Đông, kế hoạch tổ chức là do tỉnh Gangwon và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và đơn vị chủ quản là Quỹ Văn hóa Gangwon. Trong lễ hội âm nhạc mùa Đông PyeongChang lần thứ nhất, ngoài các màn độc diễn và biểu diễn chung trong nhà của những nghệ sĩ đã từng đoạt giải thưởng cuộc thi âm nhạc quốc tế Tchaikovsky, còn có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ nhạc jazz như Youn-sun Nah, nghệ sĩ ghi-ta Ulf Wakenius để chương trình mở rộng phạm vi về thể loại và nâng cao tính tiếp cận cho chương trình.
Trong lễ hội âm nhạc mùa Đông PyeongChang có không ít người ban đầu tìm đến Pyeongchang để trượt tuyết, sau đó biết có đại hội âm nhạc nên tìm đến xem chương trình biểu diễn khiến cho số vé bán tại chỗ vượt mức dự kiến. Nhờ lễ hội âm nhạc mùa Hè Daegwallyeong PyeongChang và lễ hội âm nhạc mùa Đông PyeongChang, chúng ta nhớ đến biểu tượng của Gangwon với hai từ khóa là “tinh khiết” và “văn hóa”.

Lee Chang-guyNhà thơ, Nhà phê bình văn học
Ảnh Ahn Hong-beom
Dịch Bùi Phan Anh Thư

전체메뉴

전체메뉴 닫기