메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

커버스토리 칼럼 게시판 > 상세화면

2017 WINTER

CHUYÊN ĐỀ

Gangwon-do:
Vùng đất của Núi non, Huyền thoại và Ký ức
CHUYÊN ĐỀ 2GANGWON QUA CÂU CHUYỆN CỦA NÚI, SÔNG VÀ BIỂN

Sở hữu cả núi, sông và biển, tỉnh Gangwon mang một bối cảnh văn hóa đặc thù bắt nguồn từ ba đặc điểm địa hình này. Những ngôi chùa với lịch sử lâu đời nằm rải rác trên các ngọn núi sâu, và những làn điệu bài ca Auraji chất chứa vui buồn cuộc sống của người dân vùng núi xuôi theo dòng sông với những cánh bè.

Auraji ở Jeongseon là nơi hai dòng chảy gặp nhau và là nguồn sông Namhan. Đây cũng là quê hương của “Jeongseon Arirang”, một trong những làn điệu dân ca nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Nơi đây vốn là bến đỗ nổi tiếng trên đường vận chuyển gỗ bằng đường sông từ núi sâu tỉnh Gangwon về thủ đô.

Đã từ lâu, Gangwon luôn chiếm được cảm tình của nhiều người bởi đến Gangwon, người ta có thể cùng lúc thưởng ngoạn cả núi, sông và biển. Mùa hè có biển, mùa đông có sườn núi phủ tuyết trắng, mùa thu có những khu rừng lá phong đầu tiên đổi màu trước khi chuyển dần xuống phía Nam để lan rộng trên cả nước.
Tỉnh Gangwon nằm ở phía Đông bán đảo Hàn với dải núi Baekdu Daegan được xem như đường xương sống của bán đảo. Từ Seoul đến Gangwon phải qua đèo Daegwallyeong, hay đèo Jinburyeong, đèo Mishiryeong ở phía Bắc. Bạn cũng có thể lên chuyến tàu phía Nam, qua Taebaek, Jeondongjin đến Gangneung, hoặc từ phía Nam lái xe theo đường quốc lộ Số 7, qua Samcheok, Donghae, Gangneung lên Goseong.
Gangwon được chia thành Yeongdong (sườn Đông) và Yeongseo (sườn Tây) bởi Taebaek – dãy núi lớn của dải Baekdu Daegan, trong đó những địa danh được đề cập ở trên thuộc Yeongdong. Yeongseo rộng lớn hơn, có Chuncheon, Hwacheon và Yanggu. Nếu như Yeongdong là mảnh đất của núi và biển thì Yeongseo là mảnh đất của núi và sông. Tuy cùng một tỉnh nhưng hai vùng Đông, Tây được chia đôi bởi dãy Taebaek này có điều kiện tự nhiên hoàn toàn khác nhau.

Dải Baekdu Daegan – Đường xương sống của bán đảo Hàn
Dãy Taebak được xem như trung tâm của núi non Hàn Quốc với những đỉnh núi cao hơn 1.500 mét nối tiếp: núi Kumgang phía bên kia đường ranh giới phi quân sự Nam – Bắc, núi Seorak, núi Odae, núi Gariwang nơi diễn ra thế vận hội mùa Đông PeongChang 2018 và đặc biệt là núi Taebak – đỉnh núi thiêng của dân tộc.
So với những đỉnh núi này, Daegwallyeong thuộc loại thấp nhưng con đèo qua đây được xem như con đèo nổi tiếng nhất bởi nó chính là cánh cửa kết nối Yeongdong và Yeongseo bị Taebaek phân đôi. Nơi này vốn được biết đến từ xưa là vùng khó mở đường. Thế nhưng chính giữa vách núi chặn ngang hai vùng đất ấy, lần đầu tiên một con đèo lớn đã xuất hiện, trên Daegwallyeong ở độ cao 832 mét so với mực nước biển, giữa Gangneung và Pyeongchang. Kể từ đó, đây không chỉ là núi mà còn là đèo, là con đường, là cánh cửa.
Trên những sườn núi của Baekdu Daegan không có làng mạc vì núi non ở đây khá hiểm trở. Nhưng gần Daegwallyeong, địa hình giống như cao nguyên, mỗi độ đầu hè đến thu lại rập rờn những làn sóng ngát xanh của các loại rau vùng cao. Tôi lên Daegwallyeong lần đầu khi 17 tuổi. Cánh đồng cải thảo và củ cải bạt ngàn trải rộng trước mắt khiến tôi nghĩ ngay đến cao nguyên Kaema của Triều Tiên dù chưa một lần được đặt chân đến, cũng chưa một lần được xem qua ảnh. Có lẽ hai từ “cao nguyên” đã cho tôi cảm giác này. Tôi chợt hiểu tại sao các bậc tiền bối thời ấy thường gọi Daegwallyeong là vùng đất phi sơn phi dã, không phải núi cũng không phải đồng.
Còn mỗi khi nghĩ đến Kumgang nằm phía Bắc dải Baekdu Daegan, lòng tôi luôn trào lên một cảm giác tiếc nuối. Nghe nói khi còn sống, mỗi năm cứ đến hè ông tôi lại tới Oncheon-ri dưới chân núi Kumgang và ở đến qua mùa. Đầu những năm 2000, tôi lên một con tàu xuất phát từ biển Đông để đến Kumgang – ngọn núi như chỉ có trong truyền thuyết ấy. Khi đó tôi vẫn luôn nghĩ tuyến đường sẽ được duy trì và tôi cũng thật lòng cầu mong như thế, nhưng rồi nó đã bị chặn.

Những ngôi chùa ẩn sâu trong lòng núi
Kể từ khi đường ranh giới phi quân sự DMZ chia cắt hai miền Nam – Bắc, núi Seorak trở thành ngọn núi nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc. Không chỉ có vẻ đẹp hùng vĩ của núi đá Ulsan, phong cảnh núi Seorak sang thu nhuộm màu lá phong cũng sẽ khiến người xem phải thốt lên: “Đây chính là nơi đã nhóm lên ngọn lửa thu của xứ Hàn.”
Núi sâu ắt phải có chùa. Từ xưa Gangneung vốn là vùng đất đậm văn hóa Nho giáo nên không có chùa lớn, nhưng nằm sâu trong lòng núi Seorak có chùa Sinheung và chùa Baekdam – ngôi chùa nhà sư Manhae tu lâu năm và đã đưa ra các phương án cải cách Phật giáo Hàn Quốc. Trên núi Odae có chùa Woljeong và chùa Sangwon. Sân chùa Woljeong có tòa tháp bát giác chín tầng từ thời Goryeo cùng bức tượng Bồ tát ngồi cầu nguyện trước tháp vẫn bền bĩ với năm tháng, dù tất cả các điện trong chùa đã bị thiêu hủy bởi cuộc chiến tranh liên Triều. Chùa Sangwon cũng còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý như bức tượng gỗ đồng tử Văn Thù ngồi hay chiếc chuông đồng lâu đời nhất Hàn Quốc – vật quý giá một nhà sư đã phải bảo vệ bằng cả tính mạng trong cuộc chiến tranh liên Triều.

Có một truyền thuyết khá thú vị về bức tượng đồng tử Văn Thù. Tương truyền, vua Sejo – vị vua thứ 7 của triều đại Joseon mắc một căn bệnh ngoài da rất nặng. Vua tìm đến khắp các con suối nước khoáng trên toàn quốc để chữa bệnh. Một hôm, khi đang tắm ở khe suối dưới chân chùa Sangwol, đồng tử Văn Thù đã đến kỳ lưng và chữa khỏi bệnh cho vua. Câu chuyện vẫn còn được lưu lại qua các bức tranh Phật vẽ trên tường chùa. Tuy nhiên, tượng đồng tử Văn Thù ngày nay là pho tượng do công chúa Euisuk, con gái vua Sejo thờ phụng để cầu tự ở chùa Munsu, về sau được đưa về Sangwon.
Taebaek cũng là đỉnh núi chính của dãy Taebaek.

Núi có độ cao 1.567 mét và luôn được xem là một trong ba ngọn núi thiêng “Tam thần sơn” của xứ Hàn. Nơi đây còn lưu giữ một truyền thuyết về vua Danjong.
Sau khi bị chú là vua Sejo phế ngôi, chết ở núi Yeongwol, Danjong cưỡi bạch mã trở về và trở thành sơn thần của núi này. Ở đây còn có các địa danh nổi tiếng mang tính lịch sử như kho sách bảo quản “Joseon Vương Triều Thực Lục” hay chùa Jeongam và tháp Sumano sau chùa. Taebaek cũng là nơi dãy Sobaek được tách ra và vì thế hình thành hai vùng Gangwon và Gyeongsang có đặc điểm địa lý, văn hóa khác nhau.

Mỗi khi mùa hè đến, Auraji lại rộn ràng cùng lễ hội thả bè và hát “Arirang”. Tiếng hát chan chứa niềm vui nỗi buồn hòa quyện trong tiếng nước róc rách, chảy qua Chungju, đến tận Dumulmori, Yangpyeong để gặp sông Bukhan.

Đủ loại cầu được bắc qua các khe núi sâu ở tỉnh Gangwon để phục vụ việc qua lại. Cây cầu Seopdari bắc ngang khe suối Odae trên núi Odae là một trong số đó.

Sông – Món quà được thiên nhiên ban tặng
Ở phía Đông, phía giáp biển Đông, Taebak có địa hình dốc đứng, trong khi ở phía Tây, dốc núi thoai thoải như ôm trọn lưu vực sông Hàn và sông Nakdong. Samsu-dong ở thành phố Taebaek có một ngọn núi mang tên Samsuryeong và đúng như cái tên của nó – Samsuryeong có nghĩa “tam thủy lưu”, nơi gặp gỡ của ba dòng chày: sông Hàn đổ ra biển Tây, sông Nakdong đổ ra biển Nam và suối Osip đổ ra biển Đông. Có một câu chuyện hài hước được truyền lại rằng: đây là sự hình thành từ một giọt nước mưa rơi xuống đỉnh núi và bị chia thành ba giọt: một chảy ra biển Tây, một ra biển Nam và một ra biển Đông.
Samsu-dong có hồ Hwangji – nguồn của sông Nakdong dài 510,36 ki-lô-mét và Geomnyongso – nguồn của sông Hàn, dòng sông được mệnh danh là “dòng sữa mẹ của dân tộc”. Với nhánh chính dài 514 ki-lô-mét, sông Hàn bắt nguồn từ Geomyongso, nhận thêm dòng chảy từ nhiều khe suối trên đường đi qua, trước khi chảy ra Jeongseon. Sông Hàn gặp Songcheon – một dòng chảy khác bắt nguồn từ núi Hwangbyeong chảy xuống phía Nam Jeongseon và cả hai nhập lại làm một ở Auraji. Vì thế, cái tên Auraji cũng có nghĩa “sự gặp gỡ và hợp lại của hai dòng chảy”. Có thể nói hai dòng chảy này đã làm tăng thêm vẻ hữu tình cho phong cảnh sơn thủy nơi đây. Jeongseon tuy nhiều núi nhưng là vùng đất màu mỡ, nước trong và nhờ thế người dân luôn được hưởng cuộc sống phong lưu, sung túc. Đặc biệt Auraji cũng là bến sông nổi tiếng của những bè chở gỗ từ rừng núi Gangwon, theo sông Namhan về bến Mapo ở Hanyang (tức Seoul ngày nay).
Ngày nay, mỗi khi hè đến, Auraji lại rộn ràng cùng lễ hội thả bè và hát “Arirang”. Tiếng hát chất chứa niềm vui nỗi buồn hòa quyện trong tiếng nước róc rách, chảy qua Chungju, đến tận Dumulmori, Yangpyeong để gặp sông Bukhan – con sông bắt nguồn từ núi Kumgang, chảy qua Inje, Yanggu, Chuncheon trước khi đến nơi này.
Sông Bukhan và Namhan hợp lại thành một con sông lớn. Có thể nói sông là món quà của thiên nhiên. Không chỉ vùng thượng lưu tỉnh Gangwon, cả vùng hạ lưu sông ở tỉnh Gyeonggi và Seoul, nơi con sông chảy vào, người dân cũng được thừa hưởng ưu ái này của thiên nhiên. So với con số khoảng 15 triệu trong tổng số dân Seoul và tỉnh Gyeonggi đang sống và sinh hoạt bằng nguồn nước này ở vùng hạ lưu, chỉ có 800 ngàn người đang sử dụng nước sông Hàn ở vùng thượng lưu. Bên cạnh đó, tất cả chỉ được dùng cho sinh hoạt và nông nghiệp, không dùng cho công nghiệp. Vì thế, nguồn nước sạch này đúng nghĩa là món quà của thiên nhiên chảy xuống vùng đô thị ở hạ lưu.

Bức tượng Bồ tát ngồi bằng đá ở sân chùa Woljeong trên núi Odae. Đây là tượng mô phỏng bức tượng được khắc vào thế kỷ 11 hiện được đặt trong viện bảo tàng của chùa.

Bình minh trên rào sắt đường ranh giới phi quân sự
Với người Hàn, nói đến biển là biển Đông của những dợn sóng xanh. Trong đó, đặc biệt bãi biển Gyeongpo ở Gangneung là nơi được nhiều người tìm đến. Cách đó không xa, Jeongdongjin cũng là một địa điểm nổi tiếng để ngắm bình minh. Vào cuối tuần, người Hàn lại tụ tập bên bờ biển Đông, cùng chiêm ngưỡng cảnh mặt trời mọc. Vốn là nhà ga nhỏ, thô sơ, nhưng Jeongdongjin ngày nay đã trở thành một nhà ga luôn bận rộn với 26 chuyến tàu mỗi ngày cho những hành khách khởi hành từ Seoul muốn ra biển Đông để ngắm bình minh.Nhưng có thể nói dù ngắm nhìn từ bãi biển nào, bình minh trên biển Đông cũng là một tuyệt cảnh. Đặc biệt, hình ảnh hàng rào sắt của ranh giới phi quân sự tận cùng phía Bắc tỉnh Gangwon thấp thoáng trong cảnh bình minh đầy nghiêm túc khiến người ngắm thấy nao nao.

Không mấy thua kém bình minh trên biển Đông là cảnh tàu đánh cá vào những đêm ra khơi. “Thành phố không ngủ” thường được dành để tả những con phố đêm của các thành phố lớn, nhưng có một thứ còn rực rỡ hơn những con phố ấy, đó chính là cảnh biển đêm với hàng trăm tàu câu mực đầy những chiếc đèn thu hút mực bật sáng trên boong. Dù ngắm từ xa, trên đỉnh núi như Daegwallyeong, hay thật gần từ bãi biển đều thấy thật đẹp mắt.
Những đêm trắng miệt mài lao động trên biển cũng cao đẹp và đáng quý không kém những ánh đèn đêm. Tôi nhớ thời còn học trung học ở Gangneung, những đứa bạn khu vực mỏ than bao giờ cũng nộp tiền học sớm bất kể mùa nào trong năm. Trong khi đó, những đứa vùng nông thôn thường tùy theo hoàn cảnh gia đình, còn những đứa miền biển thì chờ đến mùa đánh bắt mực sẽ nộp luôn một lần cả những khoản còn nợ trong năm.
Từ Gangneung, theo đường biển đi lên phía Bắc sẽ gặp Yangyang. Tuy không phải tất cả đều là làng chài nhưng ở đây có Namdaecheon nơi mỗi mùa thu, từng đàn cá hồi lại kéo về. Cá hồi sinh đẻ ở thượng lưu Namdaecheon, đến khi lớn bằng ngón tay sẽ ra biển Đông, bắt đầu cuộc hành trình dài đầy gian truân của chúng. Ba bốn năm sau, khi đã trưởng thành, to hơn bắp tay một người lớn, chúng lại từ Bắc Thái Bình Dương, qua biển Bering, biển Okhotsk, trở về Namdaecheon, Yangyang – nơi chúng đã sinh ra.
Từ Yangyang đi thêm một đoạn lên phía Bắc là Sokcho – khu trung tâm thủy hải sản ở vùng biển Đông. Trước kia, vào mùa nước biển lạnh, bến cảng nơi đây lại đầy những con tàu đánh bắt cá minh thái. Ngày nay, do hiện tượng trái đất nóng lên, nước biển ấm hơn khiến công việc đánh bắt loài cá nước lạnh này gần như sắp chấm dứt. Nhưng Sokcho hiện nay vẫn đóng vai trò một khu trung tâm thủy hải sản của vùng biển Đông. Goseong phía BắcYangyang cũng thế, mỗi khi vào mùa, các cảng Geojin, Daejin, Ayajin lại nhộn nhịp những đoàn tàu đánh cá.
Tiếp tục lên phía Bắc sẽ đến nơi cửa ngõ trước khi vào con đường lên núi Kumgang và cũng là nơi bán đảo Hàn được chia làm hai. Ở khu vực này, dân thường chỉ được vào đến đài quan sát Thống Nhất. Chuyện tuy gần như đã đi vào quên lãng, nhưng trước giải phóng từng có tuyến đường sắt miền Bắc dọc theo biển Đông xuất phát từ Yangyang, qua núi Kumgang đến Wonsan. Sau khi hai miền bán đảo bị chia cắt bởi vĩ tuyến 38, các tuyến đường sắt cũng không còn hoạt động. Từ sâu thẳm trong lòng, tôi luôn thầm mong một ngày sẽ lại có tuyến đường sắt dẫn lên núi Kumgang. Từ đài quan sát Thống Nhất, bờ biển bên kia phía Bắc nhìn không khỏi nao lòng.

Lee Soon-wonNhà văn
Ảnh Ahn Hong-beom
Dịch Phan Thị Hồng Hà

전체메뉴

전체메뉴 닫기