Công viên Văn hóa Đá Jeju nằm trên vùng đất rộng một triệu pyeong (khoảng 3,3 km 2 ) tại phường Jocheon, thành phố Jeju. Đá vốn dĩ là đặc trưng của hòn đảo này, thành thử mọi người đều cho rằng ở đây nên có một công viên chủ đề về đá.Tuy nhiên, nếu như không có sự hiểu biết và cố gắng đến ương bướng của một cá nhân thì công viên xinh đẹp được tô điểm bởi đá và truyền thuyết của Jeju này đã không thể hiện hữu bên cạnh chúng ta.
Ảnh. Công viên Văn hóa Đá Jeju với những tảng đá mang biểu tượng của lịch sử đảo, truyền thuyết và thần thoại của đảo. Thành phố Jeju đã cung cấp khu đất và hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng công viên, còn nghệ nhân Baek Un-cheol tặng bộ sưu tập các di tích đá và hiện vật truyền thuyết cũng như đóng vai trò người quản lý kế hoạch và đưa ra các ý tưởng thiết kế cho công viên.
Vào nửa sau thập niên 60, anh Baek Un-cheol, sinh viên khoa Kịch trường Đại học Nghệ thuật Seoul khi nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự trong đội công binh ở vùng núi hẻo lánh thuộc tỉnh Gangwon đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với hình thù kỳ dị của những cây xanh hàng trăm năm tuổi. Công việc chỉ khoảng một ngày, nhưng Baek phải mất hơn một tuần đào bới cẩn thận, tránh làm thương tổn đến cái cây đã chết, ngay cả cái rễ của nó. Baek có chí hướng thân thiện với tự nhiên nhưng thực tế mà Baek phải đối diện sau khi giải ngũ lại rất bi thảm. Thời điểm đó, bản đồ của Hàn Quốc bỗng một ngày được điều chỉnh khác đi dưới ngọn cờ của phong trào Làng Mới (Saemaul Undong) đi đầu trong công cuộc phát triển các trục đường chính của chính phủ.
Ảnh. Được đặt dọc theo Đường số 1 của Công viên Văn hóa Đá Jeju, bức tượng thần hộ mệnh bằng đá được điêu khắc cách đây khoảng 300 năm. Các bức tượng này được chọn làm Di sản văn hóa dân gian quan trọng của tỉnh. Tượng có tên gọi dol hareubang (nghĩa là “ông già đá”) và có các đặc điểm như đôi mắt to và phồng lên, đôi môi mím lại, đội mũ và hai tay đặt lên trước bụng.
Cuộc gặp với rễ của cái cây đã chết
Baek hồi tưởng lại. “Tôi đã nổi giận khi thấy môi trường tự nhiên bị tàn phá dữ dội từ lúc phong trào hiện đại hóa nông thôn được thực hiện dưới lời kêu gọi chỉ vì mục đích kinh tế. Tuy tài hèn sức mọn nhưng tôi quyết làm một chút gì đó để bảo vệ thiên nhiên.”
Vào thời điểm mà bỗng một buổi sáng thức dậy đột nhiên xuất hiện hoặc biến mất một con đường hoàn chỉnh, Baek Un-cheol với quyết tâm của mình đã đi khắp nơi để thu thập các hiện vật tự nhiên, mở một khu bảo tồn khiêm tốn về cây cối với tên gọi “Tamna” (Tamna Mongmurwon; Tamna là tên gọi cổ xưa của Jeju) trong nội đô thành phố Jeju. Sau này, Baek phát triển nơi này và cho ra mắt khu bảo tồn mới về cây cối và đá cũng với cái tên Tamna (Tamna Mokseogwon). Baek sớm nhận ra sự quan trọng của tự nhiên nên lập kế hoạch cho một khu vườn với chủ đề về đá và cây cối, và ông đã phát huy được tính sáng tạo khi áp dụng kỹ thuật kể chuyện (storytelling) vào đây. Từ chất liệu đá và cây cối, Baek dàn dựng nên câu chuyện tình yêu của “Gapdol và Gapsun”, một câu chuyện dân gian lâu đời được nhiều người biết đến qua bài hát dân ca và phim ảnh. Nhờ vậy khu vườn này trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với các cặp vợ chồng mới cưới khi tới Jeju hưởng tuần trăng mật.
Với khái niệm độc đáo, Tamna được giới thiệu là một trong mười hai khu vườn lớn nhất thế giới trong quyển “Annuel Monumental Annuel 2001: Jardins Historiques” của Cục Di sản Văn hóa & Kiến trúc, thuộc Bộ Văn hóa Pháp. Nhưng Baek Un-cheol có lý do để ông dũng cảm từ bỏ cả khu vườn đang thành công này và bắt đầu một dự án mới. Quay ngược lại năm 1988, vốn dĩ là một nhiếp ảnh gia, nhân buổi triển lãm nhiếp ảnh mà Baek được đến thăm Paris. Tại thành phố nghệ thuật của thế giới, ông nhận ra giá trị của Jeju được đánh giá cao như thế nào, ông xấu hổ với sự kém hiểu biết của mình. Ngay khi trở về nước, Baek học lái xe và suốt mười năm sau đó ông đã đi 1,2 triệu km mải miết tìm kiếm các vật phẩm dân gian và đá đang dần biến mất.
“Tôi đã tìm lại vẻ đẹp của hòn đảo nơi tôi sinh ra và lớn lên trong cảnh quan tâm linh của thiên nhiên Jeju, với những khối đá đa hình đa sắc được hình thành trong quá trình dung nham chảy ra biển.”Ảnh. Được đặt dọc theo Đường số 1 của Công viên Văn hóa Đá Jeju, bức tượng thần hộ mệnh bằng đá được điêu khắc cách đây khoảng 300 năm. Các bức tượng này được chọn làm Di sản văn hóa dân gian quan trọng của tỉnh. Tượng có tên gọi dol hareubang (nghĩa là “ông già đá”) và có các đặc điểm như đôi mắt to và phồng lên, đôi môi mím lại, đội mũ và hai tay đặt lên trước bụng.
Ảnh. Baek Un-cheol tái khám phá vẻ đẹp và linh hồn của Jeju, nơi ông được sinh ra và lớn lên, nơi có những tảng đá đủ hình dạng và màu sắc. Ông hiện đang dồn tất cả sức lực của mình vào việc xây dựng một phòng triển lãm cho Seolmundae Halmang, một nữ thần khổng lồ đặc trưng trong huyền thoại sáng thế của hòn đảo, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Kể chuyện thần thoại từ đá
Sự giác ngộ đó khiến Baek từ bỏ khu vườn yêu quý của mình để tạo ra một “công viên văn hóa đá hướng đến 100 năm sau”. Baek Un-cheol ấm lòng hơn khi nhìn quanh khu Công viên Văn hóa Đá Jeju hiện tại, ông quyết tâm “nhất định phải giữ lấy nơi này dù nó đối mặt với nguy cơ biến mất” và “phải mang Seolmundae Halmang trở lại nơi này”.
Seolmundae Halmang là nữ thần khổng lồ và đầy sức mạnh, nhân vật chính trong thần thoại sáng thế của Jeju. Thần thoại kể rằng Seolmundae Halmang hạ sinh 500 người con trai được gọi là “500 Tướng quân”, khi tất cả các con đều đang bên bờ vực chết đói vì hạn hán, bà bèn nấu cháo cho các con nhưng không may ngã vào nồi cháo rồi qua đời. Từ nhân vật nữ thần Seolmundae Halmang, Baeck suy nghĩ về tình mẫu tử vĩ đại đóng vai trò cốt lõi trong cuộc sống những người phụ nữ Jeju có thể nâng lên thành tình yêu nhân loại. Ông chọn câu chuyện thần thoại làm chủ đề chính cho Công viên Văn hóa Đá Jeju.
Baek tặng toàn bộ các tượng đá và vật phẩm dân gian mà ông sưu tầm được trong suốt thời gian qua cho chính quyền Jeju, do đó Jeju quyết định sắp xếp một khu đất rộng một triệu pyeong (khoảng 3,3 km2) và tài trợ toàn bộ chi phí phát sinh sau đó. Năm 1999, Baek ký một thỏa thuận với chính quyền tự trị Jeju để làm việc cho công viên trong 20 năm với vai trò là người đứng đầu Ban Quản lý Dự án Công viên. Năm 2006, Công viên Văn hóa Đá Jeju được khánh thành và vẫn tiếp tục quá trình xây dựng. Khu vực dưới lòng đất từng là bãi rác được biến thành viện bảo tàng, bên trên có phòng triển lãm Năm trăm Tướng quân kết hợp với nhà hát, một ngôi làng mái tranh truyền thống và khu rừng nghỉ dưỡng tự nhiên. Trong đó phòng trưng bày Seolmundae Halmang vẫn đang thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020. Baek một mình tá túc trong không gian hạn hẹp năm peong ngay tại công viên để tiếp tục nghĩ đến các dự án khác dựa vào trí tưởng tượng và trực quan của mình.
“Con nhện có suy nghĩ xong rồi mới nhả tơ không? Nó cứ nhả tơ liên tục thôi. Tôi cũng như vậy.”
Baek, người đang đạt đến nỗ lực cuối cùng để hiện thực hóa giấc mơ ấp ủ trong suốt hàng chục năm kể tiếp. “Tôi muốn lưu giữ dòng chảy của lịch sử cho thế hệ sau tại phòng trưng bày Seolmundae Halmang. Dân gian, thần thoại, lịch sử về cơ bản là giống nhau trong ba hình thức riêng biệt phân nhánh từ một gốc. Tất cả hòa vào nhau và phần mấu chốt nhất của Jeju chính là đá. Ở đây, chúng tôi sống trên đá và chết cũng trên đá. Nếu tính ra thì các vì sao trên trời cũng là đá, các cá thể trong vũ trụ cũng là đá.”
Baek không ngần ngại giải thích rằng việc nhấn mạnh “văn hóa đá” trong tên gọi của công viên là do ông muốn khẳng định đây là “văn hóa của người dân Jeju, những người đã sinh ra và lớn lên trên đá”.“Tôi muốn dành phần còn lại của cuộc đời phục vụ cho hòa bình trên nền tảng của đá. Giống như một loại giác ngộ và chữa trị. Đá là một dạng tồn tại có tâm linh. Con người ngày nay thiên về vật chất, nhưng quan trọng là phải biết cũng tồn tại một thế giới khác.”Ông Ricardo Legorreta, kiến trúc sư nổi tiếng người Mexico đã qua đời từng nói về công viên đá Jeju như sau: “Việc chất đầy các tảng đá vào viện bảo tàng quả thực là một thử thách rất khó khăn, tuy nhiên Baek hiểu rõ đặc tính xen giữa núi của đảo Jeju nên tạo ra được sự hài hòa với môi trường tự nhiên. Đặc biệt tôi thấy truyền thuyết Seolmundae Halmang rất hấp dẫn.”
Nhiếp ảnh gia người Pháp Léonard de Selva đến thăm công viên cũng từng phát biểu: “Các tảng đá ở Jeju toát lên một sắc khí nào đó. Tôi nghĩ rằng trên hòn đảo của đá, Công viên Văn hóa Đá có thể trở thành một thần thoại rất Jeju, giống như sự nổi tiếng của các tượng đá khổng lồ không rõ nguồn gốc trên đảo Phục Sinh”.
“Ở đây, chúng tôi sống trên đá và chết cũng trên đá.Nếu tính ra thì các vì sao trên trời cũng là đá, các vật thể trong vũ trụ cũng là đá.”
Ảnh. Khu làng được tái dựng với 50 dãy nhà mái tranh truyền thống nằm dọc theo Đường số 5 trong công viên cho cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống của người dân đảo trong quá khứ. Các vật liệu xây dựng làng được tái tạo từ 200 ngôi nhà cổ từ khắp nơi trên đảo.
Ảnh. Đây là một trong những viên đá tự nhiên có hình thù kỳ lạ được hình thành từ dung nham cứng được trưng bày trong Bảo tàng Đá Jeju thuộc Công viên Văn hóa Đá Jeju.
Cuộc đời cống hiến cho Công viên Văn hóa Đá
Baek nói rằng ông nhận được món quà quý giá từ bố mẹ mình đó là đôi mắt sắc sảo. Ông tin rằng mình được sinh ra với đôi mắt biết phát hiện tất cả sắc thái nhân sinh trong đá, đôi mắt biết tìm thấy đá quý ở giữa rác mà người khác không làm được. Cũng giống như Jeju được sinh ra từ nữ thần Seolmundae Halmang, những gì ông làm được cho đến ngày nay đều nhờ công sức rất lớn của hai người phụ nữ. Mẹ ông, một nữ anh hùng, đã xây một nhà kho rộng 30 pyeong ở vườn cây trái của bà để giúp con trai thực hiện được ước mơ. Trong mắt những người khác ông có thể là một người đàn ông không nghề nghiệp, chỉ đi lang thang quanh quẩn trong núi và cánh đồng để thu thập đá, nhưng mẹ ông là người bạn đồng hành, nhà tài trợ mở cho ông không gian triển lãm đầu tiên. Trong số bảy người con thì duy chỉ có Baek giống tính cách của bà nhất. Khi con trai mang về một hòn đá thú vị, bà thích thú vỗ tay vui sướng. Và không cần phải nhắc đến, vợ ông cũng đồng hành, hỗ trợ một cách thầm lặng trên con đường nhiều chông gai của chồng.
Ảnh.Các đồ vật bằng đá liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân trên đảo, bao gồm cả máy nghiền và cột cửa, được trưng bày ở khu triển lãm ngoài trời. Baek Un-cheol đã thu thập các khối đá này trong nhiều thập kỷ.
“Jeju là một hòn đảo đá. Gotjawal, rừng đá được hình thành từ đá chất đống lên nhau, ở các khu dân cư các bức tường đá còn dài hơn cả Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Đá đã tạo nên bầu không khí tâm linh ở đây. Đặc biệt 48 dol hareubang (bức tượng tạo hình ông già bằng đá) chính là bảo vật quý giá nhất ở Jeju. Rất khó có thể tìm thấy những bức điêu khắc bằng đá bazan như thế ở các nơi khác trên thế giới. Những bức điêu khắc được tạo ra như những vị thần hộ mệnh chống lại sự xâm lược của quân Nhật, và đôi mắt trừng trừng trên các bức tượng thực sự đáng sợ vào ban đêm. Tất cả các dol hareubang này đều được chế tạo bởi những người thợ vô danh, thế nhưng mỗi bức đều mang một linh hồn.”
Baek nói rằng ông nhìn thấy “phía bên kia của thế giới con người” từ dongjaseok (tượng đá đồng tử) của Jeju. “Dongjaseok mang tính tâm linh, dol hareubang mang tính mỹ học là những biểu tượng của đảo Jeju. Vì vậy, nếu bắt gặp đối tượng mà tôi cho rằng nhất định phải thu thập thì dù phải tốn bao nhiêu tiền tôi cũng chịu.”
Bộ sưu tập của Baek sau nhiều lần vận chuyển từ Khu vườn cây và đá của ông đến Công viên Văn hóa Đá hết khoảng 500 chiếc xe tải. Ông cũng tái tạo một ngôi làng giữa núi bao gồm 50 dãy nhà mái tranh với vật liệu thu thập từ 200 ngôi nhà cổ. Ngôi làng là địa điểm quay phim “Jiseul” (Khoai tây) nói về sự kiện ngày 3 tháng 4 năm 1948, một sự kiện bi thảm trong lịch sử hiện đại của người dân Jeju xuất phát từ sự chia cắt dân tộc và xung đột tư tưởng.
“Không đơn thuần chỉ là việc tái hiện lại ngôi làng cổ, tôi đã cố gắng tạo ra không gian trải nghiệm văn hóa, kế thừa và giáo dục trí tuệ từ tổ tiên. Tôi hy vọng có thể duy trì những giá trị đó ở nơi này thật lâu dù nó đang dần biến mất ở những nơi khác.”
Baek nói rằng với ông “dường như mọi tảng đá đều đang nhắm mắt trầm tư mặc tưởng.” Dù đồng ý hay không với suy nghĩ của Baek, nếu bỗng một ngày bạn muốn gặp cái gì đó xưa cũ thì nên tìm đến Công viên Đá Jeju. Có thể bạn sẽ vượt qua giới hạn của thời gian và cảm nhận được thiên nhiên chính là mình, và mình là thiên nhiên. Và ở chốn này, chắc hẳn đại đa số mọi người sẽ được dịp nhìn thấy Baek giống như một vị tiên tóc bạc trắng đội cái nón cũ kỹ đi trên con đường đất tựa như phong cảnh trong ảnh trắng đen.
Nhà đá: Một gương mặt khác của đảo Jeju
Để tạo ảo giác về một hòn đảo núi lửa, ArchiPlan – công ty kiến trúc thiết kế Bảo tàng Nghệ thuật Kim Tschang-yeul đã sử dụng lớp phủ bê tông lộ ra bằng sơn màu đen, gợi nhớ đến đá bazan. Hình ảnh của đá núi lửa bazan luôn được lưu giữ qua các ứng dụng khác nhau.
Đảo Jeju có thể được xem là một khối đá núi lửa khổng lồ không? Jeju là vùng đất cằn cỗi phía nam của Hàn Quốc, vùng đất không thể trồng lúa mặc dù thuộc quốc gia dùng lương thực chính từ lúa gạo. Trên hòn đảo này ở bất kỳ đâu chỉ cần xới một chút đất thì đá hiện ra ngay. Trước đây người dân Jeju gom những viên đá màu đen nằm lăn lóc khắp nơi để xây nhà và tường rào. Ngày nay có nhiều nhà máy chế tạo vật liệu xây dựng nên đá núi lửa được sử dụng rất nhiều trong thời kỳ bùng nổ xây dựng gần đây.
Từ khoảng 10 năm trước, sức nóng của ngành xây dựng trên đảo không chỉ do đây là địa điểm du lịch mà còn do dòng người di cư từ đất liền ra đảo liên tục tăng khi Jeju nổi lên như là “nơi đáng sống” đối với nhiều người. Gần đây nhiều tòa nhà mới mọc lên khắp nơi trên đảo, bao gồm tòa nhà công, nhà ở đến các nhà khách, tất cả đều mang cá tính riêng nhưng đều có chung đặc điểm là xây bằng loại đá núi lửa đặc trưng trên đảo.
Mặc dù chất liệu và màu sắc của đá Jeju được yêu thích nhưng loại đá này không thích hợp để xây khung nhà. Do hình thành từ dòng dung nham tan chảy và đặc cứng lại nên nó không thể chịu đựng được sức nặng của ngôi nhà. Vậy nên các ngôi nhà truyền thống hay nhà hiện đại gần đây sử dụng loại đá này để trang trí mặt trong và mặt ngoài của tường, hàng rào và sân. Ngày xưa hay bây giờ thì đá Jeju đều là yếu tố hấp dẫn tượng trưng cho cảnh quan Jeju.
Ảnh. Neuljak là nhà khách được sửa sang từ một ngôi nhà kiểu Jeju điển hình hơn một trăm năm tuổi. Được biết đến với cái tên cũ, nhà khách “Ngôi nhà đá Ham PD” được kinh doanh bởi một cặp vợ chồng di cư đến đảo vào năm 2011. Mái tranh nguyên thủy đã được thay thế bằng những phiến đá vào những năm 1970, nhưng những bức tường đá cũ vẫn được giữ nguyên.
Bảo tàng nghệ thuật mang mỹ cảm của đá
Nhìn từ trên cao Bảo tàng Nghệ thuật Kim Tschang-yeul trông giống như những khối đá vuông chụm lại. Bảo tàng được thành lập năm 2016 tại Làng nghệ thuật Jeoji ở huyện Hangyeong. Vẻ ngoài xám xịt của bảo tàng này nhìn thoáng qua trong giống như tảng đá núi lửa nhưng nếu nhìn kỹ hơn đó là do lớp sơn màu đen phủ lên bề mặt xi măng sần sùi. Vậy vì sao đá Jeju không được sử dụng để xây dựng bảo tàng này? Đây có lẽ là câu hỏi của đại đa số khách đến tham quan bảo tàng.
Như đã nói phía trên, do cấu trúc của đá núi lửa không chịu được sức nặng nên không thể sử dụng cho khung của các tòa nhà lớn. Thêm nữa, đá núi lửa cũng không phù hợp cho xây tường. Thế nhưng có vẻ như các kiến trúc sư muốn mang “cảm giác đá Jeju” vào tòa nhà này. Đó cũng là do đặc trưng chính của kiến trúc ở Jeju.
Lời giải đáp sâu xa cho câu hỏi trên có thể tìm thấy ở khắp nơi trong bảo tàng. Khách tham quan có thể nhận ra ý đồ muốn tạo ảo giác, mọi nơi đều được xây bằng đá núi lửa như là bức tường trang trí ở lối vào được xây cao như bức tường thành bằng đá núi lửa thô sơ; hàng rào thấp bằng đá núi lửa xung quanh tòa nhà; mái nhà được bao phủ bằng lớp đá núi lửa vụn; thậm chí cả đá cẩm thạch đen ở giữa hồ sen lớn ngoài sân cũng vậy.
Thế nên bảo tàng này tái hiện lại cảm giác uy nghi của những tảng đá khổng lồ nằm sâu trong đất và phong cảnh thường thấy của những tảng đá màu đen lăn lóc trên đất đem đến cho du khách hình ảnh “Giấc mơ nguyên thủy của Jeju”.
Ảnh. Kim Dae-il, giám đốc fig.architects, đơn vị hợp tác với Eggplant Factory thiết kế biệt thự VT Haga Escape, cho biết đá bazan được sử dụng trên tất cả các biệt thự để du khách có thể thưởng thức cảnh quan của một ngôi làng địa phương ngay cả khi ở trong nhà.
Ngôi nhà san sẻ hơi ấm của đá
Biệt thự cao cấp VT Haga Escape mới được xây dựng ở thôn Aewol có phong cách đặc trưng qua sự bố trí hài hòa tường rào và tường bên trong bằng đá núi lửa. Từ phòng khách có thể quan sát trọn vẹn tường rào bằng đá núi lửa ôm lấy cái sân nhỏ. Điểm nhấn hấp dẫn của ngôi nhà chính là có thể tận hưởng giây phút nghỉ ngơi và nhìn ngắm phong cảnh yên bình ấm áp cùng với bức tường rào thẳng tắp dưới bầu trời trong xanh.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu từ ngôi nhà cho đến tường rào đều được làm bằng xi măng? Sẽ khó lòng giữ được tình yêu của du khách. Có lẽ chủ căn nhà và kiến trúc sư đã hiểu ý nhau về việc “tạo ra cái tình ấm áp của căn nhà bằng những tảng đá lâu đời, gồ ghề”. Điều này làm lan tỏa hơi ấm đến du khách.
Nếu biệt thự cao cấp VT Haga Escape là một ứng dụng hiện đại về tường rào bằng đá Jeju thì nhà khách “Ngôi nhà đá của Ham PD” mở cửa vào năm 2011 tại thôn Gujwa vẫn giữ nguyên trạng “thời gian của các tảng đá” trong ngôi nhà cổ truyền thống hơn 100 năm tuổi. Từ năm 2014 nhà khách này được đổi tên thành “Neuljak” [nghĩa là “chậm và thư giãn”] do thay đổi chủ sở hữu
nhưng diện mạo vẫn như ngôi nhà ba gian trước đó với khung, tường, tường rào, sân và vẫn là nơi lưu trú thoải mái cho khách du lịch dù được sửa sang lại bên trong. Khách lưu trú vui vẻ chào hỏi nhau, tụ tập tổ chức bữa tiệc nhỏ vào ban đêm khiến cho nhà khách giản dị này trong giống như nhà ở quê khi cả gia đình sum họp vào dịp lễ tết lớn. Người chủ cũ của nhà khách vốn là dân di cư lên đảo với mong muốn được đón nhận trong ngôi làng đầy hương vị quê nhà, vì thế họ giữ nguyên hình thức ban đầu của ngôi nhà trước đây và dường như cho đến tận bây giờ tâm tư của người chủ cũ vẫn lan tỏa đến các du khách.
Những người di cư tìm cuộc sống mới trên đảo Jeju dù xây ngôi nhà mới hay sửa sang lại ngôi nhà sẵn có đều khó quên được phong cảnh đầu tiên đập vào mắt khi vừa tới Jeju, những bức tường rào đá thấp, tối màu bao quanh khắp nơi và những tảng đá màu đen lấp lánh ở bãi biển. Vẻ đẹp của đá Jeju được thể hiện dưới nhiều hình thức giàu tình cảm, được mang vào phòng khách, phòng ngủ và sân vườn.