Bức tường đá thấp bao quanh và tượng đồng tử với vẻ mặt ngây thơ đứng trước các ngôi mộ nằm trên những quả đồi chính là hình ảnh tượng trưng của Jeju, do thiên nhiên và tín ngưỡng của vùng đất này tạo nên. Thông qua những tác phẩm tạo hình mộc mạc, không cầu kì, không cần đến bàn tay khéo léo của con người này chúng ta có thể thấy được lịch sử hòa hợp giữa thiên nhiên và con người Jeju, cũng như hiểu hơntư tưởng về sự sống và cái chết của họ.
Ảnh. Những ngôi mộ hình chóp Dang Oreum nằm ở Gujwa-eup, được bao quanh bởi các tường rào đá, chính là đặc trưng của đảo Jeju. Hàng rào đá quanh mộ, tức sandam, bảo vệ ngôi mộ khỏi hỏa hoạn và gia súc xâm phạm.
Jeju là đảo lớn nhất trong số 3.300 hòn đảo lớn nhỏ thuộc bán đảo Korea. Có thể ví Jeju như một ngọn núi khổng lồ, vì núi Hallasan với độ cao 1.950 m so với mặt nước biển đã vẽ nên những đường cong thoai thoải và trải dài trên toàn diện tích đảo. Khoảng 170 vạn năm trước, Jeju được hình thành từ sự phun trào của núi lửa Hallasan, do đó trên bề mặt và trong lòng đất của đảo đầy ắp vết tích của sự phun trào dung nham này. Vết tích đó chính là đá bazan, biểu tượng của cảnh quan độc đáo ở Jeju. Khắp nơi có sự hiện diện của đá bazan màu đen với nhiều lỗ, và cũng vì trên đảo nhiều đá, gió và phụ nữ nên Jeju còn được gọi là “Tam đa đảo”.
Con người luôn thích ứng và tận dụng môi trường sống. Người dân Jeju đã sử dụng đá để ngăn gió biển, vốn là một điều kiện tự nhiên khác mà họ không thể tránh được. Dân đảo gom đá rơi xuống từ vách núi hoặc các bậc thềm sóng vỗ rồi xây tường đá dọc theo bờ biển hay bờ ruộng để chắn gió và chắn sóng, xây tường rào đá quanh mộ để bảo vệ mộ, tạc thành tượng đồng tửđể canh giữmộ của người đã khuất.
Những bức tường rào đá, hình ảnh tượng trưng cho đảo Jeju, chính là kết quả tích lũy của quá trình lao động qua nhiều thế hệ. Người cha xẻ tảng đá to ra theo kích cỡ vừa phải, con trai thì chất những viên đá do người cha tạo ra để xây thành tường rào, còn mẹ thì gom những hòn đá nhỏ đào được mỗi khi cày ruộng để lấp khoảng trống trên tường. Khó có thể biết chính xác công việc tuy đơn giản nhưng khá nặng nhọc này phải lặp đi lặp lại trong bao lâu. Nhưng khi quan sát đảo Jeju từ trên cao thì những tường đá màu đen lớn nhỏ tạo nên nhiều đường cong theo phong cách tự do, vây quanh toàn bộ đảo, trông chẳng khác gì một tác phẩm mỹ thuật vĩ đại. Các tác giả vô danh đã xem mặt đất như khung vải để vẽ nên “tác phẩm mỹ thuật” kỳ bí, và điểm đặc biệt của tác phẩm này chính là vẻ đẹp thiên nhiên, chứ không phải vẻ đẹp do con người tạo tác.
Tường rào đá ở Jeju không có quy tắc hay kiểu mẫu nhất định mà uốn lượn tự do theo sở thích của người làm ra và chạy quanh bề mặt đảo. Vô số đường cong từ các bức tường rào đá này mềm mại tự nhiên như thể đang cuốn theo chiều gió. Cũng vì điều này mà có ai đó từng ví von: “ Mặt đất và tường rào đá Jeju vốn dĩ chỉ là một mà thôi.”
Người dân trên đảo Jeju được sinh ra và sống trọn đời trong những ngôi nhà có tường rào đá, khi họ chết đi cũng nằm trong những ngôi mộ được bao quanh bằng tường đá. Đá có mối quan hệ vô cùng mật thiết với sự sống và cái chết của người dân nơi đây như thế đấy.
Ảnh. Tượng đồng tử bằng đá tạc theo hình dáng của trẻ con, đứng phía trước để canh giữ ngôi mộ. Tượng rất mộc mạc được làm từ đá bazan nhiều lỗ, đặc điểm chung là có đường nét thô và toát lên vẻ thần bí.
Ảnh. Tường đá xung quanh mộ gồm loại một lớp và loại nhiều lớp. Độ lớn và hình dáng của tường khác nhau tùy thuộc vào gia cảnh của chủ nhân ngôi mộ.
Tường rào đá dành cho người đã khuất
Những hòn đá của Jeju lăn lóc khắp đảo là món quà từ thần thánh hay tai ương của vùng đất này? Khi chúng khiến cho công việc của người nông dân chậm lại thì có thể trở thành tai ương, nhưng nếu như không có nhiều đá như vậy thì không thể xây dựng được nhà cửa và chuồng gia súc, cũng như mộ phần để linh hồn người chết yên nghỉ.Người dân trên đảo Jeju được sinh ra và sống trọn đời trong những ngôi nhà có tường rào đá, khi họ chết đi cũng nằm trong những ngôi mộ được bao quanh bằng tường đá. Đá có mối quan hệ vô cùng mật thiết với sự sống và cái chết của người dân nơi đây như thế đấy.
Trong số những hàng rào đá được xây theo nhiều hình thức khác nhau thì hàng rào đá bao quanh mộ được gọi là “sandam” [“san” nghĩa là “núi” và “dam” nghĩa là “tường”]. Tường rào đá ở Jeju được sử dụng với nhiều mục đích, tuy nhiên sandam là tường rào đá duy nhất được tôn thờ, chúng vừa là hàng rào bảo vệ ngôi mộ, vừa là đường ranh giới cho ngôi nhà của linh hồn. Sandam được chia thành loại một lớp mỏng và loại nhiều lớp dày, riêng loại một lớp thì tùy theo hình dáng sẽ được phân thành sandam hình tròn, hình hạt dẻ, hình tứ giác. Loại sandam nhiều lớp theo dạng bậc thang thường khiến cho phần sau của ngôi mộ trở nên hẹp hơn.
Sandam có một cổng nhỏ gọi là “olle” để các linh hồn đi lại, còn được gọi là “thần môn”. Cổng nhỏ này rộng khoảng 40-50 cm ở bên trái hoặc bên phải sandam. Người ta sẽ gác ngang cổng một đến ba thanh đá dài từ trái sang phải để ngăn không cho bò ngựa hay con người ra vào. Hướng đặt olle tùy thuộc vào giới tính của chủ nhân ngôi mộ. Nếu là mộ của đàn ông, olle sẽ nằm bên trái tính theo góc nhìn của người chết còn mộ của phụ nữ thì olle nằm bên phải, trường hợp là mộ phần chung thì sẽ lấy đàn ông làm trung tâm mà đặt olle ở bên trái. Thỉnh thoảng cũng có trường hợp olle được mở ở trước mộ và đặc biệt, nếu là mộ đôi thì olle sẽ được mở cả hai hướng trái phải.
Trước đây, sandam thường được đặt giữa cánh đồng chứ không phải đầu thửa ruộng, do đó cần phải được bảo vệ, tránh bị thiêu cháy, hay bị gia súc như bò, ngựa xâm phạm. Nhưng đất giữa cánh đồng dần dà chuyển thành đất canh tác nông nghiệp nên sandam được đưa về đầu ruộng. Cũng có thể cho rằng xây mộ và sandam ở một góc ruộng là để cho người thân chăm sóc thuận tiện hơn. Tuy nhiên cho dù ở gần nhà dân nhưng đá trên sandam là vật cấm kị mà không ai có thể tùy tiện động đến. Nếu không có lý do thích đáng hoặc không được phép thì cũng không được phép vượt qua sandam. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Người ta tin rằng khi những người lang thang đi đường dài hay bị lạc đường, nếu vào bên trong sandam ngủ thì sẽ được linh hồn bên trong ngôi mộ che chở.
Không giống với các loại tường đá thông thường khác, sandam toát lên tính chất và vẻ đẹp tạo hình riêng biệt phản ánh kỹ thuật xử lý đá của người Jeju. Vẻ đẹp tạo hình đó có thể được định nghĩa đơn giản là “vẻ đẹp của đường nét đậm chất Hàn Quốc”. Ví dụ, đường cong của mái hiên nhà ngói ở Hàn Quốc càng đi về hai bên càng hướng lên trời một cách mềm mại, tạo cảm giác như đang lấy đà nhẹ nhàng bay lên. Đường cong của sandam cũng mang nét đẹp độc đáo này. Sandam có kết cấu mặt trong thấp và uốn dần lên, góc bên trái mặt trước của tường rào hướng lên trời tạo nên đường cong uyển chuyển. Càng hướng về giữa thì sandam càng thấp xuống và lại uốn dần lên khi đi về góc phải theo hình thức đối xứng. Đến đây, đường cong như bị ngưng lại, không thể vươn lên được nữa, ngắm những đường cong này thì lòng người càng trở nên thanh thản.
Tượng đồng tử, người hầu của linh hồn
Giống như tên gọi, tượng đồng tử đặt bên trong sandam là các tượng có hình dáng bé trai và bé gái. Tượng đồng tử có nhiều chức năng. Trong đó có thể kể đến chức năng sùng bái, chức năng phụng dưỡng, chức năng bảo vệ, chức năng trang trí, chức năng bùa chú, chức năng giải trí. Tượng đồng tử ở Jeju được mang từ đất liền ra bởi những người thuộc nhiều dòng họ khác nhau đến đảo, hoặc những quan địa phương đến đây nhậm chức, các hào trưởng quý tộc xuất thân ở Jeju, và cả những người bị lưu đày. Tuy nhiên, tượng đồng tử trên đảo khác hẳn với các tượng đồng tử trong đất liền vốn không chứa đựng nhiều màu sắc Phật giáo và nổi bật đặc trưng địa phương.Tượng đồng tử được dựng như bia mộ bắt nguồn từ trung tâm văn hóa Nho giáo Hanyang (Seoul ngày nay), trong quá trình lưu truyền đến vùng biên ải Jeju ở phía Nam xa xôi đã kết hợp phong tục tập quán độc đáo và nhiều tín ngưỡng của từng địa phương, khi đến Jeju thì thêm vào đặc tính phong thổ và tư tưởng của vùng đất này để trở nên vô cùng đặc biệt. Nói cách khác, đặc trưng của tượng đồng tử Jeju phản ánh tất cả các yếu tố đa dạng của Phật giáo, Shaman giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian địa phương.
Tượng đồng tử Jeju mang lại cảm giác rất gần gũi. Đặc biệt, những tượng đồng tử được tạc vào thế kỷ 18, thời vua Yeongjo và vua Jeongjo có đặc trưng mắt to, đường nét mềm mại, điêu khắc tinh xảo. Có thể thấy đặc điểm này do ảnh hưởng từ quá trình đi lại với đất liền. Mỗi khi có quốc tang người dân Jeju thường hay xin đi phu vào đất liền để xây lăng mộ.
Năm 1692, dưới sự trị vì của vua Injo, nhà vua ban hành luật cấm rời khỏi đất liền nên việc ra vào đất liền rất khó khăn, do đó đi phu xây lăng mộ chính là cơ hội tốt để người dân Jeju có thể vào đất liền. Họ ghi nhớ hình ảnh của các tượng đá trong quá trình xây dựng lăng mộ và tái hiện thành tượng đồng tử trên đảo Jeju như bây giờ. Thật ra họ tạc theo tượng quan văn trước mộ vua, nhưng dưới bàn tay của những người thợ không chuyên, tượng đồng tử thay đổi hình dáng hoàn toàn khác với tượng họ đã nhìn thấy. Kết quả là tượng đồng tử ra đời với hình dáng rất dộc đáo, được làm từ đá bazan hiếm khi được nhìn thấy trong đất liền. Ngày nay, tượng đồng tử trở thành hình tượng thu hút của đảo Jeju, được nhiều người yêu mến bởi tính chất nguyên thủy khỏe khoắn, toát lên vẻ đẹp mộc mạc riêng biệt.
Đá Jeju dùng làm đồ gia dụng
Đảo núi lửa Jeju có rất nhiều đá bazan nên từ xưa người dân đã sử dụng các vật dụng sinh hoạt bằng đá. Lý do chính là đá nhiều, nhưng cũng bởi mưa nhiều và độ ẩm cao nên những vật dụng làm bằng gỗ rất nhanh bị hỏng. Tiêu biểu trong số các vật dụng sinh hoạt truyền thống được làm bằng đá trên đảo Jeju có thể kể đến mulpang (kệ đặt vại nước), dolbangae (cối giã) và dottongsi (chuồng lợn). Ngoài ra còn có maetdol (cối xay), hwaro (lò than), jeongjuseok (trụ cổng) và dogori (bát). Ngày nay, hầu hết các vật dụng này không còn được sử dụng nữa nhưng chúng chứa đựng nhiều ký ức đặc biệt đối với người dân Jeju.
Ảnh 1. Kệ đá để đặt các vại mà phụ nữ Jeju mang đi lấy nước. Kệ thường được đặt bên ngoài cửa nhà bếp.
Mulpang (Kệ đặt vại nước)
Kệ dùng để chứa vại múc nước là loại kệ đỡ hình tứ giác được làm bằng đá bazan. Do chức năng của kệ và hướng di chuyển của người sử dụng nên kệ thường được đặt ở bên ngoài cửa bếp, những người phụ nữ Jeju thường mang vại trên lưng, đi lấy nước ở con suối chung của làng rồi về đặt vại nước ở trên kệ này. Suối thường cách xa nhà, mỗi làng sẽ tạo ra đường dẫn nước khác nhau về từng nhà.
Những ngôi làng ven biển thường có suối cách xa trung tâm làng khoảng 1 km. Nước này được gọi là “sanmul”, do lượng nước thay đổi theo thủy triều nênngười dân thường canh lúc thủy triều lên để đi hứng nước về. Ở những ngôi làng vùng núi thì người dân dùng vại chứa nước mưa để uống hoặc hứng nước mưa rơi xuống từ cây làm nước sinh hoạt. Ở những nơi thiếu sanmul, người dân thường hứng nước mưa từ trên mái ngói và trữ lại để uống.
Ở Jeju, người đi lấy nước chủ yếu là phụ nữ và các bé gái. Nước lấy được thường dùng làm nước uống và cũng cho bò ngựa uống. Phụ nữ Jeju quen với việc mang vại lấy nước từ nhỏ. Một ngày của họ bắt đầu bằng việc mang vại đi và lấy nước về đổ đầy chum to. Vại lấy nước làm bằng đất nung, màu đỏ sẫm, thân tròn để dễ vận chuyển. Vại có thiết kế cổ hẹp và thân phình to để cho nước không bị đổ ra khi vác đi đường xa, độ lớn của vại cũng đa dạng sao cho phù hợp với độ tuổi của người mang vại.
Ảnh 2. Cối đá để giã tách vỏ ngũ cốc, sau đó xay thành bột làm bánh tteok cúng trong ngày giỗ. Cối còn dùng để giã quả hồng xanh lấy nước nhuộm vải.
Dolbangae (Cối giã bằng đá)
Người dân Jeju xem trọng ngày giỗ của tổ tiên hơn sinh nhật, vì thế nhà nào cũng cần chiếc cối giã ngũ cốc để tách vỏ, sau đó xay bột làm bánh tteok cúng giỗ. Chiếc cối đá này trong tiếng Jeju là “dolbangae”. Thường thì hai hoặc ba người phụ nữ sẽ lần lượt thay phiên nhau giã ngũ cốc.
Cối giã bằng đá cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình may quần áo lao động. Vào mùa hè, khi mùa mưa dầm đi qua, dân đảo sẽ hái quả hồng xanh để nhuộm vải. Những quả hồng xanh được giã trong cối đá sẽ văng ra hạt hình bán nguyệt (bọn trẻ cũng hay ăn hạt từ những quả hồng chát này), khi hồng được giã nát vừa phải thì người ta cho vải gai hoặc vải bông vào trong cối rồi dùng tay nhào đều cho nước ép của quả hồng thấm vào vải, sau đó mang ra vắt trên tường rào đá để phơi nắng. Vải phơi khô sẽ trải qua quá trình thấm nước, rồi phơi khô, cứ thế lặp đi lặp lại suốt mười ngày để trở nên cứng và dai hơn. Loại vải này có tên gọi là “galcheon” (vải nhuộm từ quả hồng), và quần áo may từ loại vải này được gọi là “garot”. Người dân Jeju dùng galcheon để may trang phục lao động, garot có đặc tính thấm hút mồ hôi tốt, mát mẻ và càng giặt thì chất vải càng dai, màu sắc càng đậm.
Tuy nhiên trên thực tế, khi cần xay thóc người ta thường thích dùng cối xay bằng gỗ, được gọi là “nambangae”, hơn là dùng cối giã bằng đá, vì cối xay bằng gỗ nhẹ và dễ bảo quản hơn. Lúc không dùng đến, dolbangae được đặt trong góc sân, còn nambangae được bảo quản phía sau chuồng bò để tránh mưa.
Stone pig pens also served as an outhouse. The manure was used to fertilize fields.
Dottongsi (Chuồng lợn)
Ở Jeju, loại chuồng được quây quanh bằng tường đá để nuôi lợn được gọi là “dottongsi”. Lợn nuôi trên đảo Jeju là lợn “dosegi”, là gia súc đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đạm cho dân đảo. Tuy nhiên, do ngũ cốc trên đảo quý hiếm nên lợn được nuôi bằng cách cho ăn chất thải của người.
Người nuôi lợn xem chuồng lợn dottongsi là nhà vệ sinh của gia đình, đồng thời cũng là nơi ủ phân bón dùng trong trồng trọt. Chủ nhà trải rơm khắp nền chuồng lợn và đi vệ sinh lên đó, lợn ăn phân người rồi đi vệ sinh trên lớp rơm đó, lợn sẽ giẫm lên phân và rơm trong quá trình di chuyển, từ đó tạo nên lớp phân bón tự nhiên. Vào mùa đông, chủ nhà sẽ mang lớp phân rơm này để ở lối đi ngoài tường đá nhằm làm cho phân lên men trong khoảng hai tháng, sau đó họ trộn phân này với hạt lúa giống để rải lên ruộng vào đầu mùa xuân.
Việc nuôi lợn trong nhà ở đảo Jeju còn một lý do khác nữa. Khi con cái đến tuổi lập gia đình, bố mẹ sẽ mua một đôi lợn con về nuôi. Lợn được nuôi lớn trong hơn một năm cho đến ngày cưới, khi lợn lớn, họ sẽ xẻ thịt để đãi khách. Bàn tiệc ở Jeju rất đặc biệt gọi là “gogiban”, thường gồm có ba miếng thịt lợn, một đĩa dồi trường, một miếng đậu hủ; ngày nay khi người Jeju hỏi nhau “Khi nào cho tôi ăn ba miếng thịt lợn thế?” thì có nghĩa là họ muốn hỏi “Khi nào kết hôn?”.
Loài “lợn ăn phân” (ttong doeji) từ lâu không còn nữa, tuy nhiên loài lợn đen, đặc sản đáng tự hào của Jeju đã được công nhận là Di sản Thiên nhiên cấp Quốc gia số 550 vào năm 2015.