65 năm sau chia cắt đất nước và chiến tranh, trên bán đảo Hàn nơi chiến tranh lạnh vẫn còn đang tiếp diễn, nhận thức của người dân Hàn Quốc về Triều Tiên thay đổi ra sao? Văn hóa đại chúng, đặc biệt là phim ảnh, chính là lĩnh vực thể hiện rõ nhất những thay đổi đó. Xem những bộ phim về Triều Tiên được trình chiếu từ lúc diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên vào năm 2000 cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta có thể cảm nhận được những thay đổi trong cách nhìn nhận mối quan hệ liên Triều trong xã hội Hàn Quốc.
Phim “Shiri” (1999), của đạo diễn Kang Je-gyu
Phim “Ẩn thân” (2013), của đạo diễn Jang Cheol-soo
Phim “Khu vực an ninh chung JSA” (2000), của đạo diễn Park Chan-wook
Phim “Taegukgi” (2004), của đạo diễn Kang Je-gyu
Phim “Chào mừng đến với Dongmakgol” (2005), của đạo diễn Park Kwang-hyun
Phim “Hồ sơ Berlin” (2012), của đạo diễn Ryoo Seung-hwan
Các nhà hoạt động từ miền Nam và miền Bắc đặt ý thức hệ của họ sang một bên, và cùng nhau chấm dứt chiến tranh hạt nhân giữa một nỗ lực đảo chính ở Triều Tiên.
Lịch sử điện ảnh Hàn Quốc được chia thành hai giai đoạn trước và sau bộ phim “Chiến dịch Shiri”.
“Chiến dịch Shiri” của đạo diễn Kang Je-gyu được khởi chiếu năm 1999 đã tạo nên một tiếng vang rất lớn. Điều này không phải hoàn toàn không liên quan với con số kỷ lục 2,45 triệu khán giả xem phim chỉ tính riêng ở Seoul và 5,82 triệu trên toàn quốc. Tính đến thời điểm đó, tác phẩm điện ảnh về pansori (một loại hình âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc) với tựa đề “Sopyonje” của đạo diễn Im Kwon-taek được khởi chiếu năm 1993 là bộ phim duy nhất đạt mức trên một triệu người xem ở Seoul.
Khi đó, do phim nước ngoài được đầu tư với chi phí sản xuất khổng lồ được nhập ồ ạt vào Hàn Quốc, phim Hàn Quốc phải chật vật sinh tồn trong chế độ hạn ngạch điện ảnh. Trong bối cảnh như vậy, “Chiến dịch Shiri” là tác phẩm cho thấy chắc chắn rằng phim bom tấn Hàn Quốc hoàn toàn có đủ khả năng giành phần thắng. Chi phí sản xuất được đầu tư cho bộ phim này là 3,1 tỷ won và đây có thể được xem là mức chi phí sản xuất cao nhất cho đến lúc bấy giờ. Thành công vang dội của bộ phim đã đẩy mạnh sự nghiệp sản xuất phim bom tấn của điện ảnh Hàn Quốc và tác phẩm này trở thành bước đệm cho sự tăng trưởng của điện ảnh Hàn Quốc như một ngành công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây là yếu tố nào đã mang đến thành công cho “Chiến dịch Shiri” như vậy? Chúng ta có thể kết luận ngắn gọn rằng, đó là vì tác phẩm đã mạnh dạn mang đề tài quan hệ liên Triều vốn đang có nhiều bước biến chuyển vào trong phim.
Chủ đề mới, Cách nhìn mới
Phim “Chiến dịch Shiri” (hay “Swiri”) nói về trận chiến ngăn chặn kế hoạch khởi động chiến tranh với Hàn Quốc của một nhóm khủng bố Triều Tiên. Cảnh quay ở sân vận động nơi diễn ra màn đối đầu gay cấn giữa các điệp viên Triều Tiên và nhân viên tình báo Hàn Quốc mô tả chính xác mối quan hệ Nam – Bắc vào thời điểm đó. Nếu như trận bóng giao hữu hai miền Nam – Bắc với sự trực tiếp chứng kiến của lãnh đạo hai miền tạo ra bầu không khí hòa giải liên Triều thì ngược lại, sự xuất hiện của nhóm khủng bố Triều Tiên thể hiện không khí căng thẳng và thù địch vẫn còn tồn tại trong xã hội Hàn Quốc. Dù vậy, khán giả vẫn đồng cảm với câu chuyện tình yêu của nhân vật nam nữ chính dù họ buộc phải chĩa súng vào nhau do lý tưởng khác nhau. Bộ phim phản ánh được những biến chuyển trong tâm lý tình cảm của người dân Hàn Quốc khi họ đang cố gắng xem Triều Tiên là những người cùng một dân tộc, chứ không phải “kẻ thù” như trong thời kỳ trước.
Khát vọng kết thúc Chiến tranh Lạnh trở thành hiện thực với màn bắt tay của lãnh đạo hai miền Nam – Bắc ở Bình Nhưỡng vào ngày 13 tháng 6 năm 2000, tức sau 55 năm chia cắt. Hội nghị thượng đỉnh được diễn ra với chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống Kim Dae-jung theo lời mời của cố Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il là một sự kiện trọng đại dự báo một thay đổi đột phá trong tình hình chính trị trên bán đảo Hàn. Lí do hơn 2,51 triệu khán giả chỉ tính riêng ở khu vực Seoul nồng nhiệt hưởng ứng bộ phim “Khu vực an ninh chung JSA” (“Joint Security Area” hay “JSA”) của đạo diễn Park Chan-wook được khởi chiếu vào tháng 9 năm đó có thể nói là nhờ có cuộc gặp gỡ lịch sử này. Nội dung phim nói về quá trình điều tra một vụ đấu súng căng thẳng ở một khu vực rất đặc biệt là Panmunjom (Bàn Môn Điếm). Tuy nhiên, trong sự căng thẳng và đối lập đó còn ẩn chứa sự giao tiếp qua lại và tình bạn âm thầm giữa những người lính hai miền.
Lúc bấy giờ, bầu không khí dân chủ hóa đang dần được hình thành sau cuộc nổi dậy tháng 6 năm 1987 và chính quyền dân sự được thành lập vào năm 1993. Tuy nhiên, phe bảo thủ vẫn tiếp tục bày tỏ thái độ phản đối gay gắt đối với Triều Tiên và trên thực tế, luật bảo vệ an ninh quốc gia quy định nhiều tác phẩm nghệ thuật phải qua kiểm duyệt. Trong khi phim “Chiến dịch Shiri” khéo léo gián tiếp lồng ghép câu chuyện tình yêu vào thể loại hành động gián điệp, “Khu vực an ninh chung JSA” tạo ra sự phá cách khi đi thẳng vào vấn đề tình bạn giữa binh sĩ hai miền Nam – Bắc. Vì vậy, đạo diễn Park Chan-wook từng nói rằng, “Cho dù có bị bắt vì tác phẩm này, tôi cũng sẵn sàng.” May mắn thay, hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra đầy kịch tính ngay trước đó, giúp bộ phim được hưởng ứng nồng nhiệt hơn.
Một nhóm gián điệp được tuyển chọn của miền Bắc trước trận đổ bộ Incheon của lực lượng U.N vào tháng 9 năm 1950, đã làm đảo ngược làn sóng của cuộc chiến liên Triều.
Dựa trên sự kiện có thật, bộ phim này kể lại câu chuyện về một đơn vị đặc nhiệm được huấn luyện để ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên là Kim Nhật Thành. Đây là bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc thu hút hơn 10 triệu lượt người xem.
Mở rộng thể loại phim
Sau khi mang lại thành công rực rỡ cho bộ phim bom tấn Hàn Quốc “Chiến dịch Shiri”, đạo diễn Kang Je-gyu trở lại thật ấn tượng với tác phẩm “Cờ thái cực giương cao” (“Taegukgi”) với quy mô hoành tráng hơn vào năm 2004. Nối tiếp chính phủ Kim Dae-jung, chính phủ Roh Moo-hyun cũng theo đuổi mối quan hệ hòa giải với Triều Tiên. Giờ đây, phim về quan hệ liên Triều bắt đầu hướng đến đề tài chiến tranh hai miền và bắt đầu thể hiện những quan điểm hoàn toàn khác với phim được sản xuất vào thời chống chủ nghĩa cộng sản trước đây. Đó là cách nhìn sâu vào những con người bên trong cuộc chiến, chứ không phải cuộc chiến.
Gián tiếp miêu tả bi kịch số phận các thành viên của một đội đặc nhiệm được huấn luyện khắc nghiệt để bí mật tấn công Triều Tiên, bộ phim “Biệt đội ám sát” (“Silmido”, 2003) của đạo diễn Kang Woo-suk vượt mức 10 triệu người xem lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Năm sau đó, phim “Taegukgi” trở thành tác phẩm thứ hai vượt mức 10 triệu khán giả. Phim nói về tình anh em và quá trình một gia đình bị phá hủy tàn khốc trong bi kịch Chiến tranh liên Triều.
Người anh buộc phải tham gia cuộc chiến do em trai mình đột nhiên bị bắt đi tòng quân. Vì quá kiệt sức và mệt mỏi với trận chiến, cuối cùng anh gia nhập quân đội miền Bắc và hai anh em phải rơi vào tình huống bi thảm là phải chĩa súng đối đầu nhau. Những người lính Triều Tiên từng bị gọi là “Đồ cộng sản” trong thời kỳ chống Cộng cũng chỉ là những con người bình thường như lính Hàn Quốc, từng là “anh em” với nhau và thông điệp này làm tan chảy bao trái tim khán giả.
Bộ phim “Chào mừng đến Dongmakgol” (“Welcome to Dongmakgol”) của đạo diễn Park Kwang-hyun được khởi chiếu năm 2005, thu hút hơn 640.000 khán giả bằng nội dung phản đối chiến tranh đầy tính nhân văn. Bộ phim mô tả những câu chuyện xảy ra ở một ngôi làng nhỏ tên là Dongmakgol nằm trên núi, nơi không hề biết đến chiến tranh sau khi các toán quân của Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ đi lạc vào đó. Qua thời gian, họ dần dà nảy sinh tình cảm, tạo ra mối quan hệ giữa con người và con người, chứ không phải mối quan hệ giữa phe ta và địch. Cuối cùng, với câu chuyện chống lại chiến tranh, chứ không phải chống kẻ thù theo quan điểm chủ nghĩa nhân văn, bộ phim này được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt do được công chiếu vào thời điểm phong trào phản đối chiến tranh đang ngày càng lan rộng. Ngoài ra, điểm phá cách và độc đáo của tác phẩm chính là cách khéo léo nói về chiến tranh liên Triều, vốn là một đề tài nhức nhối, thông qua thể loại phim hài giả tưởng. Hơn nữa, bộ phim này chứng minh rằng, các tác phẩm điện ảnh về quan hệ liên Triều, với nhiều thể thức khác nhau, đều có thể nhận được sự hưởng ứng của khán giả và nó giúp phá vỡ cái gọi là hạn chế trong thể loại phim.
Kể từ sau năm 2009, phim về quan hệ liên Triều bắt đầu hướng đến đề tài chiến tranh hai miền Nam – Bắc và thể hiện những quan điểm hoàn toàn khác với phim được sản xuất vào thời kì chủ nghĩa chống cộng sản trước đây. Đó chính là tập trung đi sâu vào những con người bên trong cuộc chiến, chứ không phải cuộc chiến.
Làn sóng thương mại hóa
Trong khoảng thời gian đó, các bộ phim về đề tài quan hệ hai miền Nam – Bắc cũng bắt đầu hoà mình theo xu thế thương mại hóa. “Kẻ không đối thủ” (“A Better Tomorrow”, 2010) của đạo diễn Song Hae-sung tuy có sự xuất hiện của nhân vật đào thoát từ Triều Tiên nhưng bộ phim này thử nghiệm thể loại phim Noir [phim đen], theo dạng phim “Bản sắc anh hùng” trước đây. Tên phim bao hàm hai ý nghĩa “Kẻ không đối thủ” và “Kẻ không quốc tịch”, và là thể loại hành động theo kiểu phim Noir với định kiến và hoang tưởng cho rằng “những kẻ đào thoát từ Triều Tiên đều là vũ khí giết người”. Điều này được dựa trên suy đoán mơ hồ rằng người Triều Tiên có điều gì đó khác thường và luôn có một cuộc sống vô cùng khó khăn. Vì vậy, tác phẩm này tạo ra các pha hành động phi thực tế kiểu như phim chiến tranh và trong phim, các nhân vật đào thoát từ Triều Tiên được mô tả như những con người đáng sợ đến nỗi các băng nhóm xã hội đen của Hàn Quốc còn phải khiếp sợ.
Phim “Trong vòng lửa đạn” (“Into the Fire”) của đạo diễn Lee Jae-han được khởi chiếu năm 2010 là tác phẩm thể hiện rõ nhất xu thế thương mại hóa đang hoàn toàn bao trùm lên các bộ phim về đề tài quan hệ liên Triều vào thời điểm đó. Trận chiến sông Nakdong, chủ đề của bộ phim này, là một trong những trận chiến khốc liệt nhất trong Chiến tranh liên Triều và đã nhiều lần trở thành đề tài cho dòng phim chống Cộng sản. Tuy nhiên, “Trong vòng lửa đạn” lại không phải là một bộ phim chống cộng hay phản đối chiến tranh mà chỉ là một bộ phim thương mại thể loại hành động chiến tranh.
Làn sóng thương mại hóa này ít nhiều có liên quan đến tình hình thời chính phủ Lee Myung-bak, cựu tổng thống đắc cử năm 2008 và tự xưng là “Tổng thống kinh tế”. Thời kỳ đó không phải không xảy ra xung đột giữa tư tưởng tiến bộ và bảo thủ, nhưng bị chi phối bởi một khái niệm cao hơn là “kinh tế”. Trong số các phim về quan hệ Nam – Bắc được sản xuất trong thời kỳ chính phủ Lee Myung-bak kéo dài cho đến năm 2013, tác phẩm duy nhất còn duy trì tính chất nghiêm túc là bộ phim “Mặt trận” (“The Front Line”) của đạo diễn Jang Hoon. Tác phẩm này cho thấy sự phi lý và vô nghĩa của chiến tranh khi hai miền Nam – Bắc tranh giành qua lại một khu vực chiến sự.
“Hồ sơ Berlin” (“The Berlin File”, 2012) của đạo diễn Ryoo Seung-hwan và “Ẩn thân” (“Secretly Greatly”, 2013) của đạo diễn Jang Cheol-soo là hai tác phẩm tạo nên thành quả cho xu thế thương mại hóa. Lần lượt thu hút khoảng 7,2 triệu và 6,96 triệu khán giả, hai bộ phim này đều có nội dung về Triều Tiên, nhưng đây là những bộ phim thương mại thành công trung thành đúng theo công thức thể loại phim. “Hồ sơ Berlin” thuộc dòng phim hành động gián điệp theo kiểu loạt phim “Bourne series” bắt từ năm 2002 cho đến tác phẩm “Jason Bourne” năm 2016, xây dựng màn đối đầu giữa các điệp viên của Triều Tiên và nhân viên Cơ quan tình báo Hàn Quốc đang hoạt động tại Berlin. Trong khi đó, phim “Ẩn thân” được xây dựng theo cách tiếp cận hài hước, với nội dung về sự kết hợp “trông không hợp nhau mấy” của “Nhóm điệp viên đẹp trai” bị phía Bắc bỏ rơi nhưng lại trở thành những siêu anh hùng ở Hàn Quốc. Sau thành công vang dội từ nguyên tác hoạt hình trên web, được chuyển thể sang điện ảnh thành công, tác phẩm này cho khán giả thấy được suy nghĩ củathanh niên Hàn Quốc đối với Triều Tiên. “Ẩn thân” thể hiện sự thay đổi trong nhận thức của giới trẻ Hàn Quốc qua hình ảnh họ liên tưởng điệp viên Triều Tiên như những “chàng trai đẹp”, trong khi thế hệ cũ lại nghĩ đến những gián điệp vũ trang có thật từng được bí mật gửi qua Hàn Quốc như điệp viên Kim Shin-jo [Một trong 31 binh sĩ ưu tú của Triều Tiên được tuyển chọn từ đơn vị đặc nhiệm 124 để xâm nhập Nhà Xanh ám sát Tổng thống Park Chung-hee năm 1968].
Một trong những bộ phim sâu sắc trong thời kỳ tổng thống Lee Myung-bak. Bộ phim miêu tả sự vô nghĩa và phi lý của chiến tranh thông qua trận đánh cuối cùng trước khi hai bên đình chiến.
Phản ánh quan điểm cứng rắn của phái bảo thủ, bộ phim này miêu tả cuộc chiến có thực trên biển giữa hai miền Nam – Bắc trên biên giới hàng hải vào tháng 6 năm 2002.
Sau đó, quan hệ giữa Nam – Bắc được đề cập trong phim Hàn Quốc cũng không thể thoát ra khỏi xu thế thương mại hóa, vẫn đi theo thể loại hài kịch, hình sự và kinh dị. Hình ảnh lính Triều Tiên trong những tác phẩm này đều được xây dựng thành những nhân vật kiểu như “vũ khí giết người”. Điểm đáng chú ý là các bộ phim được sản xuất trong thời kì này tuy không phải là phim chống chiến tranh nhưng lại thể hiện quan điểm bảo thủ. Hai tác phẩm tiêu biểu là “Cuộc chiến ở Yeonpyeong” (“Northern Limit Line”) được sản xuất năm 2015 và “Trận đánh Incheon” (“Operation Chromite”) được sản xuất năm 2016. “Cuộc chiến ở Yeonpyeong”, với nội dung xoay quanh cuộc giao chiến có thật giữa hai miền Nam – Bắc ở vùng biển phía Tây vào tháng 6 năm 2002, đã thu hút 6 triệu khán giả. Bộ phim này từng gây ra tranh cãi khi bị đưa vào danh sách kiểm duyệt trước khi sản xuất do có nhiều ý kiến ngờ vực phim này quá thiên về hướng bảo thủ trên phương diện ý thức hệ. Tuy nhiên, bộ phim cho thấy rằng hệ tư tưởng cũng có thể được thương mại hóa. Các đoàn thể lính Hàn Quốc cũng kéo đến rạp xem phim, số lượng phòng chiếu phục vụ cho phim này tăng từ 667 phòng trong ngày đầu tiên lên đến 1.013 phòng sau năm ngày, gây ra tranh cãi về vấn đề độc quyền phòng chiếu phim.
“Trận đánh Incheon” cũng là một bộ phim thương mại sử dụng bố cục đối đầu giữa bảo thủ và cấp tiến. Bộ phim này tưởng chừng như hoàn toàn nói đến hệ tư tưởng khi giám đốc công ty sản xuất phim từng nói rằng, “Tôi làm phim với tinh thần vũ trang và ý thức an ninh”, nhưng thật ra, đây hoàn toàn là bộ phim thuộc thể loại hành động chiến tranh, tái hiện sự kiện lịch sử trận chiến Incheon. Bộ phim xây dựng nhân vật sĩ quan quân đội Triều Tiên thành một nhân vật hiểm ác toàn diện với “ý thức hệ quan trọng hơn máu mủ”, không ngần ngại chĩa súng vào người thân thích khác hệ tư tưởng với mình, cũng như đã tạo ra nhân vật tướng MacArthur như một tồn tại thần thánh, nhấn mạnh sự giải toả tâm lý của kẻ chiến thắng hơn thảm cảnh chiến tranh. Với thể loại hành động chiến tranh và thương mại hóa ý thức hệ, bộ phim trở thành một tác phẩm thành công, thu hút được khoảng 7 triệu người xem.
Trí tưởng tượng của điện ảnh và hiện thực
Khởi chiếu vào năm 2017, bộ phim “Nam Hán Sơn Thành” (“Namhansanseong”, hay “The Fortress”) của đạo diễn Hwang Dong-hyuk nói về bối cảnh tình hình lịch sử của cuộc xâm lược triều đại Joseon lần thứ hai của nhà Thanh được gọi là “Bính Tý Hồ Loạn” năm 1636. Tuy nhiên, bộ phim gặp phải những quan điểm khác nhau trong cách nhìn nhận mối quan hệ liên Triều do cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đang trong giai đoạn cao trào. “Nam Hán Sơn Thành” nói về những tranh cãi mang tính lịch sử giữa vị quan văn theo phái chủ chiến Kim Sang-heon (1570–1652) và người theo phái chủ hòa Choe Myeong-gil (1586–1647), cũng chính là những quan điểm đối lập giữa phái bảo thủ và cấp tiến đối với mối quan hệ liên Triều lúc bấy giờ.
Chủ trương “Thà chết chứ không sống ô nhục” của Thượng thư bộ lễ Kim Sang-heon và chủ trương “Có sống sót thì mới có đại nghĩa, có danh phận” của Thượng thư bộ lại Choe Myeong-gil gợi nhớ đến chủ trương tăng cường sức mạnh quốc phòng của phái bảo thủ và chủ trương tìm kiếm giải pháp ngoại giao của phái cấp tiến. Tranh cãi xoay quanh bộ phim, tiếp nối theo đó là cuộc đối đầu giữa các đảng phái chính trị, cho thấy sự khác biệt trong quan điểm đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã từng là vấn đề nóng bỏng như thế nào.
Được công chiếu tại các rạp trong thời gian Hàn Quốc bước vào thời kỳ chính phủ Moon Jae-in sau khi cựu Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội năm 2017, bộ phim “Cơn mưa thép” (“Steel Rain”) của đạo diễn Yang Woo-suk thu hút hơn 4,45 triệu khán giả cùng với nhiều kỳ vọng cho mối quan hệ liên Triều đang đứng trước giai đoạn hòa giải. Với kịch bản chiến tranh hạt nhân giả tưởng, bộ phim cho thấy sự tàn bạo của vũ khí có thể gây sát thương hàng loạt mang tên “cơn mưa thép” trong cảnh quay loại bom này được thả hàng loạt từ trên trời xuống, biến thế gian thành địa ngục trong chốc lát. Tuy vậy, thảm kịch này không phải do quốc gia đối địch gây ra mà chỉ là vì tham vọng của một số kẻ có quyền lực muốn lợi dụng sự chia cắt đất nước. Bộ phim xây dựng các nhân vật từ hai miền Nam – Bắc đều thấu hiểu và đồng cảm được vấn đề này, miêu tả quá trình họ cùng nhau khắc phục sự khác biệt trong ý thức hệ và thể chế, cùng bắt tay nhau ngăn chặn cuộc chiến hạt nhân vì họ biết được rằng kẻ thù họ phải chiến đấu chống lại không phải miền Nam, cũng không phải miền Bắc, mà là những kẻ có quyền lực muốn lợi dụng sự chia cắt đất nước. Khán giả dành tràng pháo tay nồng nhiệt cho bộ phim không phải vì mức độ hoành tráng của nó mà là khen ngợi dành cho hai nhân vật chính, đại diện cho hai miền Nam – Bắc cùng nhau chiến đấu chống lại thảm kịch chiến tranh hạt nhân bằng tính nhân văn ấm áp.
Nhìn vào những thay đổi trong các bộ phim Hàn Quốc về quan hệ Nam – Bắc, chúng ta có thể đưa ra một kết luận thú vị rằng những bộ phim này đều đi theo phương hướng chính sách của chính phủ đối với Triều Tiên ở từng thời điểm. Nói cách khác, ý chí của chính phủ có tác động sâu sắc đến quan điểm của công chúng về mối quan hệ với Triều Tiên. Tuy nhiên, quan hệ liên Triều được thể hiện trong phim Hàn Quốc rõ ràng đang chuyển mình từ đối đầu sang hòa giải và giao tiếp. Người ta nói rằng mơ mãi một giấc mơ thì nó cũng sẽ thành hiện thực. Giấc mơ mà điện ảnh từng mơ cũng trở thành hiện thực một cách không ngờ, giống như hình ảnh lãnh đạo hai miền Nam – Bắc gặp nhau ở Bàn Môn Điếm, vừa trò chuyện vừa bước qua cầu trong khu rừng ngập nắng.
HÌNH ẢNH NGƯỜI ĐÀO THOÁT TỪ TRIỀU TIÊN
TRONG PHIM ĐỘC LẬP HÀN QUỐC
Ưu điểm lớn nhất của phim độc lập chính là tạo ra những thước phim miêu tả một cách chân thật nhất những đề tài bị lợi ích thương mại bỏ rơi. Một số phim độc lập đang cố gắng phản ánh trực diện những vấn đề người tị nạn Triều Tiên đang gặp phải trong xã hội tư bản Hàn Quốc để minh chứng cho sự tồn tại “độc lập không phụ thuộc tư bản” của mình.
Phim “Ryeon-hui và Yeon-hui” lột tả hiện thực mà hai người phụ nữ, một là người Triều Tiên đào thoát khỏi miền Bắc và đang vật lộn với cuộc sống định cư tại miền Nam và một là người Hàn Quốc trốn thoát khỏi gia đình do phải chịu đựng sự đàn áp của chế độ gia trưởng.
Tác phẩm phim độc lập được khởi chiếu cuối năm 2017 với tựa đề “Ryeon-hui và Yeon-hui” (“The Nameshake”) nói về hai phụ nữ có tên giống nhau nhưng được phát âm khác nhau do hai miền bán đảo Hàn có phát âm khác nhau. Mất đi đứa con gái trong quá trình đào thoát khỏi miền Bắc, Ryeon-hui sống và làm thêm ở một cửa hàng tiện lợi với vết thương sâu thẳm trong lòng. Yeon-hui lén lút lấy cắp miếng cơm cuộn đã quá hạn sử dụng tại cửa hàng tiện lợi nơi Ryeon-hui đang làm việc nhưng bị phát hiện, và từ đó hai người quen nhau.
Ryeon-hui và Yeon-hui cùng có một cuộc sống cực khổ ở Hàn Quốc. Cả khách đến mua hàng ở cửa hàng tiện lợi lẫn sinh viên làm thêm ở đó đều tỏ ý khinh thường Ryeon-hui chỉ vì cô là người đào thoát từ miền Bắc. Cuộc sống của Yeon-hui cũng không khá hơn mấy. Khó khăn lắm cô mới “trốn thoát” ra khỏi nhà, trốn khỏi người cha bạo lực của mình, nhưng thế gian bên ngoài cũng đối xử lạnh lẽo với cô. Thậm chí Yeon-hui còn suýt bị quấy rối tình dục trong công viên khi đang mang trong mình bào thai cô cũng không biết cha nó là ai.
Tình bạn trong sự cô lập
Giống như câu quảng cáo trên poster phim “người phụ nữ trốn khỏi nhà, người phụ nữ trốn khỏi quê hương”, bộ phim so sánh hiện thực bi đát của người tị nạn Triều Tiên và người phụ nữ trong xã hội gia trưởng của Hàn Quốc. Trong quá trình đi làm thêm, Ryeon-hui nhận ra rằng đất nước Hàn Quốc, thiên đường cô tìm đến nhằm thoát khỏi cuộc sống khó khăn của mình, hoàn toàn không phải là một xã hội dễ sống, rồi cô gặp một Yeon-hui bỏ nhà đi khi sắp đến lúc sinh con. Ryeon-hui từng bước bước ra khỏi cơn ác mộng mất con khi cùng trải qua thời gian Yeon-hui sinh con.
Tại thời điểm mà đề tài “người tị nạn Triều Tiên” và “phụ nữ” không được màng đến, bộ phim này thể hiện quá trình các nhân vật khắc phục mọi vấn đề bằng tình cảm gắn bó. Đồng thời, thông qua cuộc gặp gỡ của hai người phụ nữ, bộ phim muốn lồng ghép vấn đề người tị nạn từ miền Bắc với vấn đề giới tính, một vấn đề rất được quan tâm và chú ý gần đây trên toàn thế giới.
Từng gây nhiều chú ý khi ra mắt tại Liên hoan Phim ngắn Mise-en-scène 2014, tác phẩm “Myung-hee” tuy cũng nói về đề tài người tị nạn Triều Tiên nhưng khác với các bộ phim khác ở chỗ miêu tả những điều nhỏ nhặt đơn giản trong cuộc sống thường ngày với lối tiếp cận của phim tài liệu. Thông thường, phim làm về đề tài dân đào thoát khỏi Triều Tiên hay nói đến quá trình đào thoát khổ sở và tàn bạo như thế nào, nhưng “Myung-hee” chỉ tập trung mô tả hình ảnh cuộc sống thường ngày ở Hàn Quốc của nhân vật nữ Myung-hee sau khi trốn chạy khỏi Triều Tiên.
Bộ phim bắt đầu từ một không gian rất đỗi bình thường, đó là trung tâm dạy thiền. Theo lời rủ rê của bạn bè, Myung-hee đến nơi này tập thiền và cô tình cờ gặp Su-jin và Mi-jung, rồi từ đó họ trở nên thân thiết với nhau. Ban đầu, bộ phim không tạo ra bố cục tiến triển gì gay cấn đặc biệt, nhưng sau đó lại tạo ra cho khán giả cảm giác căng thẳng khi đến tình tiết Myung-hee trở nên thân thiết với Su-jin, người chị có tính cách hòa đồng dễ gần. Hằng ngày, Myung-hee đến cửa hàng quần áo của Su-jin giúp chị làm việc không công và cũng từ đó, những xung đột ngoài ý muốn dần dần xuất hiện. Myung-hee nói, “Ở Triều Tiên, chúng tôi phải ra ngoài chẻ đá ngay giữa mùa đông lạnh giá”, rằng giúp đỡ người khác cũng không phải là việc gì lớn lao. Myung-hee không hề có chút khái niệm về kinh tế. Cô chỉ đơn giản nghĩ rằng cô làm giúp cho người chị thân thiết với mình là chuyện đương nhiên và cô nghĩ đó là tình cảm của cô. Tuy nhiên, những người xung quanh cô hoàn toàn không nghĩ vậy. Ở cái đất nước tư bản chủ nghĩa như Hàn Quốc này, nhận tiền công cho công sức lao động mình bỏ ra là việc đương nhiên. Bạn bè nói với cô, “Cô là người làm công cho chị Su-jin à?”. Nghe những lời đó, Myung-hee cảm thấy bị dao động.
Bắt đầu từ những lần gặp gỡ hàng ngày, rồi nảy sinh tình bạn, nhưng dần dần phát sinh những xung đột không thể tránh khỏi do hai nhân vật chính sống ở hai thể chế khác nhau, dẫn đến quan niệm về kinh tế và cách suy nghĩ cũng khác biệt nhau. Khác với các bộ phim khác thường chỉ tập trung miêu tả suy nghĩ và cách nhìn của những người lạ không quen đối với người tị nạn Triều Tiên, bộ phim này xoáy vào suy nghĩ và cách nhìn của bạn bè sống chung với mình. Cảnh giá trị nhất của bộ phim là khi Myung-hee bùng nổ cảm xúc, xả hết nỗi lòng mình cho người bạn đã thốt ra câu nói cay nghiệt đó. “Tôi phải đánh đổi sinh mạng mình để sang được đây, nhưng không phải để các cậu đối xử như vậy”, câu nói thẳng thắn của cô vạch trần ánh mắt khinh thường và thái độ tội nghiệp của xã hội Hàn Quốc dành cho người tị nạn Triều Tiên.
Bộ phim “Myung-hee” miêu tả xung đột giữa người đào thoát khỏi Triều Tiên và những người Hàn Quốc xung quanh do sự khác biệt trong cách suy nghĩ và khái niệm về kinh tế của họ.
“Nhật ký của Musan”, bộ phim giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế, góp phần làm sáng tỏ hoàn cảnh của những người đào thoát khỏi Triều Tiên trên góc nhìn của chủ nghĩa tân hiện thực.
Phản hồi của quốc tế
Ngoài ra, một phim khác “Nhật ký của Musan” (“The Journal of Musan”, 2010) là bộ phim độc lập giành đến 16 giải thưởng quốc tế, trong đó có giải Tiger Award tại Liên hoan Phim Quốc tế Rotterdam và giải Liên đoàn Nhà phê bình điện ảnh Quốc tế, giải đặc biệt tại Liên hoan Phim Tarkovsky Nga,… Khi trao giải thưởng cho tác phẩm này, Liên hoan Phim Quốc tế Reel Asian Toronto đã có lời bình: “Trong câu chuyện khô khan nhưng đầy cảm động về người tị nạn Triều Tiên, chúng ta có thể thấy được sự đấu tranh cao cả của con người để thích nghi với môi trường mới. Để tôn vinh cho ý chí sinh tồn thành tâm và mãnh liệt mà nhân vật chính đã thể hiện thành công, tất cả thành viên Hội đồng giám khảo đồng tâm nhất trí chọn tác phẩm này để trao giải thưởng.”
Lí do “Nhật ký của Musan” nhận được vô số lời khen ngợi từ nước ngoài là nhờ vào cách nhìn mang tính “chủ nghĩa tân hiện thực” của bộ phim. Tác phẩm mô tả chân thật hình ảnh nhân vật Seung-cheol, xuất thân từ huyện Musan tỉnh Hamgeong-buk (tỉnh nằm ở phía Đông Bắc bán đảo Hàn), cố gắng chịu đựng và vượt qua cuộc sống vất vả hằng ngày. Những thước phim không chỉ nói lên hiện thực của người tị nạn Triều Tiên mà còn phản ánh cuộc sống vất vả khó khăn của những “kẻ vô sản” (“musan” trong tiếng Hàn còn có nghĩa là “vô sản”) nghèo khổ và bị xã hội Hàn Quốc bỏ rơi.
“Nhật ký của Musan” tựa như những thước phim tài liệu thấm đẫm tính hiện thực, phản ánh định kiến của người Hàn Quốc đối với người tị nạn Triều Tiên cũng như phản ánh hiện thực tàn nhẫn mà người tị nạn miền Bắc phải trải qua. Cuộc sống vật vã từng ngày đi dán tờ rơi của Seung-cheol không hề có chút dấu hiệu nào sẽ khá hơn. Ở đất nước Hàn Quốc, nơi những câu chửi thề và bạo lực xảy ra hằng ngày, cuộc sống của Seung-cheol là quá trình đấu tranh sinh tồn đầy gian khổ.Giờ đây, chỉ có hai thứ có thể che chở và bao dung anh, một là nhà thờ nơi ai cũng được xem là đứa con của Chúa và hai là chú chó con bị bỏ rơi giống như anh, âm thầm trở thành nguồn an ủi cho anh.
Gia đình Kim Man-cheol trốn thoát từ Triều Tiên bằng chiếc thuyền độc mộc năm 1987, từng diễn tả Hàn Quốc là “một đất nước ấm áp”. Tuy nhiên, đối với Seung-cheol trong “Nhật ký của Musan”, không hề có một “đất nước ấm áp phía Nam” mà chỉ có một hiện thực cạnh tranh sinh tồn đầy tàn khốc.