Trong lịch sử, thể thao thường được dùng để giải quyết những mâu thuẫn chính trị mang tính cực đoan hoặc những đối lập về mặt tư tưởng. Trên bán đảo Hàn còn trong tình trạng đình chiến, thời gian qua, Hàn Quốc và Triều Tiên đã vài lần hợp nhất thành một đội để tham gia các giải thể thao quốc tế hay tổ chức các sự kiện như cùng diễu hành dưới lá cờ Thống nhất trong các Thế vận hội nhằm tăng cường không khí hòa bình trên bán đảo. Gần đây, Hàn Quốc và Triều Tiên đang tiến hành xây dựng thể chế hòa bình giữa hai bên, do đó giao lưu thể thao trên bán đảo Hàn cũng đang bước vào giai đoạn mới.
Vận động viên Hyun Jung-hwa của Hàn Quốc và Li Bun-hui của Triều Tiên hợp thành một đội tại Giải vô địch Bóng bàn Thế giới lần thứ 41, tổ chức vào tháng Tư năm 1991 tại Chiba, Nhật Bản. Họ đã đánh bạn đội Trung Quốc với kết quả 3:2 và giành chiến thắng giải đôi nữ. Kể từ sau chia cắt, đây là sự kiện thể thao quốc tế đầu tiên vận động viên của hai miền thi đấu cùng nhau.
Tại Thế vận hội lần thứ 11 ở Berlin diễn ra năm 1936, vận động viên Sohn Kee-chung (1912–2002) giành được huy chương vàng nhưng phải chạy vòng quanh mừng chiến thắng với lá cờ của đế quốc Nhật quấn quanh người. Sohn sinh ra ở Sinuiju, ngày nay thuộc Triều Tiên. Năm 15 tuổi, Sohn làm việc cho một công ty ở Đan Đông (Trung Quốc) và mỗi ngày ông đều băng qua sông Apnok (Áp Lục) ở Sinuiju rồi chạy một quãng đường gần 20 lý (khoảng 8 km) để đến nơi làm việc. Cây đại thụ của làng bóng đá Hàn Quốc với vai trò là cầu thủ bóng đá xuất sắc, huấn luyện viên, trưởng đoàn đội tuyển bóng đá quốc gia Kim Yong-sik (1910–1985) cũng được sinh ra ở Sinchon, tỉnh Hwanghae, nay thuộc Triều Tiên. Sohn và Kim đều từng đến Seoul và cùng lúc học tại trường Cao đẳng Bosung, tiền thân của trường Đại học Korea hiện nay.
Chỉ cần nhìn vào lý lịch của hai tượng đài anh hùng thể thao này chúng ta có thể thấy rằng ít nhất 70 năm về trước, người dân hai miền trên bán đảo Hàn đã qua lại rất tự nhiên, cũng giống như người Birmingham qua Luân Đôn, người Chicago qua New York vậy. Nhưng cuộc nội chiến bùng phát vào năm 1950 dẫn đến chia cắt về thể chế đã khiến cho quang cảnh này không còn nữa.
Chiến tranh và chia cắt
Đầu thế kỷ 20, trước áp lực bên ngoài của văn minh phương Tây và sự chiếm đóng của Nhật, bán đảo Hàn đã tiến hành công cuộc công nghiệp hóa và đô thị hóa. Thành phố cảng, đồng thời là thành phố công nghiệp Wonsan đã có sân golf quy mô sáu lỗ từ năm 1897, mỗi nhà máy ở đây đều thành lập đội bóng đá riêng. Một thành phố cảng khác là Incheon cũng bước vào giai đoạn tăng trưởng thành đô thị công nghiệp cận đại, kéo theo đó là sự ra đời của nhiều câu lạc bộ với các môn thể thao đa dạng như bóng đá, bóng chày, bóng rổ, bóng chuyền.
Trong những thành phố này, hai thành phố có các đội thi đấu mạnh nhất và lực lượng cổ động viên hùng hậu nhất là Pyongyang (Bình Nhưỡng) và Gyeongseong (tên gọi Seoul trong suốt thời thuộc địa). Thành phố Pyongyang thông qua Trung Quốc tiếp xúc với văn minh phương Tây từ rất sớm nên mang khí chất của Trung Hoa đại lục, còn Gyeongseong là thành phố chiến lược nằm ở trung tâm của bán đảo Hàn có nguồn nhân lực và tài nguyên vật chất phong phú, đặc biệt khi hai thành phố này thi đấu bóng đá với nhau đã tạo ra sự canh tranh vô cùng khốc liệt. Vì thế, vào thời gian đó, cụm từ “trận đấu Gyeong-Pyong” rất phổ biến, dùng để chỉ trận đấu giữa hai đại kình địch. Các trận đấu bóng giữa hai thành phố luôn là sự kiện thể thao hấp dẫn, như bất kỳ giữa các thành phố kình địch nào trên thế giới.
Các cầu thủ bóng rổ và các huấn luyện viên từ hai miền Nam – Bắc bước vào sân tập Ryugyong Chung Ju-yung tại Pyongyang cho một trận đấu vào ngày 4 tháng 7 năm 2018. Loạt thi đấu bóng rổ lần này là lần đầu tiên giữa hai miền kể từ năm 2003.
Kể từ ngay sau giải phóng cho đến năm 1946, trận đấu Gyeong-Pyong đã được tổ chức dưới hình thức hiện đại hơn với tên gọi là “Home and away” (tạm dịch Lượt đi và lượt về) và “Giải đấu định kỳ”. Ngôi sao huyền thoại Kim Yong-sik của Gyeongseong đã chuyển sang đội đối thủ Pyongyang vào thập niên 1940, điều này chứng tỏ rằng sự giao lưu giữa hai đội vô cùng sôi nổi. Nếu không có chiến tranh chia cắt hai miền, thì ngày nay cầu thủ đang thi đấu ở đội Seoul có thể chuyển sang đội Pyongyang, và các cổ động viên nhiệt tình của Pyongyang có thể bắt tàu hỏa xuống Seoul để cổ động, thế nhưng thực tế thì suốt 70 năm qua chưa từng xảy ra việc đó.
Sau khi chia cắt, do tình hình chính trị và quân sự trở nên căng thẳng cực độ, hoạt động giao lưu và hợp tác thể thao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tuy bị gián đoạn nhưng không cắt đứt hoàn toàn. Giao lưu thể thao giữa hai nước bắt đầu trở lại từ năm 1964. Vì khi ấy Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã mở cuộc hội đàm yêu cầu Hàn Quốc và Triều Tiên phối hợp với nhau thành một đội để tham dự Thế vận hội mùa hè Tokyo. Cuộc hội đàm này kết thúc mà không có được thành quả nào cả. Đến năm 1980 có tổng cộng 13 cuộc hội đàm về thể thao đã diễn ra nhưng đều không mang lại kết quả đáng kể.
Các cầu thủ hai miền Nam – Bắc cùng cầm lá cờ Thống nhất, đi một vòng quanh sân sau trận đấu giao hữu tại sân vận động World Cup Seoul ngày 7 tháng 9 năm 2002. Trận thi đấu giao hữu đầu tiên giữa hai miền kể từ năm 1990 kết thúc với kết quả hòa không bàn thắng.
Đối đầu và giao lưu
Ngược lại, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức nhiều trận thi đấu thể thao nhưng với mục đích cạnh tranh về thể chế, những trận đấu này có thể xem là giao lưu theo hình thức vừa thi đấu vừa thăm dò, vừa căng thẳng lại vừa đối thoại. Điển hình là trong khuôn khổ FIFA World Cup lần thứ 8 diễn ra tại Anh năm 1966, đội tuyển quốc gia Triều Tiên, với các cầu thủ trụ cột đến từ đội “Chollima” (Thiên lý mã), đã dễ dàng vượt qua các đội mạnh để vào vòng tám đội mạnh nhất (tứ kết). Dưới tác động của việc tuyên truyền từ Triều Tiên, rằng thể thao là mắt xích quan trọng trong cạnh tranh thể chế, Cơ quan An ninh Trung ương của Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập đội bóng đá Yangji (Dương Địa) vào năm 1967. Đội bóng này không hướng đến mục tiêu vô địch World Cup hay Asian Cup mà chỉ cần thắng được Triều Tiên là đủ.
Các cầu thủ xuất sắc của đội Yangji phần lớn xuất thân từ quân nhân nên Cơ quan An ninh Trung ương cũng không cần quá vất vả chiêu mộ, họ đã tuyển chọn các cầu thủ từ hải quân, lục quân, không quân. Những viện trợ cho đội bóng này cũng rất đặc biệt. Chỉ trong năm 1969, các cầu thủ đã có khoảng 105 ngày huấn luyện tại châu Âu, việc này lần nữa chứng tỏ sự cạnh tranh về thể chế chính trị thông qua thể thao vô cùng khốc liệt.
Tuy nhiên, trớ trêu thay khi huấn luyện viên cho đợt huấn luyện đột phá lần đó là người tha hương Kim Yong-sik, còn cầu thủ tấn công trẻ tuổi nhất lại là Lee Hoe-taik, người sau này trở thành huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia Hàn Quốc tại World Cup lần thứ 14 năm 1990 tại Ý. Ngày 11 tháng 10 năm 1990, Lee Hoe-taik đến Triều Tiên với vai trò cố vấn cho đội tuyển Quốc gia Hàn Quốc trong Giải bóng đá thống nhất Nam –Bắc diễn ra ở Pyongyang, và ông đã để lại một giai thoại đặc biệt. Lee Hoe-taik làm quen khá nhiều người thông qua các kỳ thi đấu quốc tế, và lần này nhờ sự giúp đỡ của người hùng bóng đá Triều Tiên và cũng là thần thoại trận tứ kết World Cup ở Anh Park Doo-ikmà ông đã gặp lại cha mình. Trong chiến tranh năm 1950, cha của Lee Hoe-taik đã bỏ lại con trai bốn tuổi và sang Triều Tiên. Sau gần 40 năm, hai cha con được đoàn tụ chỉ trước sinh nhật của Lee một ngày, người con được cha tổ chức sinh nhật năm đó như một cảnh trong phim truyền hình.
Trong các đợt thi đấu thể thao nhằm cạnh tranh về thể chế như thế cũng đã có rất nhiều câu chuyện đau thương xen lẫn nước mắt của chia ly. Như câu chuyện nữ vận động viên Triều Tiên giữ kỷ lục thế giới về điền kinh 400 mét, 800 mét nữ Shin Keum-dan đã gặp lại được cha mình, ông Shin Mun-jun ở Thế vận hội mùa hè Tokyo năm 1964 sau 14 năm kể từ khi ông một mình xuống phía Nam. Cuộc đoàn tụ đầy đau khổ của gia đình ly tán này chỉ diễn ra trong vài phút, nhưng xúc động lòng người đến nỗi có người đã viết thành bài hát khá nổi tiếng mang tên “Nước mắt Shin Keum-dan”.
Tại Đại hội Thể thao châu Á tổ chức ở Bangkok năm 1978, đội tuyển quốc gia Triều Tiên và Hàn Quốc lâu rồi mới có dịp đối đầu nhau. Hai đội đấu nhau trong trận chung kết cho đến hết hiệp phụ với tỉ số bất phân thắng bại 0:0, cùng giành chức vô địch. Lúc đó, một chuyện cay đắng của thể chế chia cắt đất nước đã xảy ra trong lễ trao giải. Sau khi nhường đội trưởng Triều Tiên Kim Jong-min lên bục nhận giải trước, đội trưởng Hàn Quốc Kim Ho-kon định bước lên bục thì Kim Jong-min đã không tránh chỗ. Kim Ho-kon buộc phải chen vào và lúc định bước lên thì bị thủ môn Triều Tiên Kim Gwang-il đẩy rơi xuống. Anh ấy lại phải leo lên bục một cách khó nhọc. Quả là cảnh tượng đau buồn.
Nếu những năm 1960–1970 là thời kỳ chính quyền hai nước lợi dụng không chỉ thể thao mà còn tất cả các vấn đề giữa hai nước như là cách thức hợp thức hóa việc củng cố quyền thống trị và mở rộng quyền lực thì thập niên 1980 là thời điểm cả Nam lẫn Bắc phô trương ưu thế sức mạnh đối địch. Khi ấy, hai bên lạm dụng giao lưu thể thao như là phương tiện nhấn mạnh tính hợp pháp của chính quyền hai nước trên phương diện đối nội – đối ngoại và tăng cường hình ảnh quốc tế của hai nước.
Mặc cho những căng thẳng chính trị và quân sự diễn ra trên bán đảo, giao lưu và hợp tác thể thao liên Triều chưa bao giờ bị chấm dứt hoàn toàn.
Đội nữ khúc côn cầu Thống nhất của hai miền Nam – Bắc cùng thi đấu tại Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018, thu hút sự chú ý của thế giới. Các cơ quan thông tấn nước ngoài đã bình luận “dù bị đánh bại nhưng đã làm nên lịch sử” và “đạt được một chiến thắng cho hòa bình”.
Chính trị và thể thao
Giao lưu thể thao Hàn Quốc và Triều Tiên được triển khai và gặt hái thành quả thật sự kể từ năm 1990. Hòa vào xu hướng lịch sử thế giới mang tên Chiến tranh Lạnh, chính quyền Roh Tae-woo thúc đẩy “Chính sách phương Bắc”, trong đó đặt trọng tâm vào việc giao lưu giữa hai nước, đặc biệt là thể thao. Chính sách này thể hiện qua “Giải bóng đá thống nhất Nam – Bắc” tổ chức hai lượt đi–về tại Pyongyang và Seoul vào tháng 10 năm 1990. Kim Joo-sung, cầu thủ Hàn Quốc từng chơi tại sân vận động Mùng 1 tháng 5 Rungrado ở Bình Nhưỡng tại giải đấu đó, trong một cuộc phỏng vấn đã nhớ lại thời điểm ấy như sau: “Ký ức gây sốc và ấn tượng nhất là người dân Pyongyang đã kiệu các tuyển thủ phương Nam trên vai di chuyển khoảng 1 ki-lô-mét từ sân bay quốc tế Sunan.”
Những lần giao lưu thể thao như thế cũng có tác động tích cực ở chừng mực nào đó đến mối quan hệ Nam – Bắc. Tại hội đàm cấp cao lần thứ năm tổ chức tại Seoul vào ngày 13 tháng 12 năm 1991, hai nước đã ký kết “Thỏa thuận cơ bản Nam – Bắc” và thỏa thuận này trở thành tài liệu lịch sử vẫn còn tác động tích cực đến sự đối thoại và đàm phán giữa hai bên.
Trên tinh thần đối thoại, tại Giải vô địch Bóng bàn Thế giới lần thứ 41 được tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 4 năm 1991, Hàn Quốc và Triều Tiên cùng nhau tranh tài với tư cách một đội tuyển duy nhất. Hyun Jung-hwa của Hàn Quốc và Li Bun-hui của Triều Tiên hợp thành một đội đã vượt qua Trung Quốc được dẫn dắt bởi Đặng Á Bình (Deng Yaping, người mạnh nhất thế giới tại thời điểm đó) với tỉ số 3:2, giành chức vô địch đồng đội nữ. Sự kiện đã trở thành đề tài cho bộ phim “Korea” sau này. Cũng trong tháng 6 cùng năm, đội tuyển hợp nhất Nam – Bắc tham dự Giải vô địch Bóng đá trẻ Thế giới được tổ chức tại Bồ Đào Nha và lọt vào vòng tứ kết.
Sự giao lưu thể thao giữa hai miền dường như được tăng cường hơn nhưng do cái chết của chủ tịch Kim Il-sung vào năm 1994 và tình hình kinh tế khó khăn nghiêm trọng của phía Triều Tiên, đàm phán thành lập đội hợp nhất Nam – Bắc cho Thế vận hội Barcelona năm 1992 bị phá sản. Khi ấy, giao lưu thể thao giữa hai nước đành gián đoạn một thời gian.
Giao lưu thể thao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sôi động trở lại kể từ sau khi Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên Kim Jong-iltổ chức Hội nghị thượng đỉnh và thông qua “Tuyên bố chung ngày 15 tháng 6” năm 2000. Tại Thế vận hội Sydney năm 2000, lần đầu tiên trong lịch sử, đoàn vận động viên hai nước cùng diễu hành trong lễ khai mạc. Sau đó, đoàn vận động viên hai nước còn diễu hành chung trong Đại hội Thể thao châu Á năm 2002 tại Busan (Hàn Quốc), Đại hội Thể thao Mùa đông châu Á năm 2003 tại Aomori (Nhật Bản), Thế vận hội Mùa hè dành cho Sinh viên (Summer Universiade) năm 2003 tại Daegu (Hàn Quốc), Thế vận hội Athens (Hy Lạp) năm 2004. Vào tháng 9 năm 2002, “trận đấu bóng đá thống nhất Nam – Bắc” được tổ chức tại sân vận động Seoul World Cup. Khi ấy, tuyển thủ Choi Tae-uk của Hàn Quốc và Ri Kang-in của Triều Tiên đã tạo ra một cảnh tượng cảm động khi trao đổi với nhau đồng phục thi đấu và tất nhiên cả đôi giày đang mang. Mặc cho khuyến nghị của FIFA hạn chế việc trao đổi áo đấu ngay sau khi trận đấu kết thúc vì lý do vệ sinh, hành động Choi Tea-uk và Ri Kang-in đổi và mang giày của nhau tượng trưng cho “dân tộc đồng nhất”.
Hai miền Nam – Bắc cùng diễu hành dưới Cờ Thống nhất tại Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông PyeongChang vào ngày 9 tháng 2 năm 2018. Hàn Quốc với 145 vận động viên trong 15 môn, và Triều Tiên cử 22 vận động viên tham gia 5 môn thi đấu.
Khởi đầu cho tiến trình lập lại hòa bình trên bán đảo
Từ năm 2011, Triều Tiên chủ xướng “cường quốc bóng đá, cường quốc thể thao”. Triều Tiên xem văn hóa và thể thao như một ưu tiên hàng đầu của chính sách, và duy trì lập trường thoát ra khỏi cái gọi là “quốc gia văn minh xã hội chủ nghĩa”. Năm 2015, Chủ tịch Kim Jong-un đích thân ra sân bay đón và động viên các nữ cầu thủ Triều Tiên vừa mới giành chức vô địch tại Giải vô địch Bóng đá nữ Đông Á, tăng cường các trang thiết bị với lòng đam mê cuồng nhiệt cho sân vận động Rungrado và Yanggakdo, sân golf Pyongyang, khu trượt tuyết Masikryong và Samjiyon. Ngoài ra, vào tháng 9 năm 2013, tại Giải vô địch Cử tạ trẻ châu Á tổ chức ở Pyongyang, lần đầu tiên quốc kỳ của Hàn Quốc được thượng cờ và quốc ca cũng được cất lên trên đất Bắc.
Từ sau khi Kim Jeong-un lên nắm chính quyền, nhiều chính sách Triều Tiên dần thay đổi, và theo đó, các nhà lãnh đạo của nước này đã đến Hàn Quốc trong Đại hội thể thao Châu Á 2014 tại Incheon; Triều Tiên cũng đã cử đoàn vận động viên và cổ động viên quy mô lớn tham gia Olympic Mùa đông PyeongChang 2018. Đặc biệt tại Olympic Mùa đông 2018, hai nước đã thành lập chung đội khúc côn cầu trên băng nữ để thi đấu. Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đang nỗ lực tìm kiếm các cơ hội giao lưu thể thao như vào ngày 4 tháng 7 năm 2018, các cầu thủ bóng rổ hai nước đã tổ chức thi đấu giao hữu tại Pyongyang, khôi phục lại các trận đấu bóng đá Gyeong-Pyong và tổ chức thi đấu giao hữu giữa các thành phố lớn của hai nước. Như vậy, có thể thấy rằng hai bên đang không ngừng tìm kiếm những biện pháp mang lại hòa bình trên bán đảo, các hoạt động giao lưu thể thao cũng từ đó mà đón chào cục diện mới.