Kể từ khi mở cảng thông thương sau “Điều ước tu hảo Hàn–Nhật” (韓日修好條約, Điều ước Ganghwa-do) năm 1876, Joseon bước vào thời kỳ Khai hóa mang lại sự thay đổi xã hội nhanh chóng với sự sụp đổ của trật tự Nho giáo. Trải qua một thế kỷ, hiện tại Hàn Quốc đang đối diện lần khai hóa thứ hai trong làn sóng toàn cầu hóa văn hóa. Khác với quá trình khai hóa bắt đầu một cách thụ động bởi áp lực của các thế lực bên ngoài hơn 100 năm trước và dẫn đến nỗi ô nhục dưới chế độ thực dân, tiềm lực văn hóa của Hàn Quốc đang tích cực lan tỏa thông qua mạng lưới kỹ thuật số trong “thời kỳ Tân khai hóa”.
RM thay mặt BTS phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 vào ngày 24 tháng 9 năm 2018 để đánh dấu sự ra mắt chương trình “Thế hệ không giới hạn”, một sáng kiến thanh niên toàn cầu mới của UNICEF. Thông điệp “Hãy tìm thấy giọng nói của bạn” của họ đồng cảm sâu sắc với giới trẻ trên toàn thế giới. © The Chosun Ilbo
Đỉnh cao biểu tượng của nội dung văn hóa đại chúng Hàn Quốc năm 2018 là bộ phim truyền hình nổi tiếng “Mr. Sunshine”. Với bối cảnh Joseon cuối thế kỷ 19 khi các hạm đội Mỹ, Pháp và Nhật nối đuôi nhau kéo đến yêu cầu triều đình Joseon mở cửa thông thương, bộ phim này đã để lại ấn tượng sâu sắc vì đã nhìn nhận lại về những nghĩa binh vô danh đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ đất nước khỏi thế lực ngoại bang đương thời. Tuy nhiên, lý do bộ phim càng có ý nghĩa to lớn hơn là vì nó miêu tả một cách đồng đều sự rạn nứt mà xã hội Joseon trải qua khi các yếu tố văn hóa mới của phương Tây thâm nhập vào, sự thay đổi ý thức hệ xảy ra ở nhiều tầng lớp cùng với công cuộc đấu tranh của những nghĩa binh.
Tất nhiên trước đó không phải là không có bộ phim điện ảnh hay truyền hình nào lấy đề tài thời kỳ Khai hóa, nhưng hầu hết các bộ phim ấy chỉ tập trung kể lại cuộc kháng chiến chống Nhật. Trái lại, trong bộ phim này, những khách sạn kiểu phương Tây, tiệm bánh mì Pháp, quầy rượu kiểu Nhật, tiệm may Âu phục… trên đường phố Hanyang [Seoul ngày nay] được tái hiện lại; những chuyện thường ngày như lao động hay tình yêu kiểu hiện đại cũng được nhắc đến. Đặc biệt, nữ nhân vật chính của bộ phim này, con gái của một gia đình sĩ đại phu danh tiếng, đã có nhiều hành động phá cách. Cô gái có tính cách táo bạo này từ chối vị hôn phu được hai bên gia đình đính ước và yêu Eugene Choi, người có xuất thân từ tầng lớp nô lệ vượt biên đến Mỹ, sau đó trở thành sĩ quan trong lực lượng hải quân Mỹ rồi được cử đến làm việc trong Tòa công sứ Mỹ ở Hanyang. Cô còn lén học cách bắn súng từ các thợ săn thường dân và hoạt động gián điệp trừ khử những kẻ thân Nhật. Qua hình tượng nhân vật nữ chính không sống theo những gì người khác sắp đặt mà chọn cho mình một cuộc sống mới mẻ khác biệt, khán giả sẽ hiểu thêm hình ảnh tự chủ và năng động của người phụ nữ trong giai đoạn khai hóa.
Một cảnh trong “BTS World Tour: Love Yourself in Seoul” (tạm dịch “Chuyến lưu diễn thế giới của BTS: Hãy yêu chính bạn ở Seoul”), đã chiếu tại 3.800 rạp trên 95 quốc gia vào ngày 26 tháng 1 năm 2019. Đây là bộ phim hòa nhạc thứ hai của BTS, sau bộ phim “Burn the Stage: The Movie” (tạm dịch “ Đốt cháy sân khấu: Điện ảnh”). © Big Hit Entertainment
Một studio ảnh ở Sangyeok-dong, Daegu, điểm nóng trong giới trẻ vì những bức ảnh theo phong cách retro (“ăn theo” quá khứ) tái tạo lại diện mạo và tâm trạng của thời hậu kỳ Joseon đầu thế kỷ 20. Nhờ sự nổi tiếng của mình, hãng đã mở chi nhánh ở Seoul và Busan. © Studio Sankyeok
Nội dung mà thời kỳ Tân khai hóa đòi hỏi
Ngoài những yếu tố trên, bộ phim “Mr. Sunshine” còn mang ý nghĩa tượng trưng khác nữa. Bộ phim đã cho thấy được hình thức nội dung mà thời điểm hiện tại đòi hỏi, tức là 100 năm sau của bối cảnh thời đại trong phim, hay còn gọi là thời kỳ toàn cầu hóa văn hóa được kết nối với nhau bằng mạng lưới kỹ thuật số. Với chi phí sản xuất khoảng 4,3 tỷ won và quay xong hoàn toàn mới phát sóng thì hệ thống sản xuất nhỏ bé trong nước không thể thực hiện được bộ phim này. “Mr. Sunshine” có thể được chế tác là nhờ vào sự đầu tư lên đến 70% tổng kinh phí của Netflix – nền tảng kết nối toàn cầu. Kết quả là chúng ta có được một bộ phim mà khán giả trên toàn thế giới có thể theo dõi cùng thời gian phát sóng với Hàn Quốc. Sự kiện này cũng khiến cho phương thức sản xuất và tiêu thụ nội dung phim truyền hình Hàn Quốc hoàn toàn đổi khác.
Ngành công nghiệp sản xuất nội dung văn hóa đại chúng trong nước của Hàn Quốc hiện nay đang đứng trước một bước ngoặt mới. Rất nhiều khán giả đã và đang chia sẻ những nội dung được sản xuất trên toàn cầu qua kênh nền là Netflix hay YouTube, tại cùng thời điểm chúng được phát chính thức. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã bước vào “thời kỳ Tân khai hóa”, thời kỳ phải phán đoán và quyết định xem nên bước ra thị trường toàn cầu hay chỉ nên dừng lại ở thị trường trong nước.
Nếu xem xét lại “Mr. Sunshine” từ quan điểm này, chúng ta thấy rằng bối cảnh thời đại mà bộ phim đã chọn có ý nghĩa rất lớn. Thị trường toàn cầu luôn đòi hỏi những nội dung có tính chất phù hợp với nó. Bối cảnh thời Khai hóa là một chất liệu đặc biệt do lịch sử Hàn Quốc mang lại, đồng thời cũng có sức hấp dẫn mà khán giả nước ngoài nói chung có thể hiểu được.
Vì những khát khao lãng mạn về tự do, hoà bình, tình yêu mà thời kỳ Khai hóa của Hàn Quốc từng ấp ủ là chủ đề phổ quát, không thuộc riêng quốc tịch hay dân tộc nào nên bộ phim đã có thể mở rộng đối tượng khán giả và làm tăng thêm sự đồng cảm lẫn nhau trên thế giới.
Là thời kỳ đặc biệt thường xuyên xảy ra các đợt xung đột văn hóa mãnh liệt, Khai hóa trở thành bối cảnh lịch sử rất tốt để khơi mở trí tưởng tượng. Một ví dụ điển hình là bộ phim điện ảnh diễn giải cao bồi Viễn Tây theo kiểu Hàn Quốc “Thiện, Ác, Quái” (tiêu đề tiếng Anh là “The Good, The Bad, The Weird”) do Kim Jee-woon đạo diễn cũng lấy bối cảnh là thời Khai hóa, nhưng nhờ vào trí tưởng tượng được tạo ra bởi hiệu ứng “thời gian chồng chéo” mà sự giải trí mang chất điện ảnh và mức độ hoàn thiện được nâng lên thấy rõ. Đây là lý do tại sao thời kỳ Khai khóa – giai đoạn mở cửa – khả năng cao sẽ trở thành bối cảnh hấp dẫn của các nội dung văn hóa Hàn Quốc, có thể thu hút được sự chú ý trên thị trường toàn cầu trong mai sau.
Tiêu chuẩn toàn cầu mới
Một trường hợp nổi bật khác cho thấy được diện mạo của thời kỳ Tân khai hóa hiện nay là hiện tượng BTS. Nổi lên thành nhóm nhạc thần tượng toàn cầu chỉ trong thời gian ngắn, BTS đã trở thành biểu tượng quan trọng của thời kỳ Tân khai hóa. Được biết đến rộng rãi nhờ vào cộng đồng người hâm mộ (fandom) có tên gọi ARMY, bao gồm rất nhiều thành viên trên toàn thế giới, không phân biệt quốc gia, dân tộc và ngôn ngữ, nhóm nhạc bảy chàng trai này vừa tạo nên các nội dung đáp ứng được nhu cầu của mạng kết nối toàn cầu như YouTube, vừa là nhân vật chính của cơn sốt cuồng nhiệt. Bí quyết cốt yếu của sự thành công này nằm ở tài sản chung của nhân loại – âm nhạc và vũ đạo.
Điều thú vị ở đây chính là sự phản đối của thế hệ cũ luôn xung đột với làn sóng BTS. Chẳng hạn như sự kiện một vài nhóm cánh hữu ở Nhật đã gọi chiếc áo thun mà thành viên Jimin trong nhóm đã mặc là “áo thun bom nguyên tử” và xem đó là mục tiêu tạo ra lòng căm ghét Hàn Quốc. Họ hăm dọa rằng sẽ không bao giờ cho phép các ca sĩ thần tượng của Hàn Quốc xuất hiện trong các chương trình giải trí nổi tiếng của Nhật như chương trình “Kōhaku Uta Gassen” (tạm dịch là “Chiến ca hồng bạch”). Tuy nhiên, trong thời đại IT, một nhóm nhạc đã có fandom trên khắp thế giới thông qua mạng lưới toàn cầu như BTS thì việc tham gia chương trình TV của thế hệ truyền thông cũ cũng không quá quan trọng. Sự phản đối của bộ phận cánh hữu Nhật Bản đã khẳng định một thực tế rằng cách phản ứng lỗi thời trong môi trường văn hóa của thời đại toàn cầu, rốt cuộc lại tác động đến cộng đồng BTS ARMY tại Nhật và giúp cho cộng đồng này trở nên mạnh hơn mà thôi.
Nói tóm lại, đây là trường hợp giúp chúng ta xác nhận rằng nội dung của tiêu chuẩn toàn cầu mới mà thời kỳ Tân khai hóa đòi hỏi là một sự thật. Tiêu chuẩn toàn cầu của thời kỳ Tân khai hóa bao gồm các giá trị mà mọi người có thể chia sẻ và đồng cảm ngoài các khái niệm cũ như đất nước và khu vực. Đó chính là các giá trị của “tự do, hòa bình và cùng chung sống” vượt qua khuôn khổ hơn là đối đầu và cạnh tranh. Phong trào tự nguyện của những người hâm mộ toàn cầu nhằm quảng bá cho chiếc áo thun mà Jimin mặc càng cho thấy rõ hơn các giá trị trên, họ cho rằng nó không phải là “áo thun bom nguyên tử” mà là “áo thun độc lập”, hơn thế còn là biểu tượng của hòa bình.
Nếu nhìn ngược 100 năm trước tới hậu kỳ Joseon và suy ngẫm về kinh nghiệm của các bậc tiền bối, những sự lựa chọn đặt ra trước những người sáng tạo nội dung trong thời đại của chúng ta trở nên rõ ràng.
Tấm áp phích bộ phim “Mr. Sunshine”, một trong những phim truyền hình ăn khách nhất năm 2018. Bộ phim đã tái hiện cuộc đấu tranh của những người lính vô danh thuộc những đội quân chính nghĩa trong thời kỳ Đại Hàn Đế Quốc và miêu tả các nhân vật nữ độc lập, chủ động. Cũng được miêu tả trong bộ phim là các cơ sở thương mại hiện đại đầu tiên ở Seoul, như các khách sạn kiểu phương Tây, tiệm bánh mì và hiệu may.© Studio Dragon
Những thách thức của thời đại truyền thông mới
Hiện tại chúng ta đang chứng kiến quang cảnh thay đổi của thời kỳ Tân khai hóa thông qua quá trình tiêu thụ văn hóa độc đáo của thời đại toàn cầu hóa. “Bohemian Rhapsody” (tựa phim tiếng Việt là “Bohemian Rhapsody: Huyền thoại ngôi sao nhạc Rock”), bộ phim về cuộc sống của ban nhạc rock Queen và nam ca sĩ Freddie Mercury cũng là một ví dụ điển hình khác về làn sóng xảy ra ở Hàn Quốc hồi năm ngoái. Bộ phim này đã đánh bại tất cả kỷ lục phòng vé của các phim ca nhạc trước đây, và gây nên một làn sóng lớn tại Hàn Quốc chứ không phải trên quê hương Anh quốc của ban nhạc Queen. Trọng tâm của làn sóng này chính là sự hình thành nét văn hóa xem phim mới và đặc biệt dưới tên gọi “Buổi trình chiếu hát với nhau”, nơi khán giả cùng nhau hát và thưởng thức phim chứ không ngồi yên xem phim một cách thụ động nữa.
Nội dung thời hiện đại đang thay đổi theo hình thức kết hợp, tác giả tạo ra và người tiêu dùng hoàn thiện. Cũng giống như phần trình diễn của BTS luôn được hoàn thiện bởi binh đoàn ARMY, bộ phim ca nhạc “Bohemian Rhapsody” cũng đã được hoàn thành bởi sự hưởng ứng nồng nhiệt từ khán giả. Cứ thế, tiêu thụ văn hóa của thời kỳ Tân khai hóa mang ý nghĩa vô cùng mới mẻ được tạo ra từ nhóm người tiếp nhận nó, bất kể đó là quốc gia hay ngôn ngữ nào.
Mặt khác, hiện nay cũng đang xảy ra hiện tượng ngược là các nghệ sĩ, những người bước lên đài danh vọng thông qua các chương trình truyền hình, đang mong ước trở thành người sáng tạo độc lập (one-person creator) trên nền tảng truyền thông mới. Trong môi trường văn hóa toàn cầu, những người sáng tạo độc lập nổi lên như một ngôi sao như Buzzbean, Banzz hay Ssin có tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với các nghệ sĩ tên tuổi hiện có. Gần đây, hiện tượng những người sáng tạo độc lập nổi đình đám trên YouTube xuất hiện nhiều trong các chương trình truyền hình và quảng cáo, trong khi giới nghệ sĩ đang ngày càng thử sức với việc phát sóng cá nhân cho thấy hiện trạng dịch chuyển quyền lực từ phương tiện truyền thông cũ sang phương tiện truyền thông mới.
Các mạng kỹ thuật số được tạo ra bởi những phương tiện truyền thông mới của thời đại công nghệ thông tin đang mở ra một kỷ nguyên khai hóa mới, gọi là “kỷ nguyên văn hóa toàn cầu”. Nếu nhìn ngược 100 năm trước tới hậu kỳ Joseon và suy ngẫm về kinh nghiệm của các bậc tiền bối, những sự lựa chọn đặt ra trước những người sáng tạo nội dung trong thời đại của chúng ta trở nên rõ ràng. Cánh cửa đã rộng mở từ trước và con đường phải đi dường như đã hiện rõ. Chúng ta phải bảo vệ văn hóa của chúng ta, đồng thời theo đuổi các giá trị phổ quát được toàn cầu hóa. Đó là thách thức cho chúng ta vượt qua ngưỡng cửa thời đại Tân khai hóa.