Phòng trọ là hình thức nhà ở thường gặp của người dân thành thị một thời, cuộc sống phòng trọ được xem như là biểu tượng của “cuộc sống chật vật”. Tuy nhiên, đó không hẳn là những câu chuyện u sầu. Cũng có những chuyện đời ấm cúng và muôn màu mà mấy hộ gia đình cùng chung sống hòa hợp dưới một mái nhà. Thời nay, căn hộ chung cư chiếm hơn 60% tổng số loại hình nhà ở, mức sống cơ bản của người dân cũng gia tăng. Có vẻ giờ đây, phòng trọ đang dần đi vào ký ức của những tháng ngày đã xa.
Cách đây 50 năm, bố mẹ tôi bắt đầu cuộc sống gia đình mới ở phòng cạnh cổng trong nhà bác cả. Sau khi sinh anh trai, bố mẹ đã tách ra thuê phòng riêng. Nhà mới chuyển đến có cổng và sân rộng. Gian nhà có hình chữ U, nhà chủ ở giữa và hai bên là phòng cho thuê. Trong đó, phòng cuối cùng ở dãy bên phải, có một cái hiên nhỏ là nhà của chúng tôi.
Đến tận bây giờ, mẹ vẫn hay hồi tưởng về hoàn cảnh khi ấy: “Toàn bộ gian bếp chỉ gồm có mỗi chạn bát và lò than thông gió đốt dầu làm bằng ván tồi tàn”. Thế rồi, mẹ không quên thêm câu anh trai hồi bé xinh xắn nên mẹ cùng với bà chủ nhà và mấy người thuê phòng tranh nhau bế. Tôi được sinh ra trong căn nhà đó. Thỉnh thoảng, tôi thử tưởng tượng về khung cảnh ngày ấy. Vì là cuối tháng Hai nên trời vẫn còn se lạnh, gần đến ngày sinh nhà tôi đốt than không ngừng. Sự hiếu kỳ của tôi thường quanh quẩn với những câu hỏi như: “Ai là người đầu tiên đón con ra đời?”, “Mọi người nghĩ gì khi nghe thấy tiếng khóc của con?”
Jungnim-dong, Seoul” (1990) - Ảnh Kim Ki-chan Phường Jungnim nằm gần trung tâm thành phố cũ của Seoul. Nơi đây vẫn giữ được dáng vẻ và không khí của một khu phố điển hình vào thập niên 1960; bức ảnh này chụp cảnh người dân trong khu phố vào năm 1990. Ngõ hẻm hẹp và cầu thang dốc vẫn còn khiến cho xe đẩy và sức lực cơ thể là phương tiện di chuyển duy nhất. © Choe Gyeong-ja
Bể nước chung
Nhắc đến nhà cũ, nơi tôi được sinh ra, điều gợi cho tôi nghĩ đến trước nhất là ống bơm nước ở ngay giữa sân. Trong sân nhà ấy có bể nước để mọi người cùng sử dụng. Thay vì nước máy có gắn vòi, bể nước này có gắn máy bơm. Mẹ mồi nước vào máy bơm và ra sức bơm nước, đến khi nước ngầm phun lên, các cô dì thuê nhà chạy ra và ngồi quây tròn giặt quần áo. Tôi thích ngồi trên hiên bên hông nhà ngắm khung cảnh này. Ở đó, tất thảy đều chờ đến lượt mình để rửa mặt và đánh răng. Đó là chuyện từ rất lâu rồi, giờ tôi không biết khung cảnh đó là ký ức thực sự hay do những hình ảnh khác của ngày sau chất chồng mà tạo nên ảo giác.
Tôi đã bước những bước đi đầu đời ở nơi sân nhà ấy. Tôi chập chững đi rồi chạy. Vì hay ngồi trên sân và dùng tay chơi vẽ tranh nên lúc nào quần áo tôi cũng vấy bẩn. Nhớ có lần tôi khóc nhè vì mấy anh trong xóm rủ nhau ra sau núi chơi mà không chịu dẫn tôi theo. Từ hôm xem ti vi ở nhà bà chủ, cứ mở mắt ra là anh tôi lại chạy sang nhà ấy. Tối mẹ đến dẫn về thì anh bảo, “Không muốn”, rồi khóc toáng khiến mẹ thấy ngượng mấy lần.
Năm chúng tôi chuyển đến nhà trọ, mẹ mở một tài khoản tiết kiệm năm năm. Năm sau, bà mở tài khoản bốn năm, năm sau nữa mở tài khoản ba năm, và cứ như vậy. Năm năm trôi qua, đến khi năm tài khoản tiết kiệm đáo hạn cùng một ngày, mẹ rút toàn bộ số tiền và gia đình tôi đã mua được nhà mới. Ước mong của mẹ là gia đình tôi sẽ rời khỏi cái xóm không có trường tiểu học này trước khi anh trai vào lớp một đã thành hiện thực như thế. Mẹ vẫn lặp đi lặp lại đến hơn trăm lần với anh trai và tôi rằng: “Cứ chắt chiu gom góp tiền như vậy, nhưng nhất thiết mỗi ngày phải cho mỗi đứa ăn một quả trứng gà.”
“Jungnim-dong, Seoul” (1980) - Ảnh Kim Ki-chan. Những bé gái đang cùng chơi nhảy dây và ca hát trong hẻm, một cảnh tượng hiếm thấy sau giờ học ngày nay. © Choe Gyeong-ja
Uớc mong của mẹ
Nhà mới ở gần ngay trường tiểu học. Nhà gần trường đến mức ngày nào quên đồ dùng học tập là có thể tranh thủ chạy về lấy trong giờ giải lao. Tôi lờ mờ nhớ đến ngày chuyển về ngôi nhà ấy. Sau khi mở cổng sẽ thấy sân trước hết. Nơi đó có sân nhưng không có cỏ hay cây cối gì mọc cả, chỉ trơ trọi một cái nhà vệ sinh ở góc sân. Trong khi người lớn bận chuyển hành lý vào nhà, trong đầu tôi đã vẽ ra một cái sân có cây cổ thụ và xích đu thật to. Tôi còn tưởng tượng cả hình ảnh cùng mẹ chăm chậu hoa nữa. Có lẽ bố mẹ sẽ làm như vậy vì con gái yêu.
Thế nhưng, sự thật lại không như thế. Bố mẹ đã dẹp bỏ sân và xây một cửa hàng ngay trên đó. Căn nhà bị xẻ làm đôi, mẹ bắt đầu làm quán ăn trong cửa hàng. Thất vọng không chỉ dừng lại ở đấy. Trong nhà có tất cả ba phòng, thế mà tôi không có phòng riêng của mình. Bố mẹ ngủ ở phòng trong quán ăn, tôi và anh trai ngủ cùng bà ở gian phòng ngủ chính. Hai phòng còn lại thì cho thuê. Hai vợ chồng thuê phòng nhỏ có em bé. Đứa bé mặc bỉm lăn bò trên sàn. Đứa bé đó đã đặt bước chân đầu đời tại sàn nhà tôi và gia đình ấy chuyển đi trước khi bé chập chững tập chạy.
Quán ăn của mẹ bán rất chạy. Nhà tôi mua được ti vi, rồi mua tủ lạnh. Mấy năm sau, nhà tôi mở rộng quán lên tầng hai, rồi xây thêm ba phòng nữa. Bố mẹ đập nhà kho ở phía bên trái cửa chính và xây thêm một phòng ở đó. Nhà tôi chính thức bắt đầu làm dịch vụ cho thuê. Bên cạnh quán ăn có xây thêm một cửa tiệm; xưởng mộc đã vào thuê vị trí đó. Tôi gác con dao bằng gỗ do bác thợ mộc làm tặng vào thắt lưng. Tôi thường chơi ở sân vận động trường đến lúc mặt trời lặn, thế nên quần áo lúc nào cũng bẩn. Mẹ thường đánh vào mông tôi và mắng không được để quần áo vấy bẩn, thế mà tôi lại thích chuyện này. Tôi biết mẹ không có ý đánh thật, mà thực ra mẹ chỉ muốn phủi đất dính ở quần cho tôi.
Những người thuê nhà chúng tôi đến từ khắp mọi miền đất nước. Tôi thường hỏi họ quê ở đâu, rồi tìm vị trí khu vực đó trên bản đồ. Tất cả chúng tôi cùng sử dụng nhà vệ sinh chung ở ngoài sân nên dĩ nhiên thường chạm mặt nhau. Trong số đó, nếu hỏi người mà tôi nhớ rõ nhất là ai, thì ắt hẳn đó là chú nghiện rượu. Mắt chú ấy đỏ ngầu. Vào mùa hè, chú mặc mỗi áo thể thao trắng và quần đùi. Chú thân thiện chào hỏi mỗi khi gặp tôi. Thi thoảng có một bà cô, có vẻ là vợ chú ấy tìm đến, rồi họ cãi nhau đến tận sáng. Chú ra đi ở chính gian phòng ấy, và đó là cái chết đầu tiên tôi chiêm nghiệm.
Những người thuê nhà chúng tôi đến từ khắp mọi miền đất nước.
Tôi thường hỏi họ quê ở đâu, rồi tìm vị trí khu vực đó trên bản đồ.
“Haengchon-dong, Seoul” (1974) - Ảnh Kim Ki-chan. Một trong những kiểu nhà phổ biến nhất vào những năm đầu thời kỳ công nghiệp hóa là dạng nhà có nhiều gia đình thuê các phòng. Những ngôi nhà kiểu này thường có một bồn nước chung và nơi đặt các vại muối tương ngoài sân.© Choe Gyeong-ja
Hạt mầm câu chuyện
Ước mong của tôi là được chuyển nhà. Tôi luôn thấy ganh tỵ với những bạn học sinh chuyển trường. Chỉ nghĩ tới cảnh đến một trường mới rồi kết bạn mới, bước chân vào phòng học cùng với thầy cô và giới thiệu tên mình trước những đứa trẻ xa lạ hẳn là chuyện đáng sợ. Dẫu vậy, tôi cũng nhất định muốn chuyển đi một lần. Tôi ở mãi một chỗ từ bậc tiểu học, trung học cơ sở, đến phổ thông trung học. Đến khi là sinh viên đại học, tôi tạm thời xa nhà, rồi quay trở về. Sau đó, tôi không tách ra sống riêng mà ở lại trong căn nhà ấy.
Sau khi anh trai lấy vợ và ở riêng, bố chuyển sang dùng phòng của anh. Đến khi tôi rời nhà ra sống riêng, bố chuyển sang phòng tôi. Phòng anh trai trở thành nhà kho. Chỉ khi con cái lần lượt chuyển đi xa, lần đầu tiên bố mẹ mới có phòng riêng. Mẹ sinh ra trong gia đình có tám anh chị em và chưa từng có phòng riêng. Gia đình bố có năm anh chị em nên cũng không khác gì. Về sau, mỗi lần đi trên đường và bắt gặp những cô chú tầm tuổi bố mẹ, tôi thường liên tưởng đến chuyện này. Mấy cô chú này khi nào mới có phòng riêng? Phải chăng họ cũng sinh ra từ gia đình đông con, cũng bắt đầu cuộc sống vợ chồng ở phòng thuê như bố mẹ tôi? Họ sinh con đẻ cái, cần mẫn góp nhặt tiền của để xây phòng cho những đứa con của họ chăng? Họ có mua những cuốn sách như “Tuyển tập các tác phẩm nổi tiếng thế giới” cho con họ không? Có những người trong suốt 70 năm, 80 năm cuộc đời cũng chưa một lần có phòng riêng. Không biết chừng có người chỉ có phòng riêng sau khi người bạn đời của họ lìa xa cũng nên.
Bố mẹ tôi vẫn sống ở trong ngôi nhà ấy, kết quả của mỗi lần có tiền xây thêm phòng cho thuê là ngôi nhà có hình dạng khác thường. Giờ đây, xóm tôi đã cũ và phòng cho thuê không còn đắt khách. Tôi ra sống riêng ở căn hộ chung cư từ 10 năm trước. Dẫu vậy, tôi vẫn thường xuyên về nhà bố mẹ ăn cơm. Suốt mấy năm liền, tôi về nhà bố mẹ ngủ vào đêm ba mươi tháng chạp hàng năm. Bởi vì tôi muốn thức dậy chào bố mẹ câu “Chúc mừng năm mới” vào buổi sáng. Thế nhưng, quyết tâm đó cũng không duy trì được bao lâu. Dần dà, tôi thấy nhà mình thoải mái hơn. Đến giờ, hầu như không còn chuyện tôi về nhà bố mẹ ngủ.
Tôi sống trong căn nhà ấy đến năm 40 tuổi, nhưng thật kỳ lạ là tôi chỉ nhớ những ngày thơ ấu ở đó. Một ngày, khi đang chơi nhảy dây với mấy đứa bé trong hẻm, anh trai chạy lại thì thầm vào tai tôi: “Đến rồi!”. Đó là chuyện chiếc ti vi màu mà chúng tôi ngóng trông từ mấy hôm trước đã đến. Niềm hân hoan khi ấy vẫn còn rõ nét. Tôi gắng hết sức chạy về nhà. Hình ảnh đứa bé vừa ngắm ti vi vừa thở hổn hển dường như vẫn đang còn hiện diện trong ngôi nhà ấy.
Những người chuyển đến rồi đi, đôi vợ chồng cãi nhau đòi ly hôn, bỏ chạy trong đêm và bị cảnh sát bắt giữ đều là những người hàng xóm của tôi. Trên cổng nhà có chiếc mắt kính thần, từ đó nhìn ra sẽ thấy hàng chục người ngoài đường. Tôi ngắm mọi người theo cách này. Đây chính là hạt mầm tiểu thuyết của tôi. Tôi đã tạo nên câu chuyện như thế đấy.