Với việc ký kết hiệp định đình chiến vào tháng 7 năm 1953, Hàn Quốc và Triều Tiên đã ngừng bắn và định ra giới tuyến phi quân sự giữa hai nước, bước vào trạng thái đối đầu lẫn nhau. Tại Hàn Quốc, lực lượng quân đội Mỹ tiếp tục đóng quân và nền công nghiệp giải trí phục vụ cho lính Mỹ bắt đầu hình thành. Rất nhiều những ca sĩ Hàn Quốc đã tham gia vào các chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ và trở thành nhân tố chính làm thay đổi dòng chảy của âm nhạc đại chúng Hàn Quốc.
Hình ảnh buổi diễn động viên lính Mỹ tại Hàn Quốc của Marilyn Monroe, tháng 2 năm 1954. Là ngôi sao hàng đầu lúc bấy giờ, Marilyn đã thưc hiện 10 buổi diễn động viên cho quân đội Mỹ và Liên hợp quốc đóng quân tại Seoul, Dongducheon, Inje, Daegu trong 4 ngày. Mặc cho thời tiết lạnh dưới 0 độ, trong chiếc đầm hở vai, cô vẫn bước lên trình diễn trên sân khấu dã chiến được dựng tạm. ⓒ gettyimages
Gần đây, làn sóng hâm mộ K-pop đã vượt ra khỏi phạm vi châu Á và lan rộng ra toàn cầu, cùng với đó là một loạt những câu hỏi được đặt ra. Rốt cuộc điều gì ở K-pop khiến cho cả thế giới đều yêu thích, đâu là tiềm lực văn hóa của quốc gia đã cho ra đời thứ âm nhạc đại chúng có sức lan tỏa cao như thế, và nền âm nhạc này đã trải qua những giai đoạn lịch sử thế nào để đạt được vị trí ngày hôm nay? Trong đó, câu hỏi căn bản nhất có lẽ là về lịch sử của K-pop.
Một giả thuyết phổ biến về gốc rễ của K-pop cho rằng loại hình âm nhạc này bắt nguồn từ chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ ra đời vào những năm 1950. Họ cũng khẳng định K-pop chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ âm nhạc đại chúng Mỹ, trong khi chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ lại là cơ hội để âm nhạc đại chúng kiểu Mỹ trở nên phổ biến trong xã hội Hàn Quốc nên giữa hai thứ này phải có mối liên hệ với nhau. Thêm vào đó, cùng với sự ra đời của chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ, sự xuất hiện của những buổi thử giọng nhằm tìm kiếm gương mặt mới hay hệ thống các công ty giải trí cũng được xem là minh chứng cho giả thuyết này.
Không thể nói rằng những quan điểm trên là hoàn toàn vô căn cứ, nhưng sẽ thật quá đơn giản nếu chúng ta chỉ nhìn nhận vấn đề như vậy. Lý do là vì giữa chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ và K-pop là một khoảng cách dài 30 năm, và con đường mà âm nhạc đại chúng Hàn Quốc đã trải qua trong suốt thời gian đó cũng mang ý nghĩa to lớn không thua gì sự xuất hiện của chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ.
Hàn Quốc – Triều Tiên đình chiến và sự đóng quân của quân đội Mỹ
Thế kỷ 20 là thời kỳ của chiến tranh. Một trong những đặc trưng lớn nhất của các cuộc chiến diễn ra trong thời gian này là tính toàn diện, huy động binh lực và tài nguyên với quy mô lớn. Việc huy động nhân lực trong ngành giải trí ở cấp độ quốc gia để nâng cao nhuệ khí của binh lính tham chiến, khơi dậy lòng yêu nước cũng được khởi động vào đầu thế kỷ 20. Từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, chính phủ Mỹ đã bắt đầu lên kế hoạch cung cấp dịch vụ giải trí ở tiền tuyến, trong Chiến tranh thế giới thứ hai thì Hiệp hội Động viên Mỹ (USO: United Service Organizations) – tổ chức hợp tác công tư nhằm động viên, khích lệ tinh thần chiến sĩ được lập ra và thực hiện kế hoạch trong suốt nhiều năm. Sự kiện những ngôi sao hàng đầu lúc bấy giờ như Marilyn Monroe, Louis Armstrong, Nat King Cole đến thăm Hàn Quốc trong thời kỳ chiến tranh Hàn Quốc và sau hiệp định đình chiến đều là do chỉ đạo của Hiệp hội Động viên Mỹ.
Ngành kinh doanh dịch vụ giải trí phục vụ đối tượng lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc khởi phát ngay sau sự kiện giải phóng năm 1945. Khi Quân đoàn 24 của Lục quân Hoa Kỳ thành lập chính quyền quân sự tại khu vực Nam Hàn, nhu cầu tổ chức biểu diễn văn nghệ tại các hộp đêm của lính Mỹ cũng từ đó mà phát sinh. Tại Seoul lúc bấy giờ có những đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ đã và đang hoạt động từ thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, họ chờ đợi ở các văn phòng ban nhạc hay phòng trà và được đưa vào các sô diễn mỗi khi có yêu cầu của quân đội Mỹ. Nguyên nhân là vì những nghệ sĩ ấy đã rất quen thuộc với âm nhạc đại chúng kiểu Mỹ. Từ những năm 1920, người Hàn Quốc mà chủ yếu là cư dân đô thị đã bắt đầu thưởng thức các thể loại âm nhạc đại chúng phương Tây như latin, chanson, jazz...
Hoạt động tích cực, nổi bật nhất trong các chương trình âm nhạc cho quân đội Mỹ thời kỳ đầu chính là ban nhạc KPK do Kim He-song (hay còn gọi là Kim He-szong) làm trưởng nhóm. Là chồng của ca sĩ Lee Nan-young và cha của hai thành viên nhóm nhạc The Kim Sisters là Sook-ja “Sue” Kim và Aija Kim, Kim He-szong bắt đầu hoạt động nghệ thuật với vai trò ca sĩ kiêm nhạc sĩ vào năm 1935 và trở nên nổi tiếng với danh hiệu nghệ sĩ biểu diễn nhạc jazz hay nhất của Hàn Quốc. Do đó, sẽ là một cái nhìn thiếu sót nếu xem chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ là xuất phát điểm duy nhất của hiện tượng du nhập âm nhạc đại chúng kiểu Mỹ.
Chương trình văn nghệ Quân khu 8 của Mỹ chính thức bắt đầu từ năm 1957, thời điểm mà lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn được thành lập dựa trên lực lượng bộ tư lệnh Quân khu 8 thuộc Lục quân Hoa Kỳ đóng quân tại Nhật Bản di chuyển đến Yongsan, Seoul. Doanh trại quân đội Mỹ được đặt tại nhiều khu vực trên toàn quốc như Yongsan (Seoul), Pyeongtaek và Dongducheon (Gyeonggi-do), Daegu (Gyeongsangbuk-do), ở xung quanh đó các hộp đêm phục vụ lính Mỹ mọc lên một cách nhanh chóng, kéo theo sự gia tăng nhu cầu giải trí cho quân đội Mỹ. Đến giữa những năm 1950, có đến 264 hộp đêm phục vụ lính Mỹ ở ngoại ô Seoul và toàn bộ khu vực giới tuyến đình chiến. Trong tình thế đó, việc trông chờ, lệ thuộc vào lịch diễn không định kỳ của các ngôi sao do Mỹ đưa sang và các nghệ sĩ trong nước đã không còn khả thi.
Giải trí kiểu Mỹ
Khi cung và cầu tăng thì chương trình văn nghệ Quân khu 8 của Mỹ cũng dần dần được hệ thống hóa. Về mặt cung cấp nhân lực, Hwayang, công ty giải trí đầu tiên, được thành lập vào năm 1957, theo sau là Universal và Gongyoung. Các hoạt động như đưa nghệ sĩ đi diễn, tổ chức chương trình, quản lý, luyện tập, đào tạo, chuẩn bị thử giọng đều được chuyên môn hóa. Nếu như trong quá khứ, các đoàn biểu diễn thường hoạt động song song giữa sân khấu phục vụ cho lính Mỹ và các sân khấu khác trong nước thì giờ đây, các công ty giải trí này chỉ tập trung làm ăn với sân khấu phục vụ cho lính Mỹ. Trong bối cảnh mọi thứ bị tàn phá bởi chiến tranh, sân khấu của chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ là một thị trường đáng giá ngàn vàng khi nó duy trì được lợi nhuận cao. Số tiền mà quân đội Mỹ chi trả cho các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ trong những năm đầu của thập niên 60 là khoảng 1,5 triệu đô la/năm, vượt cả mức kim ngạch xuất khẩu năm của Hàn Quốc lúc bấy giờ là 1 triệu đô la. Các công ty kinh doanh dịch vụ giải trí phát triển với tốc độ nhanh chóng. Một bài báo năm 1962 đưa tin rằng “những công ty ban đầu được thành lập bởi một nhóm các ông bầu sô thời vụ hiện đang quản lý 25 đoàn nghệ thuật và 60 ban nhạc, tổng số nhân viên lên đến 1.000 người”.
Số nghệ sĩ muốn được hoạt động trên sân khấu chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ càng cao thì sự cạnh tranh càng dữ dội. Một trong những việc được xem là quan trọng nhất đối với công ty giải trí là chuẩn bị cho các buổi tuyển chọn, thử giọng tổ chức định kỳ 3-6 tháng một lần. Buổi thử giọng diễn ra trước sự chứng kiến của những giám khảo người Mỹ do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phái sang sẽ phân định thứ hạng của các nghệ sĩ. Các thứ hạng được ấn định theo năm bậc là AA, A, B, C, D, trên cơ sở đó quyết định việc mời biểu diễn cũng như thù lao cho họ. Muốn đảm bảo thu nhập cao thì phải đạt được hạng AA, còn các hạng thấp hơn phải ngồi trong những thùng xe tải quân dụng và di chuyển khắp các căn cứ quân sự trên địa bàn. Hạng D nghĩa là bị loại.
Thử giọng là quy trình mà cơ quan chức năng Mỹ đưa vào nhằm quản lý chất lượng của buổi diễn nhưng đối với người tham gia thử giọng thì nó được áp dụng như một kiểu quy định. Thông qua buổi thử giọng, một vài những phong cách âm nhạc, cách trình diễn, âm sắc, thái độ, xu hướng nhất định được khuyến khích, trong khi những yếu tố khác sẽ bị gạt đi. Tại đó, người ta không công nhận âm nhạc kiểu Hàn hay sự theo đuổi tính sáng tạo, chỉ cần người nghệ sĩ mô phỏng càng giống với khuôn mẫu của nền giải trí kiểu Mỹ thì phần thưởng họ nhận sẽ càng lớn. Những tiêu chuẩn của các buổi thử giọng như là “phát âm tiếng Anh phải chính xác”, “biểu cảm phải lịch lãm và nhẹ nhàng”, “khả năng trình diễn phải thật tốt”... khiến người nghệ sĩ Hàn Quốc phải tiếp thu những thông lệ của nền giải trí nước Mỹ và tự thay đổi thị hiếu, bản chất văn hóa của chính mình.
Mặc dù còn thiếu sự sáng tạo trong âm nhạc nhưng các nghệ sĩ của chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ đã hoạt động với niềm tự hào mãnh liệt...
Âm nhạc đại chúng kiểu Mỹ mà họ trình diễn đã được nhìn nhận là thứ nhạc mang tính đô thị và cao cấp.
1. Hình ảnh ban nhạc KPK được thành lập bởi nhạc sĩ Kim He-song (1911 - ?) ngay sau sự kiện giải phóng năm 1945. Kim He-song và ban nhạc KPK thường hay trình diễn các bài nhạc dân tộc Hàn Quốc được cải biên theo phong cách jazz.ⓒPark Seong-seo
2. Nhóm nhạc The Korean Kittens biểu diễn động viên cho lính Mỹ trong chương trình âm nhạc USO Giáng sinh của Bob Hope năm 1966 tại Tân Sơn Nhất, Việt Nam. Là trường nhóm của The Korean Kittens (thành lập vào năm 1964), Yoon Bok-hee (1964 - , ở giữa) ra mắt lần đầu trên sân khấu chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ trong độ tuổi còn rất trẻ và nhanh chóng trở thành ngôi sao.ⓒ AP Photo by Horst Faas
3. Hình ảnh vào nửa cuối những năm 1960 của nhạc sĩ Kim Hui-gab (1936 - ), tác giả của rất nhiều bài hát nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông bắt đầu hoạt động âm nhạc với tư cách nghệ sĩ guitar trên sân khấu chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ.ⓒ Kim Hyeong-chan
Những nghệ sĩ âm nhạc đa năng
Các tiết mục biểu diễn trong thời gian đầu chủ yếu là các bài nhạc jazz được yêu thích lúc bấy giờ, hoặc các bài hát Hàn Quốc được phối lại theo phong cách nhạc jazz. Thế nhưng, từ sau sự xuất hiện của hệ thống các buổi thử giọng, trừ vài bài hát châu Á nổi tiếng như “Arirang” của Hàn Quốc hay “Đêm Trung Hoa” (China Night) của Nhật Bản thì tất cả đều là âm nhạc đại chúng Mỹ. Do đó, để có thể vượt qua vòng thử giọng, các nghệ sĩ bắt buộc phải học và luyện tập không ngừng những ca khúc mới thông qua jukebox (chiếc máy chơi nhạc thường đặt trong quán bar, hoạt động khi khách cho đồng xu vào) ở các doanh trại quân đội Mỹ, đài radio AFKN (American Forces Korean Network: mạng lưới truyền thanh tại Hàn Quốc của quân đội Hoa Kỳ) hay sách báo về âm nhạc Mỹ như “The Song Folio” (tạm dịch Tuyển tập bài hát), “Stock Arrangement” (tạm dịch Tuyển tập các bản phối nhạc). Thông qua đó, các nghệ sĩ tự thay đổi bản thân thành một “người Mỹ về mặt văn hóa”.
Về mặt nhu cầu, việc hệ thống hóa chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ đã khiến các hộp đêm được phân chia đa dạng. Trong đó, theo cấp bậc quân hàm thì có hộp đêm cho sĩ quan, hộp đêm cho hạ sĩ quan, hộp đêm cho binh sĩ; theo chủng tộc thì có hộp đêm cho người da trắng và hộp đêm cho người da đen; tùy theo mục đích sử dụng mà còn có hộp đêm dịch vụ và hộp đêm hạng thường. Hộp đêm dịch vụ chỉ những nơi có sân khấu lớn, còn hộp đêm hạng thường dùng để gọi những hộp đêm quy mô nhỏ và được phép bán rượu. Giữa những hộp đêm khác nhau thì phong cách âm nhạc cũng thay đổi. Ở hộp đêm cho sĩ quan thì thể loại nhạc được chơi chủ yếu là nhạc pop chính thống, nhạc bán cổ điển hay nhạc jazz nhắm đến đối tượng người da trắng độ tuổi ngoài 30; ở hộp đêm của hạ sĩ quan và binh sĩ thì gồm một số thể loại nhạc được chuyên hóa tùy theo chủng tộc như rock ‘n’ roll, jazz, R&B, nhạc đồng quê.
Trong bối cảnh đó, những nghệ sĩ Hàn Quốc buộc phải trở thành người biểu diễn đa năng, thành thạo tất cả thể loại âm nhạc. Mỗi hộp đêm có một yêu cầu khác nhau về nhạc, nhưng người nghệ sĩ thì không thể cứ diễn mãi ở một kiểu hộp đêm được. Sự chuyên hóa trong thể loại ở đây không phải là sự nâng cao tính chuyên môn mà có nghĩa là sự hạn chế trong cơ hội tuyển dụng. Đó là hiện tượng nảy sinh từ tính chất của thị trường được mang tên “chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ”, vốn là sản phẩm thay thế mang tính văn hóa nhằm an ủi nỗi nhớ nhà, khơi dậy lòng yêu nước của người lính. Vì thế, những nghệ sĩ lúc bấy giờ chẳng khác gì một cái máy jukebox tái hiện lại âm thanh và tình cảm quê hương cho binh sĩ trong quân đội. Để vượt qua sự mô phỏng, bắt chước và mang âm nhạc của chính mình vươn ra thế giới, họ cần đến một sân khấu khác.
Thời kỳ đỉnh cao của chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ bắt đầu từ năm 1957 cho đến năm 1965, khi mà số lượng quân Mỹ tại Hàn Quốc giảm mạnh do chiến tranh Việt Nam. Tình cờ, đây cũng là thời điểm mà âm nhạc đại chúng của Mỹ có sự thay đổi bất ngờ về thể loại, từ swing jazz và pop chính thống chuyển sang rock ‘n’ roll. Chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ cũng đã nhanh chóng chạy theo sự thay đổi về thị hiếu này. Từ cuối những năm 1950, vô vàn Elvis Presley và The Beatles đã xuất hiện ngay tại Hàn Quốc. Thế nhưng, hầu hết trong số đó chỉ là những ban nhạc cover, không hơn không kém
Sự phát triển dồn nén
Mặc dù còn thiếu sự sáng tạo trong âm nhạc nhưng các nghệ sĩ thuộc chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ đã hoạt động với niềm tự hào mãnh liệt. Trong số đó, nhiều người đã tốt nghiệp đại học, nguyên nhân cũng là vì chương trình được thực hiện bằng tiếng Anh nên sẽ có lợi hơn đối với những người có học thức cao. Thu nhập cao và văn hóa Mỹ tiến bộ là yếu tố rất có sức hút đối với tầng lớp thượng lưu trong nước. Thêm vào đó, âm nhạc đại chúng kiểu Mỹ mà họ trình diễn được nhìn nhận là thứ âm nhạc mang tính đô thị và cao cấp. Trái lại, thể loại teuroteu, hay trot (thể loại âm nhạc đại chúng ở Hàn Quốc, du nhập vào từ cuối năm 1920 trong thời Nhật trị ) từng chiếm được tình cảm của tầng lớp dân nghèo ở nông thôn hay thành thị lại được gọi bằng cái tên ppongjjak (tạm dịch: dân ca trữ tình) pha lẫn chút xem thường. Địa vị văn hóa của nhạc trot càng bị hạ thấp hơn khi bài hát “Cô gái hoa trà” (Camellia Lady) của Lee Mi-ja ra mắt năm 1965 bị cấm do mang yếu tố Nhật Bản. Trong khi đó, với âm nhạc đại chúng kiểu Mỹ, những nghệ sĩ xuất thân từ chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ được các đài truyền hình tư nhân thành lập vào nửa sau những năm 1960 lăng xê mạnh mẽ như những ca sĩ chuyên của nhà đài, bài hát của họ được xếp ở vị trí những bài hát nổi tiếng nhất.
Không thể nói một cách chính xác rằng có hay không mối liên hệ giữa sự thay đổi do ảnh hưởng của âm nhạc đại chúng kiểu Mỹ với K-pop ngày nay. Giống như nền âm nhạc của rất nhiều quốc gia khác không có quân đội Mỹ đóng quân, dù không có chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ đi chăng nữa thì khả năng cao là âm nhạc đại chúng Hàn Quốc vẫn không khác biệt quá nhiều so với thực tế ngày nay. Dù vậy, có một điều chắc chắn là những kinh nghiệm có được từ chương trình văn nghệ tại Quân khu 8 của Mỹ đã giúp rút ngắn đáng kể đoạn đường phát triển để đạt đến vị trí hiện tại. Quá trình hiện đại hóa dồn nén – đặc trưng lớn nhất của quá trình phát triển xã hội Hàn Quốc, có thể được tìm thấy trong cả lĩnh vực âm nhạc đại chúng, đây quả thật là một điều thú vị.