메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

전통 유산을 지키는 사람들 > 상세화면

2021 SPRING

BẢO TỒN DI SẢNSỰ HÀI HÒA GIỮA CÁI ĐẸP VÀ NÉT TINH XẢO

Giám đốc bảo tàng Kee Heung-sung là bậc thầy trong lĩnh vực mô hình kiến trúc. Trong vô số tác phẩm đã qua bàn tay của ông, từ mô hình kiến trúc trong nước cho đến mô hình phục dựng thành Trường An thời nhà Đường Trung Quốc hay mô hình tháp Eiffel ở Paris, các mô hình kiến trúc truyền thống Hàn Quốc với cảm quan nghệ thuật sống động là những kiệt tác. Tôi đã gặp ông ấy tại Bảo tàng Kee Heung-sung ở Yangpyeong, tỉnh Gyeonggi.

Khi bước vào phòng triển lãm, một vương quốc thu nhỏ hiện ra trước mắt tôi. Người tạo ra thế giới nhỏ bé này là giám đốc bảo tàng Kee Heung-sung. Ông sinh ra ở Ongjin, tỉnh Hwanghae (nay là vùng đất của Triều Tiên) vào năm 1938 và chọn đến Hàn Quốc sau ngày chiến tranh Hàn Quốc – Triều Tiên nổ ra (tháng 6 năm 1950). Bộc lộ tài nghệ chế tác và vẽ ngay khi còn bé, ông ấy bước chân vào nghề làm mô hình kể từ năm 1967. Lúc ấy, một công ty phụ trách thiết kế khu hội chợ thương mại đang tìm người làm mô hình. Kiến trúc sư Kim Swoo-geun (1931~1986), phó giám đốc cao cấp của công ty tại thời điểm đó, người từng được đánh giá là người tiên phong của kiến trúc hiện đại Hàn Quốc, khi nhìn thấy mô hình ông Kee làm đã trầm trồ thán phục: “Kẻ xuất quỷ nhập thần này từ đâu ra thế?”.

“Cha tôi muốn tôi làm công việc xây dựng dân dụng. Ông bảo khi hai miền Nam – Bắc thống nhất, cần rất nhiều công trình dân sinh. Tôi thậm chí còn không nghĩ đến kiến trúc, nhưng gặp được tiền bối Kim Swoo-geun là một may mắn lớn của đời tôi.”.

Kee Heung-sung đang nhìn mô hình thu nhỏ bằng gỗ của ngọn tháp chín tầng chùa Hwangnyong – ngôi chùa Phật giáo lớn nhất của Vương quốc Silla (57 tr.CN – 935 s.CN). Khi chế tác các mô hình kiến trúc cổ, ông không sử dụng đinh mà làm theo kỹ thuật ghép mộng gỗ truyền thống.

Mô hình kiến trúc truyền thống

 

Ông có đôi bàn tay thoăn thoắt và chính xác. Ông đạt đến tốc độ hoàn thành một mô hình trong nháy mắt trong khi những người khác vẫn đang vẽ phác thảo. Nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của Kim Swoo-geun, ông đảm nhận vai trò trưởng nhóm khi mới 31 tuổi. Vào những năm 1970, giữa quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra như vũ bão, ông đã gánh vác việc thiết kế các mô hình cần thiết cho những dự án phát triển cấp quốc gia. Qua các mô hình của ông, ta có thể biết lịch sử phát triển kinh tế của Hàn Quốc.

“Hồi đó, tôi có vai trò như “cầu thủ giao bóng” cuối cùng trong các phiên họp giao ban với tổng thống. Bởi lẽ, có những hạn chế nhất định trong việc diễn giải công trình nếu chỉ dựa vào bản vẽ thiết kế, nhưng khi xem các mô hình của tôi làm ra thì sẽ hiểu ngay lập tức.”.

Những mô hình như đường cao tốc Gyeongbu nối Seoul và Busan, dự án phát triển tổng thể Yeouido... đã được tạo ra bởi đôi bàn tay của ông. Ông nói: “Lúc đó, tôi làm việc hăng say đến mức chỉ chợp mắt đôi phút trên chiếc giường kê tạm trong văn phòng.”.

Tay nghề mà thuở ban đầu ông Kee đã trau dồi qua lối kiến trúc hiện đại dần trở nên điêu luyện trong quá trình tái hiện các kiến trúc truyền thống. Cơ duyên đến khi Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đặt hàng làm bản sao thu nhỏ bằng gỗ của ngọn tháp chín tầng chùa Hwangnyong (Hoàng Long tự). Chùa Hwangnyong, ngôi chùa hộ quốc lớn nhất thời Silla, đã bị thiêu rụi toàn bộ (từ ngọn tháp chín tầng cho đến điện thờ) do cuộc xâm lược của Mông Cổ vào năm 1238, do vậy giờ chỉ còn lại di chỉ. Giám đốc Kee đã ước chừng về tòa tháp, thứ không còn tồn tại trên đời, và tái hiện nó thành mô hình với chiều cao 4m.

Ông kể: “Vào những năm 1980, sau khi tham khảo ý kiến của các học giả và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như kiến trúc, khảo cổ học, lịch sử nghệ thuật..., tôi đã dành ba năm để hoàn thành bản thiết kế phục chế mô phỏng và tròn năm năm để hoàn thiện mô hình. Phục dựng một tòa tháp không còn tồn tại chỉ dựa trên cơ sở phỏng đoán là công việc vất vả nhất, nhưng vất vả bao nhiêu thì có được tác phẩm đáng nhớ bấy nhiêu.”. Mô hình tháp gỗ chín tầng chùa Hwangnyong mà ông phục dựng đang được trưng bày trong phòng triển lãm ở tầng hầm thứ nhất. Đây là tác phẩm được chế tác dành cho triển lãm đặc biệt “Văn hóa kiến trúc Hàn Quốc: Thế giới tạo hình của Kee Heung-sung” nhân kỷ niệm khai trương địa điểm mới của Bảo tàng Dân tộc Quốc gia Hàn Quốc vào năm 1993. Ông được người đương thời trong ngoài nước ngợi ca hết lời vì “đã hồi sinh kiến trúc vàng son thời Silla”.

Ngôi làng thu nhỏ rộng 1.200 m2 trong Bảo tàng Dân tộc tại công viên giải trí Lotte World ở Seoul cũng là công trình tiêu biểu của ông. Nhiều công trình kiến trúc truyền thống từ cung điện Gyeongbokgung (cung điện chính của triều đại Joseon) đến trường làng (hương giáo) và chùa tháp được trưng bày ở tỷ lệ 1 : 8. Đây là địa điểm nổi tiếng đối với các vị khách quý từ khắp nơi trên thế giới đến thăm Hàn Quốc vì họ có thể chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc và lối sống của người Hàn lúc xưa chỉ qua một ánh nhìn. Trong chuyến thăm nơi này vào năm 2002, Lu Xiaobo, Phó Viện trưởng Viện Nghệ thuật Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), bày tỏ “muốn giới thiệu đến Trung Quốc kỹ năng tuyệt vời đã làm sống dậy nét đẹp của kiến trúc truyền thống này”.Ông Kee tâm sự: “Tôi đã dành trọn hai năm để sơn họa tiết dancheongvào mặt gỗ và nung mái ngói chỉ nhỏ bằng móng tay. Tôi gần như kiệt sức khi hoàn thành chúng.”. Vào thời điểm đó, ông ấy làm việc liên tục với chiếc máy tạo nhịp tim trên ngực, cho nên đó quả là công việc đánh đổi cả tính mạng.

“Đường nét rất quan trọng trong kiến trúc cổ Hàn Quốc. Mái hiên hơi dốc được tôi uốn cong thay vì giữ phẳng như vốn có. Tôi phải dùng trực giác để tạo ra sự khác biệt tinh tế ấy. Mỗi khi làm việc tôi đều ngưỡng mộ khả năng khéo léo của tổ tiên chúng ta. Kiến trúc hiện đại không thể sánh kịp phong cách này. Vì kiến trúc truyền thống khó tái hiện hơn nhiều so với kiến trúc hiện đại nên các đồ đệ cần phải có ít nhất năm năm kinh nghiệm mới có thể bắt tay vào làm.”

Đại học Thanh Hoa đã mời ông Kee làm giáo sư thỉnh giảng tại Trường Đại học Mỹ thuật vào năm 2004, với dự định học hỏi cảm thức nghệ thuật và bí quyết kỹ thuật từ ông trước khi bước vào Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và Triển lãm Thượng Hải 2010. “Triển lãm đặc biệt: Thế giới tạo hình của Kee Heung-sung” tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 6 năm 2004 đã được giới thiệu trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) như một chương trình phát sóng đặc biệt, qua đó thu hút sự chú ý của người dân Trung Quốc.

Được biết đến với độ cao 80 m, điện thờ bằng gỗ có từ thế kỷ VII của chùa Hwangnyong đã được tái hiện theo mô hình tỷ lệ 1:20. Kee đã dành ba năm để tiến hành nghiên cứu về ngôi chùa đã mất từ lâu và vẽ bản vẽ kết cấu mô phỏng, sau đó dành trọn năm năm nữa để dựng mô hình.

Hàng lan can dọc theo ban công bao quanh của mỗi tầng có hệ thống lưới hình học phức tạp. Điện thờ đã bị thiêu rụi cùng với toàn bộ ngôi chùa trong các cuộc xâm lược của người Mông Cổ vào thế kỷ XIII.

“Tuyệt nhiên không thể nào gây ấn tượng cho người xem nếu chỉ bắt chước tương tự kỹ năng của người khác. Mô hình phải vừa tinh xảo, vừa đẹp.”

Bảo tàng chuyên về mô hình

 

Bảo tàng Kee Heung Sung mở cửa vào tháng 11 năm 2016 nhân kỷ niệm 50 năm theo nghiệp chế tác mô hình của giám đốc Kee. Ước mơ ấp ủ bấy lâu của giám đốc Kee là tạo ra một không gian trưng bày các tác phẩm của mình và cũng là nơi học tập cho những người trong lĩnh vực mô hình kiến trúc. Trong bảo tàng có quy mô bốn tầng, gồm một tầng hầm, khoảng 1.000 tác phẩm mô hình do ông thực hiện đang được trưng bày. Ngay lối vào tầng hầm ta có thể bắt gặp ngay cổng thành Sungnyemun (còn gọi là Namdaemun), di sản quốc gia, một cảnh quan kiến trúc truyền thống của Hàn Quốc. Mô hình này cho thấy cổng thành trông như thế nào trước khi nó bị thiêu rụi bởi một vụ đốt phá năm 2008. Từ cột trụ và cầu thang bên trong tòa kiến trúc, cho đến các bức tượng nhỏ nhắn đặt dọc theo đường diềm (bờ nóc) mái hiên trông rất sống động. Tường thành hai bên cổng được chế tác một cách tinh xảo, phản chiếu đúng hoa văn và chiều dài thực tế của tường đá, đến cả từng viên ngói âm dương khớp với nhau một cách hoàn hảo. Ông nói: “Khi Sungnyemun bị lửa thiêu rụi, nhiều nơi gọi điện cho tôi. Họ bảo mô hình này giúp ích cho công việc phục chế thực tế vì nó là bản sao hoàn hảo nhất của cổng thành trước khi bị cháy.”.

Phòng trưng bày trên tầng hai gồm các kiến trúc cận hiện đại. Nhà ga Seoul trước đây và tòa nhà Tổng đốc phủ Joseon (hiện đã bị phá bỏ) vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu. Bạn không chỉ được chiêm ngưỡng các mô hình kiến trúc lớn trong nước như sân vận động chính Olympic Seoul 1988, tòa nhà 63 tầng, tháp Jongno, sân vận động World Cup... mà còn cả mô hình kiến trúc nổi tiếng trên khắp thế giới như Nhà Trắng, tòa nhà Empire State và tòa Tháp đôi Petronas. Trong số đó có cả mô hình khu vực trung tâm thành phố Bình Nhưỡng. Chính tác phẩm này đã khiến ông được mệnh danh là “người chuyển Bình Nhưỡng đến Seoul”. Các tòa nhà chính và cảnh quan thiên nhiên ở Bình Nhưỡng thuộc khoảng thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc – Triều Tiên năm 2000 đã biến thành các tác phẩm tạo hình ba chiều với chiều rộng và chiều dài là 5m. Từ sân bay Sunan cho đến tháp tư tưởng Juche, tòa nhà Quốc hội Mansudae, cung Văn hóa Nhân dân và khách sạn Koryo... đều thu hút sự chú ý của mọi người.

Sungnyemun là cổng chính của thành Hanyang, kinh đô của triều đại Joseon, phần lớn trùng với trung tâm thành phố cũ của Seoul. Công trình kiến trúc bằng gỗ hai tầng, có năm gian chạy ngang và hai gian chạy sâu, nằm trên nền đá granit. Được xây dựng vào năm 1398, cổng thành đã bị hỏa hoạn phá hủy vào năm 2008 và việc phục chế được hoàn thành vào năm 2013. Mô hình của Kee được công nhận là bản sao hoàn hảo nhất của công trình trước khi hỏa hoạn.

Kee chú ý tối đa đến các chi tiết, kể cả những bức tượng nhỏ trên gờ mái cũng được thu nhỏ lại theo tỷ lệ. Trong kiến trúc truyền thống, tượng động vật vừa phục vụ mục đích trang trí vừa làm bùa hộ mệnh.

Giấc mơ dang dở

 

Giám đốc Kee cũng đã góp phần giúp Hàn Quốc giành được đơn đặt hàng nhà máy điện hạt nhân trị giá 40 tỷ USD từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 2009. Đó là nhờ mô hình nhà máy điện hạt nhân mới thu nhỏ với tỷ lệ 1 : 200 do ông tạo ra đã cho thấy công nghệ sản xuất điện hạt nhân của Hàn Quốc trở nên nổi bật.

Trong thời đại mà hình ảnh 3D có thể được tái tạo trực tuyến thì chúng ta sẽ đặt câu hỏi tại sao lại cần mô hình. Về điều này, ông Kee nhấn mạnh: “Trước khi tòa nhà được xây dựng ngoài thực tế, một mô hình là hoàn toàn cần thiết để kiến trúc sư xem xét diện mạo bên ngoài sau khi hoàn thành và dự đoán xem nó có phù hợp với cảnh quan xung quanh hay không.”. Ngoài ra, ông nói thêm: “Bởi vì phải truyền tải chính xác ý đồ thiết kế, người làm mô hình phải tuân theo cùng một quy trình xây dựng tòa nhà dựa theo bản vẽ thi công.”.

Việc tái hiện kiến trúc truyền thống cũng thế, phải trải qua các công đoạn tỉ mỉ: trước hết dựng cột trên đá móng, rồi dựng khung nhà, sau đó đến gác, mái, ngói, cửa sổ. Ông nhấn mạnh rằng: “Tuyệt nhiên không thể nào gây ấn tượng cho người xem nếu chỉ bắt chước tương tự kỹ năng của người khác. Mô hình phải vừa tinh xảo, vừa đẹp.”

“Khó nhất ở mô hình nhà truyền thống là tìm được loại gỗ tốt; sau khi hoàn thành mô hình phần gỗ không được nứt nên tôi kiểm chứng và sử dụng loại gỗ thông đỏ chất lượng vốn được sử dụng trong thi công hanok (nhà truyền thống Hàn Quốc) ngoài đời. Các cấu kiện được lắp ráp từng cái một mà không cần sử dụng chất kết dính. Điều quan trọng là phải giữ được tính thẩm mỹ của kiến trúc truyền thống.”.

Ước mơ xây bảo tàng của ông vẫn chưa hoàn toàn thành hiện thực. Ông đang có kế hoạch mở một khu triển lãm mới để trưng bày nhiều hơn các tác phẩm đang lưu kho. Ông bảo rằng muốn mở hai khu phía sau Bảo tàng Kee Heung Sung và xây dựng một phòng triển lãm quy mô lớn ở Songdo và đảo Deokjeok, Incheon, nơi gần với quê hương ông.

“Dựng các mô hình kiến trúc là cách để giúp khôi phục các di sản văn hóa đang biến mất, đồng thời để dự đoán và chuẩn bị cho nhiều vấn đề khác nhau có thể phát sinh trong tương lai. Tôi nghĩ đây là sứ mệnh của tôi trong hơn 50 năm qua và sẽ tiếp tục như vậy cho đến cuối đời.”.

Heo Yun-heePhóng viên Nhật báo Chosun
Ha Ji-kwonNguyễn Trung Hiệp dịch

전체메뉴

전체메뉴 닫기