메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

전통 유산을 지키는 사람들 > 상세화면

2024 AUTUMN

NGÔN TỪ HÓA ẢNH / TRANH CHỮ

Hong In-sook là một nghệ sĩ sử dụng lối vẽ độc đáo đan xen giữa chữ cái và hình ảnh. Bằng thủ pháp biểu thị hiện đại, cô truyền tải thông điệp thể loại munjado (văn tự đồ) - một trong những thể loại tranh dân gian của Hàn Quốc vô cùng hài hước và nhẹ nhàng, với hầu hết chất liệu trong những tác phẩm đều đến từ chính trải nghiệm của bản thân.

Hong In-sook đang chụp ảnh trong studio của mình. Bắt đầu với triển lãm cá nhân đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Gyung-in ở Insa-dong vào năm 2000, cô trình làng một thế giới tác phẩm đầy cá tính riêng biệt. Tác giả thường xuyên ghi chú lại những suy ngẫm của mình vào một cuốn sổ, suy nghĩ kỹ rồi phác họa ra những hình ảnh về chúng.
ⓒ Lee Min-hee

Triển lãm cá nhân của Hong In-sook với tựa Mặt trăng tái sinh, Nguyệt ấn thiên giang chi khúc (Re-rising Moon, Worin cheongangjigok) đã được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Moryham ở Hoehyeon-dong, Seoul vào tháng 5 vừa qua. Nguyệt ấn thiên giang chi khúc (tạm dịch: các ca khúc về vẻ đẹp của ánh trăng phản chiếu trên ngàn dòng sông) vốn là một bài hát ca ngợi Đức Phật được ngự bút bởi Vua Sejong (Thế Tông, trị vì 1418-145) - vị vua thứ tư của triều đại Joseon để tưởng nhớ công đức người vợ quá cố là Hoàng hậu Soheon (Chiêu Hiến, 1395-1446).

Tại triển lãm lần này, nghệ sĩ lột tả cảm xúc mất đi người thân yêu thông qua tranh và chữ viết biểu thị vầng trăng, ánh sáng và tình yêu. Cô biến hóa các tác phẩm - ở đó chữ cái được nhìn như tranh vẽ, còn hình ảnh được đọc như chữ cái. Cô thể hiện sơ đồ kí tự truyền thống, nơi văn tự và tranh ảnh được nhận thức là một, theo cách của riêng cô, chú tâm đến những giá trị không khi nào biến mất trong cuộc sống chúng ta.

Tranh một chữ cái – 꽃 (kkot). 2024. Tranh in giấy, vẽ, tô màu trên hanji. 140 × 118 cm.
ⓒ Hong In-sook

Tranh một chữ cái – 빛 (bit). 2024. Tranh in giấy, vẽ, tô màu trên hanji. 140 × 118 cm.
ⓒ Hong In-sook

Các tác phẩm thể hiện nỗi suy tư của tác giả về “Những chữ cái nào sẽ tiếp thêm sức mạnh cho con người nhỉ” qua hình thức thể hiện chữ cái truyền thống. Vào tháng 5 năm nay, các tác phẩm đã được ra mắt trong Mặt trăng tái sinh, Nguyệt ấn thiên giang chi khúc tại Trung tâm Triển lãm Moryham.

 
Trải nghiệm tuổi thơ

Munjado là một thể loại tranh dân gian, mỗi điển tích được vẽ lồng vào trong đường nét Hán tự trên đó đều có liên quan đến ý nghĩa của con chữ. Những bức tranh này bao gồm nội dung giáo huấn thể hiện qua các chữ hiếu, trung, tín vốn là những đức tính chính của Nho gia trong triều đại Joseon; đồng thời nhấn mạnh tín ngưỡng cầu phúc lành như phú quý, thọ phúc khang ninh và cát tường.

Nghệ nhân Hong In-sook trải lòng: “Tác phẩm của tôi có sự khác biệt so với munjado truyền thống. Các yếu tố trong tranh đều đến từ trải nghiệm thời thơ ấu, khác với giá trị quan của thời đại hay mong muốn cầu phúc”.

Cô đặt tên cho tác phẩm của mình là “tranh một chữ cái”. Hình ảnh được khắc họa phù hợp với tranh và chữ trong một âm tiết như 달 (dal - trăng), 집 (jip - nhà), 꽃 (kkot - hoa), 밥 (bap - cơm), 빵 (ppang - bánh mì), đã tạo ra một thế giới rất riêng - ở đó ký ức của quá khứ và suy tưởng của tương lai được hòa nhịp.

Tranh một chữ cái – 안 (an). 2020. Tranh in giấy, vẽ, tô màu trên Hanji. 110 × 90 cm.
ⓒ Hong In-sook

Tranh một chữ cái – 녕 (nyeong). 2020. Tranh in giấy, vẽ, tô màu trên Hanji. 110 × 90 cm.
ⓒ Hong In-sook

Triển lãm với tựa “An, Nyeong” (An, Nhiên) của Hong In-sook được tổ chức tại Không gian Nghệ thuật Kyobo vào năm 2020, để suy ngẫm lại tầm quan trọng và ý nghĩa của hai từ “annyeong” (sự an nhiên) trong giai đoạn đại dịch COVID-19 khi mọi người đều nếm trải nỗi thống khổ.

Kỹ thuật tranh in

Nét vẽ giống như nét bút chì thô sơ, hình ảnh các cô thiếu nữ như bước ra từ truyện tranh, hàng rào được tạo từ những đường nét văn tự,... những bức tranh của Hong In-sook không chỉ dí dỏm và cường điệu (kitsch) mà còn toát lên tinh thần chân phương của hội họa truyền thống. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào các yếu tố khắc họa khung cảnh như cây cối, hoa lá, chim chóc, con người, ta sẽ có cảm giác như đây là tác phẩm đồ mỹ nghệ. Đó là bởi lẽ chúng không được vẽ bằng tay.

“Tôi học chuyên ngành hội họa phương Tây ở bậc cử nhân và tranh in ở bậc thạc sỹ. Tôi nghĩ ngành tranh in phù hợp với mình nhưng vẫn còn điều tôi chưa thực sự hài lòng. Khi cảm nhận được sự hạn chế trong chất liệu hội họa phương Tây, tôi đã tìm thấy câu trả lời trong kỹ thuật hội họa tinh tế của phương Đông và giấy hanji truyền thống”.

Màu sắc tươi sáng và sống động trong tranh in là kết quả kết hợp phương pháp in tranh tinh xảo. Đầu tiên, vẽ một bản phác thảo các yếu tố tạo hình muốn đưa lên giấy, kẹp tờ giấy than lên trên giấy hanji, sau khi lấy bản phác thảo ra, tô màu bản in vào những phần cần kỹ thuật in tranh. Tiếp đó, cắt giấy theo màu sắc, dán thành bản, xong lăn mực nhuộm lên trên bản in và ép bản in bằng máy nén. Thay đổi vị trí của bản tranh in và lặp đi lặp lại công đoạn ép để tạo ra màu sắc mong muốn.  

“Trông có vẻ đơn giản như thể bôi mực lên con dấu mà thôi, nhưng trên thực tế việc này đòi hỏi sự tập trung cao độ trong từng khâu của quy trình sao in. Tuy việc in tranh này có thể dễ dàng thực hiện bằng kỹ thuật photoshop (chỉnh sửa ảnh) trên máy tính, nhưng thao tác từng công đoạn bằng tay mang lại cảm giác hoàn toàn khác lạ. Thỉnh thoảng, những xô lệch nhỏ và sai sót xảy ra là điều rất bình thường nhưng tôi nghĩ đó mới chính là linh hồn của một bức tranh”.

Những bức tranh sử dụng kỹ thuật tranh in của Hong In-sook tạo ra màu sắc vô cùng độc đáo, khác với tranh sơn dầu thông thường. Tuy gọi là tranh in do các bản in được cắt theo từng màu sắc, phết màu bằng con lăn và quay máy ép bản in theo số lượng bản màu đó, nhưng nó cũng là loại tranh in độc bản.

“Những người từng nhìn thấy quá trình làm việc của tôi đều cảm nhận tiểu tiết đó đem lại sự mới lạ. Sản phẩm không được tiến hành nhanh như tranh vẽ và cũng không mượt mà như làm trên máy tính. Đó là phương thức tôi phát minh ra khi cố gắng tìm kiếm phương pháp phù hợp nhất”.

Các con lăn có nhiều kích cỡ khác nhau được nghệ sĩ sử dụng trong quá trình in tranh. Hong In-sook vốn theo đuổi thể loại tranh in trong một thời gian dài, sử dụng kĩ thuật vẽ tinh tế và súc tích qua việc kiểm soát tốc độ và sức mạnh từ các giác quan.
ⓒ Lee Min-hee

Văn tự tạo cảnh

Hong In-sook sinh năm 1973 tại Hwaseong, tỉnh Gyeonggi-do, là con cả trong một gia đình có ba chị em, cha mẹ tận tụy chăm sóc. Cô kể rằng mình lớn lên ở nông thôn cho đến khi vào tiểu học, đồ chơi của cô toàn là cỏ cây, hoa lá, và sách, không có bạn bè đồng trang lứa.  “Khi thu dọn vật dụng của người cha quá cố, tôi tìm thấy một bức tranh với nét vẽ nguệch ngoạc từ thời thơ ấu trong cuốn sách cũ kỹ. Cô bé có đôi mắt to mà tôi thích thú vẽ chính là bản sao của bức tranh đó”.

Sự ra đi đột ngột của người cha đã trở thành nỗi mất mát khôn nguôi cho cô khi vừa mới bước chân trên con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Mất đi người cha từng là chỗ dựa vững chắc, cô liên tục sáng tác những tác phẩm như thể kiếm tìm một tình yêu muộn màng cho quãng thời gian đã bỏ lỡ.

Tranh của Hong In-sook, nơi hội họa và tranh in đồng hiện, dường như nằm đâu đó giữa hội họa phương Đông và phương Tây. Có khi, chúng còn trông giống như tranh minh họa hay thiết kế đồ họa. Thủ pháp biểu hiện mới mẻ tạo nên cảm giác thanh thoát thông qua hình thức pha trộn, đã thu hút sự chú ý lớn ngay từ triển lãm cá nhân đầu tiên Mẫu đơn vào năm 2003 và True Love, Always a Little Late (tạm dịch: Tình yêu đích thực, luôn muộn màng một chút) vào năm 2006.

Ngôi nhà kiêm phòng làm việc của cô đối diện với bức tường của pháo đài Hwaseong Suwon - Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Ngôi nhà được cải tạo lại từ ngôi nhà kiểu phương Tây lâu đời để làm phòng trưng bày, cũng vừa là không gian mở cho những sinh viên muốn học vẽ tranh in và các nghệ sĩ trẻ đang tìm kiếm không gian triển lãm.

Tôi lấy làm tò mò về tranh chữ sau này của Hong In-sook khi nghe cô bộc bạch rằng: “Tôi thích làm việc một mình, nhưng tôi cũng rất trân trọng thời gian để đàm luận với những người cùng chí hướng”.

Nghĩ về người chị và em trai (một tích liên quan đến người chị và em trai trong văn học dân gian Hàn Quốc - chú thích của người dịch). 2011. Tranh màu trên vải cotton. 116 × 90 cm.
ⓒ Hong In-sook

Nghệ sĩ sử dụng các yếu tố của hội họa truyền thống như khoảng trống, chất thơ, con dấu, và phóng tác chúng theo ngôn ngữ riêng. Ngoài ra, nghệ sĩ cũng kết hợp những Hán tự để truyền đạt những thông điệp phức hợp mà qua đó, hình ảnh được chuyển tải đầy chất thơ và đậm tính tự sự.

 Lee Gi-sook – Nhà văn
Ảnh. Lee Min-hee
Dịch. Phùng Thị Thanh Xuân

전체메뉴

전체메뉴 닫기