Ông Seok No-gi đã theo nghề thợ rèn trong suốt nửa thế kỷ ở Youngju, một thành phố nhỏ thuộc vùng cao nguyên với địa hình uốn lượn được tạo thành từ vài dãy núi. Những chiếc liềm móc homi thủ công của ông hiện nay đang tạo nên cơn sốt trên các trang mua sắm trực tuyến nước ngoài như Amazon, Ebay. Bởi vì khác với loại xẻng bứng cây thường thấy của phương Tây, liềm móc có lưỡi hình chữ ‘ㄱ’ nên làm được nhiều việc và tiện lợi hơn hẳn.
Tại lò rèn Youngju ở tỉnh Gyeongbuk, thợ rèn Seok No-gi mài lưỡi của homi, tên gọi của liềm móc, đập sắt nung đỏ để tạo hình cho liềm. Ông bắt đầu nghề thợ rèn từ năm 14 tuổi, mở lò rèn Youngju gần ga Youngju năm 23 tuổi, và đã vận hành lò rèn này trong 43 năm.
“Lúc đầu khi nghe liềm móc của tôi được bán chạy ở Amazon, tôi cứ tưởng là mấy phụ nữ Hàn Quốc sang rừng Amazon dẫy cỏ tập thể đấy.”
Tất cả những gì mà Seok No-gi biết về Amazon là “rừng mưa nhiệt đới”. Mãi đến khi sản phẩm liềm móc của mình được chọn vào Top 10 những sản phẩm làm vườn tốt nhất (Amazon’s choice) trên trang mua hàng amazon.com thì ông mới biết đến một Amazon khác rộng hơn, sâu thẳm hơn nhiều so với rừng mưa nhiệt đới Amazon kia. Cũng nhờ trang web này, chỉ trong vòng năm ngoái, khoảng 2.000 chiếc liềm móc sản xuất tại lò rèn của ông đã lan xa khắp toàn thế giới.
Seok vừa ngắm chiếc liềm được đóng logo “Lò rèn Youngju” vừa nói về chuyện này. Nhưng vẻ mặt bình thản của ông cho thấy dường như ông vẫn chưa nhận ra đây là “sự kiện” mang tính đột phá đến mức nào.
“Ở nước ngoài thì nhà nào cũng đều làm vườn cả, nhưng họ chỉ có xẻng bứng cây hay chiếc cào thôi, chứ không có loại công cụ nào có hình dáng cong giống chữ ‘ㄱ’ như liềm móc. Vậy nên liềm móc tiện hơn cho họ. Nó không gây dính đất trên lưỡi như xẻng, và có thể xới đất mà không cần tốn nhiều sức.”
Công cụ làm vườn kiểu Hàn Quốc
Seok làm ra rất nhiều loại liềm móc với đủ kích cỡ và hình dạng, ông thường chỉnh sửa sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.
Câu chuyện về chiếc liềm móc của Hàn Quốc vượt ra khỏi biên giới và đang được sử dụng ở vùng đất của quốc gia nào đó, là câu chuyện bất ngờ, ít nhất là đối với những thế hệ còn nhớ đến đôi bàn tay cầm liềm của mẹ mình. Liềm móc là công cụ thiết yếu của tất cả nông dân Hàn Quốc ở vùng đất cày ruộng bằng tay. Từ lúc ra đồng vào sáng sớm đến khi chạng vạng, những người mẹ đều không rời tay chiếc liềm móc này. Họ dùng liềm xới đất trồng ngũ cốc, rồi dùng nó cắt cỏ dại che phủ cản trở sự phát triển của những loài cây đó. Họ lại dùng đầu lưỡi liềm cắm sâu vào đất để đào nông sản, và xới tơi đất để đào và lên luống.
Trong lúc dùng liềm móc thì không thể đứng ưỡn thẳng lưng và ngực được. Cầm liềm và đối mặt với bùn đất là công việc đòi hỏi phải cúi người, không dùng sức và hướng xuống mặt đất. Tấm lưng cong của mẹ giống dáng cong của lưỡi liềm vậy.
Dáng cong đó tựa như một vòng tròn đau khổ, nửa muốn gập xuống nửa muốn đứng lên mà không được. Chỉ cần nghĩ đến dáng lưng tròn luôn không ngừng xới đất thì trong lòng tôi lại dâng lên một cảm xúc vô cùng khó tả.
Vì thế từ trước lúc đến lò rèn, tâm trạng của tôi đã vô cùng rối rắm khi biết mình sẽ tiếp xúc với người thợ rèn được mệnh danh là “nghệ nhân liềm móc” có bề dày kinh nghiệm 52 năm này. Ông ấy nhìn thấy gì trong những chiếc liềm móc này nhỉ? Ông suy nghĩ gì khi đập để tạo ra những chiếc liềm. Phải thấu hiểu được nước, lửa, không khí và sắt thì mới có thể làm nên một chiếc liềm móc được, vậy ông đang chấp nhận sống trong thế giới của một người thợ rèn ra sao?
Cách sử dụng liềm móc khác nhau của mỗi người
“Nếu sử dụng như vậy thì đất sẽ được lấp về phía trước… Ông có thể bẻ phần giữa xuống phía dưới không ạ? Phần mũi của lưỡi thì mài cho nhọn hơn nữa ạ.”
Một vị khách vừa chọn hết cái liềm này đến cái liềm kia trên kệ lò rèn vừa hỏi Seok. Vị khách đó yêu cầu uốn cong thêm phần lưỡi hình tam giác và mài nhọn hơn phần mũi của lưỡi. Vốn quen với điều này, Seok cầm lấy chiếc liềm khách chọn và đi đến lò than. Ông nhóm lửa và xoay ống thổi để thông hơi, lửa bắt đầu bùng lên. Sau một hồi quan sát ngọn lửa, ông đẩy chiếc liềm vào trong lò và nói.
“Mỗi người đều có thói quen sử dụng công cụ khác nhau. Dù dùng chung một loại liềm, xới cùng một loại đất nhưng đất có thể lật lên theo hướng khác nhau. Vì thế mà tôi phải sửa những chiếc liềm mới này sao cho phù hợp với cách dùng của khách. Chỗ của tôi khác với các tiệm công cụ bán hàng làm sẵn ở điểm này đấy.”
Ánh mắt chăm chú nhìn ngọn lửa của ông thoáng chút thay đổi, đoạn ông nhanh chóng cầm kẹp gắp chiếc liềm ra khỏi lò. Chiếc liềm sắt nóng đỏ như có lửa đang cháy phừng phừng bên trong vậy. Sau khi đặt lên búa và dùng búa (dụng cụ dùng để luyện sắt) đập vào thân liềm theo nhiều phía. Âm thanh keng keng do búa sắt va vào liềm sắt vang lên, bụi sắt nóng li ti bắn ra xung quanh. Bụi sắt nóng vơi đi, hình dáng của chiếc liềm cũng từ từ thay đổi, vị khách gật gù hài lòng.
Kỹ thuật chớp nhoáng
Thời gian để lửa và sắt hòa quyện vào nhau là thời gian đòi hỏi sự tập trung đến kì lạ. Lần này, Seok lại lấy một khối sắt nhỏ như nắm tay cho vào trong lò và lại quan sát ngọn lửa. Nhiệt độ tan chảy của sắt là khoảng 1.500oC. Đã là thợ rèn thì phải nắm bắt được thời khắc sắt thay đổi hình dạng dễ uốn trước khi tan chảy, và công cụ duy nhất để có thể đọc được nhiệt độ trong chiếc lò than cũ không lắp nhiệt kế này chính là cảm giác.
“Chỉ cần nhìn màu sắt nung trong lửa là biết thôi. Nếu hơi đỏ thì phải nung thêm nữa. Còn khi màu chuyển đỏ như ánh trăng thì quá cứng. Lúc đó phải chờ đến lúc nó chuyển sang màu trắng như ánh mặt trời, nhưng nếu quá trắng thì sắt sẽ tan thành nước. Vậy thì không dùng được nữa.”
Trước khi tôi kịp hiểu về cảm giác đỏ như trăng và trắng như mặt trời mà Seok No-gi vừa nói thì ông lại bắt đầu công việc đập sắt. Lần này ông không dùng chiếc búa thủ công đập vào sắt mà dùng “búa rèn công nghiệp”. Đây là một thiết bị rèn sắt tự động di chuyển lên xuống theo thời gian giãn cách nhất định. Seok đặt khối sắt nóng vào dưới chiếc máy rồi thực hiện thao tác tạo hình. Nhịp đập của máy cùng với nhịp tay lật trở các mặt của khối sắt khớp nhau một cách tuyệt vời. Chiếc lưỡi dài hình tam giác của liềm dần hiện ra theo từng nhịp đập búa, phần đuôi lưỡi thuôn dài uốn lượn tạo thành bộ phận nối cán và chuôi liềm vào nhau. Ông tiếp tục nung và đập lại lần nữa, gọt giũa hình dáng và đường cong thật tỉ mỉ, vậy là đã hoàn thành lưỡi của liềm.
“Ở những xưởng đúc, người ta sản xuất sản phẩm bằng cách đổ sắt nóng chảy vào khuôn có sẵn. Nhưng lò rèn thì hoàn toàn khác. Phải nung sắt trực tiếp trong lò, đập rồi kéo để tạo thành hình dáng thì mới hoàn thành được sản phẩm.”
Dù ông chỉ nhắc đến bước “đập” nhưng thực ra trong bước ấy phải thực hiện cùng lúc nhiều công việc. Vừa kiểm soát ngọn lửa để tạo hình sắt và xử lý thông hơi, vừa phải điều chỉnh cấu trúc bên trong của sắt.
“Vì tôi đốt lò bằng cách thổi lửa nên khi sắt nóng sẽ xuất hiện các lỗ khí. Đập là để lấp đầy các lỗ khí đó, cũng như làm đều mật độ của sắt. Vậy nên các lò rèn xưa thường đập đến cả trăm cả nghìn lần đấy. Nhưng do tôi sử dụng máy từ sớm nên không cần đập nhiều nữa.”
Bước đập là cơ sở để kiểm soát được sắt. Dù có kinh nghiệm nhiều đến mấy, ông cũng không thể nào phân biệt được sắt thô bằng mắt thường được.
Đập và tôi sắt
“Sắt là kim loại mà phải nung trong lửa rồi đập thì mới biết được độ cứng của nó ở mức nào. Có nhiều loại sắt trông có vẻ giống nhau nhưng lại khác tính chất. Sắt cũng nhiều loại, như gạo vậy, có loại rất cứng nhưng dễ gãy. Ngược lại, có loại vừa cứng lại vừa dẻo. Loại đó thường hay được dùng để làm lưỡi hái hay xẻng.”
Seok cho biết vật liệu để sản xuất liềm móc của ông là từ nhíp của ô tô, ông giải thích:
“Tôi sử dụng thép. Thường thì các thợ rèn khác ít sử dụng thép lắm. Bởi vì thép giòn và cứng nên khó uốn hơn sắt mềm. Nhưng sắt mềm thường hay bị cuốn ở phần mép nên tôi không thích lắm. Tức là lẽ ra phải thẳng như lưỡi dao, nhưng dùng sắt này thì nó cứ cuốn tròn lại. Nếu cứ dùng loại sắt này thì sẽ mất uy tín của tôi mất. Sửa chúng có được không à? Ngày xưa liềm móc được làm rất nặng và dày. Một cái liềm nặng đến 500g nên chỉ cần nung nóng phần mũi là có sắt để sửa cái liềm đó rồi. Nếu không có sắt thì có thể dùng sắt khác để gắn vào cũng được. Nhưng ngày nay, khách hàng chuộng các loại công cụ nhẹ hơn tầm 200~300g , liềm móc phải làm mỏng hơn nên không có sắt để sửa nữa.”
Theo Seok No-gi, đối với các thợ rèn, giai đoạn quyết định chất lượng sản phẩm chính là bước “tôi sắt”. Đây là công đoạn ngâm sắt nóng vào trong nước lạnh rồi nhanh chóng lấy ra. Triết gia người Pháp Gaston Bachelard đã ví công việc tôi sắt là việc “dùng nước lạnh để giam cầm ngọn lửa dã thú vào trong ngục thép, nhưng Seok lại cho rằng tôi sắt là công việc không thể diễn tả hết bằng lời. Tùy theo tính chất, độ dày, nhiệt đột và trạng thái của sắt mà đôi khi chỉ cần tôi trong vòng một giây, đôi khi lại cần nhiều thời gian hơn. Kỹ thuật này quyết định độ cứng của sắt, còn được gọi là “vinh quang của thợ rèn”, vì thế trong các lò rèn xưa, nhiều người thợ đã lặng lẽ tôi thép một mình trong đêm. Để dung hòa được hai cực nước và lửa để có được phần sắt tốt nhất quả thực không dễ dàng.
Seok chỉ cách sử dụng kẹp để đưa lưỡi liềm vào và ra khỏi lò, dùng búa để đập kim loại nóng lên cái đe.
Người thợ nói phần khó nhất trong công việc của ông là chịu đựng làm việc vất vả ngày qua ngày; những ngón tay chai sần chứng tỏ cuộc sống khó khăn của ông.
Cuộc chiến với bản thân
Bước tôi sắt được thực hiện bằng cách ngâm sắt nóng vào trong nước lạnh. Thợ rèn cần phải dày dặn kinh nghiệm và kỹ năng quan sát tốt để thực hiện bước này, đây là bước quyết định độ cứng của kim loại.
Seok No-gi biết đến lò rèn vào mùa xuân năm ông mười ba tuổi. Ông đến để giúp việc cho anh rể đang làm thợ rèn. Thời điểm đó cuộc sống vô cùng khó khăn, nếu như vay một túi gạo lúa mì vào mùa xuân thì phải trả một túi gạo trắng vào mùa thu. Seok đã không từ nan bất cứ công việc gì, miễn sao có được thù lao từ các công việc ấy. Nhưng con đường để trở thành thợ rèn thì không hề dễ.
“Ở lò rèn, thợ phải nhanh chóng tạo hình sản phẩm trước khi sắt nguội. Cho dù bụi sắt có rơi xuống tay cũng không có thời gian để phủi. Vì nếu nguội phải nung lại từ đầu. Lúc tôi học việc vào năm mười mấy tuổi, sắt văng ra bắn vào mắt. Tôi dùng tay đeo găng để dụi lấy ra thì găng tay dính đầy máu. Thử che mắt còn lại để xem có nhìn được hay không. Vẫn ổn lắm. Miễn không rơi mắt ra là được, tôi nghĩ vậy và tiếp tục làm việc thôi.”
Theo ông, ngọn núi khó vượt qua nhất trong nghề này là gì? Kỹ thuật khó, con người, hay kiếm tiền? Tôi hỏi và tự đưa ra nhiều đáp án nhưng ông lại chọn “chịu đựng và nhẫn nại.”
“Tôi từng ước rằng mình có thể rong chơi trong hai tháng hè, thậm chí là một tháng thôi mà vẫn sống được. Tôi cũng tự hỏi tại sao những người làm việc khác thì ăn no sống tốt, còn mình sao cứ phải sống khổ sở trước ngọn lửa thế này. Sau khi mua được nhà thì suy nghĩ đó của tôi càng lớn hơn nên tôi định mở cửa hàng nhỏ để bán thuốc lá đấy. Nhưng khi bắt tay làm thực sự thì tôi không đủ tự tin kiếm sống bằng nghề đó. Tôi chỉ tự tin kiếm tiền bằng cách lao động trong lò rèn như ngày nay thôi…”
Mặc dù thời gian mà Seok đấu tranh với bản thân để sống với nghề thợ rèn rất dài, nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, các lò rèn Hàn Quốc lại rơi vào thời kì tăm tối. Do cơ giới hóa, nhu cầu về nông cụ giảm đi rất nhanh, nông cụ Trung Quốc giá rẻ cũng tràn vào thị trường. Lối thoát duy nhất cho ông chính là những chiếc liềm móc thủ công do ông làm ra.
“Chúng ta thường nghĩ trong một nghìn cái liềm móc làm ra thì ít nhất cũng sẽ lẫn một cái kém chất lượng. Tôi không chấp nhận điều đó. Với tôi là một phần nghìn, nhưng với khách hàng là 100%. Vì không khách hàng nào mua đến hai cái liềm móc để dùng cả.”
Đà suy tàn của lò rèn vừa qua, Seok No-gi liền tìm được kênh tiêu thụ cho liềm móc của mình.Thời điểm mà mọi việc đều dựa vào đôi bàn tay ấy, ông quyết định dứt khoát mua chiếc máy cắt sắt có giá ngang với một căn nhà, và gặp được người quen giúp ông bán hàng qua internet.
“Tôi bán hàng trên internet được khoảng mười năm rồi. Có người kể là liềm móc của tôi cũng được mang lẻ tẻ sang Mỹ. Nhu cầu cứ thế tăng dần, và người này đồn người kia, rồi đến được Amazon. Việc này không phải ngày một ngày hai mà có. Bây giờ hàng của tôi xuất sang cả Úc, dạo này hình như ngày nào tôi cũng có tin vui. Nhưng tôi sản xuất không kịp đơn hàng đâu… không có bạn trẻ nào muốn đến đây học nghề. Tôi cũng có hai ba thợ phụ, nhưng vì họ đã luống tuổi nên không thể đoán trước được tháng này hay tháng sau họ sẽ nghỉ việc nữa. Tôi cũng càng ngày càng mất sức. Có lẽ tôi là thế hệ cuối cùng làm thợ rèn ở Hàn Quốc rồi.”
Người đàn ông sống cả đời chính trực với lửa và sắt này khiến tôi lại nhớ đến hình ảnh người mẹ cầm liềm. Hơi thở nóng hổi của người thợ rèn khi đập sắt nung đỏ, cũng như hơi thở não nề của mẹ khi hàng năm đều phải thay lưỡi liềm xới đất bị cùn như lướt nhanh qua tôi.
Cuộc đời chính trực
Được chọn vào Top 10 những sản phẩm làm vườn tốt nhất (Amazon’s choice) trên trang mua hàng Amazon, chiếc liềm móc đã giúp cho tên tuổi của Seok No-gi nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới.
Seok No-gi cười và khép lại chuyện đời đã qua của mình bằng vẻ mặt hài lòng pha lẫn tiếc nuối.
“Sau năm mười ba tuổi, tôi sống không phụ thuộc vào bố mẹ nữa, 43 năm trước, tức là 23 tuổi, tôi mở lò rèn Youngju ở vị trí này. Sau đó, tôi lập gia đình, mua được một căn nhà, sinh được ba con. Tất cả các con tôi đều học đại học hệ bốn năm đấy.Vợ chồng tôi từ xưa đến giờ chưa bao giờ vay mượn người khác. Lúc nhỏ không được học hành nên tôi không ước mình làm tướng, bác sĩ hay thẩm phán. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu mình không hơn người khác thì cũng phải sánh ngang với họ, không được tụt lại phía sau, vậy nên tôi luôn tâm niệm phải sống thật chăm chỉ. Giờ được vậy, tôi cũng hài lòng. Tôi nghĩ mình đã sống tốt.”
Ông nói thêm về việc tự lập trong thế giới đen tối này, nơi mà chúng ta luôn khao khát những gì mà người khác cũng mong muốn.
“Có lẽ đứng trước lửa lâu nên thị lực của tôi rất tốt. Tuổi này rồi nhưng tôi vẫn chưa cần mang kính nhé.”
Đôi mắt được thắp sáng bởi sức mạnh của ánh lửa của Seok No-gi trông như ánh trăng, hay ánh mặt trời nhỉ? Tôi chăm chú quan sát ông ấy, thân hình thấp nhưng rắn rỏi, nét mặt mềm mại nhưng cương nghị. Khi say sưa kể về chuyện cũ, chất giọng the thé của ông đẩy lên mức cao nhất, những ngón tay đã tạo hình vô số chiếc liềm móc cong như phần cổ của chúng vậy. Người đàn ông sống cả đời chính trực với lửa và sắt này khiến tôi lại nhớ đến hình ảnh người mẹ cầm liềm. Hơi thở nóng hổi của người thợ rèn khi đập sắt nung đỏ, cũng như hơi thở não nề của mẹ khi hàng năm đều phải thay lưỡi liềm xới đất bị cùn như lướt nhanh qua tôi. Đột nhiên tôi hiểu được lý do vì sao tôi không thể dễ dàng rời mắt và không bận tâm đến chiếc kệ xếp đều những nông cụ trong lò rèn kia.
Kang Shin-jaeCộng tác viên tự do.
Ha Ji-kwonẢnh.
Nguyễn Xuân Thùy LinhDịch.