“One-room , two-room , phòng trọ sinh hoạt tự do, phòng trọ đầy đủ nội thất, phòng one-room mới xây, cho thuê one-room…”
Những tờ rơi dán trên tường trong các ngõ hẻm, trên cột điện, hàng cây dọc các đại lộ, các trạm chờ xe buýt quanh khu làng đại học bay phấp phới trong gió. Thế nhưng, người đi đường bịt kín khẩu trang đi qua không ai mảy may quan tâm. Xung quanh làng đại học giờ đây chỉ tràn ngập sự đìu hiu, vắng lặng.
Khi đại dịch COVID-19 kéo dài, dịch vụ cho thuê phòng trọ quanh các trường đại học gặp nhiều khó khăn. Trường học hoàn toàn vắng bóng sinh viên do đã chuyển sang hình thức học tập trực tuyến khiến nhu cầu tìm phòng trọ “one-room” quanh làng đại học giảm xuống đáng kể, thậm chí chững lại. Du học sinh Trung Quốc đã về nước từ lâu, sinh viên tỉnh lẻ thuê phòng giờ cũng bắt đầu rời đi. Trong khi chờ sinh viên quay lại học tập trung, giá phòng tại các khu vực này đồng loạt giảm mạnh.
© Ahn Hong-beom
Trước đây, đa số sinh viên từ các vùng khác đến học đều chọn hình thức ở trọ gần trường và đóng tiền ăn cho chủ nhà. So với việc chỉ thuê phòng trọ và phải tự nấu nướng, lo liệu mọi thứ thì hình thức này có lợi ích hơn về nhiều mặt. Nhờ các bà, các cô chủ nhà, mỗi khi đến bữa, các em vẫn có thể ăn những mâm cơm nóng hổi với đầy đủ món ăn kèm dù phải sống xa gia đình nơi đất khách. Nhiều chủ nhà tốt bụng còn giặt giũ và dọn dẹp phòng ốc giúp các em. Sống trong sự chăm sóc như vậy, các sinh viên cảm thấy bớt cô đơn, được an ủi phần nào nỗi buồn xa nhà và thường thân thiết với bạn cùng nhà trọ như anh em ruột thịt. Hình thức ở trọ, đóng tiền ăn cho chủ nhà như trên là biểu hiện của việc giữ gìn giá trị tình cảm và tinh thần tập thể bắt nguồn từ lối sống trong gia đình nhiều thế hệ, vốn là đặc trưng của văn hóa nông nghiệp xa xưa.
Thế nhưng, những hình ảnh này dần dần chỉ còn trong ký ức. Sau thập niên 1980, khi số lượng các trường đại học và sinh viên gia tăng nhanh chóng trên toàn Hàn Quốc, dịch vụ thuê trọ và đóng tiền ăn cho chủ nhà, sống chung như một gia đình đã không thể đáp ứng hết nhu cầu lớn. Thêm vào đó, cuộc sống riêng tư của cá nhân được ưu tiên hơn lối sống tập thể kiểu gia đình trong xã hội, số lượng hộ gia đình một người gia tăng nhanh chóng dẫn đến hiện tượng các tòa nhà xây mới với tất cả phòng đều là “one-room” dần mọc lên xung quanh các trường đại học. Và như vậy, mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa chủ nhà trọ và sinh viên trước đây đã chuyển sang mối quan hệ giữa người cho thuê và người đi thuê. Không những thế, thời gian gần đây, việc giãn cách xã hội do COVID-19 đã làm mất đi “sức trẻ” ở các khu “one-room” quanh trường đại học.
Một ban công nhỏ nhìn về hướng nam, một góc bếp tối giản, một phòng tắm hơi chật nhưng gọn gàng sạch sẽ, tủ quần áo âm tường, bàn học và một chiếc giường nhỏ… căn phòng “one-room” từng chứa đựng biết bao ước mơ, nhiệt huyết và cả nỗi niềm ưu tư của tuổi trẻ giờ trở nên trống vắng, chỉ còn hắt những vệt nắng hè chói chang. Mùa thu tới, khi học kỳ mới bắt đầu, liệu chủ nhân mới với hành trang hy vọng trên vai có đến thuê phòng hay không?