Gần đây, các nền tảng phát sóng dường như đang cạnh tranh để đưa đến khán giả các chương trình hẹn hò thực tế, và xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian. Hiện tượng này được hiểu là sự thỏa mãn gián tiếp về khoảng cách giữa lý tưởng và hiện thực trong yêu đương, hôn nhân mà xã hội Hàn Quốc đang đối mặt.
Áp phích chương trình “Quá cảnh tình yêu 2”, các cặp đôi đã chia tay nay cùng sống chung một nhà để nhìn lại mối tình đã qua, đối mặt với mối quan hệ mới và tìm thấy tình yêu của riêng mình; áp phích chương trình “Địa ngục độc thân” - chương trình thực tế hẹn hò chân thật và nóng bóng diễn ra tại “Đảo địa ngục”, người chơi phải gặp gỡ và bắt cặp với nhau tại một hòn đảo hoang vu rồi mới được rời đi.
© CJ NEWROOM, ⓒ Netflix
Khi phân tích các chương trình đã và đang được phát sóng hiện nay, cũng không quá lời nếu nói rằng các chương trình hẹn hò thực tế đang chiếm ưu thế. Năm 2021, khi “Quá cảnh tình yêu” (Transit Love) và “Địa ngục độc thân” (Single's Inferno) gặt hái được thành công lớn trên nền tảng OTT, các chương trình hẹn hò thực tế bắt đầu ào ạt như nước tràn hồ. Chỉ tính riêng những chương trình được phát sóng vào năm 2022 cũng nhiều đến mức khó để liệt kê hết như “Người săn bắt tình yêu ở Bali” (Love Catcher in Bali), “Quá cảnh tình yêu 2” trên TVING; “Tôi là SOLO” (I'm SOLO), “Địa ngục độc thân 2” trên Netflix; “Búp bê độc thân” (Doll Singles), “Người đàn ông của anh ấy” (His Man), “Người đồng tính vui vẻ” (Merry Queer), “Tiếng vỗ tay báo hiệu tình yêu!” (Love Alarm Clap! Clap! Clap!) trên Wavve...
Hai chiếc cánh của hẹn hò thực tế Hàn Quốc
Chương trình giải trí “Tiếng vỗ tay báo hiệu tình yêu!”. Một phiên bản live-action của webtoon dựa trên bối cảnh người chơi đổ chuông báo thức nếu người họ thích đang di chuyển xung quanh trong bán kính 10m.
© wavve
Trong số các chương trình này, nhân tố chủ chốt tạo nên cơn sốt hiện tại chắc chắn là sê-ri “Quá cảnh tình yêu” và “Địa ngục độc thân”. Cùng với mùa phát sóng đầu tiên, mùa 2 cũng tiếp tục tạo ra những cơn sốt, tất cả đều được phát sóng trên nền tảng có tên OTT với những thử thách mà sóng truyền hình chưa thể truyền tải trong thời gian qua. Đó là bởi nền tảng OTT được phép tự do phát sóng các chương trình, miễn sao có giới hạn độ tuổi người xem.
Sự thật là hầu hết các chương trình hẹn hò thực tế của Hàn Quốc trong thời gian qua đều chỉ dừng lại ở mức giao lưu tình cảm như việc xem một bộ phim lãng mạn. Nếu các chương trình trước đây chỉ thể hiện quá trình yêu đương thông thường của nam nữ lần đầu gặp gỡ, thì trong “Quá cảnh tình yêu”, các cặp đôi đã chia tay nhau cùng sinh hoạt trong một không gian rồi “đổi chuyến” để hẹn hò với một người khác hoặc “quay lại” với hiện thực đã chia tay. Đây là chương trình có mức độ kích thích cảm xúc cao khi người tham gia phải chứng kiến ngay trước mắt cảnh người yêu cũ thân thiết với một người khác không phải mình - một nội dung mà các phương tiện truyền thông hiện nay ngay cả thử nghiệm cũng khó để làm. Ngoài ra, sê-ri “Địa ngục độc thân”, gây chấn động không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở nước ngoài thông qua Netflix khi nâng cấp độ hở hang và sự tiếp xúc cơ thể đến mức được gọi là “phiên bản Hàn Quốc” của “Sự cám dỗ nóng bỏng” (Too Hot to Handle). Chương trình độc đáo ở chỗ các chàng trai cô gái sau khi gặp nhau ở đảo Địa Ngục, nếu họ chọn bắt cặp được với nhau thì sẽ cùng qua đêm trên đảo Thiên Đường. Không chỉ giao lưu về mặt tình cảm, chương trình còn cố ý để lộ thân hình gợi cảm, cho thấy sự tiếp xúc cơ thể của nam nữ mà không hề được cắt gọt. Hai chương trình này đã tạo ảnh hưởng lớn đến thực tế tình yêu của Hàn Quốc.
Đáng ngạc nhiên là tất cả những điều này là hiện tượng nở rộ chỉ trong vòng một năm. Các chương trình hẹn hò cùng với sự ra đời của một nền tảng mới mang tên OTT đã chắp cánh và mở chiếc hộp Pandora từ lâu đã bị đóng kín về các khía cạnh, đề tài, vị trí và sự kích thích. Với đôi cánh “Quá cảnh tình yêu” và “Địa ngục độc thân” dang rộng, chương trình thực tế hẹn hò đang mở ra một thế giới mới cho ngành giải trí Hàn Quốc.
Những biến đổi của gameshow hẹn hò
Trong quá khứ không phải là không tồn tại các gameshow hẹn hò. Việc tập trung vào văn hóa hẹn hò quen thuộc như mai mối, xem mặt, gặp gỡ, hẹn hò trong “Chiếc hộp tình yêu” (Love Studio) của đài MBC (1994-2001) trong đó những người bình thường trò chuyện tại trường quay rồi chơi trò chơi và lựa chọn đối phương mà họ thích, là một hình thái đơn giản nhưng đã gây sức chú ý lớn vào thời điểm đó. Tuy nhiên, khi người xem bắt đầu có nhu cầu đối với những chương trình mang tính giải trí, thì đến đầu những năm 2000, các gameshow này đã được chuyển thể thành các chương trình giải trí về hẹn hò có sức hút cao với sự tham gia của các nghệ sĩ thay vì những người bình thường.
Vào thời kì này, các chương trình thực tế đã trở nên phổ biến tại nước ngoài khi tiết lộ ở mức độ cao hơn về cuộc sống riêng tư của những người chơi bình thường, nhưng Hàn Quốc không thể theo xu hướng này bởi những hạn chế của truyền hình phát sóng mặt đất. Chương trình thực tế của nước ngoài bắt đầu được tiếp nhận bằng cách điều chỉnh ở mức độ phù hợp với tâm lý của người Hàn Quốc. “Chúng ta đã kết hôn” (We Got Married) của đài MBC phát sóng năm 2008 là một ví dụ tiêu biểu. Đây là một chương trình cho thấy cuộc sống hôn nhân ảo trong đó những người nghệ sĩ xuất hiện thay vì những người bình thường. Chương trình đã được phát sóng cho đến mùa 4 vào năm 2017, đồng thời cũng là lúc kỷ nguyên của các chương trình thực tế được mở ra trong ngành phát thanh truyền hình.
Các chương trình truyền hình thực tế đã đi theo một khuôn mẫu không kích thích cho lắm với tên gọi “camera quan sát” cho đến năm 2011, chương trình “Cặp đôi” (Partner) xuất hiện trên SBS. Trong chương trình, các chàng trai và cô gái cùng sống trong một không gian đặc biệt có tên “Ngôi làng Tình yêu” và sẽ lựa chọn để ghép đôi với nhau. Nội dung này đã trở thành nguyên mẫu cho một loạt các chương trình hẹn hò thực tế thịnh hành hiện nay. Khi bị chỉ trích vấn đề phơi bày quá mức đời sống riêng tư của người tham gia, các chương trình này đã phải tạm dừng một thời gian. Sau đó, vào năm 2017, các chương trình thực tế hẹn hò đã được phát triển theo khuôn mẫu của “Tín hiệu trái tim” (Heart Signal), trong đó các câu chuyện tình yêu sẽ được kể như trong các bộ phim truyền hình lãng mạn. Hiện tại với ba yếu tố là sự phát triển của các chương trình thực tế với sự tham gia của những người bình thường, sự đa dạng trong đường hướng sản xuất, và sự ra đời của nền tảng mới OTT đã thúc đẩy sự xuất hiện của những chương trình như “Quá cảnh tình yêu” và “Địa ngục độc thân”.
Khoảng cách giữa gameshow hẹn hò và tình yêu, hôn nhân trong thực tế
“Người theo đuổi tình yêu” là một trò chơi tâm lý hẹn hò thực tế, trong một không gian nơi sự thật và dối trá cùng tồn tại, người theo đuổi tình yêu sẽ tránh người theo đuổi vật chất để tìm thấy tình yêu đích thực, người theo đuổi vật chất quyến rũ người theo đuổi tình yêu để giành tiền thưởng.
ⓒ CJ NEWROOM
Cơn sốt của các chương trình thực tế về hẹn hò khiến ta tưởng rằng những người trẻ đang rất hứng thú với việc hẹn hò và kết hôn, nhưng hiện thực lại trái ngược hoàn toàn. Tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc ngày càng suy giảm nhanh chóng. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, số cặp đăng ký kết hôn vào năm 2011 là 329.087 cặp, năm 2021 là 192.507 cặp, giảm 134.566 cặp (41,6%) so với 10 năm trước. Có thể đây là do tác động của dịch COVID-19, nhưng nhìn chung, tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc đang giảm vẫn là một sự thật.
Đặc biệt đối với thế hệ trẻ, ngày càng có nhiều người từ bỏ việc hẹn hò, kết hôn và sinh con. Với họ, chỉ có thể hẹn hò, kết hôn và sinh con khi đã có kinh tế dư giả ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, tại một nơi mà sự cạnh tranh việc làm trở nên khốc liệt như xã hội Hàn Quốc hiện nay, những người trẻ còn chật vật trong việc nuôi sống bản thân, nên hẹn hò hay hôn nhân đều là gánh nặng đối với họ. Chính vì vậy, cơn sốt các chương trình thực tế hẹn hò ở Hàn Quốc có thể cho thấy nhu cầu được thỏa mãn gián tiếp của những người gặp khó khăn trong việc hẹn hò, yêu đương ngoài đời thực.
Hơn nữa, ta có thể nhận ra được những thay đổi gần đây trong quan điểm về tình yêu của giới trẻ Hàn Quốc nếu xem các chương trình thực tế về hẹn hò đang nở rộ trong một năm qua. Có thể thấy, so với các thế hệ trước đây, người trẻ hiện nay cởi mở hơn trong cách thể hiện tình yêu, trong việc tiếp xúc cơ thể, sống thử, thậm chí vẫn duy trì mối quan hệ sau khi chia tay. Ngoài tình yêu giữa hai giới, cũng có nhiều người thừa nhận sự đa dạng của tình yêu, chẳng hạn như song tính luyến ái của người thuộc giới tính thứ ba.
Mặt khác, nếu nhìn từ quan điểm của K-content thì tình yêu vốn dĩ đã là đề tài có vị trí trọng tâm. Không chỉ các chương trình thực tế hẹn hò đang bùng nổ như nước tràn hồ hiện nay, mà các bộ phim K-drama thuộc thể loại hài lãng mạn cũng đang rất được yêu thích ở nước ngoài chính là minh chứng cho điều này. Quả thật, vì lý do văn hóa hoặc tư tưởng, các chương trình thực tế về tình yêu của Hàn Quốc bị hạn chế hơn so với những chương trình ở nước ngoài đã bắt đầu trước đó. Tuy nhiên, người ta kỳ vọng rằng nó sẽ đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu cùng với những bộ phim hài lãng mạn dựa trên sự nhạy cảm độc đáo của người Hàn Quốc, những người có thể nắm bắt một cách tinh tế cảm xúc của con người.