“Next Sohee” (2023) đã được chọn trình chiếu tại Lễ bế mạc Tuần lễ Phê bình trong khuôn khổ Liên hoan phim Cannes lần thứ 75 vào năm ngoái. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc được chọn. Bộ phim đề cập những vấn đề về lao động thanh niên bị che giấu trong xã hội một cách sâu sắc và được đánh giá là đã khơi gợi sự đồng cảm giữa các quốc tịch và thế hệ.
Bộ phim “Next Sohee” thu hút sự quan tâm vì dựa trên câu chuyện có thật về những gì một nữ sinh trung học phổ thông thực tập ở một Tổng đài đã trải qua. Như tên gọi của mình, bộ phim mong muốn nhận được sự chú ý đến các Sohee tiếp theo đang ở một nơi nào đó chứ không chỉ dừng lại ở nhân vật chính Sohee.
© TWINPLUS PARTNERS INC.
Khi những dòng danh đề kết thúc “Next Sohee” (tạm dịch Sohee tiếp theo) - bộ phim bế mạc Liên hoan phim Cannes lần thứ 75 vừa được chiếu lên, tất cả khán giả đã lau nước mắt và đứng lên vỗ tay nhiệt liệt trong hơn bảy phút. Vừa bước ra khỏi rạp, nhìn thấy các phóng viên Hàn Quốc đứng ở cửa nhà hát, các khán giả tiếp tục hướng về camera và vui vẻ vỗ tay chúc mừng. Một số người còn đưa ngón tay cái lên và hét lên “Số 1”. Sau buổi chiếu, việc khán giả đứng lên vỗ tay bên trong rạp chiếu phim là chuyện thường xảy ra tại các liên hoan phim, tuy nhiên phản ứng tiếp diễn đến tận bên ngoài rạp chiếu phim là khá hiếm.
Đạt được sự đồng cảm của thế giới
Sự hưởng ứng của khán giả dành cho bộ phim nồng nhiệt hơn rất nhiều so với các suất chiếu phim Hàn Quốc khác như “Quyết tâm chia tay” (Decision To Leave, 2022) và “Người môi giới” (Broker, 2022) vốn cũng được mời vào hạng mục tranh giải thời điểm đó.
Nhà báo Pháp Emmanuel cho biết “Tôi thấy đau lòng quá. Đây quả thật là một tác phẩm rất, rất hay”, cô nói mà không thể hết câu vì cứ chực khóc. Còn Elly đến từ Bỉ nói: “Liệu người châu Âu xem bộ phim này có cảm nhận khác với người Hàn Quốc không? Không đâu. Khi tôi xem bộ phim này, tôi có những cảm nhận giống các bạn. Chúng ta kết nối với nhau qua những bộ phim như thế này.”
Đó là khoảnh khắc mà con người thời hiện đại thấy đồng cảm với bi kịch riêng dẫn đến quyết định tự tử của một học sinh Hàn Quốc trong quá trình làm nhân viên tổng đài.
Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật
Sohee làm việc tại tổng đài trong chương trình thực tập. Cô bé phải tạo nên “sự tử tế” với khách hàng, chịu đựng và vượt qua “sự hổ thẹn” của mình và cuối cùng phải tự học cách “vô cảm” trong bất cứ tình huống nào để đạt được thành tích cao.
© TWINPLUS PARTNERS INC.
Nỗi vui mừng lúc khoe đã trở thành nhân viên văn phòng cũng chỉ thoáng qua, cô gái tươi tắn thích nhảy múa ngày nào dần bị hủy hoại.
ⓒ TWINPLUS PARTNERS INC.
Trong số các trường trung học phổ thông ở Hàn Quốc, có những trường nhằm mục đích hướng học sinh học tiếp lên đại học và những trường dạy nghề chủ yếu đào tạo học sinh đi làm. Thực tập tại hiện trường là chế độ trong đó học sinh các trường dạy nghề này làm việc tại doanh nghiệp theo hình thức tương tự như thực tập, và doanh nghiệp cộng điểm cho các em khi tuyển dụng hoặc công nhận kinh nghiệm làm việc. Về phía các trường, việc gửi thật nhiều học sinh đến các doanh nghiệp và tăng tỷ lệ có việc làm giúp trường được công nhận thành tích và được phân bổ ngân sách.
Đáng buồn thay, một số trong những học sinh này bị tai nạn nghề nghiệp trong điều kiện làm việc tồi tệ hoặc thậm chí tự tử trong trường hợp nghiêm trọng. Vào tháng Giêng năm 2017, thi thể lạnh lẽo của A, một nữ sinh lớp 12 trường dạy nghề được tìm thấy trong một hồ chứa nước ở Jeonju. A là thực tập sinh tại tổng đài chăm sóc khách hàng là thầu phụ của một tập đoàn lớn, nơi cô làm việc là bộ phận “phòng ngự” các khách hàng muốn hủy thuê bao internet. Cô thường xuyên phải làm việc đến tận khuya, đối phó với đủ loại khiếu nại và những lời chửi bới của khách hàng ở đầu dây bên kia nhưng lại nhận lương thấp hơn mức đã ký hợp đồng chỉ vì lý do không phải là nhân viên chính thức. A nói với bạn “Mình không thể chịu đựng được nữa” rồi gieo mình vào hồ chứa nước lạnh ngắt. Đây là câu chuyện có thật được sử dụng làm chất liệu cho bộ phim “Next Sohee”.
Đạo diễn Jung July biết đến câu chuyện qua một chương trình phim tài liệu thời sự trên tivi và quyết tâm đưa thành phim sau khi theo dõi và thấy những cái chết tương tự vẫn lặp lại sau đó. Tác động xã hội sau khi bộ phim được phát hành tại Hàn Quốc không hề nhỏ. Cuối cùng, vào tháng 3 năm nay, “Dự thảo sửa đổi một phần Luật Thúc đẩy Giáo dục và Đào tạo nghề” hay còn được gọi là “Luật Phòng ngừa Sohee tiếp theo” đã được Quốc hội thông qua. Luật sửa đổi này áp dụng các điều khoản về cấm cưỡng bức lao động và cấm chèn ép tại nơi làm việc theo Luật Tiêu chuẩn Lao động cho cả các thực tập sinh.
Một bộ phim mô tả chân thực
Cảnh sát Oh Yoo-jin, người đã qua lại giữa tổng đài và nhà trường để thực hiện cuộc điều tra đơn độc cảm thấy bức bối về một hiện thực không thể thay đổi thay vì cảm thấy nhẹ nhõm mỗi khi gặp những người có thể cung cấp manh mối về cái chết của Sohee.
© TWINPLUS PARTNERS INC.
Nội dung “Next Sohee” được chia thành phần một và phần hai. Nếu như phần một vẽ nên câu chuyện có thật được giới thiệu ở trên theo lối diễn đạt của phim tài liệu thì phần hai chứa đựng mong muốn có được dù chỉ một người lớn bên cạnh bảo vệ Sohee vào thời điểm đó.
Phần một không chỉ đơn giản được xây dựng theo bố cục đối đầu kiểu công ty bóc lột người lao động. Cũng như xã hội hiện đại thế kỷ XXI trên thực tế là như vậy, các vấn đề bao giờ cũng phức tạp hơn và khó giải quyết hơn. Trong phim, trưởng nhóm, một người quản lý cấp trung, buộc các tư vấn viên phải đạt được thành tích nhưng bản thân anh ta cũng chả khác nào bị dồn vào những tình huống vô nhân đạo. Khi nhân vật chính Sohee đạt được thành tích và chỉ tiêu của công ty được nâng lên, sự thù địch bắt đầu nảy sinh giữa các đồng nghiệp. Sohee, người nghèo hơn cả người bạn nghèo của mình, khi than thở về việc thân phận ai đáng thương hơn đã vô tình làm tổn thương nhau.
Như vậy, “Next Sohee” đi sâu vào mâu thuẫn về mặt cấu trúc của một xã hội cạnh tranh, trong đó những người yếu thế buộc phải xung đột với nhau dù đó không phải là lỗi của họ. Bộ phim phản ánh rộng rãi mặt tối của xã hội hiện đại, nơi lỗi bắt nguồn từ bên trên nhưng những người bên dưới lại trở nên xung đột với nhau để không bị rơi xuống đáy sâu hơn nữa. Ví dụ cho việc này là sự bất hòa nảy sinh giữa những người khuyết tật biểu tình yêu cầu quyền di chuyển trong một xã hội thiếu hạ tầng giao thông công cộng dành cho họ và những người lao động không khuyết tật vì họ mà bị đi làm muộn. Hoặc như trong một xã hội mà mức lương tối thiểu giờ không bao giờ là đủ sống, chính mức lương này là nguyên nhân khiến các chủ cửa hàng tiện lợi oằn lưng vì gánh nặng lãi suất cho vay và nhân viên bán thời gian ngày ăn thậm chí không đủ ba bữa trở nên quay lưng lại với nhau. Hay là sự rạn nứt tình đoàn kết giữa những người lao động bị sa thải vì lý do tái cơ cấu và những người lao động thay thế họ...
So với phần một, phần hai mang tính đối đầu hơn. Và phải như thế. Cảnh sát hình sự Oh Yoo-jin, người điều tra vụ tự tử của Sohee, dần dần bước vào một cuộc chiến đấu đơn độc khi tiếp cận thực tế của sự thể. Cô tin rằng nếu các biện pháp thích hợp được thực hiện kịp thời thì đã có nhiều cơ hội ngăn cản cái chết của cô gái trẻ này. Do đó, Oh quyết tâm không thể để cho bi kịch của một “Sohee tiếp theo” nào xảy ra nữa. Một Oh Yoo-jin hừng hực như vậy mỗi khi đi tìm và truy hỏi những người đã gây nên lỗi lại chỉ nhận được câu trả lời với ý đại thể là “nếu không đạt đủ chỉ tiêu thì chúng tôi cũng chết”. Từ công ty nơi Sohee làm việc, công ty giao thầu lại cho công ty ấy, cho đến ngôi trường giới thiệu đó là một tập đoàn lớn và là nơi làm việc tốt hay sở giáo dục quản lý ngôi trường ấy... Điều này có nghĩa là những vấn đề trước mắt chúng ta không được xem là lỗi của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào. Cốt truyện của bộ phim thể hiện cái nhìn sâu sắc rằng những điều sai lầm thường diễn ra ở tầm lớn hơn hẳn những gì chúng ta nghĩ.
Cảnh sát Oh Yoo-jin đối mặt với việc những người lớn đã dồn ép một học sinh tới cái chết như thế nào và quay lưng với cô bé ra sao khi đào sâu về cái chết của Sohee.
© TWINPLUS PARTNERS INC.
Vì vậy, bộ phim phải cho thấy được cùng một lúc sự kiên quyết của cảnh sát Oh không để những việc thế này lặp lại và sự bất lực của một cá nhân khi đối mặt với cả một hệ thống lớn. Diễn xuất đi tìm kiếm dấu vết của Sohee với khuôn mặt hốc hác của Bae Doo-na, nữ diễn viên đóng vai Oh Yoo-jin, đã góp thêm sức thuyết phục tại điểm này. Đạo diễn Jung July, người tôi gặp tại Liên hoan phim Cannes, đã cho biết: “Trước khi quay, tôi đã nói Bae Doo-na rằng muốn được thấy trên màn ảnh một khuôn mặt trông như thể đã không ngủ suốt mấy đêm liền, và ngày hôm sau cô ấy xuất hiện với khuôn mặt đó thật. Tôi thực sự quá bất ngờ khi nhìn thấy khuôn mặt ấy.”
Ước mơ bị nghiền nát bởi việc làm
Đối với thế hệ cũ trong đó có tôi, có những điều thật đau lòng khi xem bộ phim này. Đầu tiên là câu nói Oh Yoo-jin với bố mẹ Sohee rằng “Ông bà có biết Sohee nhảy không? Nghe nói cô bé thích nhảy múa mà còn nhảy rất đẹp”. Vừa nghe xong, bố mẹ Sohee đã khóc lả người đi. Tiếp theo là cảnh cuối cùng Yoo-jin xem video trên điện thoại của Sohee. Đó là video duy nhất mà Sohee vẫn để lại sau khi xóa tất cả tin nhắn và ứng dụng trên điện thoại trước khi tự kết liễu đời mình. Ở đó có hình ảnh Sohee một mình nhảy say sưa và mỉm cười ở cuối video. Lần này, Oh Yoo-jin đã không ngừng rơi nước mắt.
Bộ phim có dụng ý rất rõ ràng khi thể hiện đầy tiếc nuối điệu nhảy của Sohee đến hai lần. Đó là câu hỏi liệu thế hệ cũ có biết giấc mơ thực sự của thế hệ tương lai hay không và đặt ra nghi vấn có khi nào bi kịch bắt đầu chính từ đây. Xã hội của chúng ta liệu có nhìn ra các điểm mạnh, sở trường, năng khiếu, tư chất, thị hiếu, sở thích, cá tính, đặc tính, năng lực, tài năng của thế hệ tiếp theo không? Câu hỏi của bộ phim vẫn được tiếp diễn. Điều gì sẽ xảy ra nếu như đây là một xã hội mà học sinh phổ thông phải gác lại những ước mơ của mình và theo đuổi các chuyên ngành có tỷ lệ việc làm cao? Một nơi mà người trẻ tuổi luôn bất an như thể sắp rơi xuống vực thẳm nếu không nộp đơn vào nơi làm ổn định và từ bỏ những khát vọng của bản thân? Một thế giới mà chúng ta sẽ cảm thấy áy náy vì mình theo chuyên ngành nhân văn và tất cả học sinh giỏi trong ngành tự nhiên đều chỉ mong mỏi đậu vào trường y? Chẳng phải sau đó sẽ lại xuất hiện những Sohee ở hình thái khác nữa hay sao? Chúng ta có đang tạo ra một thế giới nơi các thế hệ tương lai có thể nuôi dưỡng ước mơ của họ hay không? Tôi nghĩ nguyên nhân khiến khán giả từ các nước phát triển rơi lệ tại Liên hoan phim Cannes khi xem “Next Sohee” là vì bộ phim đã khiến họ không ngừng suy ngẫm về những câu hỏi này trong xã hội của mỗi người.