메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2020 SPRING

Vượt qua sự khác biệt giới tính

Trước sự bùng nổ của phong trào #MeToo trong xã hội Hàn Quốc, không ngạc nhiên khi cuốn tiểu thuyết “Kim Ji-young sinh năm 1982” và bộ phim chuyển thể cùng tên được một lượng khán giả nhất định đón nhận. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết và bộ phim cũng tạo ra một làn sóng phản đối trong xã hội Hàn Quốc.

Mùa thu năm 2016, cuốn tiểu thuyết “Kim Ji-young sinh năm 1982” đã góp phần tạo nên tiếng nói cho phong trào #MeToo của Hàn Quốc. Cuốn tiểu thuyết thể hiện những đau khổ người phụ nữ phải chịu đựng do sự phân biệt giới tính, từ khi sinh ra tới khi trở thành người mẹ. Điều này đã nhận được sự đồng cảm của độc giả ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nó cũng làm dấy lên sự căm ghét và chỉ trích trong xã hội. Ba năm sau khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết được dựng thành phim, nhưng những phản ứng trái chiều vẫn tiếp tục.

Bộ phim chuyển thể bán chạy nhất

Bìa cuốn tiểu thuyết “Kim Ji-young, sinh năm 1982” của tác giả Cho Nam-joo, xuất bản năm 2016 bởi nhà xuất bản Mineumsa. Là một trong những tác phẩm xuất sắc của nhà văn trẻ Cho Nam-joo, cuốn tiểu thuyết trở thành tác phẩm bán chạy nhất, làm dấy lên những cuộc đấu tranh quyết liệt về nữ quyền. Cuốn tiểu thuyết được dịch ra nhiều thứ tiếng và thu hút sự quan tâm của độc giả quốc tế. © Mineumsa

Bất chấp những làn sóng chống nữ quyền, bộ phim từ khi công chiếu vào tháng 10 năm 2019 đã đứng vị trí số một về doanh thu phòng vé. Không hề ngạc nhiên khi tiểu thuyết đã bán được một triệu bản cho tới cuối năm 2018. Tại Hàn Quốc, việc xuất bản một số lượng lớn như vậy đã là một việc hiếm có. Vì người Hàn vốn không phải là những độc giả cuồng nhiệt. Với những trường hợp không mua trực tiếp, họ có thể mượn đọc. Theo thư viện Trung ương Quốc gia, năm 2018 và 2019, tiểu thuyết “Kim Ji-young sinh năm 1982” đã chiếm vị trí số 1 trong số những cuốn sách được yêu thích nhất.

Tác giả Cho Nam-joo, một biên tập viên có kinh nghiệm chỉ mất đúng hai tháng để viết cuốn tiểu thuyết này. Về cốt truyện, qua những ghi chép của nhân vật chính, tác phẩm đã phản ánh tình trạng phân biệt giới tính nặng nề, gợi lên những vấn đề bất bình đẳng giới trong cuộc sống hàng tại gia đình, trường học, công sở và những nơi công cộng. Cuốn tiểu thuyết đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất tại Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Ngoài ra, còn được bán bản quyền tại nhiều nước châu Âu và Mỹ.

Nhân vật nữ chính tên là Ji-young (tên nữ rất phổ biến tại Hàn Quốc), không giống những nhân vật nữ chính của phim Hollywood, cô không chiến đấu với sự bất công và chiến thắng. Ở tuổi 30, cô đã phải tạm dừng công việc của mình để ở nhà chăm sóc con gái. Thế nhưng, công việc chỉ loanh quanh trong nhà làm cho cô dần trở nên bất mãn. Cô nhớ về những ước mơ từ thời niên thiếu, từng mong muốn trở thành người phụ nữ có sự nghiệp thành đạt.

Nhưng ngay cả những ký ức của Ji-young, cũng không phải toàn là hy vọng màu hồng. Khi cô đi học, em trai cô cùng những bạn trai khác trong trường luôn được nhận cơm trước, đơn giản vì họ là “con trai”. Ở lứa tuổi teen, cô bị la mắng vì tội “thu hút một kẻ theo dõi mình”, và lớn lên, thậm chí cô còn bị lăng mạ khi trở thành nạn nhân của vụ camera quay lén do kẻ xấu đặt trong nhà vệ sinh của công ty. Một ngày, khi cô đẩy con gái trên chiếc xe nôi, và ngồi nghỉ uống ly cà phê trên ghế trong công viên, cô đã nghe thấy vài người đi qua giễu cợt “cô ta đang dùng tiền chồng kiếm được một cách thoải mái như thế kia kìa!”

Những gì Ji-young trải qua đã gợi lên sự đồng cảm mạnh mẽ cho bạn đọc, bởi cô tái hiện lại những trải nghiệm thường ngày của một cô gái, một người mẹ, người chị gái, người vợ và người hàng xóm. Cô cứ giận dữ một cách lặng lẽ. Đối với Ji-young và những cô gái Ji-young khác trong xã hội Hàn Quốc, những trải nghiệm về sự phân biệt này đã trở thành một phần của cuộc sống. Sự thật về cuộc sống quá phổ biến của cô gái này làm cho nó trở nên cuốn hút bạn đọc. “Cuộc sống của Ji-young không khác cuộc sống của tôi là mấy”, tác giả cuốn tiểu thuyết tâm sự.

Sự thất vọng chung

Trong bộ phim được chuyển thể, người chồng giàu tình cảm của Ji-young (cũng là nam diễn viên thủ vai người cha chăm sóc đứa con của mình trong bộ phim kinh dị “Chuyến tàu tới Busan”) nhận ra người vợ của mình càng ngày càng trở nên u uất và dễ dàng nổi giận. Ngay khi phát hiện ra người vợ có những trạng thái bất ổn về tâm lý, anh đã tìm mọi cách cố gắng giúp đỡ vợ mình.

Nhìn rộng ra một chút, xã hội Hàn Quốc vẫn là xã hội bị chi phối bởi những quy tắc gia trưởng từ xưa tới nay. Trong bảng xếp hạng chỉ số chênh lệch giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2020, Hàn Quốc được đánh giá xếp thứ 108 trên 153 quốc gia tham gia (nước có sự đảm bảo cho bình đẳng giới nhất sẽ xếp hạng 1). Theo báo cáo về tội phạm ma tuý của Liên hợp quốc năm 2013, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có mức trung bình cao so với toàn cầu, với 52,5% tổng số vụ giết người có nạn nhân là phụ nữ.

Trên thực tế, ngay cả trước khi những phong trào #MeToo hay #TimesUp nổ ra ở Mỹ trong bối cảnh các cáo buộc quấy rối tình dục đối với ông trùm Hollywood Harvey Weinstein, nhiều hoạt động nữ quyền chưa từng có đã bắt đầu nhen nhóm tại Hàn Quốc. Vài tháng trước khi cuốn tiểu thuyết “Kim Ji-young sinh năm 1982” được xuất bản, một phụ nữ trẻ tuổi bị một người đàn ông giết hại trong nhà vệ sinh của một quán karaoke gần gatàu điện ngầm Gangnam. Tại toà, nghi phạm khai động cơ giết người là vì cô gái ấy đã tỏ ra coi thường anh ta. Người dân thể hiện sự căm ghét tên tội phạm, và đã dán hàng chục ngàn tờ giấy màu vàng ở ga tưởng niệm cho cái chết của cô gái.

Sau đó vào tháng 5 năm 2018, hơn 2.000 bạn trẻ nữ đã tham gia cuộc biểu tình tại ga Hyehwa để phản đối sự phân biệt giới và bạo hành phụ nữ. Cuộc biểu tình này diễn ra không lâu sau khi một loạt ngôi sao nhạc pop có dính líu đến việc đặt camera quay lén và phát tán những video khiêu dâm mà không được sự đồng ý từ đối tác nữ.

Sự hé lộ muộn màng

Cảnh trong bộ phim cùng tên, ra mắt vào tháng 10 năm 2019, là bộ phim đầu tiên của nữ đạo diễn Kim Do-young. Sự chuyển thể điện ảnh này đã mang đến những cuộc thảo luận sôi nổi về vấn đề giới tính. © Lotte Entertainment

Lẽ ra những bộ phim nói về vấn đề giới tính phải được sản xuất sớm hơn trong nền điện ảnh Hàn Quốc. Tuy nhiên lý do chưa làm được điều này là vì những nhà sản xuất phim lo sợ những tác động tiêu cực trong xã hội. Thực tế nỗi lo này hoàn toàn không sai. Đã có rất nhiều nhận xét ác ý trên những trang mạng xã hội về diễn viên Jung Yu-mi, người thủ vai Ji-young của bộ phim. Thậm chí còn nhiều lời kêu gọi cấm trình chiếu bộ phim và trước khi bộ phim được công chiếu, những lời đánh giá ác ý đã tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Nhiều nhà phê bình cho rằng nội dung bộ phim và cuốn tiểu thuyết đã bóp méo sự thật, có cái nhìn quá khắt khe đối với nam giới khi khái quát sự phân biệt giới tính và kích động mạnh mẽ hơn mâu thuẫn về giới. Một vài nhà phê bình còn nói bộ phim này chỉ là sự tưởng tượng của phụ nữ, và quả quyết rằng nữ diễn viên chính theo chủ nghĩa mình là trung tâm và rơi vào trạng thái tự thương hại bản thân.

Hiệu quả của bộ phim có thể cảm nhận rất rõ, mặc dù thực tế rằng việc Hàn Quốc là một trong những quốc gia có lượng người xem phim tại rạp cũng góp phần không nhỏ cho điều này. Theo truyền thông đưa tin, tỉ lệ thuê lao động thấy rõ sự phân biệt giới tính, nhưng con số phân biệt thay đổi từ 2% tới 28% sau khi phụ nữ đã kết hôn. Trong tác phẩm, “Kim Ji-young” cũng trích dẫn số liệu này. Tháng 12 năm 2019, Bộ gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc đã ra thông báo về kế hoạch hỗ trợ tái tìm việc cho những phụ nữ bị gián đoạn công việc do phải ở nhà sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái. Nhiều nhà báo đã cho rằng sự thay đổi này có thể gọi là “hiệu ứng Kim Ji-young”.

Có một điều đáng lưu ý rằng diễn viên kiêm đạo diễn Kim Do-young của bộ phim “Kim Ji-young sinh năm 1982” cũng đã trải qua những thực tế như vậy. Cũng như Hollywood, phía sau máy quay của nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc còn rất xa có thể vươn tới sự bình đẳng giới. Kim Do-young là một trong số rất ít phụ nữ trở thành đạo diễn trong trường quay chính ở Hàn Quốc. Theo Uỷ ban Chấn hưng Điện ảnh Hàn Quốc, sự tham dự của phụ nữ vào ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc lần đầu tiên đã vượt 10% năm 2018. “Hiệu ứng Kim Ji-young” hy vọng có thể giúp thay đổi sự coi trọng nam giới cố hữu trong xã hội Hàn.

Lee Hyo-wonNhà văn tự do

전체메뉴

전체메뉴 닫기