메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2020 WINTER

MẶC TƯỞNG VỀ MỘT CON ĐƯỜNG

Là một di tích lịch sử, núi Jogye mang ý nghĩa to lớn khi Phật giáo Hàn Quốc xem trọng Thiền. Núi Jogye nằm ở Suncheon, tỉnh Jeolla Nam, phía Tây Nam của bán đảo Hàn. Nép mình ở phía Đông và phía Tây của ngọn núi này là hai ngôi chùa Songgwang và Seonam, đây là hai tùng lâm lần lượt đại diện cho hai trường phái lớn của Phật giáo Hàn Quốc, phái tăng lữ có và không có gia đình. Con đường trên núi nối liền hai ngôi chùa luôn không ngớt dấu chân của các tín đồ Phật giáo và du khách leo núi.

Con đường dài khoảng 6,5 km trên Gulmokjae - ngọn đồi giữa chùa Seonam ở phía đông núi Jogye và chùa Songgwang ở phía tây, được tự nhiên mở ra bởi các nhà sư của hai ngôi chùa qua lại hơn 1.000 năm trước. Ngày nay, nó là đường mòn đi bộ đường dài thu hút hàng chục nghìn du khách hàng năm.

Cột thần, được gọi là jangseung, đứng trên con đường đồi Gulmokjae. Là những vị thần bảo vệ làng, các cột thần thường được tìm thấy ở các lối vào làng, nhưng đôi khi cùng được dùng làm kim chỉ nam dọc theo các con đường.

Bạn chỉ cần gõ “chùa Songgwang” vào hộp tìm kiếm trên internet thì sẽ tự động hiện ra dòng gợi ý “đường đi từ chùa Songgwang đến chùa Seonam” ngay bên dưới. Tương tự, khi gõ “chùa Seonam” thì sẽ hiện ra từ khoá tìm kiếm “đường đi từ chùa Seonam đến chùa Songgwang”. Cụm từ gợi ý này được tạo từ lượng tìm kiếm của người dùng internet, dường như thiết tha muốn truyền đạt rằng “thứ bạn đang tìm kiếm không phải tại đích đến bạn đã nhập mà ở trên hành trình đến địa điểm đó”. Thời tiết lại vào giữa Thu. Tôi mở định vị chỉ đường. Bắt đầu từ đâu thì được nhỉ?

An ủi

Nhìn xuống phía nam từ đỉnh núi Jogye là vùng đầm lầy vịnh Suncheon nổi tiếng ở thành phố cùng tên này. Bao phủ ngọn Jogye là đa dạng các rừng cây lá rộng, nơi đây chịu nhiều ảnh hưởng của những đợt gió nóng, ẩm thổi từ biển Nam vào. Con đường dài hơn 6,5 km nối liền hai ngôi cổ tự nằm trong ngọn núi rậm rạp từ đông sang tây này là điểm đến mới được thay đổi của chúng tôi.

Có nhiều trường hợp những ngôi chùa có quy mô tương tự nhau được xây dựng ở hai bên chân một ngọn núi lớn nhưng hiếm có trường hợp chùa được làm từ gỗ dù trải qua phong ba bão táp của lịch sử nhưng vẫn còn nguyên vẹn như chùa Seonam và Songgwang. Nhìn vào bản đồ, hai ngôi chùa dường như cùng chung một con đường lên sườn núi, ngoại trừ việc chùa Seonam ở phía đông gần đỉnh Jogye hơn, nhưng thực tế nơi con đường này trông hài hoà nhất chính là hướng bên chùa Songgwang. Bởi vì đối với dân làng Oesong ở ngay lối vào chùa Songgwang, khu vực trung tâm về hành chính, giao thông, chợ búa của thành phố Suncheon phía đông nam thì con đường đi ngang qua trước chùa Seonam này là đường tắt dẫn đến Suncheon. Tất nhiên đây là chuyện từ thời xe buýt đi từ chùa Songgwang vòng qua núi Jogye đến Suncheon còn hiếm hoi. Ngày nay, cứ cách 30 phút sẽ có một chuyến xe buýt nội thành số 111 chạy từ ga Suncheon đến chùa Songgwang.

Từng chỉ là nơi qua lại của những người hái thảo mộc, dân hoả canh hoặc cư dân ở các ngôi làng lân cận nhưng con đường này lại được truyền tai là lộ trình dạo núi trong ngày được 400 nghìn người tìm đến mỗi năm từ sau những năm 1980, khi núi Jogye được chỉ định là công viên quốc gia. Bên cạnh đó, chùa Seonam và Songgwang không phải là những ngôi chùa bình thường hay bắt gặp trên núi. Cả hai không chỉ là ngôi cổ tự có bề dày lịch sử cả nghìn năm mà còn là tùng lâm nổi tiếng hiếm có vì nơi đây vừa có trường dạy Phật giáo, vừa là nơi thờ Phật theo Thiền Tông. Chùa Songgwang nổi tiếng là ngôi Tăng Bảo đào tạo ra nhiều cao tăng nhất trong số các chùa Tam Bảo tiêu biểu ở Hàn Quốc. Còn chùa Seonam được công nhận về giá trị mà nơi đây đã kế thừa và bảo tồn văn hoá Phật giáo Hàn Quốc, được ghi vào danh sách Di sản Văn hoá Thế giới của UNESCO năm 2018.

Có lẽ vì vậy mà tâm trí của một người leo núi dù không phải là đại đức cao tăng cũng vô cớ bị choáng ngợp chỉ bởi ý nghĩ lần theo dấu vết của những người tu hành đã đi trên con đường này để rũ bỏ mối nhân duyên và đau khổ của thế tục, kiếm tìm một giác ngộ mới. Dù là du khách ốm yếu, thở hồng hộc muốn gạt bỏ cái nóng trước mỗi con dốc khiến bước chân họ chùn lại, hay các hội viên leo núi thuần thục như hướng dẫn viên thì khi đến khúc quanh tất cả họ đều trở thành người bạn đồng hành tạm thời của nhau. Mỗi người thổ lộ câu chuyện riêng tư của mình, truyền cho nhau cảm xúc và phấn khích của sự an ủi và chữa lành mà con đường mang lại như một lời hứa hẹn. Đối với họ, mỗi viên đá nhỏ, mỗi bông hoa dại không tên trên đường đều trở nên quý giá. Nhưng sự an ủi khi nào cũng là tạm thời.

Cầu Seungseon dẫn vào khuôn viên chùa Seonam, một trong bảy tu viện trên núi của Hàn Quốc được ghi vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Có một đầu rồng được chạm khắc bắt mắt ở giữa mặt dưới của vòm.

Cầu Samcheong ở chùa Songgwang nhỏ hơn so với cầu ở chùa Seonam nhưng có ánh hào quang rất đẹp. Lầu Uhwa trong quá khứ là lầu các được xây dựng trên đỉnh cầu, là sân trước của ngôi chùa.

Seonam và Songgwang không phải là những ngôi chùa bình thường hay bắt gặp trên núi. Cả hai không chỉ là ngôi cổ tự có bề dày lịch sử nghìn năm mà còn là tùng lâm (chongnim) nổi tiếng hiếm có vì nơi đây vừa có trường dạy Phật giáo, vừa là nơi thờ Phật theo Thiền Tông.

Hai tháp đá từ thời Silla thống nhất (676-935) được đặt ở sân trước của chánh điện – điện Daeung chùa Seonam. Ngôi tháp ba tầng đứng trên nền hai tầng được chọn là Bảo vật Quốc gia số 395.

Chùa Songgwang là một trong Tam Bảo của Hàn Quốc, cùng với chùa Haein và Tongdo. Nơi đây là cái nôi sản sinh ra 16 nhà sư lỗi lạc đã trở thành những vị tổ sư của Hàn Quốc, do đó còn được gọi là “chùa Tăng Bảo”.

Imgyeongdang bên trái Lầu Uhwa là một trong những thắng cảnh đẹp nhất của chùa Songgwang. Nơi đây có cửa sổ lớn giúp mở rộng tầm nhìn.

Bình yên

Xuất phát từ ga Suncheon, quãng đường về sẽ gần hơn nếu chọn chùa Songgwang là điểm dừng chân đầu tiên. Ngược lại quãng đường về sẽ xa, nhưng thay vào đó đường đi sẽ gần nếu chọn chùa Seonam là điểm dừng chân đầu tiên. Bổ sung thêm một thông tin có phần cảm tính khá thú vị cho những ai chưa lựa chọn được đường đi như ý.

Bất kể ngày hôm trước có chuyện gì xảy ra, nếu đã lựa chọn đường đến chùa Seonam chắc chắn bạn sẽ choáng ngợp trước nguồn năng lượng tươi mới của con đường trải dài thẳng tắp đối lập với dòng suối ồn ào, gấp khúc, và của rừng bách xanh um hai bên đường. Khi bắt gặp cây cầu Seungseon (昇仙 – Thăng Thiên), một cây cầu đá hình cầu vồng bắc qua suối, tức lúc này bạn đã bước vào cõi Tịnh độ. Nếu là mùa Xuân, bạn có thể chứng kiến muôn vàn loài hoa mai đa hình đa sắc đua nở dọc theo bức tường đá phía sau Điện Daeung (chánh điện). Đa số chúng là loài mai bản địa có tuổi thọ hơn 400 năm tuổi và được gọi là “hoa mai cổ chùa Seonam”. Ngay cả khi để lỡ thời gian này, bạn cũng đừng ngần ngại tiếp tục. Bởi tiếp đó là mùa hoa anh đào rực rỡ.

Chào đón đoàn chúng tôi tại cổng Ilju là hương thơm phảng phất bay xa của loài hoa Mộc Tê. Cây cổ thụ xuất hiện trong truyền thuyết ở cùng chú thỏ đang giã chày trên cung trăng chính là loài Mộc Tê này. Những cánh hoa trắng nhỏ phủ đầy mảnh sân. Đây là lời chào mùa Thu từ chùa Seonam. Theo quan sát của tôi, Seonam là ngôi chùa có cổng cao, có ao sen và các khu điện khiêm tốn được sắp đặt hài hoà với những cây hoa xung quanh nên trông giống như khung cảnh của một ngôi làng

Nếu chùa Seonam có cầu Seungseon thì chùa Songgwang có cầu Samcheong (三淸 – Tam Tinh). Trên cầu Samcheong có Lầu Uhwa Các (羽化 – Vũ Hoa) để cây cầu trông bớt trơ trọi. Đây chính là điểm tham quan đặc biệt vừa là trạm dừng chân chỉ có ở thung lũng chùa Songgwang. Phía dưới lầu các này là tầng tầng lớp lớp những chiếc lá khô đủ màu sắc rụng xuống từ những cái cây trơ trọi mọc sâu trong núi và rải rác theo khe núi. Màu nước trong khe núi trông lạnh lẽo. Khoảng sân rộng trước Điện Daeung là khu vực trung tâm của chùa Songgwang. Nếu bắt đầu đi từ chùa Seonam đến chùa Songgwang vào lúc trời vừa sập tối, bạn hãy tìm đến nơi cao nhất có thể và nhìn xuống chùa Songgwang. Cảm giác yên tĩnh khi ánh hoàng hôn xen giữa sườn núi chiếu lên mái ngói của ngôi chùa mờ ảo sẽ đọng lại trong tâm trí bạn rất lâu. Kiến trúc có phần bị tiết chế của chùa Songgwang là cảnh quan được phục dựng sau khi bị tàn phá bởi chiến tranh Nam-Bắc. Dù ghé qua chùa nào trước, bạn cũng hãy cố gắng nán lại càng lâu càng tốt. Sự bình yên luôn là tạm thời.

Qua đỉnh Gulmokjae, đón du khách ở phía dưới con dốc là nhà hàng cơm lúa mạch 40 năm tuổi. Món ăn phục vụ ở đây chỉ gồm cơm trộn với nhiều loại rau xanh và tương ớt đỏ nhưng đây là một trong những thú vui trên con đường này.

Am Buri trên ngọn đồi phía sau chùa Songgwang là nơi Hòa thượng Beopjeong (1932-2010), nhà sư được tôn kính vì tính cách ngay thẳng và kỷ luật tự giác, cư ngụ từ giữa những năm 1970 đến đầu những năm 1990. Nhà sư đã viết cuốn sách nổi tiếng gồm các bài luận “Vô sở hữu” (Musoyu) tại đây.

Quán cơm lúa mạch Gulmokjae

Ngọn đồi đầu tiên bạn gặp khi khởi hành từ chùa Seonam là Gulmokjae, sau khi đi qua khu rừng bách và tảng đá có hình thù giống một con hổ đang chống cằm quan sát tâm tư của người qua đường. Đoạn đường đi bộ lên đỉnh Jogye từ phía bắc này khá dốc nhưng chỉ cần vượt qua khúc đèo này thì đường đi sẽ thoai thoải ngay. Ngược lại, nếu đi bộ từ chùa Songgwang, bạn sẽ men theo khe núi leo lên dốc, vừa gõ gõ kiểm tra chiếc cầu gỗ chắc chắn vừa đi qua nó, sau đó băng qua tảng đá có sự tích được một nhà sư dùng để chặn một tảng đá khác đang lăn xuống chắn ngang đường thì sẽ thấy hòn đá chỉ dẫn có khắc chữ “Gulmokjae”. Ngọn đồi phía chùa Seonam được gọi là “Gulmokjae lớn”, còn ngọn đồi phía chùa Songgwang được gọi là “Gulmokjae nhỏ”, đây là điểm phân chia dòng nước của núi Jogye thuộc huyết mạch Honam. Nước chảy ở sườn đông đổ ra vịnh Suncheon, và nước chảy ở sườn tây đổ ra bờ biển Beolgyo.

Qua ngọn đồi này và men xuống dốc bất ngờ sẽ xuất hiện một quán cơm lúa mạch. Cơm lúa mạch của Hàn Quốc được đánh giá tương tự với bánh mì lúa mạch đen của Châu Âu. Nếu như bánh mì được làm từ bột mì trắng và gạo là lương thực của một số ít người khá giả thì bánh mì lúa mạch và cơm lúa mạch là thức ăn chống đói cho phần đông người dân nghèo khổ. Dĩ nhiên, ngày nay có nhiều người dùng lúa mạch như một món ăn đặc biệt, vừa gợi nhớ ký ức ngày xưa hoặc xem nó là một loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ.

Được cải tạo từ khu sinh sống của dân hoả canh làng Jangan phía dưới thung lũng, nhưng giờ đây quán cơm này dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong gói du lịch dành cho lịch trình leo núi Jogye, không ai đi ngang qua mà không ghé vào đây. Bàn ăn tuy đơn giản được phục vụ với cơm lúa mạch nấu bằng vạc, bày biện xung quanh là các món ăn phụ được chế biến từ rau rừng hái ở gần đó hoặc rau trồng trong vườn kèm với canh đậu tương nấu chung với lá củ cải khô, nhưng đối với bất kỳ ai đã leo ngọn đèo cao 600 mét so với mực nước biển này trong một hai tiếng thì đây quả là một bữa tiệc không gì so sánh được. Thậm chí có nhiều người kéo nhau từ làng Jangan leo lên dốc chỉ để ăn một bữa cơm lúa mạch rồi về. Cách nhanh nhất để đến quán ăn nổi tiếng này là lái xe dọc theo con hẻm ngoằn ngoèo đến đầu làng Jangan rồi đỗ xe lại đó, rồi đi bộ leo dốc một đoạn khoảng 20 phút.

Tôi không thể diễn tả chính xác hương vị của món ăn này bằng lời nhưng nơi đây được ca tụng là “quán cơm lúa mạnh tuyệt vời nhất” vì nó khiến bất kỳ thực khách nào cũng phải ăn hết cả bát cơm chỉ trong tích tắc. Dù trong quá khứ hay hiện tại, cảm giác no nê mà cơm lúa mạch mang lại vẫn không dễ chịu cho lắm. Đây không phải cảm giác của người ăn nhiều hơn bình thường hay mau đói. Thay vào đó, cảm giác no này sẽ khiến bạn tự hỏi, liệu bản thân đã thật sự thoát khỏi bản tính tự nhiên của cơn đói.

Nagan Town Fortress and Village

Suncheon Open Filming Set

Suncheon Bay National Park

Suncheon Bay Nature Reserve

Lịch sử

Mọi con đường đều phù du. Bạn có thể so sánh nó với sự an ủi, bình yên, hay cảm giác no. Truyền thuyết về tảng đá hình con hổ đang chống cằm quan sát tâm tư của người qua đường hay truyền thuyết về một nhà sư dùng sức mạnh thần bí của mình ngăn cản tảng đá đang rơi xuống chặn ngang đường đều không phải là những câu chuyện đơn thuần. Ẩn chứa trong hai truyền thuyết là lịch sử con đường vượt qua đồi Gulmokjae này đã vô số lần bị chia cắt rồi kết nối, lặp đi lặp lại trong suốt hơn một nghìn năm.

Trong lịch sử hiện đại Hàn Quốc, thuật ngữ “ppalchisan” dùng để chỉ nhóm du kích vũ trang theo phe xã hội chủ nghĩa được tổ chức và hoạt động một cách tự phát chủ yếu ở Hàn Quốc. Núi Jogye vừa là vị trí chiến lược vừa là con đường quan trọng dẫn đến núi Jiri, một trong số các căn cứ của họ. Thung lũng Honggol cách đó không xa từ hướng chùa Songgwang là nơi xảy ra cuộc càn quét quy mô lớn cuối cùng vì đây là nơi ẩn náu của quân du kích trong thời kỳ chiến tranh hai miền Nam-Bắc. Trong cuộc càn quét này cũng xảy ra cuộc tàn sát rất nhiều người cao tuổi cư trú ở núi Songgwang. Con đường mà các nhân vật sống trong thời kỳ đó quyết liệt truy đuổi và bị truy đuổi vì niềm tin và sự sống còn của họ chính là một phần con đường chúng tôi giới thiệu.

Một sự việc dẫn đến mâu thuẫn sâu sắc hơn, kéo dài hơn đã xảy ra sau đó. Năm 1954 sau chiến tranh Nam-Bắc, Rhee Syngman, khi đó đang là Tổng thống, vì một lý do nào đó đã cho rằng phái tăng lữ có gia đình là tàn dư của đế quốc Nhật Bản nên phải đuổi ra khỏi Hàn Quốc. Tuy Phật giáo Hàn Quốc không có truyền thống cho phép người xuất gia lập gia đình nhưng đến cuối thời kỳ Joseon có khuynh hướng coi những người trông coi các ngôi chùa trong núi (chuyển vào núi do Phật giáo bị đàn áp) là nhà sư. Đến thời điểm giải phóng, số tăng lữ có gia đình ở Hàn Quốc nhiều hơn hẳn số tăng lữ không có gia đình do ảnh hưởng của Phật giáo Nhật Bản cho phép người xuất gia được lập gia đình như trường hợp của các mục sư Kitô giáo sau thời kỳ Minh Trị Duy Tân, khi Joseon còn là thuộc địa của Nhật Bản.

Nhà thơ và nhà sư Han Yong-un (1879-1944) đã viết trong cuốn sách Thuyết hữu thần Phật giáo Joseon (Joseon bulgyo yusinnon) năm 1913, “thật phi lý khi cho rằng con người sinh ra đã là một xác thịt nên không có thực dục hay sắc dục” và cho rằng các nhà sư có quyền kiểm soát và tự do quyết định dục vọng của bản thân. Sự can thiệp của nhà nước đối với một vấn đề đáng lẽ phải được quyết định bởi chính bản thân cộng đồng Phật giáo là sự bất hạnh lớn hơn cả thiệt hại vật chất mà các chùa gánh chịu trong chiến tranh Nam-Bắc. Cuối cùng, tranh cãi kết thúc khi Toà án tối cao đưa ra phán quyết vào năm 1969 rằng mọi quyền hạn trong Phật giáo đều thuộc về phái tăng lữ không có gia đình. Các nhà sư phản đối phán quyết này đã sáng lập ra phái Taego của Phật giáo Hàn Quốc, với chùa Seonam chính là thủ phủ của phái này và chùa Songgwang là thủ phủ của Thiền tông vốn được tạo nên bởi trường phái các nhà sư không có gia đình. Thế nên thời kỳ mà các nhà sư của hai ngôi chùa giao lưu qua lại để tìm sư phụ và bạn đồng hành đã chấm dứt. Và việc tranh chấp tài sản trong chùa vẫn đang tiếp diễn đến tận bây giờ.

Nhân duyên

Lễ Phật vào bình minh ở chùa Songgwang là một nghi lễ nghiêm trang và kính cẩn. Nhạc sĩ truyền thống Kim Young-dong đã phát triển sự trang nghiêm và tính âm nhạc của buổi lễ này thành nhạc thiền. Trên nền âm thanh của bốn loại nhạc cụ trong chùa Songgwang (trống, mõ, chiêng, chuông chùa) trong văn lễ Phật, văn phát nguyện và Bát Nhã Tâm Kinh, Kim tổng hợp âm thanh của hai loại sáo truyền thống là daegeum và sogeum một cách hài hoà tạo thành một tập âm nhạc đời thường có tựa đề “Nhạc Thiền Phật giáo của Hàn Quốc” (1988). Bất cứ ai yêu thích những bản thánh ca như Gregorian đều nên tìm nghe bài hát cuối trong album này là “Bát Nhã Tâm Kinh”. Nó có sự lay động khác với các loại nhạc thiền thời hiện đại. Ngoài ta còn có một album khác được thực hiện bởi chuyên gia thu âm Hwang Byeong-jun vào năm 2010. Album này khác với tác phẩm của Kim Young-dong, các âm thanh tự nhiên như tiếng nước chảy, tiếng gió thổi hoàn toàn được loại bỏ để làm nổi bật âm thanh và độ vang bên trong ngôi nhà gỗ cũ kĩ. Nếu sức hấp dẫn trong âm nhạc của Kim Young-dong là thứ khiến chúng ta ở trong một không gian mới tìm kiếm những âm thanh tìm ẩn của tự nhiên thì âm nhạc của Hwang mê hoặc khi dẫn dắt chúng ta vào khoảng thời gian vô định.

Kim nói rằng ông được truyền cảm hứng để thực hiện album này khi đến gặp Hoà thượng Beopjeong (1932-2010) tại Am Buril, một am tự trong chùa Songgwang. Hoà thượng Beopjeong là một nhà sư không chỉ được tôn kính trong cộng đồng Phật giáo bởi vì lối sống và tư tưởng “vô sở hữu”. Nghĩa đen của từ “vô sở hữu” (musoyu) trong Hán tự là “hữu” (yu). “Hữu” là chữ cái được phát triển lên từ chữ Giáp Cốt có hình dạng “đang nắm thịt bằng tay”. Năm nay là kỷ niệm 10 năm ngày mất của Hoà thượng Beopjeong. Trên chiếc ghế do Hoà thượng Beopjeong tự tay làm từ gỗ sồi đặt trước am tự là chiếc lá mộc liên khô. Có lẽ khi nhìn thấy khung cảnh này, Hoà thượng Beopjeong sẽ thốt lên rằng, “Lá à, cảm ơn ngươi, ngươi đã vất vả vương lại trên đó!”.

Lee Chang-guyNhà thơ, nhà phê bình Văn học
Ảnh. Ahn Hong-beom
Dịch. Huỳnh Kim Ngân

전체메뉴

전체메뉴 닫기