Huyện Gochang thuộc tỉnh Jeonlabuk là nơi vừa mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng vừa lưu giữ những kí ức lịch sử đau thương. Một ngày xuân sớm, khi những đóa sơn trà nở rộ, nhà thơ Lee San-ha đã tìm đến miền đất vẫn còn nhiều dấu tích của cuộc khởi nghĩa nông dân Triều Tiên này.
Nền văn minh và văn hóa nhân loại tạo dựng suốt mấy nghìn năm qua đã bị lung lay trong tích tắc vì đại dịch COVID-19. Ta cảm nhận được kẻ địch vô hình, vô thanh này thật sự đáng sợ, đáng sợ không kém một loại tên lửa tối tân.
Hôm nay, chính thời khắc này, ta đang đối mặt với hoàn cảnh chưa từng có trong lịch sử mà không thể đưa ra kế sách. Người thân, bạn bè qua đời đi chăng nữa, ta cũng không thể đến gần vuốt mắt cho họ. Ta cũng không thể về nhìn mặt họ lần cuối và tiễn họ một đóa hoa. COVID-19 không cho phép ta tự do hay buồn bã. Đây có lẽ là lời cảnh cáo đanh thép đến cuộc sống vốn xem nhẹ tự do của con người. Nỗi buồn cũng thế. Ta được dịp nhìn lại xem thời gian qua mình có lợi dụng nỗi buồn của người khác hay của chính mình để trục lợi hay không? “Memento Mori”là câu thành ngữ mà tôi muốn khắc cốt ghi tâm vào thời điểm lực bất tòng tâm này.
Tượng Phật ngồi có từ thời Goryeo (918-1392) được chạm khắc trên đá bên con đường dẫn đến Dosol-am (Đâu Suất Am) tại chùa Seonunsa ở Gochang. Đây là một trong những tượng Phật khắc trên đá lớn nhất ở Hàn Quốc với chiều cao 15,7 mét và rộng 8,5 mét giữa hai đầu gối. Vào những năm 1890, các nghĩa binh của phong trào Cách mạng Nông dân Đông học đã tìm đến tượng Phật, cầu nguyện cho sự thành công của cuộc khởi nghĩa.
Hạt giống của cách mạng
Vài ngày trước chuyến đi Gochang, tôi ngủ không trọn giấc vì mải theo dõi bộ phim “Spartacus” dài 13 tập của Mĩ. Đó cũng là nhờ quy định giãn cách xã hội do COVID-19. Nếu không, chắc sẽ không có chuyện tôi một mình đắm chìm trong thế giới phim ảnh của Netflix.
Chuyến tàu cao tốc KTX xuất phát từ ga Yongsan, Seoul chỉ mất 1 tiếng 40 phút để đến ga Songjeong, Gwangju. Lượng khách đi tàu giảm do dịch COVID-19 khiến tàu bỏ qua ga Jeongeup vốn dĩ gần với điểm đến của chúng tôi hơn. Được người em khóa sau đưa xe ra đón, lên xe tôi cùng cậu đi ngược về Gochang, hướng đến Gobu. Bảng quảng cáo điện tử ở vòng xoay tiến vào thị trấn Gochang đang vẫy chào với dòng chữ “Chào mừng quý vị đến với Gochang - thủ đô đầu tiên của Bán đảo Triều Tiên - quê hương của núi Seonunsan bốn mùa xinh đẹp, cái nôi của Phong trào Nông dân Đông học (Nông học Nhân dân Cách mệnh, 1894) ”. Đúng vậy. Đây là địa phương đầu tiên giương cao ngọn cờ khởi nghĩa của Cuộc Cách mạng Nông dân Đông học vào thời kỳ cuối triều đại Joseon cuối thế kỷ 19. Và cũng là nơi chôn cất máu xương của các nghĩa binh hi sinh. Cạnh bảng điện tử, vài băng rôn ghi khẩu hiệu “Quê hương của đặc sản phúc bồn tử và lươn”, “Mong quý vị tích cực quyên góp xây dựng tượng Tướng quân Jeon Bong-jun (Trịnh Phụng Tuấn, 1855-1895). Tính ra tượng Tướng quân Jeon Bong-jun do chính phủ chính thức xây dựng đã rất nhiều. Nhưng lần này có vẻ người dân địa phương tự nguyện quyên góp.
Xe đi qua cánh đồng rộng lớn rồi dừng lại trước một ngôi nhà mái ngói nhỏ. Đây là nhà của Song Du-ho (Tống Đẩu Hạo, 1829-1895) ở làng Juksan, Sinjung-ri, Gobu-myeon, thành phố Jeongeup, tỉnh Jeonllabuk. Nhà không cổng, cột xi măng bên phía phải ghi dòng chữ lớn “Nơi tái hiện Cuộc Cách mạng Nông dân Đông học”. Nơi đây đã ươm mầm hạt giống đầu tiên của cuộc cách mạng nông dân làm rung chuyển Triều Tiên lúc bấy giờ. Trong những thực thể bung mình vươn lên, hạt mầm chính là thực thể vĩ đại nhất. Đó những con người vừa gieo những hạt mầm vừa ấp ủ giấc mơ về một cuộc sống mới tươi đẹp. Họ giao ước, quyết tâm chiến đấu đến cùng. Kết tinh của quyết tâm này chính là tờ “Sa bát Thông văn” ghi tên 22 nông dân đồng lòng vì nghĩa lớn trong đó có thể kể đến Jeon Bong-jun, Son Hwa-jung (Tôn Hoa Trọng, 1861-1895), Kim Gae-nam (Kim Khai Nam, 1853-1895). “Sa bát Thông văn” là việc ký tên xung quanh vòng tròn được vẽ từ chiếc bát úp và cho những người ủng hộ biết cốt không để lộ ai là thủ lĩnh. Sẽ khó phân biệt thứ bậc cao thấp khi mọi người ngồi thành vòng tròn. Hình thức này giống với hội nghị bàn tròn thời Trung Cổ Châu Âu.
Sa bát Thông văn đã chứng minh Cuộc Cách mạng Nông dân Đông học không phải là sự kiện ngẫu nhiên mà là sự kiện mang tính kế hoạch của người dân nhằm chống lại chế độ chính trị hà khắc kéo dài. Bốn phương hướng hành động được viết trong tài liệu này như một lời tuyên bố chiến tranh nhằm chiếm đóng quan nha, tiến về Seoul. Quả là kì tích khi tài liệu tuyệt mật này của quân khởi nghĩa không những không bị mất mà còn được giữ lại đến ngày nay. 53 năm trước, người ta tình cờ phát hiện nó được chôn dưới nền nhà ông Song Jun-seop (Tống Tuấn Tiếp) - một người dân trong làng. Thời đó, khi khởi nghĩa nông dân thất bại, triều đình gọi nơi đây là “làng phản nghịch” và điều quân đến tàn sát dân làng, đốt tất cả nhà dân. Sa bát Thông văn đã được ai đó bí mật chôn xuống nền nhà nên vẫn còn tồn tại đến bây giờ.
Ngôi nhà phía trước ngôi nhà này chính là nhà của ông nội người em khóa dưới đang dẫn đường cho tôi. Cậu cứ nhìn đi nhìn lại hai ngôi nhà và rồi ánh mắt ngấn lệ. Chắc có sóng cuộn trong lòng. Vì muốn đến nơi nhà cách mạng bị xử trảm cách đây 126 năm từng sống và dành một phút mặc niệm cho ông nên tôi nhất định phải tìm về ngôi nhà này trước tiên. Tại đây, có thể thấy “Tháp tái hiện Cuộc Khởi nghĩa Đông học” cách đó không xa. Tháp được dựng lên bởi con cháu của những người đã kí tên vào Sa bát Thông văn. Gần đó là “Tháp tưởng niệm Quân khởi nghĩa Đông học”. Tháp tưởng nhớ hàng chục ngàn nghĩa quân vô danh đã hi sinh thân mình trong cuộc chiến. Cuộc nổi dậy lần thứ nhất ở Gobu (cuộc nổi dậy chống triều đình) thành công, tuy nhiên, cuộc nổi dậy lần thứ hai ở Ugeumchi (Ngưu Cấm Trĩ) (Cuộc khởi nghĩa độc lập chống lại Nhật Bản) lại thảm bại. Nghĩa quân nông dân bị tiêu diệt hoàn toàn dưới ngọn súng của quân Triều Tiên và Nhật Bản. Vốn dĩ ngay từ đầu giáo mác tre nứa không thể đương đầu với súng đạn.
Có một bát cơm trắng được đặt trước tháp tưởng niệm. Để có cơm ăn, người nông dân cơ cực đã giơ cao cái cuốc, lưỡi liềm. Thứ mà người ta phải san sẻ với nhau để ăn chính là miếng cơm, cũng như việc chúng ta chia nhau từng chiếc khẩu trang để dùng như bây giờ. Nhìn ra cánh đồng rộng lớn, tôi thấy hình ảnh nghĩa quân nông dân Đông học tiến về Seoul và đoàn chiến binh Spartacus tiến về Rome chồng lên nhau. Cuối cùng cả hai cuộc khởi nghĩa đều bị truy sát. Những nô lệ của "Spartacus" đã hét vang khẩu hiệu “Nắm chặt bàn tay không sẽ thành quả đấm!” và quyết chiến đến cùng. Tuy họ đã hiện thực hóa giấc mơ giải phóng nô lệ bấy lâu và giành được tự do nhưng tiếng thét của họ làm tôi tan nát trái tim. "Không có tiền, ắt không có tự do." Thật vậy. Tự do mà không có miếng cơm không khác nào cái chết. Những kẻ yếu có tự do mà phải chịu chết đói thì mãi chỉ là nô lệ. Ngay cả bây giờ, hàng ngàn năm đã trôi qua, chân lí này không nhiều thay đổi. Chỉ khác là ở nô lệ phiên bản hiện đại, xiềng xích trói buộc đôi chân đã được thay bằng xiềng xích giam hãm tâm hồn mà thôi.
Chùa Seonunsa được ôm trọn bởi những rặng sơn trà lớn nhất Hàn Quốc. Hoa sơn trà ở đây nở từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, tô điểm cho khuôn viên chùa bằng những đóa hoa đỏ rực rỡ và những chiếc lá xanh tươi.
Manseru (Vạn Tuế Lâu) tại chùa Seonunsa được xây dựng làm nơi dạy học vào năm 1620. Sau một vụ hỏa hoạn, nó bị phá hủy và được xây dựng lại vào năm 1752 và đổi tên từ Daeyangnu thành Manseru. Dầm và xà nhà bên trong được làm bằng gỗ tự nhiên chưa qua xử lý.
Món quà của biển
Ý nghĩ này ập đến làm lòng tôi thắt lại. Cảm giác ngột ngạt như thể đang mắc kẹt trong đường hầm. Như có tảng đá nặng đè lên lồng ngực, chúng tôi đổi hướng rẽ về phía chùa Seonunsa (Thiện Vân Tự) khi đang trên đường đến khu di tích mộ đá Gochang. Tôi muốn đến một ngôi chùa yên tĩnh để tĩnh tâm và gột rửa bụi trần trong suy nghĩ. Thế nhưng khi đến nơi, chùa đã chật kín người đến ngắm hoa sơn trà. Hoa sơn trà cùng với tượng Phật trên vách đá Dosol-am (Đâu Suất Am) là hai biểu tượng tiêu biểu của chùa Seonunsa.
Chùa Seonunsa được xây dựng năm 577 bởi nhà sư Geomdan (Kiềm Đan) của vương quốc Baekje (Bách Tế) và nhà sư Uiun (Nghĩa Vân) của vương quốc Silla. Thời điểm đó, hai nước đang trong giai đoạn giao chiến nên nhiều người phải đi lánh nạn. Tuy đến từ hai vương quốc đối đầu nhưng hai nhà sư đã đồng lòng, hợp sức dựng chùa giải cứu đoàn người lánh nạn và tạo nơi sinh hoạt chung cho họ. Nơi đây đã giải quyết nơi ăn chốn ở cho bá tính đói khổ và tập trung trẻ mồ côi lại dạy học. Do đó, ngôi chùa này vốn là trung tâm cứu trợ những người dân tị nạn. Cũng vì lẽ đó, 1,300 năm sau, nghĩa quân đã tìm đến tượng Phật ở Dosol-am để cầu nguyện sự thắng lợi cho cuộc khởi nghĩa. Nghĩ thế rồi tôi chăm chú nhìn các nhà sư đang đi lại giữa rừng sơn trà nở đỏ rực xum xuê phía sau chính điện của chùa.
Rời chùa, chúng tôi chạy về phía biển. Điểm đến là bãi cát Myeongsasipni (Minh Sa Thập Lý) nằm giữa bãi tắm Dongho và bãi tắm Gusipo, đối diện cảng Gyeokpo (Cách Phổ) ở bán đảo Byeonsan, Busan. Dọc theo bãi cát trắng mịn trải dài thẳng tắp hơn 1km là rừng thông xanh bạt ngàn có tuổi đời hàng thế kỉ. Mỗi khi gió xuân tươi như mầm non xanh biếc thổi qua, tâm hồn tôi lại được tưới mát bởi hương thông. Gió từ rừng thông thổi ra tí tách như tiếng ấm trà đang đun.
Xa xa là bãi triều trải rộng tít tắp tận ngoài khơi. Vùng biển phía Tây Hàn Quốc vốn nổi tiếng bởi nước triều chênh lệch lớn, lớn hơn bất kì vùng biển nào trên thế giới. Đều đặn hằng ngày, biển trở thành đất liền và đất liền trở thành biển. Nơi tôi đang đứng vốn là đất liền tạo thành do triều xuống. Nhìn bãi triều trải dài tít tắp, tôi lại nghĩ đến những người chặn dòng nước biển để làm vựa muối ngày xưa. Trong Chiến tranh Nhâm Thìn (1592 ~ 1598), khi quân nhu cạn kiệt, Tướng Yi Sun-shin (Lý Thuấn Thần, 1545 ~ 1598) đã ra lệnh ngăn một vạt biển, đắp lò nung lớn, đổ nước biển vào và nung cho nước bốc hơi để làm muối. Cứ thế muối được sản xuất hàng loạt, được đem đi bán và đổi lại hàng ngàn tấn quân lương cho binh sĩ. Tướng Yi Sun-shin vừa là một vị tướng xuất chúng vừa là một nhà kinh doanh đại tài.
Nơi đây nổi tiếng là nơi tắm biển hoặc chườm cát cho những bệnh nhân bị bệnh ngoài da hay bệnh về dây thần kinh do nước biển có độ mặn cao. Đó cũng là lý do tại sao xung quanh có rất nhiều ruộng muối lớn. Đứng tại rừng thông nhìn lơ đễnh ra biển, tôi bỗng nảy ra ý định muốn đi chân trần trên bãi cát trắng dài. Tôi cởi giày và tất rồi cứ thế bước đi. Mỗi khi đôi chân trần chạm vào cát lạnh, một cảm giác khác lạ tìm đến như thể có giác quan mới sinh ra. Giữa lúc ấy, hoàng hôn bắt đầu buông. Bóng chiều tà gợi cảm và hùng vĩ như những đóa sơn trà nở bung rực rỡ trước khi lìa cành.
Một khi đã đặt chân đến Gochang, bữa tối nhất định phải ăn món lươn Pungcheon nướng và rượu phúc bồn tử. Đặc sản “lươn Pungcheon” được đánh bắt ở vùng nước biển và nước ngọt giao nhau nên càng được biết đến là thức ăn bổ dưỡng. Chúng tôi tìm đến một nhà hàng không đặt ở trung tâm sầm uất mà nằm tách biệt trong một cánh đồng “chỉ những người biết mới đến”. Nhà hàng có tên “Hải sản Anh em, Lươn Pungcheon” có vườn và không gian trong nhà rộng rãi. Món lươn được chủ quán nướng trực tiếp trên than hoa với gia vị ướp khác hoàn toàn những nơi khác. Tính riêng nước sốt đã có hơn 200 thành phần gồm các loại như thảo dược, men ngũ cốc, rượu thảo mộc... Nguyên liệu các món ăn kèm cũng thay đổi theo mùa, tất cả đều được trồng hữu cơ. Cả rượu phúc bồn tử do chủ quán tự tay ngâm cũng đánh thức vị giác người uống một cách kì lạ. Vị của lươn và rượu hòa quyện tạo thành vị ngon khiến chúng tôi sung sức như được trẻ và khỏe ra thêm một lần nữa.
Cánh đồng lúa mạch của trang trại Hagwon thu hút nửa triệu du khách vào mỗi mùa xuân. Lễ hội Cánh đồng lúa mạch xanh là lễ hội lớn nhất trong khu vực.
Những cột gỗ nhỏ được khắc, vẽ biểu tượng thần làng (jangseung) đóng vai trò là cột chỉ đường cho những cánh đồng lúa mạch có diện tích khoảng một triệu mét vuông ở Gochang
Như hoa phải tàn thì cây mới kết trái, cái đẹp phải bị thay thế thì sự sống mới có thể bắt đầu. Những mầm non trên cánh đồng ướt đẫm mưa xuân trông thật diệu kì. Chuyến đi này không phải là hành trình khám phá miền đất với cảnh sắc mới lạ mà là hành trình tìm về miền đất cũ với cái nhìn mới mẻ hơn.
Khoảng 1.600 mộ đá có thể được tìm thấy ở Quận Gochang, quần thể lăng mộ đá lớn nhất ở Hàn Quốc. Khu mộ đá này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2000 cùng với khu mộ ở Hwasun và Ganghwa.
Ban nhạc của một nông dân địa phương biểu diễn trong sân trước Tòa nhà Thị trấn Gochang. Trước đại dịch COVID-19 xảy ra, các buổi biểu diễn âm nhạc và khiêu vũ truyền thống thường được tổ chức tại đây cũng như tại nơi sinh của Shin Jae-hyo (1812-1884), một nhà biểu diễn kiêm giáo viên dạy pansori vào mỗi cuối tuần từ mùa xuân đến mùa thu.
Nghĩa trang đá
Sáng hôm sau, chúng tôi xuất phát sớm đi xem triển lãm mộ đá trong thị trấn và di chuyển về vùng Daesan. Tôi muốn tận mắt nhìn những ngôi mộ đá hình tròn vẫn còn giữ trong mình lịch sử ngàn năm của tự nhiên. La liệt những ngôi mộ đá khắp các đường mòn từ đầu làng lên sườn đồi Daesan. Cả ngọn núi lớn trở thành bảo tàng tiền sử ngoài trời. Các ngôi mộ đều được đánh số, càng lên cao số càng nhỏ dần. Chúng tôi muốn xem ngôi mộ số một trên đỉnh núi, nhưng cuối cùng đành từ bỏ vì kiệt sức.
Ngay cả trên bán đảo Hàn - nơi tập trung 60% mộ đá trên thế giới, di tích Gochang tạo thành một quần thể mộ đá lớn nhất với hơn 1.000 ngôi mộ. Do hình thức đa dạng và độc đáo, nơi đây là di tích quan trọng làm rõ lịch sử phát triển của kĩ thuật xây dựng mộ đá và đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2000. Có lẽ không quá lời nếu cho rằng toàn bộ khu vực Gochang là di sản văn hóa. Năm 2013, UNESCO đã chỉ định toàn bộ huyện Gochang là “Khu dự trữ sinh quyển” do môi trường tự nhiên tươi đẹp và sự đa dạng của các nguồn tài nguyên sinh vật được công nhận.
Buổi chiều, chúng tôi lê đôi chân đã thấm mệt đến cánh đồng lúa mạch xanh tươi của nông trường Hagwon. Tuy chưa vào mùa lúa chín, nhưng cứ đến tháng 4 khi hoa cải gần đó nở rộ, nơi đây trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng trăm nghìn khách tham quan mỗi năm. Đi giữa bờ ruộng nơi những chồi non xanh tươi mơn mởn đang đâm chồi nảy lộc, tôi định kết thúc chuyến du lịch Gochang thì bỗng nhiên trời đổ mưa. Như hoa phải tàn thì cây mới kết trái, cái đẹp phải bị thay thế thì sự sống mới mới có thể bắt đầu. Những mầm non trên cánh đồng ướt đẫm mưa xuân trông thật diệu kì. Chuyến đi này không phải là hành trình khám phá miền đất với cảnh sắc mới lạ mà là hành trình tìm về miền đất cũ với cái nhìn mới mẻ hơn.
Làng làm muối Gojeon-ri
Khu đầm lầy Ungok
Bảo tàng mộ đá Gochang
Bảo tàng Pansori Gochang
Lee San-ha Nhà thơ
Ahn Hong-beomHoàng Thị Trang dịch