메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

길 위에서 > 상세화면

2021 SUMMER

BƯỚC VÀO THỜI GIAN CỦA SEOCHON NƠI LƯU GIỮ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tôi đến Seochon, nơi nhà vua đi dạo trong những bức tranh sơn thủy ngày xưa, nơi một nhà thơ hao gầy thu mình lại viết những bài thơ kháng chiến trong những ngày đen tối của chế độ thuộc địa và hiện là nơi những ngôi nhà Hanok hài hòa tuyệt đẹp giữa rừng tòa nhà cao tầng của thành phố Seoul.

Seochon là tên gọi của khu vực phía tây Cung Gyeongbok, dưới chân núi Inwangsan vốn là ranh giới tự nhiên của Seoul xưa. Từ núi Inwangsan, đưa mắt một chút về phía tây bắc sẽ thấy cung điện Gyeongbok và Nhà Xanh được xây dựng dưới núi Bugaksan. Seochon là nơi mà quá khứ và hiện tại cùng tồn tại một cách kỳ thú với những tòa nhà nhỏ mang phong cách riêng và hài hòa với không gian yên tĩnh.

Tại đây, nhà truyền thống Hanok được thiết kế lại làm quán cà phê với phong cách mới lạ như thể bức tranh thủy mặc của triều đại Joseon (1392~ 1910) đang trải dài trên nền vải canvas của các họa sĩ thế kỉ 21. Những con hẻm nhỏ đầy bước chân du khách từ chợ Dongin và chợ Chaebun đến thung lũng Suseong ấm cúng như con hẻm số 22 Golden Bull ở cộng hòa Séc nơi có phòng sáng tác của nhà văn Chủ nghĩa hiện sinh Franz Kafka (1883~ 1924). Thỉnh thoảng nó cũng làm du khách có cảm giác như đang đi qua những con hẻm sau ngọn đồi Montmartre Paris ở Pháp.

Gần đây, Seochon đang nổi lên như một địa điểm du lịch nổi tiếng của Seoul, sau Bukchon. Du khách có thể trải nghiệm những con hẻm xinh xắn với vô số quán cà phê độc đáo, những nhà hàng ngon hấp dẫn và trên hết là được đắm mình vào không gian văn hóa nghệ thuật. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số người cảm thấy thích thú khi leo núi một mình, họ tìm đến núi Inwangsan và hòa mình vào khung cảnh Seoul hiện ra trước mắt.

Đỉnh núi Inwang cho tầm nhìn bao quát Seochon và Seoul cũ. Seochon đề cập đến từ khu vực chân núi phía đông đến bức tường phía tây của Cung điện Gyeongbok, nơi các quan lại cấp thấp trong cung điện sinh sống suốt triều đại Joseon. Ngày nay, khu vực này là nơi không thể bỏ qua, nơi kết hợp giữa nghệ thuật, văn hóa, ẩm thực, lịch sử, hoài cổ và phong cảnh thiên nhiên.

Thung lũng Suseong ở Ogin-dong, thiên đường đẹp như tranh vẽ nổi tiếng với những hàng cây rợp bóng và tiếng nước chảy róc rách, từ lâu là địa điểm yêu thích của nhiều nghệ sĩ.

Bức tường thành Seoul được xây dựng vào thế kỷ 24 ngay sau khi triều đại Joseon được lập nên. Hàng rào bảo vệ cao trung bình khoảng 5- 8 mét và dài khoảng 18,6 ki lô mét. Phần phía tây nằm dưới núi Inwang với Seochon nép mình bên dưới.

Dấu tích của những người xưa

Bảo tàng cùng tên với nghệ sĩ Pak No-soo được mở cửa vào năm 2013. Nghệ sĩ Pak đã sống ở ngôi nhà này khoảng 40 năm và đã tặng khoảng 1,000 tác phẩm nghệ thuật để bảo tồn và trưng bày.

Vào năm 1941, Yun Dong-ju, một sinh viên trường Cao đẳng Yonhee (tiền thân của Đại học Yonsei), sống tại ngôi nhà của tiểu thuyết gia Kim Song (1909- 1988) và viết một số bài thơ chính của ông, bao gồm tác phẩm ‘Một đêm đếm các vì sao’. Một tấm bảng đánh dấu nơi ngôi nhà được đặt vào.

Kim Mi-gyeong mang những cây viết mực của mình nên những nóc nhà và những nơi cao để vẽ khung cảnh đường phố của Seochon. Sau 20 năm làm nhà báo, bà đã rời đến New York vào năm 2005, quay về vào năm 2012 và sinh sống ở Seochon, nơi mà bà được biết đến như một ‘Nghệ sĩ mái nhà’.

Nằm gần kề cung Gyeongbok - cung điện chính của triều đại Joseon, Seochon là nơi sinh ra và lớn lên của nhiều hoàng tử trong đó có Chungnyeongdaegun (Trung Ninh Đại Quân), con trai thứ 3 của Vua Taejong (Thái Tông), sau này là vua Sejong (Thế Tông Đại vương, 1397 – 1450). Có thể nói đây là “khu làng hoàng tộc” sinh ra nhiều giai thoại lịch sử. Bức tranh sơn thủy mang tên “Mongyoodowondo” (Mộng du đào nguyên đồ 1447) lấy Seochon làm bối cảnh là tác phẩm được Anhpyeongdaegun (An Bình Đại Quân, 1418~ 1453) con trai thứ 3 của Vua Sejong giải thích về khung cảnh thần tiên ông dạo chơi trong giấc mơ và nhờ họa sĩ AhnKyun (An Kiến) vẽ lại. Thung lũng Sooseong ở Okindong trong bức tranh này không chỉ là nơi Ahnpyeongdaegun mà cả anh trai thứ hai của Vua Sejong là Hoonlyeongdaegun (Hiếu Lĩnh Đại Quân, 1396~1486) sinh sống. Ông là người nổi bật về học vấn và đức độ, sau khi em trai là Sejong lên ngôi, ông không màng cạnh tranh quyền lực, thay vào đó đã trở thành nhân vật được tôn kính vì đã góp phần chấn hưng Phật giáo.

Ngoài ra, Jeongson Geumjae (Khiêm Trai Chính Sơn, 1676~1759) cũng sống tại nơi này và vẽ nên kiệt tác Inwangjaesekdo (Nhân vương tế sắc đồ, 1751) của thời đại Jingyeong (thời đại Chân Cảnh), thời kỳ đỉnh cao văn hóa triều đại Joseon. Bức tranh nổi tiếng này vốn là quốc bảo số 216 thuộc sở hữu của Cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Keun Hee (Lý Kiện Hy, 1942~2020), gần đây đã được tặng lại cho nhà nước và một lần nữa thu hút sự chú ý của công chúng.

Từ giữa triều đại Joseon, Seochon chủ yếu là nơi sinh sống của tầng lớp trung lưu vốn là tầng lớp giữa quý tộc và thường dân. Các quan thông ngôn, ngự y và thái giám trong cung cũng chọn làm nhà tại đây. Nói cách khác, khu vực này gồm Sajikdong, Okindong, Hyojadong hiện tại từng là nơi ở của các nhân vật quan trọng phục vụ cho các hoạt động của triều đình, không giống như Bukchon được biết đến là khu nhà của tầng lớp thượng lưu, quý tộc. Vì vậy, nhà truyền thống Hanok ở Bukchon tương đối lớn và hoàng tráng còn ở Seochon lại nhỏ gọn và đơn giản. Đó là lý do tại sao ở Seochon lại có nhiều con hẻm nhỏ lan tỏa như những mạch máu nhỏ.

Sau sự sụp đổ của triều đại Joseon, vào thời kì Nhật Bản chiếm đóng (1910 ~ 1945), các nghệ sĩ trẻ thường tập trung tại Seochon. Các nhân vật tiêu biểu có thể kể đến như nhà thơ Yun Dong-ju (Doãn Đông Trụ, 1917~1945), Yi Sang (Lý Sương , 1910~1937), Noh Cheon-myeong (Lư Thiên Mệnh, 1911~1957) và tiểu thuyết gia Yeom Sang-seop (Liêm Tưởng Thiệp, 1897~1963). Ngoài ra, họa sĩ Gu Bon-ung (Cụ Bổn Hùng , 1906~1953), Lee Jung-seop (Lý Trọng Tiếp, 1916~1956), Chun Kyung-ja (Thiên Cảnh Tử, 1924~2015) cũng sống tại đây. Cùng thời điểm này, trớ trêu thay, Seochon cũng là nơi có những dinh thự sang trọng mang hơi hướng phương tây của phái thân Nhật có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội như Lee Wan-yong (Lý Hoàn Dụng, 1858~1926) và Yoon Duk-yeong (Doãn Đức Vinh, 1873~1940).

Văn hóa và nghệ thuật vượt qua thời gian và tạo ra sự đồng cảm giống như chú chim mổ vỏ chui ra từ bóng tối và tạo ra một thế giới. Đó là hình ảnh ví von các nghệ sĩ đang cố gắng thoát khỏi thời kì nghèo đói và tuyệt vọng bằng hoạt động sáng tác mãnh liệt. Tìm ra dấu tích họ để lại cũng là phần mở đầu bí mật của câu chuyện trong chuyến đi tới Seochon lần này.

Lần theo mùi hương

Chợ Tongin ban đầu được thành lập vào năm 1941 như một khu chợ công cộng cho người Nhật Bản sống ở các khu vực gần đó. Khu chợ được phát triển đến hiện tại từ sau Chiến tranh Triều Tiên khi dân số của Seochon mở rộng nhanh chóng.

Đầu tiên, tôi hướng về phía “Đồi thơ” nơi có “Thư viện văn học Cheongun” và “Bảo tàng văn học Yun Dong-ju” ở Cheongundong. Phía bên kia ngọn đồi, trung tâm Seoul xưa trải dài như chiếc quạt, thấy được tháp Namsan ở phía xa và tháp Lotte phía bên kia sông Hàn. So với Thư viện Văn học Cheongun được trang trí tinh tế với ngôi nhà Hanok được trùng tu lại trên sườn núi, bảo tàng văn học Yun Dong-ju là tòa nhà bê tông với cổng sắt gợi nhớ đến một nhà tù lạnh lẽo. Tòa nhà này có khu vườn cà phê ngoài trời và những chiếc ghế dài nằm trong top “Kiến trúc đương đại tuyệt vời nhất Hàn Quốc” do Nhật báo Dong-a và tạp chí kiến trúc SPACE đồng thực hiện năm 2013.

Trên bức tường bê tông ở phòng hình ảnh của Bảo tàng văn học Yun Dong-ju, tiểu sử của một nhà thơ sống ở Seochon trong thời kì thuộc địa và viết thơ kháng chiến, tham gia phong trào chống Nhật khi đang du học ở Nhật Bản, bị bắt và chết trong nhà tù ở Fukuoka được mở ra. Tôi thấy xót xa khi nhớ đến vài dòng trong quyển nhật ký ông viết: “thật xấu hổ vì không thể trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu, và chỉ trốn trong căn phòng nhỏ viết được vài vần thơ không có gì đặc biệt, thậm chí còn xấu hổ hơn khi chẳng thể làm gì được chỉ biết sáng tác thơ văn.”

Tiếp đó, tôi rời con hẻm như mê cung, hướng về “Ngôi nhà của Yi Sang”. Yi Sang là nhà thơ thiên tài của thơ cận đại Hàn Quốc, ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Đây là nơi thường được du khách chọn làm điểm xuất phát của hành trình tham quan văn hóa nghệ thuật Seochon. Ngôi nhà của Yi Sang hiện tại đã được xây mới sau khi ông qua đời còn ngôi nhà ban đầu vốn là nơi ông sống suốt 20 năm kể từ khi được nhận nuôi lúc ba tuổi chỉ còn lại một ít dấu tích. Tại đây chủ yếu trưng bày các bản thảo sáng tác được viết bằng tay của ông. Tại nơi này, đi theo phía thung lũng Suseongdong sẽ thấy “Bảo tàng nghệ thuật Park No-soo” nơi trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Park No-soo (Phác Lữ Thọ, 1927~2013) nổi tiếng với tranh thủy mặc tao nhã. Đi xa hơn một chút sẽ thấy nhà trọ nơi mà nhà thơ Yun Dong-ju đã sống khi còn là sinh viên đại học.

Cuối cùng, tôi cũng đến thung lũng Suseongdong có thể xem là điểm cuối của Seochon. Tại đây có một nữ họa sĩ nữ đeo khẩu trang và vẽ tranh một mình. Đó là họa sĩ Kim Mi-gyeong được biết đến với biệt danh “Họa sĩ mái nhà Seochon” từ vài năm trước. Xuất thân là một phóng viên báo chí với 20 năm trong nghề, tám năm trước bà nghỉ việc và bắt đầu vẽ phong cảnh mái nhà của Seochon. Bà lên đỉnh núi Inwangsan và nóc nhà Hanok, những ngôi nhà và biệt thự kiểu Nhật Bản để vẽ tranh về Seochon vốn còn lư giữ trọn vẹn lịch sử của Seoul xưa. Ban đầu, người dân nơi đây không biết bà là họa sĩ nên đã trình báo cảnh sát với tội “gián điệp vẽ bản đồ”, tuy nhiên, giờ đây tranh của bà đã được treo trong nhiều cửa hàng tại Seochon. Bất chợt, tôi tò mò hình ảnh của Seochon trong tương lai họa sĩ sẽ vẽ như thế nào.

Triển lãm ‘Ghi lại những con đường’, được tổ chức bởi Quỹ môi trường y tế an toàn Hàn Quốc từ ngày 30 tháng 04 đến ngày 16 tháng 05 năm 2021, tại Boan 1942, một địa điểm văn hóa đa năng. Buổi triển lãm đưa ra khoảng 80 bức ảnh cho thấy đại dịch Covid đã thay đổi xã hội như thế nào.

Quán trọ Boan, được xây dựng vào năm 1940, là một nơi ưa thích cho nhiều nghệ sĩ và nhà văn. Hoạt động như một quán trọ cho đến năm 2004, gần đây nó đã được chuyển thành Boan 1942, nơi những cuộc triển lãm, buổi biểu diễn và nhiều sự kiện khác được tổ chức.

Địa điểm của ngôi nhà Yun Dong-ju ở

Nhà của Yi Sang

Công viên Sajik

Cung điện Gyeongbok

Nhìn lại đằng sau trong mê cung

Cuối cùng, tôi ghé qua “Quán trọ Bo-an” ở Tonguidong vốn là nơi họa sĩ Lee Jung-seop và nhà thơ Seo Jeong-ju (Từ Đình Trụ, 1915~2000) từng sống. Nơi này vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu lúc mới xây dựng năm 1942 và đang được sử dụng làm bảo tàng nghệ thuật. Năm 1936, tạp chí mang tên “Thi nhân lạc bộ” do nhà thơ Seo Jeong-ju cùng các nhà thơ khác lên ý tưởng đã ra đời tại đây. Bước vào ngôi nhà cổ, ta có thể cảm nhận được dấu vết lịch sử được lưu giữ khắp mọi nơi. Thật tuyệt vời khi nhìn thấy những cầu thang gỗ và phòng triển lãm tuy chật chội nhưng vẫn giữ nguyên được hình dáng xưa cũ.

Ông Choi Seong Woo – giám đốc “Quán trọ Bo-an” – mang ước mơ trở thành họa sĩ sang Pháp du học, sau đó theo học ngành quản lý nghệ thuật và quay về biến nơi đây thành một trung tâm văn hóa phức hợp tiêu biểu của Seochon. Hiện tại, cạnh “Quán trọ Bo-an”, ông cho xây tòa nhà bốn tầng để mở rộng hơn hoạt động kinh doanh văn hóa, thử nghiệm triển lãm các tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ trong nước và tích cực xúc tiến các dự án ra nước ngoài. Trong tương lai, ông cũng dự định mời các nghệ sĩ nước ngoài đến tham gia triển lãm thường niên. Tầng ba và tầng bốn của tòa nhà là nhà khách và không gian làm việc của các nghệ sĩ lưu trú.

Qua biết bao thăng trầm lịch sử, đã có rất nhiều người, rất nhiều tầng lớp sống tại Seochon, duy nhất cái hồn văn hóa nghệ thuật vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Tại nơi này, văn hóa nghệ thuật của quá khứ, hiện tại và tương lai đang hội tụ với đa dạng hình thù, màu sắc phủ đầy những con hẻm nhỏ như mê cung.

Ưu điểm của việc du lịch qua những con hẻm thế này là ta được mở rộng tầm mắt trước những con đường mới lạ. Đôi khi sẽ gặp những con hẻm cụt, ta vừa quay lại vừa có thể nhìn lại bước chân của chính mình. Trong chuyến đi này, tôi đã khám phá ra được nhiều điều mới mẻ.

Đỉnh núi Inwang cho tầm nhìn bao quát Seochon và Seoul cũ. Seochon đề cập đến từ khu vực chân núi phía đông đến bức tường phía tây của Cung điện Gyeongbok, nơi các quan lại cấp thấp trong cung điện sinh sống suốt triều đại Joseon. Ngày nay, khu vực này là nơi không thể bỏ qua, nơi kết hợp giữa nghệ thuật, văn hóa, ẩm thực, lịch sử, hoài cổ và phong cảnh thiên nhiên.

Kwon Oh-nam đã điều hành Nhà sách Daeo từ khi bà cùng người chồng quá cố mở cửa nhà sách vào năm 1951. Họ quyết định sử dụng một phần ngôi nhà mang hơi hướng truyền thống của mình làm cửa hàng sách. Bây giờ nó là hiệu sách cũ lâu đời nhất ở Seoul. Nơi này cũng được sử dụng như một quán cà phê sách. © Newsbank

Chebu-dong, khu ẩm thực nổi tiếng, thu hút mọi người ở mọi lứa tuổi, những người tìm kiếm đồ ăn ngon cả ngày lẫn đêm. Những quán ăn nhỏ chen chúc nhau tạo thành một bức tường ẩm thực trong mê cung ngõ hẻm.

Nhà thơ Lee San-ha (Lý Sơn Hà)
Ảnh Ahn Hong-beom
Dịch Nguyễn Thị Ly

전체메뉴

전체메뉴 닫기