메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2016 WINTER

Đi bộ tới nơi mặt trời mọc

Mặt trời mọc đầu tiên trên bán đảo Hàn tại một làng chài hướng ra biển Đông có tên gọi Homigot ở vùng Pohang. Vào ngày đầu tiên của năm mới, rất nhiều người từ những nơi khác tập trung về đây để đón mặt trời mọc và vừa đi bộ tới bán đảo Homi, vừa ngắm biển.

Vươn tới nơi mặt trời mọc, một bàn tay lớnbằng đồng, là một tắc phẩm điêu khắc cótên là “Bàn tay của sự hài hòa”, vươn lêntrên những con sóng của thủy triều biểnĐông, và hướng về bờ biển Homigot.

Khi ánh mặt trời mùa đông chiếu trên gương mặt, tôi sực nhận ra rằng mình vẫn còn đang sống. Lành lạnh, mềm mềm, và cả một sự trống rỗng nữa.

Mặt trời mọc trên con đường tới Biển Đông

Thi thoảng mọi người thường hỏi rằng. Trong suốt quãng thời gian mà bạn sống, điều gì là vui nhất? Vào khoảnh khắc nhận được câu hỏi, tôi lật giở từng trang từng trang trong ký ức của mình. Những niềm vui lớn lao, những niềm vui nhỏ bé, tôi không thể nào chọn được một trong số chúng để trả lời. Bởi vì có một giây phút nào đó thoáng qua quá nhanh khiến người ta hầu như không thể nghĩ tới, nhưng lại có sức mạnh làm lay động cả linh hồn.

Những lúc như vậy, tôi lại đặt câu hỏi ngược lại. Trên đời này có điều gì là buồn nhất? Những giây phút của nỗi buồn mang tới cho tôi những điều đẹp đẽ. Trong số những nỗi buồn vô kể đó, tôi cũng lại không thể nào nói được việc nào là buồn nhất.Vì thế tôi đã trả lời thế này. Đó chính là mặt trời không mọc vào buổi sáng. Dù chưa được trải nghiệm nó, nhưng có lẽ với tất cả chúng ta, sẽ không có việc gì là buồn hơn điều đó. Sự sống và cái chết, sự thần bí và cái đẹp, linh hồn và số mệnh. Vào thời khắc mặt trời ló rạng, con người bắt đầu viết tất cả ký ức của chính mình.

Cúi lạy trước tấm điêu khắc bằng đá

Guryongpo, một cửa sông được đặt tên theo truyềnthuyết con rồng chín đầu, hướng lên trời cao, hìnhchụp từ trên cao.

Trên đường tới Biển Đông có một số nơi mà tôi ghé vào như một nghi lễ. Là tấm điêu khắc đá Chilpo-ri ở ấp Honghae, thành phố Pohang. Tấm điêu khắc bằng đá có vị trí bên cạnh một con đường nông trại yên bình, ra khỏi đường quốc lộ số 7, và được chạm khắc vào thời đại đồ đồng khoảng 3.000 năm trước đây. Thoạt đầu khi tôi mới nhìn thấy tấm điêu khắc đá này, trong lòng bỗng trở nên hoan hỉ, mừng rỡ. Cảm giác như có những vì sao đặc biệt trong dải ngân hà đang lấp lánh lấp lánh. Đó là những giấc mơ mà người tiền sử mơ ước mỗi khi họ nhìn lên bầu trời đêm. Tôi đi lại mấy vòng quanh tấm đá được khắc. Và khi tôi nhìn lại tấm điêu khắc đá, trước mắt tôi nhìn thấy có một bình hoa rất lớn. Nó được cắm đầy những bông hoa. Ba ngàn năm trước đã có ai đó chạm khắc bình hoa và những bông hoa lên tấm đá này. Tôi nghĩ rằng cái đó giống như là một hình tượng vũ trụ mà người nào tạo nên và là bài hát ca ngợi vũ trụ này. Vào lúc đó, mặt trời ló rạng trong đám mây. Ánh sáng mặt trời vuốt ve nhẹ nhàng lên bề mặt của tấm điêu khắc đá. Tôi cúi đầu. Hai tay chắp vào nhau và bái lạy về phía tấm đá.

Ở vùng Konark, Ấn Độ có một ngôi đền Mặt trời (Sun Temple). Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, ngôi đền là hình tượng hóa của cỗ xe ngựa mà Thần Mặt Trời đã sử dụng để đi lại. Hai mươi bốn bánh xe của cỗ xe này biểu thị cho 24 tiết khí, với đường kính của mỗi bánh xe khoảng chừng hơn 3 mét. Tôi tìm đến ngôi đền Mặt Trời vào ngày 1 tháng 1 năm 2010. Trên cỗ xe đạt tới độ cao 50 mét, những bức chạm khắc của các vị thần và vua thật kỳ bí và đẹp huyền ảo. Ngôi đền này tấp nập những người khách hành hương từ mọi nơi ở Ấn Độ, những bộ trang phục sari màu cam họ mặc trên người tỏa sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời. Hàng ngàn, có thể là hàng vạn người với trang phục màu vàng lấp đầy ngôi đền, hình ảnh đó giống như mặt trời đồ sộ đang trôi bồng bềnh. Đi bộ hòa vào dòng người khiến tôi có cảm giác như mình cũng đang ngùn ngụt năng lượng mặt trời.

Mùa mưa của năm đó tôi lại tới ngôi đền Mặt Trời một lần nữa. Khi tôi tới Puri, trận lụt đã chặn mất con đường đi lên Konark. Tất cả các lái xe đều lắc đầu. Chỉ có một người đàn ông mặc chiếc sari màu vàng tiến lại phía tôi. “Tại sao anh lại muốn đến Konark?”. “Tôi muốn đến ngôi đền Mặt Trời”. “Đường xá đã bị nước ngập hết rồi, mà nếu có đi thì cửa đền cũng đóng rồi”. “Tôi vẫn muốn nhìn thấy nó, dù chỉ là từ bên ngoài thôi”. Tôi không hiểu nổi vì sao lúc đó mình lại ngoan cố như vậy. Người đàn ông đó chính là người lái xe rickshaw. Chiếc xe rickshaw cũ rích ba bánh chạy trên con đường ngập nước. Trên đường đi thì mưa tạnh. Nước bắt đầu rút, và sau ba giờ đồng hồ khi chúng tôi tới ngôi đền Mặt Trời thì ánh sáng mặt trời bắt đầu xuất hiện. Ngày hôm đó, tôi cùng với một số ít người hành hương đã có được niềm vui trong cuộc hành trình tới ngôi đền Mặt Trời. Mỗi khi trong lòng thấy u tối, tôi lại nghĩ đến thời khắc đó. Nếu có ai hỏi tôi về việc tốt nhất tôi đã làm trong đời, thì có lẽ tôi sẽ nói về ngày hôm đó.

Tôi kết thúc cuộc hành hương tới bức điêu khắc đá và hướng về Homigot.

Đông người tập trung trước Sunrise Plaza củaHomigot để chào đón ánh mặt trời đầu tiên của nămmới. Bên trái là Bảo tàng Hải đăng quốc gia, nơi đểkhám phá lịch sử hàng hải và kỹ thuật hàng hải củaHàn Quốc.

Đón mặt trời ở Homigot

Cái tên Homigot có nghĩa là một bán đảo nhỏ có hình dạng của chiếc đuôi con hổ. Đầu thế kỷ 20, nhà văn, học giả Choe Nam-seon đã miêu tả hình dáng của bán đảo Hàn giống như một con hổ đang dùng chân trước của nó ôm vùng đất Mãn Châu, và phần đuôi của con hổ này chính là Homigot. Đây là nơi mặt trời xuất hiện đầu tiên trên khắp bán đảo Hàn. Vào thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc, rất nhiều người Hàn đã tìm đến nơi này, ngắm nhìn hình ảnh mặt trời mọc và cầu nguyện Tổ quốc được giải phóng. Mặt trời mọc ở Homigot, đối với người Hàn Quốc, không chỉ đơn giản là mặt trời lên, mọi người đã xếp nó vào một trong mười kỳ quan đẹp nhất của Joseon.

Tấm điêu khắc đá ở Chilpo-ri, thành phố Pohang,được xác định có từ thời kỳ đồ đồng, cách đây 3.000năm.

Nếu các bạn là một du khách người nước ngoài du lịch tới Hàn Quốc vào mùa đông thì việc được chiêm ngưỡng mặt trời mọc ở Homigot sẽ trở thành một ký ức sâu sắc. Và nếu đó là ngày đầu tiên của năm mới thì bạn càng gặp nhiều may mắn hơn nữa. Bạn cũng như tất cả mọi người sẽ được phục vụ miễn phí món ăn truyền thống vào năm mới của Hàn Quốc là món canh bánh gạo. Tất cả mọi người cùng tập trung bên bờ biển, vừa cùng nhau ăn bữa sáng vừa đón mặt trời ngày đầu tiên của năm mới. Tâm trạng của những người Hàn Quốc ngắm nhìn mặt trời đỏ rực nhô lên từ dưới mặt biển đều giống nhau. Mong một cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ đến! Ít bệnh tật và mọi người yêu thương lẫn nhau! Khi nhìn hình ảnh mọi người hai tay chắp lại trước mặt trời đỏ rực, tôi cũng muốn cầu nguyện. Tôi ước những thời gian đẹp đẽ và ấm áp sẽ mở ra với thế hệ chúng ta!

“Bàn tay cộng sinh” là một tác phẩm điêu khắc tạo hình bằng đồng được xây dựng ở Homigot. Một tay là Biển, một tay là Đất liền. Hai bàn tay đó nhìn đối diện vào nhau. Có vẻ như tâm hồn của con người đồng cảm với bàn tay phía biển hơn. Bởi vì họ cảm thấy sức sống kiên cường hơn trong hình ảnh của bàn tay nhô lên từ những con sóng biển Đông phun trào dữ dội. Có một khoảnh khắc mặt trời nằm ngay phía trên của cánh tay nhô lên khỏi mặt biển. Mọi người đều nắm trong tay chiếc máy chụp hình. Ai cũng có nguyện vọng được lưu giữ lại năng lượng mặt trời trong cuộc sống của riêng mình.

Nếu đi bộ theo con đường hiu quạnh của Homigot, sẽ gặp bài thơ của Lee Yuk-sa. Bài thơ tên là “Quả Nho xanh” (Cheongpodo) được khắc trên đá.

Quê tôi vào tháng bảy
Là mùa nho xanh đang chín
Truyền thuyết của ngôi làng nở thành từng chùm từng chùm
Và giấc mơ trên bầu trời xa xôi khắc vào từng hạt từng hạt nho
Mặt biển xanh dưới bầu trời mở ra cả tâm hồn
Và khi cánh buồm trắng đẹp được đẩy tới
Người khách tôi đã mong chờ bấy lâu
Đã tìm đến với một cơ thể mệt mỏi trong chiếc áo gai xanh
Tôi đi hái những trái nho này để mời người khách của mình
Hai bàn tay dù ướt tôi vẫn thấy vui
Các con ơi, mau lại đây chuẩn bị bàn ăn
Với chiếc khăn ăn màu trắng đặt trên chiếc mâm bạc.

Trong thời kỳ Nhật trị, nhà thơ Lee đã bị bắt giữ vì những hoạt động đòi độc lập của mình, và ông đã qua đời trong nhà ngục vào tháng 1 năm 1944. Bị bắt giam chưa được một năm, vì vậy cũng không khó khi suy ngẫm về những gian khổ mà ông phải chịu đựng. Khoảng một năm sau khi Lee Yuk-sa rời bỏ trần thế, cũng có một nhà thơ trẻ trút hơi thở cuối cùng trong nhà ngục của Nhật Bản. Đó là nhà thơ 28 tuổi Yun Dong-ju. Mất đi hai nhà thơ tiêu biểu gần như cùng một thời điểm thực sự là một tổn thất lớn với nền văn học Hàn Quốc. Khi bạn tìm đến xem mặt trời mọc trên biển Đông, nếu muốn mang trong túi một cuốn sách thì hãy bỏ vào đó tập thơ của Lee Yuk-sa và Yun Dong-ju. Tâm trạng của người Hàn Quốc khi ngắm nhìn mặt trời mọc vào năm mới đều nằm cả trong tập thơ này mà thôi.

Kênh Pohang, một dòng nướcdo con người tạo nên, chảygiữa Songdo-dong và Jukdodong,là một nơi thu hút nhiềukhách du lich vì cuộc đuathuyền lãng mạn, kéo dài suốt1.3km chiều dài của nó

Đi qua ngôi làng bên bến cảng

Mọi người vẫn gọi con đường địa phương số 925 bao quanh Homigot là “Đường vòng quanh bán đảo Homi”. Trên con đường này bạn có thể bắt gặp những ngôi làng bên bến cảng cũ kỹ đậm mùi cuộc sống của người Hàn Quốc. Guryongpo là một bến cảng mang hình dáng của một con rồng chín đầu đang bay lên trời cao. Những con sóng dữ dội va đập vào đê biển. Ánh sáng mặt trời rực rỡ xuyên qua những con sóng và tạo ra những tia nước. Lẽ nào không thể chiếu sáng lên hình dáng của con rồng chín đầu? Đi bộ thong thả trên cầu tàu có tuyết bay, hình ảnh một con rồng đã mất của ngày hôm qua khắc ghi trong tâm hồn bạn, có lẽ như vậy đã đủ ý nghĩa cho một lần tìm đến Guryongpo rồi. Có một món ăn mà những người khách du lịch ghé vào Guryongpo nhất định phải thưởng thức. Đó là một loại cá khô có tên là gwamegi. Cá thu được bắt ở biển Đông, rồi làm khô nhờ gió biển, sau đó từ quá trình lặp đi lặp lại của việc làm đông ở nhiệt độ dưới 0 độ, rồi giã đông, dầu cá sẽ dần mất đi và trong con cá khô gwamegi sẽ còn giữ nguyên lại được hương vị đậm đà của biển. Hình ảnh những người thủy thủ của vùng Guryongpo ngồi xung quanh cầu tàu vừa nướng cá vừa uống rượu soju nhìn thật giản dị và cũng có chút kỳ bí. Còn hơn thế nữa, tôi nghĩ tất cả họ đã trải qua một cuộc sống mà ở đó, họ chính là chủ nhân lưu giữ sinh khí của những con rồng trong chính tâm hồn của mình. “Anh từ đâu tới”, “Làm một chén nào”. Những con rồng ấy cười khà khà và dùng lưỡi liếm chén rượu soju.

Cá thu bắt ở biển Đôngđược treo và làm khôngoài trời, nhờ gió mùađông thổi từ biển. Saunhiều lần đông lạnh và giãđông, cá khô trở thànhgwamegi, một đặc sản củaGuryongpo.

Vào ban đêm, từ con đường bao quanh bán đảo Homi có thể nhìn thấy một cảnh quan ánh sáng tuyệt vời của nhà máy POSCO. Nhà máy sản xuất thép này nằm ngay giữa vịnh Yeongil, chỉ riêng nhà máy này đã có quy mô sản xuất thứ hai trên thế giới, với những sản phẩm thép dùng trong công nghiệp ô tô và thiết bị điện tử. Thép POSCO đóng một vai trò thiết yếu cho sự trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ 11 thế giới của Hàn Quốc, và người Pohang luôn mang trong mình niềm tự hào về nhà máy này.

Tại điểm kết thúc ánh sáng đèn của nhà máy POSCO là một điểm tham quan lãng mạn mà người Pohang rất tự hào. Đó là kênh đào Pohang, được hoàn thành vào tháng 1 năm 2014. Kênh đào này dài 1,3 km, kéo dài toàn bộ khu vực Songdo-dong và Jukdo-dong của thành phố Pohang. Trước đây khu vực này nổi tiếng với nguồn nước ô nhiễm và sự hôi thối của những hộ dân sinh sống và nhà xưởng cũ kỹ, mất vệ sinh.

Thế nhưng, với công sức của con người, chính tại nơi này đã có một dòng nước mới được hồi sinh. Bây giờ mọi người có thể đi bộ thảnh thơi và thưởng thức những không gian xung quanh kênh đào, như phòng triển lãm, khu vui chơi, công viên, quán café… Vào mùa thu, tại lễ hội kênh đào được tổ chức tại đây, du khách tham quan đến với Pohang có thể tìm thấy một cảm giác của những ngày thơ ấu. Điểm nhấn của lễ hội kênh đào chính là cuộc thi “Đua bangti”. Bangti là một từ địa phương của Pohang, có nghĩa là chậu rửa lớn bằng cao su. Một người sẽ ngồi trong bangti, với đường kính gần 1 mét, sau đó dùng hai tay trèo trên dòng nước để đẩy bangti đi tới đích. Lễ hội lướt giữa dòng kênh này gợi lên sự lãng mạn và nỗi nhớ quê da diết.

Ký ức của chợ cá

Một trong những niềm vui thú lớn lao đối với người du khách đó là gặp chợ cá Jukdo nằm ở phía cuối con kênh. Ở chợ cá lớn nhất bờ biển Đông này, có khoảng hơn 2.500 cửa hàng kinh doanh cá tươi và cá khô, và hơn 200 nhà hàng chuyên bán các món gỏi cá sống. Đi bộ giữa những gian hàng bán các loại cá, ngao, bạch tuộc, tôm, mực muôn hình muôn vẻ, bạn cảm thấy như những tiếng ồn ào và mùi tanh của chợ cá cũng ngấm vào cơ thể của mình. Âm thanh và mùi vị này có thể làm giải tỏa mọi căng thẳng và mệt mỏi. Bất thình lình, hình ảnh của một chợ cá cũ xuất hiện trong đầu tôi.

Nơi kênh đào Pohang gặpbiển – Chợ Jukdo. Cókhoảng 2.500 cửa hàngkinh doanh cá tươi và cákhô, 200 nhà hàng chuyênbán gỏi cả ở đây. Đây làchợ cá lớn nhất ở bờ biểnphía Đông.

Tôi đã có dịp ghé qua vùng Puna của hòn đảo Hawaii. Tôi tới đấy để viết một bài giới thiệu về thành phố. Với sự giúp đỡ của sở du lịch địa phương, tôi đi tàu ngầm và được khám phá phía dưới đáy biển. Tôi được nhìn thấy các loài cá và những rặng san hô nhiều màu sắc sặc sỡ. Ngắm nhìn những con cá bơi lội trong đám rong biển, tôi nghĩ rằng thật là một ý kiến tuyệt vời nếu kiếp sau được sinh ra là cá, và sống ở nơi này. Theo lịch trình được sắp xếp, tôi tìm đến chợ cá vào buổi sáng sớm hôm sau. Những con cá tươi sống được bày trên sạp bán hàng, giọng nói của ông bà chủ khàn khàn và đầy sức mạnh. Ban đầu không khí tươi mới và đầy sức sống ấy của chợ cá khiến tôi cảm thấy khó chịu. Có lẽ bởi vì hôm qua tôi đã được chứng kiến sự sống của lũ cá dưới đáy biển.

Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, tôi cũng đã một lần đến Mátxcova. Khi đó trên đường tới nhà của một du học sinh người Hàn Quốc, tôi có ghé qua chợ cá. Vào chính giữa mùa đông, ở chợ cá này, cua hoàng đế và cá tuyết được chất đống nhiều như núi. Tôi suy nghĩ để mua một món quà, và đã chọn mua cua hoàng đế cùng với cá tuyết. Tôi mua để cho bốn người trong gia đình có thể ăn đủ, nhưng chỉ phải trả 10 đô-la. Nhiệt độ khi ấy là âm 20 độ. Trong chung cư không có hệ thống lò sưởi nhưng bữa ăn tối với cua và cá tuyết không có cảm giác giá lạnh chút nào.

Trong lúc đi bộ trên đường bờ biển Pohang, tôi cảm thấy mình dần dần tươi tắn hơn lên. Chắc chắn rằng mặt trời ló dạng đang ôm lấy cho những câu chuyện nghèo nàn trong cuộc sống của tôi và ban cho nó những hơi ấm.

 
Gwak Jae-gu Nhà thơ
ẢnhAhn Hong-beom
DịchTrần Phương Anh

전체메뉴

전체메뉴 닫기