메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

길 위에서 > 상세화면

2018 SUMMER

Jeong Yak-yong chưa thể rời xa Chocheon, vì sao?

Cùng với Jeongjo, vị vua có tư tưởng cải cách cuối thế kỷ 19, Jeong Yak-yong là người mơ giấc mơ phục hưng Joseon, chủ trương mang tư duy phê phán và hành động thực tiễn vào nhân văn, khoa học và nhiều lĩnh vực khác. Năm 2018 kỷ niệm 200 năm ông được thả sau 18 năm lưu đày, đồng thời 200 năm phát hành tác phẩm tiêu biểu “Mongmin simseo” (Mục dân tâm thư) của ông. 180 năm trôi qua từ ngày ông qua đời, nhưng dường như tâm tư tình cảm của ông vẫn còn ở lại Chocheon – dòng suối nhỏ bên ngôi làng quê hương.

Dumulmeori thuộc Yangpyeong, tỉnh Gyeonggi là nơi dòng Bukhan-gang và Namhan-gang gặp nhau trước khi chảy vào Hangang. Nơi này ngày nay không còn chức năng giao thông đường thủy chở người và hàng hóa, nhưng màn sương sớm lúc rạng đông của nó vẫn là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật.

Sương mù khiến cảnh vật trước mắt chỉ còn mờ ảo, nhưng nó không che hết toàn bộ tầm nhìn. Ánh mắt người ngắm sẽ dừng lại ở khoảng không giữa những gì bị che phủ, những gì không. Nửa khuất sau sương mù cùng nửa hiện lên trong veo rõ nét kết hợp bằng một tỉ lệ hài hòa tạo ra ảo ảnh và sự huyền bí như đánh thức tính hiếu kỳ của con người về cái đẹp. Dumulmeori nhìn xuống từ chùa Sujong vốn là thắng cảnh nổi tiếng, nơi các tao nhân mặc khách xưa thường tìm về, đưa sự rộng lớn, thanh khiết của Hán giang [trước đây hay đọc nhầm là sông Hàn] vào thơ, vào những bức họa. Ngày nay, nơi đây cũng là địa điểm nổi tiếng được nhiều nhiếp ảnh gia nghiệp dư tìm đến.

Chùa Sujong và sương sớm

Năm nay kỷ niệm 200 năm phát hành “Mongmin simseo” (Mục dân tâm thư), một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Jeong Yak-yong. Tập sách gồm 48 quyển, được đánh giá cao với nội dung phê phán sự chuyên chế của quan chức thống trị cùng cách phụng sự người dân cho dành cho các quan địa phương.

Dumulmeori là cái tên thường được dùng để gọi nơi hai dòng nước gặp nhau. Ở đây, nó chính là phía nam Yangsuri tỉnh Gyeonggi, nơi sông Bắc Hán và sông Nam Hán gặp gỡ trước khi chảy vào sông Hán. Từ Seoul, qua Hanam và cầu Paldang, chậm nhất trong một tiếng bạn sẽ được thanh thản tận hưởng khung cảnh núi sông trải rộng trước mắt này. Vì thế, đây cũng là điểm dã ngoại lý tưởng với người Seoul. Và nếu nhẫn nại leo thêm 300 m trên con dốc núi, bạn sẽ đến chùa Sujong núi Ungil, ngắm nhìn Dumulmeori ngay dưới chân.

Dumulmeori một thời là trung tâm hàng hóa sầm uất có bến tàu nối Jeongseon tỉnh Gangwon, Dangyang tỉnh Bắc Chungcheong với bến tàu Mapo và Ttukseom ở Seoul. Năm 1973, con đập Paldang vùng hạ lưu khánh thành được đưa vào sử dụng khiến nó không còn chức năng giao thông đường thủy. Thay vào đó, do ảnh hưởng của con đập, lòng sông mở rộng, tốc độ nước chảy chậm khiến nơi đây trở nên giống hồ hơn là sông, hình thành quần thể các thực vật thủy sinh gồm cỏ nến, lau sậy, sen, ấu. Lợi dụng sự biến đổi của môi trường sinh thái, nhiều công viên đầm lầy với đường dẫn đến gần khu đầm lầy ở bờ sông gần đó đã xuất hiện. Trong công viên có cả các tác phẩm điêu khắc và nhiều cơ sở vật chất. Tiêu biểu là Vườn Semi hay Công viên sinh thái Dasan luôn đông đảo xe đến tham quan cả vào ngày thường.

Sau thời hạn lưu đày, Jeong Yak-yong trở về Majae – ngôi làng quê hương ông ở Namyangju, tỉnh Gyeonggi và sống ở đó đến khi qua đời. Ông luôn mơ cuộc sống ngày ngày thả câu ở quê nhà.

Điểm nhấn ở đây là chính là sương mù. Những buổi sớm chênh lệch nhiệt độ lớn, sương mù bao phủ mặt nước tĩnh lặng. Từ hồ Cheongpyeong ở thượng nguồn, ôm lấy các sườn núi, sương bị cuốn theo gió núi đến đậu là là trên bờ Dumulmeori. Ai may mắn được một lần ngắm sẽ thấy như muốn nghẹt thở. Sương mù lúc rạng đông trên Dumulmeori khiến người xem như bị chôn chặt trong những ký ức xưa ẩn mình sau cảnh sắc lâu đời này. Cuối cùng, sau khi ngắm cảnh mặt trời mọc trên Dumulmeori từ chùa Sujong – một trong những cảnh tuyệt vời nhất trên sông Hán, nếu có dịp ghé qua quán cà phê nhỏ cạnh bãi đậu xe trên đường xuống núi, trò chuyện cùng nữ chủ quán, thể nào bạn cũng được xem trên máy điện thoại của cô mấy tấm hình chụp toàn cảnh Dumulmeori huyền ảo – tấm hình đã giữ chân cô chủ quán ở lại nơi đây.Mùa xuân năm 1783, Jeong Yak-yong (1762–1836) khi đó 22 tuổi vừa đậu thi hương – kỳ thi trở thành quan cấp thấp. Để tự chúc mừng, ông cùng hơn 10 người bạn đến chùa Sujong. Đây cũng là mong muốn của cha rằng ông sẽ hồi hương thật oai cùng những người bạn học. Sau khi kết hôn năm 15 tuổi, Jeong Yak-yong rời quê đi Seoul để học khoa cử. Ông gặp lại cha sau 7 năm. Cha ông hẳn đã mòn mỏi nhớ thương suốt thời gian dài chờ đợi và cũng hy vọng ở sự gắn bó và đoàn kết giữa những người thuộc phái Namin (Nam nhân) – phe phái chính trị của gia tộc ông.

Chùa Sujong là ngôi chùa cổ hơn 1.000 năm tuổi có cảnh chùa rất đẹp. Chùa nằm không xa làng Majae nơi Jeong Yak-yong sinh ra và lớn lên. Thời trẻ, ông vẫn thường ở lại đây đọc sách, vịnh thơ. Hôm ấy cũng vậy, đêm xuống, trăng vừa tỏ, ông cho đem rượu, cùng bạn vịnh thơ thưởng ngoạn: “Chốn đùa vui thời nhỏ dại, lạc thú trở lại lúc lớn khôn”. Những việc xảy ra ngày hôm ấy được Dasan Jeong Yak-yong tả lại tỉ mỉ trong quyển “Sujongsa yuramgi” (Thủy Trọng Tự du lãm ký).

Kỷ niệm hai trăm năm thoát cảnh lưu đày

So với những người đương thời, ở Hàn Quốc Jeong Yak-yong được tôn sùng như Johann Gottlieb Fichte của Đức hay Voltaire của Pháp. Ông đã để lại khối lượng đồ sộ các tác phẩm trí tuệ phê phán vượt thời đại và tư tưởng trị nước “kinh thế trí dụng” (gyeongse chiyong). Năm 2012, cùng với Herman Hesse, Claude Debussy và Jean Jacques Rousseau, ông được UNESCO lựa chọn vào danh sách “Kỷ niệm Thế giới”, cho thấy tên tuổi của ông không chỉ dừng lại ở trong nước. Năm nay kỷ niệm 200 năm phát hành “Mongmin simseo” (Mục dân tâm thư), một tác phẩm tiêu biểu của ông, và cũng là kỷ niệm 200 năm ngày ông trở về quê hương – làng Majae sau 18 năm lưu đày. Thành phố Namyangju đã phối hợp cùng Ủy ban UNESCO Hàn Quốc tổ chức hội thảo quốc tế tại Seoul tháng Tư vừa qua để kỷ niệm.

Nếu tính đến hơn 500 thư sách ông đã viết, có lẽ cứ mỗi năm, chúng ta lại phải lấy sách của ông để học hỏi cho con đường ta đi ngày hôm nay. Giống như vua Gojong,người mơ giấc mơ tự chủ và cải cách để chống lại thế lực ngoại xâm nửa cuối thế kỷ 19 bảo vệ đất nước, mỗi khi nản lòng lại đọc sách của Jeong Yak-yong và tiếc nuối vì không được sống cùng thời với ông.

Semiwon, khu vườn sinh thái ở Yangpyeong là điểm đến được nhiều người yêu thích khi mùa hè tới. Ở đây có hơn 270 loại thực vật, 70% trong số đó là thủy sinh.

Chuyến du hành này để trở về vùng đất sông Hán nơi Dasan Jeong Yak-yong sinh ra, lớn lên và sống những năm tháng tuổi già, tìm lại từng mảnh ghép trong cuộc đời và tư tưởng của ông. Tuy nhiên chúng ta sẽ không đi vào con đường nghiên cứu học thuật, giáo huấn, nghiêm chỉnh người đời vẫn biết đến và chờ đợi. Bốn tuổi ông đã đọc “Thiên tự văn”, bảy tuổi làm thơ, chưa đến mười tuổi có trong tay tuyển tập “Sammijip” (Tam mi tập) với chùm thơ do ông sáng tác. Nhưng điều chúng ta muốn tìm không phải sự thiên tài của ông mà một cuộc đời gần gũi bình dị: đậu kỳ thi hương và trở thành cống sinh không mấy dễ dàng, được lọt vào mắt vua Jeongjo, nhưng sau đó nhiều lần trượt khoa cử cho mãi đến năm 28 tuổi. Chắc chắn ông không muốn người đời chỉ nhớ đến mình như một con người cứng nhắc, một cống sinh chỉ chăm chăm việc học.

So với những người cùng thời, ở Hàn Quốc Jeong Yak-yong được tôn sùng như Johann Gottlieb Fichte của Đức hay Voltaire của Pháp. Nếu tính đến hơn 500 thư sách ông đã viết, có lẽ cứ mỗi năm, chúng ta lại phải lấy sách của ông để học hỏi cho con đường ta đi ngày hôm nay.

Bốn ngày trốn việc

Quang cảnh ngoạn mục của Dumulmeori nhìn từ chùa Sujong trên núi Ungil từ lâu đã níu chân nhiều thi sĩ, họa sĩ. Nơi đây nằm không xa ngôi làng nơi Jeong Yak-yong sinh ra và vì thế thời niên thiếu, ông thường đến đây đọc sách, vịnh thơ.

Jeong Yak-yong được Jeongjo chọn vào Gyujanggak – cơ quan nghiên cứu học thuật của hoàng thất. Ở đây, ông giữ chức vụ quan trọng, chịu trách nhiệm soạn thảo các chính sách cải cách của Jeongjo. Thế nhưng chỉ dựa trên những gì được ghi chép lại, ông đã bỏ ra ngoài thành hai lần, cho thấy cùng với tài năng, ông cũng có những “cái tật”. Một lần ông đi thăm cha đang giữ chức quan Moksa, quan địa phương ở Jinju. Ông bỏ ra ngoài thành không xin phép. Khi đó, Jeong Yak-yong đang là quan Chogaemunshin (Sao khởi văn thần) tập sự năm thứ hai ở Gyujanggak. Chuyện đến tai vua, Jeongjo đã ra lệnh bắt ông về phạt 50 roi. Dĩ nhiên không bao lâu sau đó, cũng chính Jeongjo đã miễn tội cho ông.

Lần thứ hai ông bỏ ra ngoài thành khi ông đang giữ chức quan Jwabuseungji (Tá phó thừa chỉ), phụ trách các lệnh vua ban. Chính ông đã ghi chép lại như sau:

“Mùa hè năm 1797, khi ta sống dưới chân núi Namsan Seoul, những nhành lựu lần đầu trổ bông, trời quang mưa xuân chợt làm ta nhớ ra đã đến mùa bắt cá ở Chocheon. Theo quy định, các quan phải xin và được phép mới có thể ra ngoài thành. Nhưng vì không thể chính thức xin nên ta đành đi Chocheon mà không có phép. Ngày hôm sau, ta giăng lưới trên sông, tổng cộng bắt được hơn 50 con cá lớn bé. Con thuyền nhỏ không chịu nổi độ nặng, chỉ mấy chi [đơn vị đo chiều dài xưa của Hàn Quốc, 1 chi khoảng 3,03 cm] nổi trên mặt nước. Ta đổi qua một con thuyền khác và neo ở Namjaju, đánh chén một bữa vui vẻ no say.”

Chocheon là con suối nhỏ phủ kín lau sậy chảy cạnh ngôi làng quê ông. Với Jeong Yak-yong, đó là hình ảnh tượng trưng cho quê hương. Còn Namjaju là cồn nhỏ dưới chân Dumulmeori. Nhưng chuyện đã không dừng lại ở đây. Sau khi thưởng thức cá, Jeong Yak-yong rủ cả đoàn đi tiếp đến Cheonjinam thuộc Gwangju ở bên kia sông để thưởng thức thêm các loại rau xanh. Cheonjinam là nơi Jeong Yak-yok cùng các huynh đệ bè bạn học về Thiên chúa giáo, nằm trong núi sâu. Muốn tới đó, dù neo thuyền ở nơi gần nhất cũng phải đi bộ thêm 10 km.

“Huynh đệ bọn ta và gia đình tất cả ba bốn người cùng đi Cheonjinam. Giữa lòng núi sâu, cây cỏ mọc um tùm, hoa nở rộ, hương hoa ngào ngạt. Chim chóc cùng cất tiếng hót trong trẻo. Mỗi lần nghe tiếng chim, tất cả lại dừng chân, nhìn nhau đầy thích thú. Đến chùa, mỗi ly rượu một bài thơ, cứ thế bốn ngày trôi qua mới trở về. Tất cả ta đã làm hơn 20 bài thơ, thưởng thức 56 loại rau xanh như naengi, gosari, dureup.” (Trích “Tuyển tập thơ văn Dasan”, quyển 14)

Tuy nhiên, không ai rõ việc này có được báo cho vua Jeongjo hay không.

Sân trong của Yeoyudang, ngôi nhà nơi Jeong Yak-yong sinh ra, lớn lên và cũng là nơi ông đã sống những năm tháng cuối đời. Ngôi nhà được phục chế theo hình dạng nguyên gốc năm 1957, là một phần của quần thể Di sản văn hóa Dasan. Tên của ngôi nhà thể hiện tư tưởng của Lão Tử khuyên mọi người làm mọi việc cẩn trọng, biết sợ hãi.

Như lội suối mùa đông

Thời Joseon, ngoài tên còn có “ho”, tức “hiệu” là cái tên để bạn bè và đồng nghiệp gọi thân mật. Thường người ta chọn những cái tên thể hiện được đặc trưng hay phẩm cách của một người để làm hiệu. Cũng có người lấy tên gọi ở nhà để làm hiệu. Ngay sau khi cáo quan về quê, Dasan đã tự đặt tên cho lớp học của mình là Yeoyudang (Dư Do Đường).

“Ta tự biết điểm yếu của mình. Có dũng khí nhưng không có mưu trí xử lý công việc, thích việc thiện mà không biết chọn lựa. Đáng tiếc chỉ biết thích việc thiện, để bị chê trách. Lão Tử có câu: Việc thích làm (dư) hãy làm như lội suối mùa đông, việc phải làm (do) hãy làm như sợ tứ phương. Thật đáng tiếc. Phải chăng hai câu này là thuốc chữa cho điểm yếu của ta?”

Một viên quan trẻ nhận được sự sủng ái của vị vua có tư tưởng cải cách đương nhiên không thể tránh khỏi sự công kích của các đối thủ chính trị. Sự che chở của vua không đủ để bảo vệ Jeong Yak-yong với tư tưởng thân Tây và Thiên chúa giáo. Tháng 1 năm 1800, cuối cùng ông từ quan trở về quê nhà, sống cuộc sống hằng mơ ước. Ông chuẩn bị khá đầy đủ, mua nhà thuyền có một phòng, ở cùng vợ dự định ngày ngày câu cá thưởng ngoạn. Nhưng chưa kịp hưởng thì mùa hè năm đó, vua Jeongjo đột ngột băng hà. Sự kiện này đã mở đầu cho hàng loạt các cuộc đàn áp Thiên chúa giáo. Jeong Yak-yong cùng anh thứ hai là Yak-jeon khó khăn lắm mới giữ được tính mạng, nhưng bị phạt lưu đày. Riêng người anh thứ ba Yak-jong,người vốn sùng đạo đã tử vì đạo.

Jeong Yak-yong không chỉ có hiệu là Dasan (Trà Sơn) mà còn có hiệu là Sammi (Tam Mi). Hồi nhỏ ông bị mắc bệnh đậu mùa, để lại sẹo nên mắt ông nhìn như có đường chân mày, vì thế mà có thêm biệt hiệu này. Ông có chín người con, trong số đó ông đã mất sáu người vì sởi và đậu mùa. Người con út qua đời khi ông đang bị lưu đày ở Gangjin. “Ta là người đáng chết hơn sống thì còn sống, con là người đáng sống hơn chết thì đã chết”. Trong lời oán thán của ông có chứa nỗi đau sâu nặng của người cha thương tiếc con.

Với mỗi người con qua đời, ông đều để lại một bài thơ văn thể hiện nỗi đau xót khôn nguôi. Ngoài người con gái lớn mất bốn ngày sau khi chào đời, những người con khác đều được ông chôn cất ở Seonyong – ngọn núi sau làng quê ông. Chính nỗi đau riêng tư này đã trở thành bối cảnh khiến ông đặc biệt quan tâm đến việc chữa trị các bệnh truyền nhiễm, viết hai quyền sách về y học giới thiệu cách chữa bệnh sởi và tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa.

Trải qua mùa hè trên dòng Hán giang

Như một sự đền đáp cho 18 năm lưu đày ở Gangjin, Jeong Yak-yong sống thêm đúng 18 năm sau khi trở về quê hương. Ông tự gọi bản thân những năm tháng về già là Yeolsu (Liệt Thủy). Đây là một tên gọi khác của sông Hán. Ông sinh ra bên dòng sông Hán, mơ ước một cuộc sống điền viên thanh bình nhưng hiện thực đã không cho phép. Năm 1819, một năm sau khi trở về quê hương, ông lên thuyền đi viếng mộ cha ở Chungju, thăm những cánh đồng ở Munam (Môn Nham, ở gần Byeokkaegugok, Suip-ri, Seojong-myeon, Yangpyeong ngày nay). Đây là nơi hàng năm mỗi khi mùa thu đến, ông vẫn cùng người anh thứ hai Yak-jeon đến ở mấy mươi ngày chăm lo việc đồng áng. Ông hồi tưởng: “Từ 40 năm trước, ta đã luôn mơ được làm ruộng và sống tại nơi này”. Yak-jeon đã không thể trở về từ nơi lưu đày trên đảo Heuksan. Ông qua đời ba năm trước đó, năm 1816.

Những năm cuối đời, Jeong Yak-yong sửa và biên tập các tác phẩm viết giai đoạn bị lưu đày. Sự lỗi lạc cùng tính cách khác thường của ông vẫn không thay đổi. Ông đã để lại 16 bài thơ về cách chế ngự cái nóng với các tựa đề: “Chơi cờ vây trên chiếu tre mát”, “Nghe tiếng ve ở khu rừng phía đông”, “Ngâm chân lúc nửa đêm”, “Tỉa bớt cành cây trước nhà để gió thổi qua”, “Dọn mương nước cho nước chảy qua”, “Vắt cành nho lên mái nhà”, “Cùng con phơi sách dưới nắng”, “Nấu canh cá cay maeuntang trong chiếc nồi sâu”. Phải chăng vì ông vốn là người nhạy cảm với cái nóng? Hay người có thể trạng béo mập?

Khu Di tích Dasan nằm ở ngôi làng nơi quê hương Jeong Yak-yong là một quần thể bao gồm mộ ông, ngôi nhà ông ở lúc sinh thời được phục chế lại, nhà văn hóa Dasan và nhà tưởng niệm Dasan. Nhà văn hóa Dasan trưng bày nhiều tác phẩm ông viết trong thời gian dài bị lưu đày, còn nhà tưởng niệm Dasan giới thiệu những hiện vật như chiếc máy nâng bằng ròng rọc đầu tiên gọi là geojunggi của Joseon đã từng được sử dụng để xây thành Suwon.

 
Lee Chang-guyNhà thơ, nhà phê bình văn học
Ahn Hong-beomẢnh.
Phan Thị Hồng HàDịch.

전체메뉴

전체메뉴 닫기