메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2019 AUTUMN

Năm hòn đảo biển Tây

“Năm hòn đảo biển Tây” nằm ngay ở phía nam vĩ tuyến 38, là địa điểm vô cùng nhạy cảm về quân sự, nơi luôn được nhắc đến trên bản tin thời sự mỗi khi có vấn đề phát sinh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Dù được nhiều người quan tâm nhưng đây không phải là nơi dễ dàng đặt chân đến vì nằm sát đất của Triều Tiên. Tuy nhiên trong quá khứ, người xưa đã từng giao thương nhộn nhịp với Trung Quốc và Thiên chúa giáo cũng đến được bán đảo Hàn thông qua con đường trên biển này.

Cảng Dumujin trên đảo Baengnyeong, hòn đảo lớn nhất trong Năm hòn đảo Biển Tây, có những vách đá tráng lệ dọc theo bờ biển dài 4km. Nằm đối mặt với Triều Tiên, hòn đảo được đánh dấu bởi căng thẳng quân sự, tuy nhiên nhiều khách du lịch vẫn đến đây để chiêm ngưỡng phong cảnh ngoạn mục. Mười điểm danh lam thắng cảnh trên đảo Baengnyeong, Daecheong và Socheong được đặt tên là Công viên địa chất quốc gia vào tháng 7 năm nay.

Ngôn ngữ phản ánh hiện thực. “Gundo” (quần đảo) là từ chỉ nhiều hòn đảo trong cùng một khu vực nhất định. Ở thời cổ đại, đó là tên gọi của biển Aegean, nhưng dần dần được chuyển thành từ để gọi vô số các đảo ở biển Aegean. Sự nghiên cứu về ngôn ngữ trên đã chỉ ra trong thời kỳ nào đó người Hy Lạp đã bắt đầu xem các hòn đảo ở biển Aegean là nơi có giá trị đáng quan tâm.

Năm 1950 chiến tranh giữa hai miền nam bắc Triều Tiên nổ ra gây nên những mất mát vô cùng khủng khiếp. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc vào năm 1948, hai miền ký kết hiệp định đình chiến, lấy vĩ tuyến 38 do Mỹ và Liên Xô phân định làm ranh giới quân sự, ngừng chiến sau ba năm. Khi đó, quyền kiểm soát liên quan đến Yeonhaedoseo và biển được khôi phục như trước chiến tranh. Tuy nhiên Beangnyeong cùng bốn đảo khác ở Biển Tây là Daecheong, Socheong, U và Yeonpyeong được đặt dưới quyền kiểm soát của Tổng Tư lệnh Liên Hợp Quốc, khu vực này nằm ở phía Bắc, phía trên đường ranh giới quân sự, và được coi là ranh giới hai miền trên Biển Tây. Sau đó không lâu, Tổng Tư lệnh Liên Hợp Quốc cho đặt đường ranh giới phía bắc trên biển giữa năm hòn đảo nói trên và tỉnh Hwanghae của Triều Tiên nhằm ngăn chặn xung đột quân sự giữa hai miền.

Đây là thành quả ra sức giữ gìn phòng tuyến trong bối cảnh trao trả bán đảo Woongjin, tỉnh Hwanghae ở phía Nam vĩ tuyến 38. Từ đó trở đi, một thuật ngữ mới xuất hiện để gọi tên chung cho năm hòn đảo vốn không liên quan đến nhau này. Đó chính là “Năm hòn đảo biển Tây”. Vậy năm hòn đảo này có những giá trị gì đáng chú ý?

Cảng Sahang ở phía tây bắc của đảo Baengnyeong là một địa điểm câu cá nổi tiếng, nơi bắt được rất nhiều cá trình nhỏ.

Từ đối địch đến hòa hảo

Cách duy nhất đến năm hòn đảo ở biển Tây là bằng tàu xuất phát từ cảng Incheon. Mỗi ngày có ba chuyến tàu đến đảo Baengnyeong, với các điểm dừng ở đảo Socheong và đảo Daecheong. Tàu đến đảo Yeonpyeong chỉ có một hai chuyến mỗi ngày. Đảo Baengnyeong nằm xa Incheon nhất, cách khoảng 30 hải lý, trung bình mất chừng bốn tiếng để di chuyển đến đảo bằng tàu cao tốc, ít hơn nhiều so với 12 tiếng trước đây không lâu. Tuy nhiên tàu vẫn có thể đi không đúng tốc độ nếu sóng lớn hoặc bị hủy chuyến nếu sương mù dày đặc hay gió mạnh. Đảo Yeonpyeong không có gì đặc biệt mặc dù gần đất liền hơn đảo Baengnyeong.

Khoảng cách từ Incheon đến đảo Baengnyeong chừng 200km, nhưng theo bản đồ thì có một bờ lục địa khác gần Baengnyeong hơn cả Incheon. Mũi Jangsan của Triều Tiên chỉ cách Baengnyeong 16km. Và cảng Bupori của Triều Tiên cũng chỉ cách đảo Yeonpyeong 10km. Vấn đề nằm ở việc hai hòn đảo này được cho là đất của Triều Tiên. Ngư dân Hàn Quốc đánh bắt cá ở khu vực này ai cũng có lần từng vội vàng tháo chạy khỏi vùng biển của Triều Tiên khi bị mất phương hướng và một ngày trời dày đặc sương mù, giật mình nhận ra đã vượt qua đường ranh giới phía Bắc đi vào vùng biển của Triều Tiên. Đó là điểm đầu tiên trong ‘các giá trị đáng chú ý’ của năm hòn đảo biển Tây.

Một dân làng phơi tảo bẹ được thu hoạch bên bờ biển ở Junghwa-dong. Ngôi làng là nơi có nhà thờ Presbyterian lâu đời thứ hai ở Hàn Quốc.

Đối với Triều Tiên, những hòn đảo này giống như cái gai trong mắt. Triều Tiên không thể không nhạy cảm khi khoảng cách Baengnyeong đến Pyeongyang chỉ 150km và từ đảo Yeonpyeong có thể quan sát bằng mắt thường căn cứ hải quân cực Nam của họ nằm ở Haeju. Thực tế những năm gần đây các cuộc xung đột quân sự giữa hai nước đều phát sinh từ khu vực này. Khoảng 40 cơ sở lánh nạn hiện đại cũng cho thấy tính quan trọng chiến lược của những hòn đảo này.

Tuy nhiên khi căng thẳng và đối đầu càng gia tăng thì khát vọng về hòa bình và hòa giải cũng càng mãnh liệt. Khát vọng ấy bị đỗ vỡ hết lần này đến lần khác nhưng gần đây lại nhen nhóm trở lại bởi Tuyên ngôn Bàn Môn Điếm của hai nhà lãnh đạo hai nước vào năm ngoái. Nhờ vào Tuyên ngôn này mà từ tháng 4 năm nay hoạt động đánh bắt cá vào ban đêm được cho phép thực hiện sau 55 năm, khu vực đánh bắt cá cũng được mở rộng. Sau đó vào ngày 30 tháng 6, các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ đã gặp nhau ở Bàn Môn Điếm và cam kết không chỉ kết thúc chiến tranh mà sẽ còn mở ra quan hệ mới.

Loạt tin tức trên khiến người ta nhớ lại phong cảnh tự nhiên và giá trị văn hóa đảo độc đáo mà những hòn đảo không vốn bị tổn thương kể từ sau chia cắt hai miền này có được, cùng với những câu chuyện từ xa xưa trải qua một thời gian dài. Để thu hút khách du lịch, các hòn đảo này đã đưa ra câu khẩu hiệu “Hòn đảo tôi muốn đến và ở lại”, đây là câu khẩu hiệu lần đầu tiên mang lại thực cảm cho khách du lịch.

7 giờ 50 phút sáng, chuyến tàu đầu tiên chở đoàn người lỉnh kỉnh hành lí tràn đầy hy vọng và hồi hộp rời cảng Incheon hướng đến đảo Baengnyeong. Bữa trưa sẽ là mì lạnh và bánh gạo Kimchi kiểu Baengnyeong, hay một đĩa hải sâm tươi sống và món Pallengi hầm cá đuối con với gia vị đây?

Tiền tuyến bảo vệ biển Tây

Về vị trí địa lý, đảo Hwanghae bao quanh phía Bắc của Seoul, do địa hình đồng bằng nên việc phòng thủ vòng ngoài cho đất liền là không thể nhưng phòng thủ trên biển là một chuyện khác. Khu vực này từ thế kỷ 5 thời kỳ Tam quốc đã là cửa ngõ chính trên biển phía Bắc nối liền biển phía Tây của Bán đảo Triều Tiên với khu vực Liêu Đông, Trung Quốc.

Thế nên, từ trước sau thế kỷ 14 trong giai đoạn hậu kỳ Goryeo đến trung kỳ Joseon thế kỷ 16, Nhật Bản đã tràn lên khu vực này, gấp rút xâm lược các vùng đất ven biển. Lợi dụng tình trạng hỗn loạn ở nửa sau của triều đại Joseon, giai đoạn chuyển giao từ nhà Minh sang nhà Thanh, bọn cướp biển của Nhật đã nhân cơ hội đó để cướp bóc trên biển. Bước qua thế kỷ 18 tình hình các nước láng giềng đã ổn định, thì đây là nơi thường xảy ra các cuộc xung đột giữa tàu cá nhà Thanh với ngư dân địa phương khi tàu cá nhà Thanh thường xuyên xâm phạm lãnh hải đánh bắt trái phép, và cũng là nơi giao dịch trái phép giữa các thương nhân Joseon và nhà Thanh. Đảo Baengnyeong, nằm cách tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc 187 km, gần Trung Quốc hơn so với Incheon, là tiền tuyến lâu đời của những cuộc xung đột và giao dịch này.

Triều đình Joseon cho xây dựng pháo đài tại các cửa biển quan trọng để quan sát và chống lại ngoại xâm. Dần dần, những pháo đài này được chuyển từ cửa biển đến đất mũi, rồi lại dời ra các hòn đảo để ngăn chặn khả năng đổ bộ vào đất liền của quân địch. Bởi vì trên đất liền không có một địa thế núi cao hiểm trở hay thành trì kiên cố xứng tầm làm rào cản. Đầu thế kỷ 17, Joseon dựng nên căn cứ quân sự đầu tiên trên đảo Baengnyeong vốn đã có pháo đài Baengnyeong từ triều đại Goryeo thế kỷ 11. Vượt qua nơi này đi đến mũi Jangsan thì có thể tiếp xúc với thủy lộ dẫn đến bất kỳ đâu ven biển Nam Bắc. Có thêm một lợi thế là nguồn đất nông nghiệp rộng lớn đủ để binh lính đóng quân ở đây tự cung tự cấp. Thậm chí ngày nay, lực lượng Thủy quân lục chiến của Hàn Quốc đóng quân trên đảo Baengnyeong vẫn tự cung tự cấp lương thực cùng với người dân trên đảo. Có lẽ vì thế mà hiện nay trên đảo số người canh tác nông nghiệp là chính nhiều hơn hẳn số người theo nghề đánh bắt cá.

Có thể nhìn thấy Triều Tiên ở phía ngoài hàng rào dây thép gai dọc theo bờ biển của đảo Baengnyeong. Các cuộc đụng độ quân sự nghiêm trọng nhất giữa Hàn Quốc và Triều Tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) đã diễn ra ở vùng biển ngoài đảo.

Con đường truyền đạo Thiên Chúa giáo

Người dân đảo Baengnyeong tin rằng Indangsu, vũ đài quan trọng trong tiểu thuyết cổ điển của Hàn Quốc “Sim Cheong truyện” (Sim Cheong jeon), chính là vùng biển phía Tây Bắc của hòn đảo này. Sim Cheong, nữ nhân vật rong truyện, cần 300 bao gạo cúng Phật để giúp người cha mù của mình tìm lại ánh sáng. Vào thời điểm đó, để được bình an vô sự trở về, các thương nhân Nam Kinh thường tìm mua trinh nữ để hiến tế cho biển cả. Nghe vậy, Sim Cheong bằng lòng bán mình. Indangsu trong truyện nơi Sim Cheong hiến thân là tên gọi vùng biển trước mặt ngôi làng Jinchon trên đảo Baengnyeong. Để tưởng nhớ lòng hiếu thảo của Sim Cheong, người dân trên đảo đã xây dựng Sim Cheong Các ở ngôi làng này.

“Sim Cheong truyện” tuy không thể xác minh được tính thực hư vì thuộc thể loại truyền thuyết không có tác giả, nhưng thực tế sóng biển vùng giữa đảo Baengnyeong và Mũi Jangsan mạnh đến mức các thương nhân cũng e ngại. Hải lưu ven biển theo dòng chảy Nam Bắc và thủy triều qua lại theo hướng Đông Tây thường chồng chéo lên nhau, thêm vào đó có nhiều bãi đá ngầm nên gây ra nhiều vụ đắm tàu. Yeongjo năm 1771, khi tàu bị chìm trong lúc diễn tập trên biển, nhiều thủy quân bỏ mạng, nhà vua đã trực tiếp đến hiện trường và ban lệnh chuyển sang huấn luyện riêng biệt ở phía Nam và phía Bắc của Mũi Jangsan. Một cách tình cờ, vụ tàu tuần tra Cheonan của Hàn Quốc bị chìm do bị tàu ngầm của Triều Tiên tấn công bằng ngư lôi vào năm 2010 cũng xảy ra ở gần khu vực này.

Kim Tae Geon (1821-1846) là nhân vật tiêu biểu thời Joseon, lần đầu tiên trong lịch sử đã đi con đườngtừ bán đảo Sơn Đông của Trung Quốc đến Hanyang và Gaeseong ngang qua đảo Beangnyeong. Năm 1845sau khi trở thành tu sĩ ở Thượng Hải, Trung Quốc, Kim Tae Geon đã được giám mục Ferreol, người mà một năm sau đó trờ thành Tổng giám mục thứ ba ở Triều Tiên,ra lệnh là người khai phá đường biển phía Tây làm đường nhập cảnh của tín đồ Thiên chúa giáo. Trước yêu cầu của các thế lực bên ngoài đòi mở cửa thông thương, Triều Tiên thời đó đã bài xích Thiên chúa giáo là tà giáo. Ngày 14 tháng 5, Kim Tae Geon cùng các giáo hữu xuất phát đi Mapo và đến đảo Beangnyoeng vào ngày 29 tháng 5. Tại đây, sau khi tiếp cận thuyền đánh cá nhà Thanh, ông trao đổi sáu lá thư và hai tấm bản đồ Joseon rồi bị bắt khi trở về vào ngày 5 tháng 6. Triều đình Joseon tử hình Kim Tae Geon vào ngày 16 tháng 9 năm ấy, toà thánh La Mã đã tuyên bố ông là thánh nhân năm 1984.

Ở năm hòn đảo biển Tây đặc biệt có rất nhiều nhà thờ. Riêng đảo Beangnyeong chỉ có hơn 5,700 dân thường trú mà đã có 13 nhà thờ và các tín đồ chiếm 75% toàn dân số. Nhà thờ Junghwadong ở đảo Beangnyoeng là nhà thờ Tin lành trưởng lão thứ hai ở Hàn Quốc được xây dựng. Năm 1989 triều đình Joseon kêu gọi bãi bỏ giới hạn của việc truyền đạo và xây dựng nhà thờ, những Cơ đốc nhân bắt đầu sửa chữa trường học chữ Hán thành nhà thờ mái rơm có sáu gian (39.6㎡), đây là điểm đánh dấu sự phát triển của Cơ đốc giáo ở Beangnyeong. Kế bên là Viện Lịch sử Cơ đốc giáo Beangnyeong, họ thu thập và trưng bày các ghi chép lịch sử truyền đạo Cơ đốc thời kỳ đầu trên đảo và các vùng phụ cận từ đầu thế kỷ 19.

Trung tâm của cơn sốt vải bông

Trước khi Joseon tiến hành mở cửa theo Điều ước Ganghwado năm 1876, tất cả các hoạt động thương mại đều do triều đình quản lý. Tuy nhiên các vụ buôn lậu vẫn diễn ra. Thời kỳ đầu Joseon, các hoạt động buôn lậu xảy ra ở Waegwan hoặc đảo Daema, Busan. Những thương nhân người Nhật mang bạc đến trao đổi nhân sâm Joseon, đây đều là hàng cấm trong các hoạt động mua bán. Vào thế kỉ 19, vùng lân cận mũi Jangsan là nơi tập trung các hoạt động buôn lậu giữa các thương nhân Joseon và thương nhân nhà Thanh. Hàng hoá cấm được giao dịch chủ yếu là hồng sâm của Joseon và quần áo phương Tây được các thương nhân nhà Thanh mang qua. Ở nhà Thanh, hồng sâm rất được ưa chuộng vì nó là thuốc giải độc của thuốc phiện, cuộc chiến tranh mà họ đang gánh chịu. Còn ở Joseon, so với vải cô-tông được dệt từ khung, chất lượng vải cô-tông dệt từ máy của Anh hoặc Ấn Độ tốt hơn và nổi tiếng hơn nên ở đây đã bùng nổ nên cơn sốt vải cô-tông của phương Tây.

Các thương nhân từ Gaeseong và các nhà tư bản ở Hanyang tranh giành nhanh để trao đổi hồng sâm và vải cô-tông, kiếm được món lợi lớn từ các giao dịch này. Tại các nơi giao dịch như đảo Beangnyeong hay đảo Socheong, mặc dù canh phòng lỏng lẻo nhưng quan lại ở đây thường xuyên bắt giữ được các đối tượng buôn bán bất hợp pháp, các đối tượng này chối tội rằng họ bị lừa. Sau này khi mở cửa giao thương với bên ngoài, quyền mua bán vải phương Tây vốn đã làm lung lay nền kinh tế Joseon lại rơi vào tay các thương nhân người Nhật. kéo theo một sự thật lịch sử rằng đảo Baengnyeong chính là nơi bắt đầu thổi các luồng gió mới vào thời trang của người Hàn Quốc thông qua các vụ buôn lậu giữa thế kỷ 19 dần bị lãng quên.

Loạt tin tức trên khiến người ta nhớ lại phong cảnh tự nhiên và giá trị văn hóa đảo độc đáo mà những hòn đảo không vốn bị tổn thương kể từ sau chia cắt hai miền này có được, cùng với những câu chuyện từ xa xưa trải qua quãng thời gian dài. Để thu hút khách du lịch, các hòn đảo này đã đưa ra câu khẩu hiệu “Hòn đảo tôi muốn đến và ở lại”, đây là câu khẩu hiệu lần đầu tiên mang lại thực cảm cho khách du lịch.

Ngôi làng Gwanchang-dong ở phía bắc của đảo Baengnyeong. Trước đây, các thương nhân buôn bán với Trung Quốc đã dỡ hàng hóa của họ trên bến cảng của làng và lưu trữ hàng hóa của họ ở đó.

Những người lính trở quay lại sau dịp lễ, người dân đảo và du khách đến đảo Baengnyeong sau chuyến đi bốn giờ đồng hồ trên một chuyến tàu cao tốc từ cảng Incheon. Các tàu thực hiện ba chuyến khứ hồi mỗi ngày đến cảng Yonggi trên đảo.

Trong số các địa điểm ở năm hòn đào biển Tây, Beakmi là cảnh quan vượt trội nhất. Giống như Dumujin của đảo Baengnyeong, toàn bộ bờ biển nơi đây là phong cảnh tuyệt đẹp tầng tầng lớp lớp các vách đá chồng chất, xen kẽ nhau. Thế nên ở đây có bãi cát trắng đủ chắn chắn cho một chiếc máy bay loại nhỏ có thể hạ cánh. Các nhà địa chất học tin rằng cảnh quan thần bí này được tạo ra trong quá trình ba mảng kiến tạo được hình thành từ thời kì tiền Cambri từ từ dịch chuyển đến vị trí ngày nay trong một thời gian dài và tạo nên bán đảo Triều Tiên. Khi va chạm, một năng lượng cực lớn được sinh ra gây nên sự biến đổi vỏ trái đất, tạo thành khối đá ngầm mới biến đổi hình dáng một cách kì lạ. Với lí giải trên Bộ Môi trường Hàn Quốc đã công nhận 10 danh lam thắng cảnh địa chất của Beangnyeong – Daecheong – Socheong là công viên địa chất cấp quốc gia.

Không những thế, Năm hòn đảo biển Tây còn là khu vực nối tiếp giữa phương Nam và phương Bắc về mặt địa lí thực vật học nên ở đây có cả hai loại thực vật đặc trưng của hai phương cùng sinh sống. Đặc biệt, đảo Daecheong nhận được nhiều sự quan tâm trong giới nghiên cứu vì không những là khu vực sinh sống tự nhiên của cây hoa trà mà còn có nhiều loại thực vật khác như cây diên vĩ, cây chi hành.

Nào, bây giờ đã đến giờ thư giãn và thưởng thức bữa trưa. Khác với món mì lạnh Pyeongyang được làm từ nước dùng thịt bò trộn với nước luộc gà,gà lôi hoặc thịt lợn, mì lạnh ở đảo Hwanghae chỉ sử dụng nước dùng từ thịt lợn. Cách nêm bằng nước mắm Kkanari thay cho nước tương vào bát mì kiểu đảo Hwanghae chính là nét đặc trưng của mì lạnh đảo Bangnyeong.

Hơn 70% thành phần của sợi mì là lúa mạch nên tan nhanh trong miệng. Ở đây chỉ cần một đĩa thịt lợn luộc mềm kèm với há cảo hay bánh bã đậu xanh (bindaetteok) Hwanghae thì bữa ăn đã trọn vẹn. Vào mùa đông, du khách có thể thưởng thức món bánh gạo kim chi với hình dáng như bánh bao có nhồi mật ong và hào chung với kim chi. Tất cả các nguyên liệu đều có nguồn gốc từ địa phương. Đó là giây phút cảm nhận được câu “Hòn đảo muốn đến và ở lại” ngay trên đầu lưỡi.

 
Lee Chang-guyNhà thơ, nhà phê bình văn học
Ahn Hong-beomẢnh.
Huỳnh Kim Ngân Dịch.

전체메뉴

전체메뉴 닫기