메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

On the Road > 상세화면

2019 WINTER

Mọi tên gọi của quê hương đều là Miryang

Miryang là một thành phố nhỏ với dân số khoảng 108 nghìn người nhưng là vùng giao thông trọng điểm có bề dày lịch sử lâu đời của Hàn Quốc. Miryang cách thành phố Busan khoảng 47 km về phía bắc và cách Seoul chừng hơn bốn tiếng di chuyển bằng ôtô. Hơi thở lịch sử lâu đời từ nơi cư trú thời Đá cũ đến di tích thời Đồ sắt, cơ sở của phái Nho lâm hậu kỳ Joseon bao trùm xung quanh con sông chảy xuyên suốt thành phố, không ngừng thu hút lượng khách đến tham quan.

Hồ Wiyang nằm ở phía tây bắc Miryang, là một hồ chứa rộng 63.000m² có từ thời Silla, cung cấpnước cho nông dân trong vùng. Tuy nhiên khi hồ chứa nước Gasan được xây dựng gần đó vàonhững năm 1940 làm nhiệm vụ thay thế thì Wiyang trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, nhờ vàokhung cảnh đáng yêu của nó xung quanh đình Wanjae được xây dựng vào năm 1900

Có những thành phố được ghi nhớ qua phim ảnh. Trong đó, hy vọng mọi người vẫn nhớ đến bộ phim “Miryang” (Secret Shunshine, Bí mật Ánh dương) công chiếu năm 2007 của đạo diễn Lee Chang-dong. Trên một bài báo mạng giới thiệu về bộ phim này vẫn gắn dòng chữ “sởn gai ốc” nhận xét cho phần diễn xuất của diễn viên chính Jeon Do-yeon. Vai diễn này đã mang lại cho cô giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoa phim Quốc tế Cannes lần thứ 60. Đầu phim có đoạn thoại:

“Chú, Miryang là nơi thế nào ạ?”

“Miryang là nơi thế nào hả? Nói thế nào nhỉ… Kinh tế tồi tàn, tiếp theo là… thành phố của đảng Hannara (một chính đảng của Hàn Quốc), thêm nữa… lại gần Busan, nên dùng theo phương ngữ của Busan, tốc độ nói hơi nhanh. Dân số ngày trước khoảng 150 nghìn dân nhưng nay chỉ còn khoảng 100 nghìn…”

“Chú, vậy Miryang nghĩa là gì?”

“Nghĩa hả? Ở đây bọn tôi không quan trọng việc đó. Chỉ cần sống thế thôi.”

“Suy theo tiếng Hán thì “Mil” nằm trong chữ “bi-mil”nghĩa là “bí mật”, “yang” nghĩa là “ánh sáng”. Ánh sáng bí ẩn, hiểu vậy được không chú?”

Nhân vật chính trong phim có chồng qua đời vì tai nạn giao thông, cô đang cùng con trai nhỏ trở về quê chồng là Miryang, vừa rẽ vào con đường dẫn vào thành phố thì xe của hai mẹ con bị hỏng nên được kéo về ga-ra sửa chữa.

“Hình như cô đi du lịch?”

“Không ạ. Chúng tôi chuyển về Miryang sống.”

Tại nơi cô chuyển về để sống đó, đứa con trai nhỏ của cô bị bắt cóc và giết hại. Nơi mà mọi người tập trung xây dựng làng xã để sinh sống, nơi có nhiều yếu tố xung quanh cuộc sống không ngừng chi phối hạnh phúc và vận mệnh của mỗi cá nhân bình dị, nơi mang hy vọng cho người này nhưng lại mang đến bất hạnh cho người khác, khiến họ muốn nhanh chóng được giải thoát; và là nơi mà hầu hết mọi người chỉ sống tạm bợ, làm thế này cũng không được làm thế kia cũng không xong… Vậy nên, mọi tên gọi của thành phố đều là Miryang.

Yeongnamnu, một trong những vọng lâu truyền thống lâu đời nhất ởHàn Quốc, nằm trên một vách đá cao nhìn ra sông Miryang. Nhiều nhàthơ, họa sĩ và nhà thư pháp nổi tiếng của triều đại Joseon đã ca ngợicảnh quan xung quanh thông qua những tấm bảng treo trong này.

Thành phố của sông

Thành phố Miryang bao quanh một con sông. Yếu tố bất biến này hình thành nên Miryang của ngày xưa và hiện tại. Con sông xoắn nhiều vòng ở hướng đông và chảy về hướng nam trước khi nhập vào dòng Nakdong rồi đổ ra biển Namhae. Đó là sông Miryang. Thị trấn Miryang nằm ở phía bắc con sông này. Chữ “yang” (dương) sử dụng trong tên địa danh “Miryang” (Mật Dương) cũng mang nghĩa là “ánh nắng”, nhưng khi được gắn vào tên con sông nó lại có nghĩa là “phía bắc của sông”. Phía bắc có núi, phía nam có sông, thế nên vùng đất này này sẽ ngập tràn ánh nắng mặt trời.

Ghi chép cũ nhất liên quan đến địa danh Miryang được tìm thấy trong quyển sử “Tam quốc chí” (Sanguozhi) của Trung Quốc vào thế kỷ thứ 3. “Miri” (Di Li), tên một quốc gia được đề cập trong quyển sách này được viết lại bằng tiếng Hán cổ từ từ tiếng Hàn cổ đại là “Mireu”. Từ “Mireu” có nghĩa là rồng, là nước hoặc thần nước. Vậy nên, cách diễn giải Miryang nghĩa là “ánh sáng bí ẩn” của đạo diễn Lee Chang-dong chỉ đơn thuần là quan điểm cá nhân đầy chất thơ của ông không hơn không kém.

Xung quanh dòng sông Miryang cùng tồn tại dấu tích của con người ngày trước và con người hiện tại. Trên ngọn đồi phía bắc đập Miryang hoàn công vào năm 2001, một di tích cuối thời Đá cũ cách đây 27 nghìn năm được phát hiện khi đang thi công con đập. Điều này chứng minh rằng thời kỳ con người sinh sống ở Miryang đã có trước thế kỷ thứ 3. Như vậy, tại vùng đất được bồi tích ở hạ lưu sông Miryang rải rác có các di tích của thời kỳ Đá mới và thời kỳ Đồng thau. Gần đó, tại làng Geumcheon có trường tiểu học và đường cao tốc đi qua cũng phát hiện di tích canh tác nông nghiệp thời kỳ Đồng thau. Phải mất hàng chục năm để con người di cư từ những túp nhà rơm trên núi xuống vùng đất gần hạ lưu sông màu mỡ. Phần đất dựng nhà nằm ở phía trên con đê tự nhiên, vườn thì ở ngay phía dưới nhà và ruộng ở phần đất thấp hơn. Con người thời kỳ đó cày đất bằng chiếc cày đá rồi gieo hạt kê hoặc ngô vào mùa xuân, họ bảo quản các loại ngũ cốc này sau khi thu hoạch vào bình gốm họa tiết răng lược để sử dụng suốt mùa đông.

“Ánh sáng bí ẩn” soi rọi trên dấu tích cuộc sống giản đơn của con người thời ấy, những người đã nếm trải cả đắng cay lẫn mật ngọt trước chúng ta. Những giá trị quý giá mà con người thời ấy muốn gìn giữ đã biến mất tự bao giờ.

Đứng bên cạnh Yeongnamnu là Chimnyugak, ngày xưa từng là mộtphần của nhà khách được đặt tại đây, được gắn kết với Yeongnamnubởi một hành lang đi bộ

Chùa Bueun dưới chân núi Cheontae, được xây dựng vào khaorngnăm 200 sau Công nguyên để tưởng nhớ vua Suro, người sáng lậpGeumgwan Gaya và là cha của vua Geodeung. Bueun nhìn ra hai câycầu Nakdong và Samnangjin, bắc qua sông Miryang uốn lượn

Thành phố của nền văn minh Đồ sắt

Căn cứ vào kết cấu của một chiếc thuyền bị đắm khai quật từ đáy sông, có thể hình dung hình ảnh con người ngày xưa di chuyển, đánh bắt cá trên sông. Với họ, tàu thuyền có tính khoa học vì sử dụng sức gió và là nền văn minh kỹ thuật hiện đại được chế tạo bằng cách sử dụng tất cả các công cụ. Đôi lúc họ cũng chèo thuyền đến sông Nakdong. Với tính mạo hiểm và tính cầu tiến, họ liên kết với nước Garak, một thế lực người di cư mới từ phương Bắc tới xây dựng và sinh sống ở khu vực Gimhae, hạ lưu sông Nakdong, dẫn dắt nền văn minh Đồ sắt của bán đảo Hàn dựa vào khối liên minh thống nhất Gaya trong suốt 500 năm.

Trong số những ngôi làng bên cạnh dòng Miryang, có hai nơi với tên gọi là “Geumgok”, nghĩa là thung lũng sắt. Thêm một điều thú vị, ở cả hai địa danh này đều phát hiện được di tích sản xuất sắt. Ở làng Geumgok phía Sangdongmyeon và vùng lân cận gần đó, các mảnh vụn của sắt dư thừa sinh ra trong quá trình nung sắt chất thành đống như núi. Không lâu trước đó tại ngôi làng Geumgok ở thị trấn Samnangjin được khai quật trong lúc làm đường, người ta cũng phát hiện hàng loạt quá trình làm sắt, từ lò luyện đến bãi phế liệu. Điều này nói lên rằng xung quanh sông Miryang từ xưa đã có nhiều cát sắt tích tụ ven bờ do phong hóa hoặc trầm tích.

Những phát hiện khảo cổ này mang lại suy luận rằng Miryang đã xuất khẩu sắt sang các nước láng giềng bao gồm cả Nhật Bản và Trung Quốc, ngoài ra còn là một thành viên hoạt động sôi nổi trong 12 nước khối Byeonhan (liên minh bộ lạc ở hạ lưu sông Nakdong đến thế kỷ 4) dùng những bó sắt được buộc bằng dây làm tiền tệ. Khối Byeonhan này phát triển thành liên minh Gaya nổi tiếng là “vương quốc của sắt”, sau khi sát nhập vào Silla, Gaya đã cung cấp tài nguyên và kỹ thuật cho Silla, là bệ đỡ giúp Silla trở thành quốc gia cổ đại hùng mạnh.

Thành phố của Phật giáo

Giống như những vùng khác ở bán đảo Hàn, trên những ngọn núi xinh đẹp ở Miryang cũng có không ít các ngôi chùa. Trong đó Bueun và Maneo là hai ngôi chùa nhận được nhiều tình cảm của người dân địa phương. Cảnh quan hai ngôi chùa này rất đặc biệt. Từ chùa Bueun, quan khách có thể nhìn được toàn bộ dòng sông Miryang lúc mặt trời lặn, còn tại chùa Maneo, quan khách có thể ngắm nhìn vùng đá đen Amgoeryu trải dài theo thung lũng phía trước. Người dân Miryang xem hai ngôi chùa này là thánh địa của Phật giáo Gaya.

Sử sách ghi rằng Gaya chính thức tiếp nhận Phật giáo trước cả Silla, khi đền Hwanghu được xây dựng để cầu phúc cho hoàng hậu Heo Hwang-ok ở bên kia thế giới. Bà là vợ của vua Suro, người sáng lập Geumgwan Gaya vào khoảng thế kỷ 5. Tuy nhiên những câu chuyện truyền miệng có liên quan đến hai ngôi chùa nói trên lại cho rằng thời kỳ đó là khoảng đầu thành lập Gaya. Dựa trên truyền thuyết, “Khi vua Suro cho xây dựng chùa Maneo, các nhà sư tham dự lễ khánh thành đã ngủ lại tại chùa Bueun” thì thời kỳ du nhập Phật giáo rơi vào khoảng trước thế kỷ thứ 1. Trong quyển “Tam quốc di sự” (Samguk yusa) nhắc đến tháp đá Pasa được hoàng hậu Heo mang về sau chuyến đi đến Ấn Độ có ghi rằng, “Đây là hòn đá không thể tìm thấy ở vùng đất này”. Bằng những luận ý và điểm cá biệt này, rõ ràng Phật giáo Gaya đã giúp sức để Phật giáo Silla mở ra một thế giới mới.

Văn hóa Gaya được công nhận tính nguyên bản và tầm ảnh hưởng, các sự kiện tôn vinh văn hóa Gaya được duy trì không những chỉ ở thời Silla mà còn kéo dài đến triều đại Joseon. Hiện nay cũng vậy. Tháng 10 năm ngoái, người ta đã tiến hành một nghi lễ đặc biệt xin phép di dời các viên đá pasa (pasaseok) trong lăng mộ vua Suro ở Gimhae trước khi chuyển lên Seoul cho buổi triển lãm đặc biệt “Bí ẩn Gaya: Sắt và Giai điệu” tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc kéo dài đến ngày 1 tháng 3 năm 2020. Sự hiện diện của nhiều chính trị gia và chức sắc địa phương tại nghi lễ này đối với người dân địa phương hay hậu duệ của hoàng hậu Heo có ý nghĩa rằng câu chuyện về hoàng hậu Heo không chỉ đơn thuần là truyền thuyết, nó là chứng cứ lịch sử cùng sống với họ. Vì lẽ đó mà nhiều cửa hàng trong trung tâm thành phố Miryang đều treo biển là “Gaya”.

Giống như những vùng khác ở bán đảo Hàn,

trên những ngọn núi xinh đẹp ở Miryang cũng

có không ít các ngôi chùa.

Trong đó Bueun và Maneo là hai ngôi chùa nhận

được nhiều tình cảm của người dân địa phương.

Chùa Maneo, người dân Mirang coi đây là địa điểm linh thiêng củaPhật giáo, do vua Suro xây dựng. Bên trong khuôn viên là một ngôichùa đá ba tầng, có lẽ được xây dựng vào thế kỷ thứ 12.

Các con dốc gần chùa Maneo đầy ắp những tảng đá được gọi làmaneoseok, nghĩa đen là 10 vạn đá cá. Theo truyền thuyết, những đàncá theo sau con trai của Vua rồng đã bị biến thành đá. Khu vực này đãđược chỉ định là Khu tưởng niệm tự nhiên số 528 để ghi nhận các giátrị học thuật và danh lam thắng cảnh.

Thành phố của Đại lộ Yeongnam

Đại lộ Yeongnam là con đường bộ tiêu biểu nhất ở thời kỳ Joseon, là con đường nối liền từ kinh đô Hanyang (Seoul ngày nay) đến Dongnae ở tận cùng phía đông nam của bán đảo Hàn. Việc Miryang trở thành trạm trung chuyển, thay thế cho tuyến đường thủy trên biển vốn được sử dụng từ hơn nghìn năm trước nói lên nhiều khía cạnh. Đầu tiên, thể chế quốc gia thống nhất được hình thành ở bán đảo Hàn, không chỉ nối liền quận huyện mà cả các tuyến đường đi đến Trung Quốc một cách an toàn, nhanh chóng cũng được xây dựng. Về mặt quốc tế, sức mạnh của Nhật Bản tăng lên đáng kể sau khi nhà Nguyên sụp đổ. Điều này dẫn tới vận tải đường thủy vốn nhộn nhịp của bán đảo Hàn bị tê liệt do sự lộng hành của cướp biển Nhật Bản.

Việc mở rộng đường bộ của Joseon là kết quả của phương sách cuối cùng đối phó vấn nạn này.

Đại lộ Yeongnam cũng là con đường mà Nhật Bản sử dụng để tấn công Joseon trong cuộc xâm lược Nhâm Thìn Oa Loạn. Sau khi tiến vào cảng Busan và hạ thành Dongnae, Nhật Bản chọn đây làm bàn đạp đế tiến lên Yangsan nhưng chạm phải quan quân của Miryang ở thành Jagwongwan, nay thuộc thị trấn Samnangjin. Jagwongwan là cửa ải quan trọng về mặt quốc phòng và giao thông kết nối từ Dongnae đến Seoul. Tuy nhiên, với số lượng chỉ khoảng 300 binh sĩ, quân đội Miryang đã không thể ngăn cản một vạn quân của địch. Quân Nhật chiếm đến tận Hanyang chỉ trong 18 ngày theo con đường này.

May thay, câu chuyện về nhà sư Samyeongdang (1544–1610), xuất thân ở Miryang, người đã tập hợp đội quân gồm 2.000 nhà sư lập nhiều chiến công lớn trong các trận chiến giành lại Pyongyang mà quân Nhật đã chiếm đóng cũng giúp an ủi phần nào. Sau chiến tranh, sư Samyeongdang được vua Seonjo phái cử làm đặc sứ, gặp gỡ tướng quân Tokugawa Ieyasu ở Kyoto, ký kết hòa giải và mang về 3.000 tù binh. Một bức tượng bằng đồng của nhà sư Samyeongdang đang đặt ở đường rẽ vào Miryang, hướng nhìn xuống toàn bộ sông Miryang.

Thêm một điều thú vị, tuy có nền văn minh kỹ thuật tiến bộ, hệ thống xã hội đa văn hóa và định hướng hải dương nhưng Miryang sát nhập vào Đại lộ Yeongnam chưa được 100 năm, là cái nôi của phái Sarim, tâm điểm mới của quốc gia Nho giáo Joseon. Kim Jong-jik (1431–1492), xuất thân Miryang, cùng các đệ tử của ông, những người tham gia phục vụ chính quyền trung ương vào nửa cuối thế kỷ 15 đã trở thành lực lượng nòng cốt trong thế lực chính trị mới. Họ phê phán sự phi lý của bộ máy quan liêu cũng như cách hành xử của nhà vua, đề cao đạo nghĩa và thực tiễn. Ở huyện Bukbu của Miryang, có học viện Nho giáo Yerim Sewon tưởng nhớ đến sự nghiệp học vấn và đức hạnh của Kim Jong-jik bao gồm khu nhà cha mẹ đẻ và lăng mộ của ông.

Thành phố của bến tàu và ga xe lửa

Vào giữa thế kỷ 18, chế độ vận tải được khôi phục, nhà chứa ngũ cốc được xây dựng tại bến cảng Samnang-ri và tàu chuyên chở ngũ cốc cống nạp cho triều đình tái xuất hiện. Tình hình quốc tế được ổn định, sưu thuế hiện vật được thay thế bằng lương thực nên chế độ trưng thu thuế phần nào được người dân ủng hộ. Hệ thống giao thông đường thủy kết hợp với Đại lộ Yeongnam đã hình thành nên một khu phố đông đúc ở Samnang-ri, với văn phòng làm việc của quan viên và kho hàng của các chủ thuyền, quán rượu, cửa hàng,… Thế nhưng sự thịnh vượng này kết thúc vào năm 1905, khi tuyến đường sắt Gyeongbu được khai thông với một nhà ga đặt tại Samnangjin. Đường sắt đã thay thế cho Đại lộ Yeongnam. Do đó, Samnangjin lại trở thành một bến tàu bình thường, còn ga Samnangjin thì nổi lên thành trung tâm mới của thị trấn.

Ga Samnangjin cũng xuất hiện trong tác phẩm văn học cận đại đầu tiên, quyển tiểu thuyết dài tập “Vô tình” (Mujeong, 1917) của tác giả Yi Kwang-su (1892–1950). Với Yi, xe lửa là một thiết bị mang tính văn học đại diện cho cá nhân hiện đại tự khai phá số phận của bản thân. Ngược lại, truyện ngắn “Bến tàu Dwitgimi” (Dwitgimi Naru, 1969) của tác giả Kim Jeong-han (1908–1996) mang tới một hình ảnh khác về Samnangjin. Kim miêu tả, “Bến tàu Dwitgimi nằm ở thượng nguồn sông Nakdong đoạn đi ngược lên Samnangjin, là nơi dòng phụ lưu Miryang gấp vào trong nên nước ở đây trong hơn nhiều so với những nơi khác. Do nước trong nên có nhiều bầy ngỗng trời và vịt kéo về từ đầu Thu”. Đồng thời ông xem bến tàu này là nơi của bi kịch một thời, “Những người dân hiền lành và con trai con gái của họ phải làm lao dịch, thậm chí trên thực tế, họ còn bị bắt phục vụ trong đội quân mua vui cho lính Nhật”.

Samnangjin, Miryang cũng là quê hương của nhà thơ Oh Kyu-won (1941–2007). Oh nhìn thấy hai gương mặt ở quê hương. Một là gương mặt người mẹ quá cố qua đời lúc ông 13 tuổi, một là gương mặt của cha ông. Gương mặt mẹ “lúc nào cũng tràn đầy sự bình yên và thoải mái”, “cảm giác muốn được ngủ và được mơ”, “sự tồn tại hệt như chiếc dạ con”. Còn gương mặt của cha là “cội nguồn của sự bất hòa và nghèo đói”. Oh không giải quyết được mâu thuẫn tâm lý này nên kể từ sau khi bỏ đi vào năm học cấp hai ông chưa một lần tìm về lại quê hương nơi mà cha ông vẫn sống ở đó. Oh cho biết, quê hương “giống với cơ thể mang chiếc dạ con của mẹ tôi, là không gian tạm thời chứa đựng cả ngôn ngữ của tự nhiên ở bên trong lẫn ngôn ngữ của hiện thực ở bên ngoài tử cung”, và “tôi đang đứng ở ranh giới đó”. Vậy nên, mọi tên gọi của quê hương đều là Miryang.

Cảng Oujin ở hạ lưu sông Miryang là một trung tâm giao thông cho các tàu thuyền vận chuyển hàng hóa đến Joseon. Nó có một nhà kho nơi trưng thu ngũ cốc theo thuế và lưu trữ. Khi tuyến đường sắt được lắp đặt vào đầu thế kỷ 20, nó trở lại làm nơi cập bến cho phà qua lại.

Lee Chang-guyNhà thơ, Nhà phê bình Văn học
Ahn Hong-beomẢnh

전체메뉴

전체메뉴 닫기