메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

길 위에서 > 상세화면

2020 AUTUMN

Nổi tiếng với tên gọi “Nơi tận cùng tổ quốc”, Haenam được nhiều du khách đến thăm vì có nhiều ngọn núi xinh đẹp và chùa chiền lâu đời. Nằm ở cực Tây Nam của Bán đảo Hàn, vùng đất này đóng vai trò là nơi giao lưu văn hóa và cũng là nơi trú ẩn của những người sống lưu vong do có tuyến đường biển nối Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời cổ đại.

Hồ Gocheonam ở Haenam là điểm đến của hàng trăm nghìn loài chim di cư vào mùa đông. Trong đó đông đảo nhất là loài mòng két Baikal, ngoài ra nhiều loài chim quý hiếm được xem là “di tích tự nhiên” cũng được phát hiện ở đây, điều này khiến hồ trở thành một địa điểm luôn thu hút sự quan tâm của những người quan sát chim.

“Chân dung tự hoạ” của Yun Du-seo. 1710. Mực và màu sáng trên giấy. 38,5 x 20,5 cm. Đây được công nhận là một trong những bức chân dung tự họa vĩ đại nhất trong lĩnh vực nghệ thuật của Hàn Quốc. Yun Du-seo (1668-1715), một họa sĩ và nghệ nhân viết chữ, là chắt của Yun Seon-do, một quan chức dân sự và nhà thơ thời trung kỳ Joseon, và là ông cố ngoại của nhà tư tưởng, chính khách nổi tiếng Jeong Yak-yong.

Mỗi khi nghe nhạc của Schubert tôi lại nhớ đến một cảnh trong phim “Giáo viên Piano” (The Piano Teacher, 2001) của đạo điễn Michael Haneke xem cách đây đã lâu:

-“Schubert không chơi piano kiểu dạo chơi như thế!”

Nhân vật chính Erica đã trách mắng học sinh Anna như thế. Âm nhạc của Schubert ốm yếu, bất hạnh là thứ an ủi vết thương lòng của người cha qua đời vì quẫn trí, người mẹ chú trọng quá độ về thành công của con gái, người nghệ sĩ piano đơn độc bị hất hủi khỏi giới âm nhạc ở Vienna, phải sống cơ cực dựa vào việc dạy đàn. Việc “dạo chơi” của Annakhi mô phỏng lại màn trình diễn nổi tiếng của Schubert đối với Erica không khác gì “tội ác bị lưu đày trong tâm trí của Schubert”.

Trong một bối cảnh rất giống, ai cũng có một nơi không thể vô tư dạo bước ở đó. Với tôi đó chính là Haenam.

Tôi sống ở Haenam từ mùa Xuân năm 1980 đến mùa Thu năm 1982. Khi đó tôi mới hơn 20 tuổi, đó là lúc xung quanh tôi hoàn toàn bị bao quanh bởi những khúc mắc, uất ức, lo lắng về cuộc sống mà đáng lẽ những thứ đó phải lần lượt xuất hiện trong suốt cuộc đời. Túng thiếu, tôi tự nguyện nhập ngũ như để chạy trốn. Đúng như dự đoán, ở đó, bất kỳ thắc mắc trừu tượng nào của tôi cũng đều không phù hợp. Nơi tôi được bổ nhiệm sau khi hoàn thành khoá huấn luyện quân sự cơ bản giữa mùa Đông là bán đảo Haenam, nằm ở cực Tây Nam của bán đảo Hàn và cách xa nhà nhất. Tôi nhận nhiệm vụ lính canh gác bảo vệ bờ biển.Một bức tường đá phủ đầy rêu xanh và hàng rào cây tangja (một loại cam), mùi ẩm ướt và tanh tanh của biển lẫn trong sương mù, con đường đất và dòng suối nhỏ trải dài qua những cánh đồng bất tận, một đôi dê đen chạy trên gò đất, và bà chủ cửa hàng luống tuổi ở phía trước đơn vị không đọc được tên chồng mình viết trên bì thư, đó là những ấn tượng đầu tiên của tôi về Haenam lẫn trong sự bất an dần lắng xuống.

Đã 40 năm kể từ ngày đó tôi mới lại đi qua đồi Useulchi. Nếu đi từ hướng Yeongam, Gangjin ở phía Bắc Haenam thì phải vượt qua ngọn đồi này mới vào đến thị trấn. Tôi và người bạn đồng hành dáo dác tìm kiếm chỗ trọ đã đặt trước. Mọi thứ đều lạ lẫm.

Nếu bạn xem việc nhớ lại những ký ức trong lịch sử và trào dâng cảm xúc khi tham quan các di sản văn hoá rực rỡ một thời là một chuyến thực địa hay du lịch thì Heanam không phải là nơi thích hợp để bạn ghé thăm. Đầu tiên, Haenam không có một quá khứ huy hoàng. Thế nên ở đây không có gì đặc biệt để tham quan. Cố tìm lắm thì may ra chỉ có nơi ở của các ẩn sĩ lui về quê tránh mối bất hoà của giới quyền lực hay các phạm nhân chịu tội lưu đày, do nơi này cách xa kinh thành. Giáo sư Lịch sử Mỹ thuật Yoo Hong-jun là người đã giới thiệu Haenam là “Điểm thực địa số 1 ở Namdo” trong phần đầu của tập đầu tiên cuốn sách “Ký sự Di sản Văn hoá của tôi” và tạo nên cơn sốt du lịch thực địa văn hoá.

Với tài ăn nói của mình, Giáo sư Yoo dẫn dắt khéo léo, tự nhiên khi giới thiệu những cảnh đẹp của Haenam đến với độc giả, đó là: Nogudang - nhà tổ của gia tộc Haenam Yun, nằm ở phía trong của làng Yeondong được bao quanh bởi rừng cây torreya; chùa Daeheung nằm yên tĩnh phía cuối con đường rừng rợp bóng cổ thụ che kínbầu trời như một đường hầm trong thung lũng núi Duryun; và đỉnh Saja (đỉnh Sư Tử), nơi có chùa Mihwang cổ kính, duyên dáng nằm trên sườn núi Dalma và đài quan sát cực Tây Nam. Hoàn toàn khác với những thắng cảnh nổi tiếng thông thường, phong cảnh vừa bình yên vừa xa xăm, vừa gần gũi vừa lộng lẫy, vừa giản dị vừa thanh khiết của Haenam đã chinh phục nhiều du khách. Nhưng ít ai có thể biết rằng đây là phong cảnh được hình thành sau khi ánh nắng huyền ảo và cơn gió nhẹ bao quanh sườn núi bất thình lình gây nên trận mưa to gió lớn khiến người ta phải run sợ.

Khu bên ngoài của Nogudang, nhà tổ của tộc Yun ở Haenam. Một phần của ngôi nhà ở Suwon mà Vua Hojong (tại vị từ năm 1649-1659) ban cho gia sư của mình là Yun Seon-do đã bị tháo dỡ và xây dựng lại ở đây. Bảng tên được viết bởi nhà thư pháp nổi tiếng Yi Seo (1662-1723), một người bạn thân của Yun Du-seo.

Haenam nghĩa là “phía Nam của biển”. Ngụ ý rằng đây là nơi dẫn lối từ tận cùng tổ quốc đến một thế giới mới có tên gọi là phía Nam của biển. Giai đoạn văn hoá biển phát triển mạnh mẽ vào thời cổ đại, ở mảnh đất tận cùng tổ quốc này từng tồn tại nguồn sức mạnh thôi thúc ai đó phải mạnh mẽ sống chờ ngày trở về ở nơi lưu đày trên các độc đảo ngoài biển khơi.

Nogudang và Buyong-dong

Hồ sen và đình Seyeon trong vườn Buyong-dong trên đảo Bogil. Khi Vua Injo (tại vị từ năm 1623-1649) đầu hàng quân Thanh xâm lược vào năm 1637, Yun Seon-do từ bỏ chức quan, về quê và tạo ra khu vườn này. Khi sống ẩn dật trên đảo, ông đã viết bài thơ nổi tiếng “Lịch của người đánh cá”.

Chùa Mihwang được xây dựng vào năm 749, nằm ở cực Nam của Bán đảo Hàn. Một bản ghi chép rằng các học giả và quan chức Trung Quốc đã đến thăm ngôi chùa này, cho thấy nó cũng được biết đến ở Trung Quốc. Bên trái là sảnh chính Daeungbojeon (Sảnh Kho báu của đại anh hùng) nằm tựa lưng vào những đỉnh núi tuyệt đẹp của núi Dalma.

Nhà ẩn cư Dosol, trên đỉnh một vách đá dựng đứng trên núi Dalma, bị bỏ quên trong một thời gian dài và được xây dựng lại vào năm 2002.

Ngày chúng tôi đến thăm Nogudang - nhà tổ của họ Yun ở Haenam trời mưa rất to, những cây dù mua ở cửa hàng tiện lợi cũng trở nên vô dụng. Hướng dẫn viên của chúng tôi là ông Yun Yeong-jin (68 tuổi), cháu đời thứ 13 của Yun Seon-do, ông giới thiệu cho chúng tôi từng ngóc ngách căn nhà và cuộc đời Yun Seon-do. Haenam của những năm tháng ông Yun còn đi học được mô tả bằng con đường mới bụi bay mịt mù và tờ áp phích tố cáo gián điệp dán trên các tường rào. Điểm yếu của Haenam là dễ bị tấn công trên không, điều này vô tình buộc ông Yun trở thành quân nhân. Sau khi xuất ngũ với quân hàm đại tá, ông trở về quê và đọc được quyển “Nhật ký Jiam” do ông tổ trực hệ của mình là Yun I-hu (1636-1699) tỉ mỉ ghi chép mỗi ngày. Ông nghiền ngẫm quyển sách đến độ thuộc lòng nó. Yun I-hu là cháu của Yun Seon-do, là cha của Yun Du-seo (1668-1715), người đã để lại bức chân dung tự họa nổi tiếng nhất của triều đại Joseon. Ông cũng là ông cố ngoại của Jeong Yak-yong (1762-1836), nhà tư tưởng phái Thực học ở cuối thời Joseon. Yun Du-seo đã được sinh ra trong ngôi nhà này.

Đại tá Yun cho biết những cây cột của Nogudang có hình tròn giống như những cây cột được tìm thấy trong kiến trúc hoàng gia vì ngôi nhà được vua Hyojong (tại vị 1649-1659) ban cho Yun Seon-do, thầy dạy học cho vua Hyojong từ khi còn là thái tử. Sau khi vua Hyojong qua đời, không còn sự che chở của nhà vua, Yun Seon-do bị lưu đày. Sau 7 năm, Yun quay trở về và phá dỡ gian chính trong ngôi nhà do vua Hyojong ban tặng ở Suwon đem xây lại ở Haenam. Lúc đó ông 81 tuổi. Một phòng triển lãm được xây dựng bên cạnh Nogudang, ở đây bạn có thể nhìn thấy bức chân dung tự họa nổi tiếng của Yun Du-seo và “Bản đồ Joseon” (Joseon jeondo), đây chỉ là bản sao do lo sợ bị đánh cắp. Mặc dù trời mưa tầm tã nhưng đoàn chúng tôi đã ra về ngay sau đó.

Buyong-dong trên đảo Bogil còn lưu lại nhiều dấu vết nhất của Yun Seon-do. Hiện tại nơi này là một quận hành chính trực thuộc đảo Wan nhưng thời kỳ đó mọi người dường như chủ yếu di chuyển đến đây bằng thuyền từ Beakpo, Haenam. Ngày nay, cứ 30 phút lại có một chuyến phà khởi hành từ đảo Wan và bến tàu Galduri của Haenam. Ở làng Baekpo có một ngôi nhà thuộc họ Yun. Việc khai hoang các bãi triều trong vịnh này thành đất canh tác được bắt đầu từ thời ông nội của Yun Seon-do. Vào thời của Yun Du-seo, quy mô đất khai hoang được mở rộng, Yun Du-seo xây dựng một điền trang để quản lý đất đai ở đây. Trong số các bức hoạ phong cảnh do Yun Du-seo vẽ có một bức mang tên “Biệt thự Baekpo”.

Du khách nước ngoài khi đến thăm khu vườn Buyong-dong có lẽ sẽ ngạc nhiên trước thiết kế tinh tế hài hoà với thiên nhiên, phong cách và tầm nhìn nổi bật của một quý tộc thời Joseon. Bất ngờ hơn, nếu có khách đến chơi, họ sẽ đánh trống trên ngọn đồi đối diện để chào đón khách. Tuy nhiên người dân sống ở đây có cảm xúc hỗn độn về nơi này. Do các việc làm của Yun Seon-do khi xây dựng và tận hưởng khu vườn xung đột với tinh thần và cuộc sống của các học giả theo quan niệm truyền thống như Cheongbin và Yeomindongrak. Khoảng thời gian ông sống ở đây là lúc đất nông nghiệp bị tàn phá, người dân rơi vào cảnh túng quẫn sau hai cuộc chiến tranh lớn khiến họ khó có thể ngưỡng mộ đức tính thanh cao, sống chan hoà với tự nhiên của ông.

Bài thơ nổi tiếng của Yun “Ngư phủ tứ thì từ” (Lịch của người đánh cá), được viết bằng thể thơ sijo, lấy bối cảnh trên đảo Bogil. Đây là một kiệt tác của văn học truyền thống Hàn Quốc được đánh giá cao nhờ cách diễn đạt sinh động, tinh tế và ấn tượng. Nhưng người đánh cá đóng vai trò là người dẫn truyện trong tác phẩm này chỉ là một phần của khung cảnh cho “một niềm vui khác, niềm vui khiến cho mọi người cất cao giọng hát và cùng nhau chèo thuyền” như Yun đã viết trong lời nói đầu. Nhưng đồng thời không thể phủ nhận sự căm phẫn sâu sắc lòng yêu nước của ông, thứ đã khiến ông vướng vào xung đột chính trị và khiến ông bị lưu đày đến ba lần. Đây là lý do khiến tôi không thể thoải mái dạo bước như thể tản bộ trong khu vườn Buyong-dong xinh đẹp.

Thuyền nuôi bào ngư ngoài khơi Yesong-ri, đây được coi là điểm đến đẹp nhất trên đảo Bogil. Khu vực này thu hút rất nhiều khách du lịch với bãi biển Mongdol đầy sỏi và những khu rừng luôn được phủ xanh ở gần đó.

Chùa Daeheungsa và chùa Mihwangsa

Với sự giới thiệu của Viện Văn hóa Haenam, chúng tôi được gặp ông Jeon Guk-seong (70 tuổi), nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế địa phương, được nghe ông chia sẻ về hiện trạng của Haenam. Jeon khiến tôi cảm nhận được sự hiền lành và cần cù của người Haenam, điều mà tôi đã lãng quên về Haenam. Hiện tại ông là giáo sư thỉnh giảng giảng dạy môn Phúc lợi xã hội tại một trường đại học. Ông tự hào về bản thân vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình đã buộc ông phải tự lập, giúp ông trở thành người như ngày hôm nay. Jeon tình nguyện dẫn đường, nhờ vậy chúng tôi có thể thoải mái tiếp tục cuộc trò chuyện trên xe trong lúc di chuyển.

Chúng tôi bất ngờ khi nghe Jeon kể rằng Hwawon, nơi hẻo lánh nhất của Haenam, đã trở thành vùng sản xuất bắp cải mùa Đông, đồng thời là nhà cung cấp bắp cải muối lớn nhất cả nước, giá đất ở đó đã tăng lên chóng mặt kể từ khi được kết nối đường bộ với thành phố Mokpo. Chỉ mới 40 năm trước, người ta phải mất một ngày đường để đi từ Mokpo đến Haenam, nghe đến đây tôi chợt nhớ lại ký ức cũ, mồ hôi nhễ nhại khi cuốc bộ đến các trạm gác để điều tra đồ tiếp ứng. Nhờ vào dự án khai hoang, diện tích đất canh tác ở đây được mở rộng lớn nhất cả nước, nhưng tiếc là vì lí do này mà dòng nước biển bị thay đổi, khiến cho loài bạch tuộc chân dài (sebal nakji) và cá thòi lòi vốn phong phú một thời đã không còn nữa.

Sự phát triển thường làm thay đổi hoàn cảnh của khu di tích và thái độ của con người. Ông Jeon cho chúng tôi biết nhà khách Yuseon có lịch sử 200 năm tuổi trên lối vào chùa Daeheungsa đã đóng cửa, thay vào đó là một quán ăn mới. Nhà khách Yuseon là nơi tôi trằn trọc không ngủ được trong căn phòng ondol (sưởi nền) sau khi nghe tin buồn của gia đình. Mùa đông lạnh giá năm đó, mẹ và em gái đã vượt qua quãng đường dài đến thăm tôi, sau đó chúng tôi đến thăm chùa Deaheungsa phủ đầy tuyết trắng rồi nghỉ lại ở Yuseon.

Dường như giai thoại sau đây về nhà thư pháp nổi tiếng giữ chức Chusa (chức quan nhỏ nhất trong hệ thống 18 cấp bậc quan lại vào thời Joseon) cuối thời Joseon Kim Jeong-hee (1786-1856) là thật. Kim Jeong-hee đã ghé qua chùa Daeheungsa thăm bạn của mình là thiền sư Cho-ui trên đường về quê (Jeju), tại đây ông đã tháo tấm biển của nhà thư pháp nổi tiếng đương thời là Lee Gwang-sa (1705-1777) treo ở chính điện xuống và thay thế bằng tấm biển của mình, 8 năm sau Kim được giải thoát khỏi hình phạt buộc phải về quê, trên đường trở về kinh đô ông đã ghé chùa Daeheungsa và treo lại tấm biển của nhà thư pháp Lee Gwang-sa. Lời bình của nhà sư Park Gyu-su (1807-1876) thuộc phái Gaehwa (phái Khai hoá, theo đuổi tư tưởng mới) cuối thời Joseon càng làm tăng thêm sức thuyết phục cho giai thoại này, ông nói “Sau khi vượt biển, Chusa Kim Jeong-hee tự gầy dựng tông phái của mình mà không bị ai ép buộc hay bắt chước ai”. Nếu muốn tham quan am Ilji - thánh địa của văn hoá trà, nơi mà thiền sư Cho-ui còn được biết đến là bậc thầy về trà đã tá túc vào những năm cuối đời, phải leo núi thêm khoảng 40 phút tính từ sân chùa Daeheungsa.

Một nơi khác có sự thay đổi rõ rệt hơn chính là chùa Mihwangsa. Ngôi chùa gồm ba bốn toà nhà. Cột đá cao được đặt trong không gian duy trì cách bài trí của chùa chiền này, ở lối vào có đặt tượng của bốn vị Thiên Vương thường thấy trong các ngôi chùa lớn, khuôn viên được mở rộng hơn để phục vụ cho chương trình Temple Stay. Có khá nhiều tin đồn về con đường leo núi có cái tên kiêu kỳ “Đạt Ma cổ đạo”, nơi đây vốn dĩ là một lối đi nhỏ ở núi Dalma mà các tiều phu và thầy tu hay qua lại được cải tạo thành lối đi từ chùa Mihwangsa đến Ttangkkeut Maeul (“ngôi làng ở tận cùng đất liền”). Đối với khách du lịch lớn tuổi, những người cảm thấy nhẹ nhõm trong chính điện cũ không có hoa văn dancheong, họ thấy choáng ngợp trước khi có cảm giác vinh quang và khó nhọc của phật sự.

Lần đầu tiên đến chùa Mihwwang là lúc tôi được phân công nhiệm vụ đi tìm cây hồ chi ở gần núi Dalma. Chúng tôi phải làm chổi từ loại cây này để quét lá khô và dọn tuyết ở sân tập. Haenam không phải địa phương thường gánh chịu mùa đông lạnh giá hay có các trận bão tuyết khắc nghiệt nhưng đây là loại chổi thích hợp để một lần dọn hết mớ tuyết rơi lặng lẽ trong đêm. Ở phía trên là núi đá có các vách đá độc đáo nối thành hàng như bức bình phong, phía dưới là cặp vợ chồng nhà sư già ngồi cạnh nhau ở cuối hiên nhà, phía trước khu nhà ở của các sư tăng với hướng nhìn ra biển, nơi có nhiều hòn đảo tụm lại giống như những chú chó con còn chưa mở mắt đang vùi đầu vào lòng mẹ. Tôi không nhớ mình có được họ mời nước hay mặt trời có đỏ ửng lặn trên biển phía xa xa hay không.

Cabbage fields in Hwawon-myeon

Daeheung Temple on Mt. Duryun

Yun Du-seo’s old house

Lion Peak Observatory

Từ nơi tận cùng tổ quốc

Địa danh Haenam khác với Namhae, một địa danh khác có môi trường địa lý và ý nghĩa tương tự. Namhae là vùng đất có biển ở phía Nam, là nơi tiếp xúc với biển Nam. Còn Haenam nghĩa là phía Nam của biển. Ngụ ý rằng đây là nơi dẫn lối từ tận cùng tổ quốc đến một thế giới mới có tên gọi là phía Nam của biển. Giai đoạn văn hoá biển phát triển mạnh mẽ vào thời cổ đại, ở mảnh đất tận cùng tổ quốc này từng tồn tại nguồn sức mạnh thôi thúc ai đó phải mạnh mẽ sống chờ ngày trở về ở nơi lưu đày trên các độc đảo ngoài biển khơi. Hình ảnh vùng đất cùng có sự hiện diện của bắt đầu và kết thúc này thường gợi lên tính trữ tình đối với những nhà thơ giản dị, nổi bật nhất là sự đấu tranh khốc liệt của nhà thơ Kim Ji-ha (1941-) với lối tự sự nhấn mạnh này.

Sau khi công bố bài thơ “Năm tên cướp” (Ojeok) châm biếm nạn tham nhũng, Kim Ji-ha luôn đứng đầu mỗi khi xảy ra vấn đề nghiêm trọng suốt quá trình dân chủ hóa của Hàn Quốc những năm 1970. Kiệt sức về thể xác lẫn tinh thần bởi vòng quay trốn chạy, bắt bớ, tù đày, tra tấn và được ân xá, năm 1984, ông đưa gia đình về sống ở quê ngoại Haenam. Cuộc sống của ông dần ổn định, nhưng ông vẫn cảm thấy chưa thể thoát ra được. Khi đó, từ nơi tận cùng tổ quốc, ông nhìn thấy “cả ngày trước và ngày sau đều ùa vào, hò hét, khóc lóc, vỗ ngực, nén nước mắt, cúi đầu rồi bước đi”. Thứ mà Kim phát hiện bên trong hình ảnh tăm tối, đáng sợ và ồn ào đó là một sinh vật sống trừu tượng tên là Aerin - một sinh vật đã chết và tái sinh trong bộ dạng mới.

“Đứng ở nơi tận cùng / Đứng ở nơi tận cùng không chốn bước tiếp / Đường cùng không thể quay lại / Bay lên như chim / Lẩn tránh như cá /Dù là gió, là mây hay là ma quỷ / Ở nơi tận cùng chỉ còn cách thay đổi / Tôi đứng một mình và hát …” - “Aerin” (1985)

Sau đó do sức khoẻ suy yếu trầm trọng, Kim buộc phải rời Haenam để chính thức tiếp nhận điều trị tâm thần.

Trong những năm cuối đời, Ludwig Wittgenstein có nói rằng, “Tôi đã phát hiện điểm quan trọng khiến tư duy trở nên sắc bén” trong giai điệu phi tôn giáo và buồn bã của Schubert. Luận điểm “Chúng tôi muốn đi bộ. Do đó chúng tôi cần ma sát. Hãy quay trở lại vùng đất gồ ghề! (We want to walk: so we need friction. Back to the rough ground!)” trong quyển “Điều tra triết học” (Philosophical Investigations) chính là điểm quan trọng đó. Trong tiểu thuyết nguyên tác “Người đàn bà đánh đàn” (Die Klavierspielerin, 1983) của bộ phim “Giáo viên Piano”, tác giả Elfriede Jelynek kêu gọi mọi người thoát ra khỏi sự ngu muội lúc nào cũng lấy sức khoẻ của người chiến thắng làm thước đo chính để phán xét. “Sức khoẻ? Đúng là vớ vẩn! Sức khoẻ chỉ là thứ làm đẹp cho những gì đang tồn tại”. Những người dân Vienna này dường như tìm thấy sự mới mẻ bên ngoài bản thân họ trong cảm giác chán nản sắp cạn kiệt tư duy và ngay trước khi họ phát điên. Tôi muốn cho họ thấy một “vùng đất gồ ghề” có tên gọi là Haenam.

Lee Chang-guyNhà thơ, nhà phê bình Văn học
Ảnh.Ahn Hong-beom
Dịch.Huỳnh Kim Ngân

전체메뉴

전체메뉴 닫기