메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2017 WINTER

TỪ NHÀ NGOẠI GIAO ĐẾN DỊCH GIẢ –
NGƯỜI MANG VĂN HỌC HÀN QUỐC ĐẾN PHÁP

Jean-Noёl Juttet vốn ham đọc sách từ nhỏ. Tình yêu dành cho văn chương giúp ông đạt học vị Tiến sĩ khoa Nghệ thuật trường Đại học Lumière Lyon 2 và đưa ông trở thành một nhà ngoại giao mang văn hóa Pháp ra thế giới. Giờ đây, ông đang thực hiện công việc giới thiệu văn học Hàn Quốc đến đất nước Pháp của mình cùng các nước khác.

Jean-Noёl Juttet đã giúp mang nhiều tác phẩm văn học Hàn Quốc ra thế giới bằng cách dịch chúng sang tiếng Pháp. Ông cho biết ông bị thu hút bởi sự năng nổ, cởi mở và hào phóng của người Hàn.

Năm 1991, Jean-Noёl Juttet gói ghém đồ đạc để nghỉ việc sau sáu năm làm nhân viên phụ trách mảng văn hóa trong đại sứ quán Pháp tại Seoul. Thế nhưng, ông đã phải lòng đất nước nơi mình đến vì công việc này. Văn học Hàn Quốc, con người Hàn Quốc, đặc biệt là một người con gái. Phải chia tay tất cả như vậy thật quá buồn, thậm chí là “tàn nhẫn”, ông nghĩ. Vì vậy ông quyết tâm lưu lại đất Hàn. Mãi mãi! Thế là bộ đôi dịch giả thành công nhất Hàn Quốc ra đời.

“Tôi có thật lòng yêu Hàn Quốc không ư? Tất nhiên là có. Nếu không thì tại sao tôi lại ở đây trong khi có thể tận hưởng cuộc sống hưu trí ở một ngôi làng thanh bình ven biển nước Pháp?” Juttet hỏi ngược lại như vậy.

Để cập nhật tình hình cuộc sống ở đây, và cũng để không thua sút bạn bè Hàn Quốc, Juttet không ngừng đọc các tác phẩm văn học Hàn và dịch ra tiếng Pháp để giới thiệu đến đất nước của mình.

Cuộc gặp gỡ với giáo sư Choi Mi-kyung, người bạn tri kỉ trong công việc và cuộc sống của ông rõ ràng đóng vai trò quyết định tất cả.

Ba sức hấp dẫn đặc biệt

Juttet kể về ba đặc điểm của người Hàn khiến ông si mê Hàn Quốc.

Thứ nhất là người Hàn rất năng nổ. Ông nói với tư cách là một nhà ngoại giao: “Người Hàn Quốc làm việc cực kì cần cù và luôn có thái độ tích cực đối với công việc của mình. Ở điểm này thì người Pháp lại hoàn toàn đối lập. Người Pháp khá thụ động trong công việc và rất sợ làm việc nhiều.”

Thứ hai là người Hàn rất cởi mở. Juttet nghĩ: “Người Hàn thuộc diện dễ mở lòng trước người ngoại quốc. Điều này càng dễ thấy khi so với người Nhật. Người Nhật rất tử tế, nhưng thận trọng và khép kín.”

Thứ ba, người Hàn rất hào phóng. “Chẳng hạn, người Pháp vốn rất tiết kiệm, thậm chí hà tiện, nên không dễ gì mở hầu bao khi đi ăn với người khác. Nhưng người Hàn thường giành thanh toán. Đôi khi, ai đó còn lén trả tiền ăn trước khi tôi kịp nhận ra.”

Tuy nhiên Juttet cũng muốn chia sẻ về mặt trái trong xã hội Hàn Quốc sau một thời gian dài sống ở đây. “Đây cũng là điều mà tôi không nhận thấy trong thời gian làm việc với tư cách là nhà ngoại giao. Bởi những người tôi gặp khi ấy nhìn chung đều là những người văn minh, học thức. Nhưng sống lâu ở Hàn đến giờ cũng có một số điều khiến tôi đôi chút khó chịu. Điểm nổi cộm nhất có thể nói là “yếu tố bạo lực” trong quan hệ xã hội.”

Juttet lấy một ví dụ là “văn hóa lái xe” của người Hàn. “Rất nhiều người lái xe nhập như BMW, Porsche hay Maserati phớt lờ đèn giao thông ngay cả trong khu vực ưu tiên cho người đi bộ. Có vẻ như hành động này bắt nguồn từ thái độ kẻ cả hay xem thường những người thua kém mình”. Ông tiếp lời: “Điều đáng buồn hơn là cả những người bình thường cũng có khuynh hướng xem thường người có thu nhập ít hơn mình. Tôi cho rằng hiện tượng này một phần xuất phát từ tư tưởng Nho giáo thống trị xã hội Hàn Quốc từ thời Joseon cho đến ngày nay.”

Từ nhà ngoại giao đến dịch giả

Có rất nhiều câu châm ngôn về nghề biên dịch. Người Ý có câu, “Dịch giả là kẻ phản bội”. Tuy nhiên với một biên tập viên, đồng thời cũng là một độc giả mê sách thì biên dịch là một công việc có giá trị biến văn học của một nước thành văn học thế giới, hay nói đơn giản hơn là văn học dành cho tất cả mọi người.

Juttet nói: “Đây là công việc đầy thách thức và đầy hứng khởi. Chúng tôi phải trăn trở tìm cách diễn đạt phù hợp trong tiếng nước ngoài giúp làm sống lại những áng văn đẹp đẽ của tác giả trong ngôn ngữ nguồn. Trong quá trình đó dịch giả không thể không khai phá năng lực viết lách của mình và cảm nhận được niềm vui của sự sáng tạo trong khi chuyển ngữ.”

Theo Juttet, biên dịch không đơn thuần là truyền tải ý nghĩa câu từ mà phải sử dụng tối đa kĩ thuật chuyên môn về viết lách của bản thân người dịch nhằm tạo ra những câu cú tốt nhất có thể trong ngôn ngữ đích, có như vậy mới tận hưởng được phần thưởng của công việc đầy gian truân này.

Một trong những tranh cãi lâu đời nhất trong thế giới dịch thuật, đặc biệt là dịch văn học, chính là câu hỏi người dịch cần giỏi tiếng ngôn ngữ nguồn hơn hay ngôn ngữ đích hơn. Về chủ đề này, bộ đôi Juttet – Choi đại diện cho “Con đường số 3”. Nói đúng hơn, bộ đôi Juttet không hẳn là một dịch giả mà là một duyệt giả, hay người cảm thụ.

“Mi-kyung chọn tác phẩm tiếng Hàn, dịch xong thì gửi cho tôi. Khi đó tôi có thể trau chuốt lại câu chữ tiếng Pháp cho tinh tế. Tôi cảm thấy sung sướng vô cùng khi chuyển ngữ những áng văn rất đẹp của các tác giả Hàn Quốc sang những áng văn rất đẹp trong tiếng Pháp.”

Có thể ai đó sẽ nghi ngại liệu cách phối hợp như thế này có đủ sức cạnh tranh không khi nó có thể được ví như một cuộc chạy đua “hai người ba chân.” Juttet giải thích “Làm công việc này tất nhiên không đơn giản nhưng vẫn có ưu điểm riêng của nó. Bởi sự phối hợp giữa hai chúng tôi có thể tạo ra hiệu ứng cộng hưởng.”

Do ý nghĩa của văn bản nguồn được cả hai người nắm bắt và cảm nhận nên từ cách hiểu của Mi-kyung với tiếng Hàn là tiếng mẹ đẻ, tôi sẽ hình tượng hóa và phân tích lại theo một cách mới trong tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ của tôi.” Trên thực tế, câu hỏi này có thể trở thành một chủ đề thảo luận trong nhiều Hội thảo khoa học, ông nói thêm.

Sự phối hợp của bộ đôi này đã được chứng minh thỏa đáng về tính hiệu quả. Năm 2011, bộ đôi Choi – Juttet được ghi nhận thành quả khi nhận giải Đặc biệt về dịch thuật văn học Hàn Quốc lần thứ 10, được tổ chức bởi Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (KLTI) tổ chức hai năm một lần nhờ chuyển ngữ thành công tác phẩm “Shim Chong” của nhà văn Hwang Sok-yong sang tiếng Pháp năm 2009 với tiêu đề “Shim Chong, fille vendue” (tạm dịch Shim Chong, đứa con gái bị bán).

Năm 2000, tác phẩm “The Reverse Side of Life” (tạm dịch Mặt trái cuộc đời) của tác giả Lee Seung-u, dịch bởi Choi và Juttet đã lọt vào danh sách cuối cùng trong mảng Văn học nước ngoài của giải thưởng Prix Femina, một giải thưởng văn học của Pháp. “The Private Lives of Plants” (Tạm dịch Đời sống riêng của các loài cây), một tác phẩm khác của Lee Seung-u,người nổi tiếng ở Pháp còn hơn ở Hàn Quốc, đã trở thành tiểu thuyết Hàn Quốc đầu tiên được xuất bản trong tuyển tập Folio của nhà xuất bản Gallimard. Gallimard là một nhà xuất bản danh tiếng từng phát hành các danh tác của những tác giả như Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Ernest Hemingway và André Gide.

“Trước đây, đa số người Pháp vẫn nghĩ rằng Hàn Quốc là một đất nước Đông Nam Á xa xôi. Nhưng giờ đây người ta đã biết thêm rất nhiều điều về Hàn Quốc, và mối quan tâm của họ với đất nước này cũng ngày một tăng. Điều này có thể thấy qua sự gia tăng của số lượng thanh niên Pháp học tiếng Hàn.”

Những tác phẩm văn học được dịch bởi Jean-Noёl Juttet – nguyên tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Seoul cùng vợ ông Choi Mi-kyung – giáo sư khoa Cao học ngành Biên Phiên dịch trường đại học Ewha. Đầu tiên, Choi chuyển ngữ tác phẩm, sau đó Juttet hiệu đính và biên tập lại bản dịch của bà.

Giải thưởng là kết quả, không phải là mục tiêu

Giải thưởng chỉ là kết quả chứ không phải là mục tiêu nên không phải là mối quan tâm của bộ đôi này. Juttet nói, “Nếu việc nhận giải là kết quả của việc lựa chọn sách hay và chuyển ngữ tốt thì đương nhiên là quá tuyệt vời. Nhưng mục tiêu của chúng tôi là dịch càng nhiều tác phẩm hay càng tốt. Giải thưởng chẳng qua cũng chỉ là chút hư danh, và đi kèm với sự may mắn.”

Juttet vặc lại: “Không hẳn là cứ hay thì được nhận giải, còn không được nhận giải chứng tỏ chưa hay bằng.” Ông cho rằng giải Nobel Văn học cũng không là trường hợp ngoại lệ.

“Tất nhiên các tác giả nổi tiếng Hàn Quốc, chẳng hạn như Hwang Sok-yong hay Lee Seung-u mà nhận được giải Nobel thì tốt biết mấy.” Ông nói vậy nhưng lại tự đặt câu hỏi liệu giải Nobel có phải là một giải quan trọng đến như vậy không. Bởi nhiều trường hợp tác giả được giải về sau hoàn toàn chìm vào quên lãng. Ông cũng thấy có rất nhiều bất công cho những tác giả ở những vùng ngôn ngữ hay khu vực thiểu số. “Có rất nhiều tác giả ở khu vực tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Trung nhưng Hàn Quốc là một đất nước nhỏ và chỉ mới bước lên văn đàn thế giới gần đây.”

Sự khác biệt này tồn tại cả trong những nhóm ngôn ngữ lớn. “Chẳng hạn, những nhà xuất bản Pháp xem trọng những tiểu thuyết Anh Mỹ hơn mức thực tế của nó”, ông nói thêm. Vì vậy Juttet cho rằng cần phải dịch nhiều tác phẩm văn học Hàn Quốc hơn nữa, và phải khích lệ thế hệ trẻ làm công việc này. “Khu vực sách Á châu hay Hàn Quốc ở các nhà sách khắp nơi trên thế giới càng có nhiều sách của tác giả Hàn Quốc thì Hàn Quốc sẽ càng gần với giải Nobel hơn.”

Trước câu hỏi về so sánh văn học Hàn Quốc với văn học châu Á hay văn học phương Tây, Juttet tỏ ra khá thận trọng như thể sợ mình chỉ mới chạm được cái vỏ bên ngoài. Ông nghĩ rằng văn học Hàn Quốc tương đối trẻ so với văn học phương Tây, và lý do là vì Hàn Quốc du nhập lối văn học hiện đại (modernism) chưa được bao lâu.

Ông nói thêm: “Nhưng giờ nhiều thứ đã thay đổi. Bởi các tác giả Hàn Quốc đi du lịch nước ngoài thường xuyên hơn, và các trường đại học Hàn Quốc cũng mở các khóa “sáng tác văn nghệ” hay các chương trình tương tự. Giờ đây, nếu bỏ đi những danh từ cố hữu như kimchi hay rượu soju thì người ta sẽ không còn dễ phát hiện điểm khác nhau giữa tiểu thuyết Hàn và tiểu thuyết Pháp.”

Cặp đôi thích ở nhà

Vốn yêu căn nhà của mình, Juttet ở nhà đa số các buổi tối và cuối tuần để trau chuốt bản dịch của giáo sư Choi. Ông đang dạy bảy tiếng mỗi tuần tại Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc cho các học viên ôm giấc mơ trở thành dịch giả, trong số đó cũng có những học viên người Pháp được học bổng của chính phủ Hàn Quốc. “Một phần lớn khác trong cuộc sống của tôi là công việc nội trợ”, ông cho biết. “Mi-kyung rất bận rộn với công tác giảng dạy ở trường đại học Ewha và thông dịch tại các hội nghị quốc tế nên đa số các công việc nhà như dọn dẹp, đi chợ, chăm sóc thú nuôi, làm vườn đều do tôi làm. Cuộc sống với hai vai trò, hai công việc chung và riêng như thế này với tôi rất bình yên và viên mãn.” Ông nói thêm công việc nhà yêu thích nhất của ông là ủi quần áo.

Giáo sư Choi đỡ lời: “Một trong những cái hay của cuộc sống bình yên là có rất nhiều thời gian để đọc sách.” Cả hai đều thích ở nhà nên ngoài công việc và những người liên quan thì họ ít khi gặp người khác, dù là người Hàn hay người Pháp. Thay vào đó, do sống lâu năm ở phường Seongbuk là một khu cổ kính của Seoul, họ thường chào hỏi hàng xóm trong khi đi tản bộ hay đến ngọn núi gần đó.

Juttet gặp chút hạn chế trong giao tiếp tiếng Hàn. Ông cho biết lý do như sau: “Ban đầu tôi đã cố gắng học tiếng Hàn khi mới đến Hàn, nhưng sau đó nhận ra không cần làm vậy. Lý do là vì xung quanh tôi có quá nhiều người Hàn giỏi tiếng Pháp.” Đóng vai trò là cầu nối về văn hóa và văn học giữa Hàn và Pháp, Juttet cho rằng sự phát triển trong quan hệ hai nước gần đây rất đáng kể và đáng khích lệ.

“Trước đây, đa số người Pháp vẫn nghĩ rằng Hàn Quốc là một đất nước Đông Nam Á xa xôi. Nhưng giờ đây người ta đã biết thêm rất nhiều điều về Hàn Quốc, và mối quan tâm của họ với đất nước này cũng ngày một tăng. Điều này có thể thấy qua sự gia tăng của số lượng thanh niên Pháp học tiếng Hàn.”

Juttet nói thêm: “Tôi rất kinh ngạc và ngưỡng mộ khả năng nói tiếng Hàn của những học viên người Pháp theo học lớp của tôi. Tôi mong rằng hiện tượng này sẽ tăng rõ rệt trong tương lai.”

Choi Sung-jinTổng biên tập Biomedical Review Hàn Quốc
ẢnhShim Byung-woo
DịchPhạm Quỳnh Giang

전체메뉴

전체메뉴 닫기