메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2019 SPRING

Chàng trai trẻ Thổ Nhĩ Kỳ đáp lại tiếng gọi của Hồ Cầm

Chấp nhận những thay đổi có tính bước ngoặt, xét cho cùng, không phải là việc dễ dàng. Nhưng Cevzet Tam đã trải qua hai lần như thế trong một khoảng thời gian ngắn. Đầu tiên là việc rời quê hương Thổ Nhĩ Kỳ đến một quốc gia xa xôi là Hàn Quốc để học công nghệ thông tin tại khoa công nghệ máy tính. Sau đó, một lần nữa, anh đổi chuyên ngành đào tạo của mình sang ngành âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Nếu không có sự kiên trì, nhẫn nại và tình yêu với đất nước mà anh đến thăm thì chắc chắn những thay đổi này không thể thực hiện được.

Đối với một số người, khoảnh khắc bước ngoặt của cuộc đời thường ập đến đơn giản là do sự trùng hợp của những điều ngẫu nhiên – giống như cái vẫy tay của nữ thần số mệnh. Câu chuyện của Cevzet Tam cũng vậy. Nó xảy ra khi anh đang bước trên đường phố Seoul. Khi đang bước đi trong trong nỗi cô đơn, anh nghe được tiếng đàn haegeum (hồ cầm) đầy uẩn ức do một nghệ sĩ đường phố biểu diễn.

“Tôi ở thời điểm đó là chàng trai 19 tuổi đang cô đơn và buồn nhớ gia đình. Còn tiếng đàn truyền thống Hàn Quốc lúc ấy dường như lại đang khóc cho nỗi lòng của tôi”, Cevzet nói. Cuộc gặp gỡ tình cờ với nhạc cụ của đất nước xa lạ đã định hình lại hướng đi của anh.

Từ toán học đến âm nhạc

Anh nhấn mạnh rằng người Hàn Quốc thể hiện rất ít bản sắc văn hóa trong âm nhạc đại chúng. Cevzet Tam mong muốn các nhà soạn nhạc K-pop truyền tải được nhiều yếu tố âm nhạc truyền thống Hàn Quốc giống như các nhạc sĩ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sử dụng nhạc cụ bản địa của họ để chơi nhạc hiện đại.

Ở quê hương Thổ Nhĩ Kỳ, Cevzet là học sinh chuyên toán. Theo đó, với định hướng trở thành kỹ sư, anh quyết định học kỹ thuật thông tin tại Khoa Công nghệ máy tính tại Hàn Quốc. Nhưng một năm sau khi đặt chân đến Hàn Quốc vào năm 2012, khi kết thúc chương trình học tiếng Hàn, Cevzet đã chuyển theo hướng chẳng có một chút liên quan gì đến IT nữa. Anh vào học tại Khoa Âm nhạc truyền thống, trường Đại học Quốc gia Seoul, chuyên ngành Hồ cầm. Làm thế nào một nhạc cụ truyền thống của một quốc gia khác lại có sức thu hút đến như vậy? Một thanh niên 19 tuổi ngay đến cả đọc nhạc cũng không biết làm thế nào lại bị hút hồn bởi hồ cầm như thế?

“Ngay bản thân tôi cũng không biết chính xác lý do tại sao”, Cevzet thẳng thắn thừa nhận. “Bản thân tôi không nhận ra nhưng chắc chắn trong con người tôi đã có thiên hướng về âm nhạc rồi. Khi lần đầu tiên nhìn thấy hồ cầm, tôi đã nghĩ đến Saz – một nhạc cụ tương tự của Thổ Nhĩ Kỳ. Càng nghe tiếng đàn hồ cầm tôi càng thấy thích thú hơn. Cây đàn này tạo ra âm thanh buồn bã, sầu não, có lúc lại rất khôi hài, không thể biểu hiện bằng lời được.”

Hồ cầm là một nhạc cụ đơn giản. Nó được tạo bởi hai dây đàn, hộp cộng hưởng làm bằng gỗ với cần đàn dài và hẹp. Người biểu diễn đặt đàn lên đầu gối để diễn tấu. Đây là nhạc cụ được sử dụng từ rất sớm trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, không chỉ trong cung, nó còn được trình diễn trong sân vườn ở các làng quê. Để làm nhạc cụ này, người ta dùng tám loại nguyên liệu: gỗ, sắt, chỉ tơ, đá, tre, quả bầu, đất sét và da. Vì thế, hồ cầm còn được gọi là “pareum” (“bát âm”) với nghĩa tám loại âm thanh. Chiếc đàn này còn có một tên khác là “kkaengkkaeng-i” là cái tên tượng thanh hóa âm vực cao của nó.

Những người kinh ngạc trước sự thay đổi chuyên ngành đột ngột của Cevzet không ai khác chính là gia đình của anh. Gia đình đã kỳ vọng người con út trong gia đình sáu anh em, sau khi học tập ở Hàn Quốc sẽ trở thành kỹ sư và kiếm được nhiều tiền. Đặc biệt, sau khi nghe được thông báo rằng anh sẽ học âm nhạc với chuyên ngành về một nhạc cụ lạ lẫm, cha anh đã rất tức giận.

Cevzet tâm sự, “Lần đầu tiên trong đời, cha không nói chuyện với tôi trong hơn một tháng. Tôi mất gần ba năm để hoàn toàn thuyết phục được cha”. Anh kể tiếp, “Chỉ khi thấy tôi học tập chăm chỉ và nhận được học bổng của trường, cha tôi mới dần dần thay đổi suy nghĩ.”

Cevzet nói rằng sau khi anh xuất hiện trên chương trình tivi của Hàn Quốc, những bất an của cha anh mới hoàn toàn biến mất. “Cha tôi tự hào rằng tôi đã giới thiệu Thổ Nhĩ Kỳ đến với người Hàn Quốc.”

Không chỉ có cha, những người khác trong gia đình giờ đây cũng rất nhiệt tình cổ vũ cho anh. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ quá xa Hàn Quốc nên anh chỉ có thể nhận được sự giúp đỡ về mặt tinh thần từ gia đình. Lấp đầy khoảng trống trong anh là những người Hàn Quốc anh quen biết. Đối với anh, một số người trong số đó không khác gì chính cha mẹ của mình.

Ứng cử viên của Hàn Quốc

Một trong số những người như vậy là giáo sư hướng dẫn của Cevzet, giáo sư Yang Young-sook của Đại học Quốc gia Seoul. “Giáo sư Yang đã giúp đỡ rất nhiều để tôi vượt qua được thời kỳ đại học. Giáo sư chăm sóc tôi bằng nhiều cách, kể cả nuôi tôi ăn”, Cevzet nói. “Trong Khoa của tôi, mỗi năm có ba người theo học hồ cầm. Tôi rất vất vả để theo kịp hai người bạn cùng học. Các giáo sư trong Khoa luôn quan tâm giúp đỡ tôi. Vì thế, tôi đã đạt được kết quả học tập 3,2/4. Giáo sư Yang giống như người mẹ của tôi vậy. Nếu không có cô, không biết chừng tôi đã không hoàn thành được việc học.”

Cevzet cũng có một “người cha Hàn Quốc”. Ông là người kinh doanh câu lạc bộ nơi anh từng làm việc vào ban đêm với tư cách là DJ. Khi anh bị ốm, ông mang cháo và hoa quả đến tận nhà cho anh. Thỉnh thoảng, ông lại gọi điện hỏi thăm xem anh đã trả tiền nhà chưa, có cần giúp đỡ về mặt kinh tế gì hay không.

Lý do những người Hàn Quốc muốn giúp đỡ chàng thanh niên trẻ tuổi đến từ quốc gia xa xôi này là gì? Chính là điều này. Bất cứ ai cũng đều có cảm tình với Cevzet bởi anh có nụ cười làm cho người khác cảm thấy rất thoải mái. Nhưng trên tất cả, cái khiến cho người ta xúc động chính là bởi thái độ sống nhiệt tình, tích cực trong học tập cũng như trong công việc và sự nỗ lực hết mình để đạt mục tiêu của anh. Anh không lãng phí một chút thời gian nào. Ban ngày anh luyện hồ cầm, học ca khúc, còn ban đêm anh làm DJ hoặc nhân viên phục vụ tại câu lạc bộ.

Khi được hỏi có lời khuyên gì đối với những thanh niên trẻ muốn học âm nhạc truyền thống nước ngoài, ví dụ như với những người trẻ tuổi Hàn Quốc muốn học nhạc cụ truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ, anh trả lời trước hết là học văn hóa của đất nước đó, tốt hơn nữa là yêu nền văn hóa của đất nước đó.

“Trước tiên, phải hiểu được lối tư duy, tâm hồn và suy nghĩ của họ.”

Đó cũng là lý do Cevzet tham gia vào ban nhạc đa ngôn ngữ gồm 11 người nước ngoài có tên là “Hangeul”. Ban nhạc gồm cả những nhạc sĩ đến từ Anh, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản này đã biểu diễn ở nhiều sự kiện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ và tiếng Hàn. “Hangeul” là tên gọi của văn tự tiếng Hàn nhưng tên của ban nhạc là từ ghép của chữ “Han” (Hàn) của từ Hanguk (Hàn Quốc) và chữ “Geul” trong từ (Geullobeol, Global, toàn cầu). Theo đó, nó mang ý nghĩa là “những nghệ sĩ toàn cầu truyền bá văn hóa Hàn Quốc.”

Cevzet hoạt động cho công ty FMG (Foreign Manpower Group) – công ty giải trí hiệnđang quản lý khoảng 50 người nước ngoài. Thỉnh thoảng anh vẫn xuất hiện trên các chương trình phát thanh và truyền hình của Hàn Quốc nhưng không phải là thành viên cố định. Anh muốn được xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng “Chào mừng lần đầu đến Hàn Quốc” (Welcome, Firs Time in Korea?) của Hàn Quốc. Trong chương trình này, những người nước ngoài đang cư trú ở Hàn Quốc sẽ mời bạn bè ở quê hương của mình đến và để người xem chương trình khám phá lại Hàn Quốc thông qua con mắt của họ.

Mặc dù có khoảng cách địa lý và khác biệt văn hóa nhưng Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã coi nhau như “đất nước anh em” từ rất lâu. Trước hết đó là do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào đội quân Liên hợp quốc trong cuộc chiến tranh Nam–Bắc.

“Tôi học vào ban ngày và ban đêm phải làm việc. Có rất nhiều trở ngại cần khắc phục, nhưng tôi chưa bao giời hối hận về quyết định mà mình đã đưa ra.”

Đất nước anh em

Cevzet cho rằng Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có rất nhiều điểm chung. “Ví dụ như cả hai ngôn ngữ đều có hình thái câu như nhau, không biết chừng điều đó có nghĩa lối tư duy logic của người Hàn Quốc và người Thổ Nhĩ Kỳ cũng giống nhau. Hơn nữa, khác với người phương Tây, người Hàn Quốc và người Thổ Nhĩ Kỳ đều bỏ dép khi bước vào nhà. Hay người Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là đàn ông đều rất dễ bị kích động nhưng chưa đến 10 phút sau lại trở lại bình thường. Đàn ông Hàn Quốc cũng như vậy.”

Cevzet thấy âm nhạc truyền thống của hai quốc gia đều có âm hưởng như nhau. “Giống như các bài hát Hàn Quốc, những bài hát của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có âm hưởng buồn bã, sầu não và có nhiều bài oán thán cho tình yêu không đạt được. Kiểu như bài hát của những người vợ thương nhớ người chồng của mình đang tham gia chiến trận. Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không thường xuyên phải chịu sự xâm lược và thống trị của thế lực bên ngoài như Hàn Quốc nhưng lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ cũng trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh.”

Thang âm và bản nhạc của âm nhạc truyền thống hai quốc gia khác nhau. Mặc dù vậy, Cevzet vẫn khát khao kết hợp được âm nhạc Thổ Nhĩ Kỳ và âm nhạc Hàn Quốc. Không biết có phải anh đã yêu Hàn Quốc rồi hay không nhưng khi được hỏi giả sử đúng là như vậy thì lý do là gì, Cevzet hơi có chút ngượng ngùng. Và anh đã trả lời một cách rất thông minh. “Nếu không yêu Hàn Quốc, lý do gì để một người nước ngoài nỗ lực để hiểu rõ hơn về đất nước và văn hóa Hàn Quốc?”

Cevzet nói rằng hầu hết những người anh gặp ở Hàn Quốc đều rất thân thiện nên anh không gặp nhiều khó khăn khi sống ở đây. Chính vì thế, một ngoại lệ đã từng xảy ra với anh lại càng hiện lên rõ rệt. Đó là lần một chủ câu lạc bộ không trả cho anh khoảng một triệu won tiền lương. “Phần lớn người Hàn Quốc rất thân thiện với người nước ngoài sống ở Hàn Quốc nhưng họ vẫn có khuynh hướng sợ hoặc có dè chừng với những người này. Đặc biệt là ở giai đoạn đầu khi mới biết nhau lại càng như vậy”, Cevzet nói với ám chỉ về tính bài ngoại đối với người nước ngoài đang tiềm ẩn trong nhiều người Hàn Quốc.

Cevzet công nhận rằng mình sống rất vui vẻ với bạn bè và đồng nghiệp người Hàn Quốc nhưng những người nước ngoài vừa mới đến Hàn Quốc chưa lâu thì đang gặp khó khăn rất lớn. Đặc biệt, khó khăn càng lớn hơn khi họ chưa quen được với phương thức sinh hoạt của người Hàn Quốc. “Tôi muốn cảnh báo với những người nước ngoài muốn học tập và làm việc tại Hàn Quốc là trước tiên hãy học ngôn ngữ”, anh nói. “Cũng giống như phần lớn các nước khác, ở đây, đối với vấn đề tìm việc, có một khoảng cách rất lớn giữa những người biết và không biết tiếng Hàn.”

Liên quan đến vấn đề này, Cevzet đề nghị chính phủ Hàn Quốc nên tổ chức các lớp học tiếng Hàn miễn phí hoặc thu học phí thấp. Anh tán thành chính sách đa văn hóa của chính phủ nhưng anh cũng mong muốn Hàn Quốc có những chương trình hiệu quả hơn để có thể giúp đỡ những người nước ngoài mới đến dễ dàng và nhanh chóng thích ứng được với văn hóa và phương thức sinh hoạt của người Hàn Quốc. “Bao giờ cũng thế, vấn đề lớn nhất luôn là vấn đề kinh tế, có được việc làm và gia hạn visa”, anh nói.

Cevzet Tam tin rằng hồ cầm (haegeum) đã mở khóa niềm đam mê âm nhạc và tiềm năng trở thành nhạc sĩ của anh.

Sống ở Hàn Quốc với tư cách là nhạc sĩ

“Sống ở Hàn Quốc như một nhạc sĩ không hề dễ dàng. Hầu hết các sinh viên học chuyên ngành âm nhạc tại Hàn Quốc đều có gia đình khá giả”, anh nói. “Tôi học vào ban ngày và ban đêm phải làm việc. Có rất nhiều trở ngại cần khắc phục nhưng tôi chưa bao giời hối hận về quyết định mà mình đã đưa ra.”

Cevzet thích âm nhạc đại chúng Hàn Quốc nhưng anh nói rằng đôi lúc anh cảm thấy trong các hoạt động văn hóa của người Hàn Quốc vẫn còn thiếu đặc trưng riêng của mình. “Không có tương lai cho một dân tộc không biết lịch sử và văn hóa của mình”, anh mượn lời của Mustafa Kemal Atatürk – người cha sáng lập nên nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Cevzet cũng lấy ví dụ về những nhạc sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đưa âm thanh của nhạc cụ truyền thống Saz vào âm nhạc hiện đại.

“Tương tự như vậy, tôi cũng muốn các nhạc sĩ K-pop sử dụng nhiều hơn các yếu tố âm nhạc truyền thống Hàn Quốc như là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong tác phẩm của họ.”

Đang làm DJ bán thời gian tại câu lạc bộ đêm nhưng Cevzet hoàn toàn không thích rượu. “Như bạn biết đấy, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đạo Hồi. Vì thế, chúng tôi không uống nhiều rượu và rất cẩn thận khi lựa chọn thức ăn. Việc ăn thịt lợn là bị cấm”, anh nói. “Trừ điều đó ra, món ăn Hàn Quốc hầu như không có vấn đề gì với tôi. Vì lý do kinh tế hoặc các lý do khác, tôi thường nấu ăn tại nhà hơn là đi nhà hàng.”

Hỏi anh sau 5 năm nữa anh sẽ ở đâu, Cevzet trả lời rằng anh muốn mình sẽ trở thành một nhạc sĩ giỏi hơn vào thời điểm đó. Nếu anh vẫn tiếp tục bước tiếp trên con đường đang đi hiện nay, đến khoảng năm 2025, rất có thể chúng ta sẽ được nghe bản sonata hồ cầm đầu tiên được sáng tác bởi một nhạc sĩ nước ngoài.

Choi Sung-jinTổng biên tập báo Biochemical Review Hàn Quốc
Ha Ji-kwonẢnh.
Lê Hiền AnhDịch.

전체메뉴

전체메뉴 닫기