Các tòa nhà được thiết kế bởi ông Minsuk Cho, giám đốc công ty kiến trúc Mass Studies, nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người bởi hình dạng độc đáo, mang tính thử nghiệm táo bạo. Đây là kết quả của việc kiến trúc sư Minsuk Cho đối diện với tình trạng phức tạp của xã hội hiện đại, nắm bắt và phơi bày hiện trạng không đồng nhất của hiện tại.
Điều mà kiến trúc sư Minsuk Cho trăn trở trước khi thực hiện thiết kế công trình mẫu tại sự kiện Serpentine Pavilion không phải là nội dung công trình mà là khách thưởng lãm. Để cung cấp trải nghiệm toàn diện, thay vì dựng công trình ở dạng hoàn thiện tại vị trí trung tâm công trình, ông đã thiết kế thành không gian trống để tạo ra sự chuyển động đa dạng ở trung tâm.
Cung cấp bởi Serpentine Galleries, ảnh chụp bởi Iwan Baan
Cứ mỗi mùa hè, các phòng trưng bày Serpentine lại cho mời những kiến trúc sư nổi tiếng thế giới xây dựng các công trình tạm thời để giới thiệu các xu hướng kiến trúc mới nhất. Sau khi kiến trúc sư Zaha Hadid tham gia dự án này lần đầu tiên vào năm 2000, đã có nhiều kiến trúc sư có tầm cỡ đương thời như Toyo Ito, Rem Koolhaas, Frank Gehry, Kazuyo Sejima & Ryue Nishizawa (SANAA), Peter Zumthor và Diébédo Francis Kéré tham gia vào sự kiện văn hóa này.
Triển lãm kiến trúc Serpentine Pavilion tổ chức vào mùa hè đã trở thành một trong những lễ hội được giới kiến trúc mong đợi. Bởi vì ứng viên tham dự được chọn từ những người chưa có công trình nào được xây dựng ở Vương quốc Anh, nên nói chung Serpentine Pavilion trở thành nơi trình làng những tác phẩm đầu tay của các kiến trúc sư được mời tham dự tại Anh.
Sự kiện Serpentine Pavilion năm nay đã được tổ chức tại công viên Kensington Gardens ở Luân Đôn vào ngày 7 tháng 6. Người được vinh danh lần này là kiến trúc sư Minsuk Cho đến từ Seoul và công ty kiến trúc Mass Studies của ông. Ông là kiến trúc sư Hàn Quốc đầu tiên có được vinh dự này.
Minsuk Cho là một kiến trúc sư coi thành phố như một sinh thể và luôn trăn trở về tính kết nối của nó. Ông tin rằng vai trò của kiến trúc là phải duy trì sự đồng điệu với dòng chảy tự nhiên vốn có của không gian.
ⓒ Lee Min-hee
Khoảng trống ở trung tâm
Kiến trúc sư Minsuk Cho đặt tên cho công trình triển lãm này là Archipelagic Void (tạm dịch: Khoảng trống giữa quần đảo). Công trình gồm năm khu, mỗi khu có một chức năng khác nhau bao gồm phòng trưng bày, thư viện, khán phòng, phòng trà và tháp vui chơi (nơi trẻ em có thể leo trèo - chú thích của người dịch), được kết nối nhau với trung tâm là một khoảng trống hình tròn ở giữa. Đó là không gian để trống, chưa định hình nhằm có thể sản sinh những quan hệ mới khi kết hợp với khu xung quanh vốn có bố cục rõ ràng kèm các chức năng riêng. Kiến trúc sư Cho gọi khoảng trống này là madang (sân nhà).
Trong kiến trúc nhà ở truyền thống của Hàn Quốc, các gian nhà được bố trí xung quanh madang. Tùy thời điểm mà khoảng trống ở madang sẽ được sử dụng với nhiều mục đích như chỗ vui chơi, làm việc hoặc cúng bái. Trong cuốn Đạo Đức Kinh, triết gia Trung Hoa Lão Tử đã nói rằng để bánh xe lăn được, nó phải rỗng ở giữa, từ đó ông nhấn mạnh tầm quan trọng của cái “hư” (thuật ngữ trong Đạo Đức Kinh, nghĩa là “trống rỗng” – chú thích của người dịch).
Việc kiến trúc sư Minsuk Cho xây dựng công trình triển lãm với khoảng sân trống ở giữa chính là cách thức tái hiện lại văn hóa truyền thống của Hàn Quốc và phương Đông. Đồng thời, nó thể hiện sự tương ứng với lịch sử hoạt động của sự kiện Serpentine Pavilion. 22 công trình triển lãm được xây dựng từ trước đến nay phần lớn là các cấu trúc đơn khối có mái che, nhưng không có công trình nào để trống vị trí trung tâm.
Đây là khung cảnh bên trong đại pháp đường của chùa Wonnam thuộc tông phái Phật giáo Won. Hình ảnh một vòng tròn với đường kính 7,4m được khoan qua giữa tấm thép cao 9m gây chú ý. Thiết kế này tạo ra một không gian chuyển động tĩnh lặng, nơi ánh sáng và bóng đổ liên tục di chuyển.
ⓒ Kyungsub Shin
Kiến tạo bản sắc
Kiến trúc sư Minsuk Cho thích sự đa dạng hơn là một màu, và thích thêm thắt những câu chuyện mới vào câu chuyện vốn có. Ông sinh năm 1966 tại Seoul. Vào những năm 1960, Seoul đang trong thời kỳ thay đổi nhanh chóng. Đó là thời mà cỏ dại mọc nhiều hơn cả các tòa nhà tại Gangnam - một trong những khu phố sầm uất trên thế giới hiện nay. Cha ông, cũng là một kiến trúc sư, đã thiết kế nhà thờ lớn nhất ở Hàn Quốc trên đảo Yeouido nằm trên sông Hán. Kiến trúc sư Minsuk Cho hồi tưởng lại trải nghiệm kiến trúc mà ông đầu tiên cảm nhận được chính là cảnh tượng hỗn độn đan xen từ những thứ bất đối xứng, ví dụ như sông Hán, nơi pha trộn cả khung cảnh nông thôn lẫn thành thị cằn cỗi, quảng trường đổ đầy bê tông và những trụ cầu trên sông Hán bắc qua hai bên bờ...
Năm 1909, nhà thơ, tiểu thuyết gia người Ý Filippo Tommaso Emilio Marinetti đăng “Bản tuyên ngôn của Chủ nghĩa vị lai” (The Futurist Manifesto, Le Futurisme) trên tờ nhật báo Pháp Le Figaro và nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa Vị lai (trào lưu nghệ thuật đầu thế kỷ XX, tán dương tính năng động, tốc độ, và sức mạnh máy móc, công nghệ của thế giới hiện đại – chú thích của người dịch). Trong bài tuyên ngôn, tác giả đã so sánh cây cầu với điệu nhảy của những người khổng lồ. Đối với Marinetti, cơ sở hạ tầng đồ sộ chính là một món quà của kỹ thuật giúp thúc đẩy tương lai. Còn đối với kiến trúc sư Minsuk Cho, ông đã mường tượng ra cổng Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) của Paris từ những trụ cầu bê tông nối dài liên tiếp. Theo ông, hiện tại của Hàn Quốc giao thoa với quá khứ của phương Tây, các di tích và cơ sở hạ tầng cùng tồn tại mà không có vùng chuyển giao.
Bảo tàng Mỹ thuật Space K Seoul được khánh thành tại khu công nghiệp Magok, nơi các tòa nhà vuông vức cứ liên tục mọc lên. Bằng cách thiết kế một bảo tàng mỹ thuật thấp tầng theo phong cách tự do, ông đã phá vỡ tính đồng điệu của các tòa nhà và tạo ra sự hài hòa giữa chúng.
ⓒ Kyungsub Shin
Sau khi tốt nghiệp Đại học Yonsei và theo học chương trình cao học ngành Kiến trúc của Đại học Columbia, ông bắt đầu làm việc tại New York. Hành trình tri thức này đã báo hiệu sự xuất hiện của một thế hệ mới. Mặc dù không phải là kiến trúc sư người Hàn đầu tiên đi du học, nhưng trường hợp của ông lại rất đặc biệt. Sau Thế vận hội Seoul 1988, các hạn chế về du lịch nước ngoài và du học đã được nới lỏng, tạo cơ hội cho nhiều sinh viên học tập tại Hoa Kỳ và châu Âu. Đây là một bước ngoặt lớn trong giới kiến trúc Hàn Quốc. Nó không chỉ cho phép họ kịp thời nắm được các xu hướng chính của kiến trúc đương đại, mà còn là cơ hội để đảm bảo được một khoảng cách thích hợp riêng với Hàn Quốc. Cho đến đầu những năm 1990, các kiến trúc sư Hàn Quốc còn khá chật vật trong việc thể hiện hình ảnh đặc trưng của Hàn Quốc qua các công trình kiến trúc. Thế nên ông một lần nữa khẳng định rằng: trong sự khác biệt về thời gian và khoảng cách giữa New York với Seoul, ông có thể “lồng ghép những bản sắc mới lên trên bản sắc vốn có” giống như việc lồng ghép truyền thống với hiện đại, giữa phương Tây và phương Đông.
Choru nằm ở huyện Boseong thuộc tỉnh Jeollanam-do, là nơi bạn có thể nếm thử trà và đồ uống làm từ giấm đen, một trong những loại giấm tự nhiên. Kiến trúc sư đã thiết kế một tòa nhà đơn giản, không quá nổi trội để không làm hỏng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
ⓒ Kim Yong-kwan
Hình dáng Trung tâm Nghệ thuật Songwon tọa lạc tại trung tâm khu Bukchon, mang nhiều nét tự nhiên do xây bám theo đặc trưng của khu đất nền. Tuy địa điểm xây dựng có nhược điểm lớn là phần dốc và đoạn đất phẳng chênh nhau hơn 3m và diện tích nhỏ hẹp nhưng thiết kế đã tận dụng những hạn chế về địa hình để đạt được hiệu quả tối đa.
ⓒ Kyungsub Shin
Nắm bắt sự khác biệt
Kiến trúc sư Minsuk Cho đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế tại văn phòng OMA Rotterdam, do Rem Koolhaas đứng đầu, đây là tổ chức nghiên cứu về kiến trúc thế giới vào giai đoạn chuyển giao thiên niên kỷ mới. Sau đó, ông làm việc với James Slade ở New York. Năm 2003, ông trở về Seoul, thành lập Mass Studies, và bắt đầu làm việc một cách chính thức tại Hàn Quốc.
Phương châm làm việc của công ty kiến trúc Mass Studies là đối mặt với các hiện diện, phức tạp và tìm kiếm những giải pháp thay thế thay vì “đưa ra một hướng tiếp cận đơn nhất” giữa “những giằng co định hình nên tính hiện đại của Hàn Quốc vào đầu thế kỷ XXI - quá khứ và tương lai, tính địa phương và toàn cầu, không tưởng với thực tế, cá nhân với tập thể”.
Quan điểm làm việc của họ là không gộp các bản sắc thành một, cũng không phán đoán những thực tế phức tạp mà đơn thuần là cho ta thấy chúng như những gì chúng vốn có. Quan điểm này bắt đầu nảy mầm khi ông làm việc ở New York và Rotterdam, và sau đó được “khai hoa nở nhụy” ở Seoul. Còn có thành phố nào ngoài Seoul mà có thể vừa tràn đầy sự khác biệt và phức tạp, vừa tồn tại đồng thời cả sự hỗn loạn và đồng nhất cùng một lúc?
Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc, được hoàn thành vào năm 1962, chính là thiết kế của kiến trúc sư Kim Chung-up (1922-1988), một kiến trúc sư thuộc thế hệ đầu tiên của Hàn Quốc. Đây là kết quả của những nỗ lực miệt mài để khôi phục công trình vốn đã bị hư hại nghiêm trọng sau nhiều lần cải tạo, mái nhà đã được khôi phục lại đường nét thanh toát của nó và tầng trệt đã quay lại về cấu trúc sàn nâng như ban đầu.
ⓒ Kim Yong-kwan
Minsuk Cho và các kiến trúc sư của Mass Studies ví công việc của họ như chơi cờ vây. Lối so sánh này có thể được hiểu rộng hơn là tổng thể công việc của họ đều liên quan với nhau. Nên đi nước nào với những quân cờ được sắp trên bàn cờ vây? Nước đi tiếp theo cũng đa dạng tùy theo số quân cờ đã được bày sẵn. Tương tự vậy, họ cũng đặt ra câu hỏi về chức năng công cộng của tòa nhà phức hợp sang trọng Boutique Monaco nằm ở giữa khu Gangnam. Từ đó, họ thay đổi nhịp điệu thành phố bằng cách dựng một bảo tàng mỹ thuật ở New Town, Seoul phá vỡ giai điệu đều đều do các viện nghiên cứu và chung cư đan mắc theo mô hình lưới tạo ra. Ngoài ra, tại một khu phố cổ ở Seoul, họ thiết kế một cơ sở tôn giáo như một tượng đài kỷ niệm hào nhoáng, nó kết nối những con hẻm nhỏ đang nằm rải rác ở xung quanh và thúc đẩy sự chuyển động tinh tế giữa chúng. Tuy nhiên, có lúc các thiết kế họ lại quay trở về với phong cách mộc mạc, đắm chìm trong thiên nhiên choáng ngợp của đảo Jeju và huyện Boseong của tỉnh Jeollanam-do. Đôi khi họ có vẻ như ủng hộ các dự án quy mô lớn như cách làm của nhà quy hoạch đô thị Robert Moses, nhưng đôi khi họ lại nỗ lực hết sức để đưa ra các giải pháp bảo tồn những con hẻm nhỏ, giống như cách làm của nhà hoạt động xã hội Jane Jacobs.
Công trình của họ tại sự kiện Serpentine Pavilion cũng giống như vậy. Nó gợi nhắc lại lịch sử của các công trình trước đây mà các kiến trúc sư nổi tiếng khác đã xây dựng ở đó và cố gắng phát huy sức mạnh tiềm tàng của công viên. Thay vì nhấn mạnh vào một bản sắc duy nhất thông qua hình dạng độc đáo, họ chấp nhận những điều khác biệt và thể hiện chúng. Công trình hình ngôi sao đáp xuống công viên Kensington là thiết kế mà Minsuk Cho và Mass Studies dày công thực hiện trong một thời gian dài, và cũng là nước đi gần đây nhất của họ trên ván cờ vây. Họ đặt ra một câu hỏi cho thế giới.
“Chẳng phải sẽ thú vị hơn nếu kết hợp nhiều thứ thay vì một thứ sao?”
Toàn cảnh phía Tây Nam tòa Space. 1, trụ sở chính của tập đoàn công nghệ thông tin Kakao. Tòa nhà này nằm trên ngọn đồi ở đảo Jeju và là kết quả của việc dày công lồng ghép các bản sắc văn hóa của công ty như tính sáng tạo, bình đẳng. Kiến trúc sư đã tạo ra một không gian mở theo chiều dọc và chiều ngang bằng cách biến tấu, kết hợp năm mô-đun có kích thước 8,4 × 8,4m với nhau.
ⓒ Kim Yong-kwan