Nép mình bên mạn tây Cung Gyeongbok, ngôi làng Seochon là vùng đất thấm đẫm lịch sử. Vào thời Joseon (1392-1910), những người quyền thế như bậc vương giả và quan lại cư ngụ ở đây và các hoạt động văn hóa của tầng lớp trung nhân (tầng lớp ở giữa giới quý tộc và thường dân) diễn ra xung quanh khu vực này. Khi bước vào thời hiện đại, Seochon trở thành nơi ghi dấu ấn của biết bao văn nhân và nghệ sĩ.
Trong ảnh là bức tường phía tây của Cung Gyeongbok. Bức tường này trải dài khoảng 800m từ ga Gyeongbokgung đến Cheongwadae Sarangchae - không gian văn hóa trưng bày văn hóa truyền thống Hàn Quốc cũng như di sản của các tổng thống Hàn Quốc trước đây. Ở giữa bức tường là Yeongchumun, cổng phía tây của cung điện.
Seochon vừa là vùng đất tốt xét về mặt phong thủy (học thuyết địa lý truyền thống của Hàn Quốc), vừa là nơi phong cảnh rất hữu tình. Nơi đây được bao quanh bởi núi Bukak uy nghiêm ở phía bắc, núi Inwang hùng vĩ ở phía tây, Cung Gyeongbok (cung điện chính của vương triều Joseon) nguy nga ở phía đông và con đường dẫn đến tế đàn Sajik linh thiêng ở phía nam.
Ngoài ra, Seochon là một trong những khu dân cư lâu đời nhất của Seoul. Vào năm 1068, dưới triều đại Goryeo (918-1392), một hành cung (cung điện tạm thời) được xây dựng trên phạm vi mà hiện nay là phần phía bắc của Cung Gyeongbok và toàn bộ khu vực Cheong Wa Dae (Nhà Xanh). Tọa lạc ngay cạnh hành cung, Seochon được cho là đã phát triển thành một ngôi làng kể từ thời điểm này.
Seochon thực sự bước vào dòng chảy lịch sử kể từ khi Cung Gyeongbok được xây dựng. Taejo (Thái Tổ, trị vì 1392-1398), vị vua khai quốc triều Joseon sau khi lật đổ triều Goryeo, đã dời đô về phủ Hanyang, tức Seoul ngày nay vào năm 1394, và hoàn thành cung điện vào năm sau đó. Ngay khi Cung Gyeongbok được xây xong thì một cách tự nhiên, các cơ quan triều đình và khu dân cư đã hình thành xung quanh.
Trong thời kỳ Joseon, Seochon được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, trong đó, Jangdong hay Jangui-dong được sử dụng rộng rãi nhất.
Bức tường Yeongchumun nhìn từ văn phòng của Quỹ Arumjigi, một quỹ văn hóa phi lợi nhuận nhằm bảo vệ và gìn giữ di sản văn hóa truyền thống Hàn Quốc. Hầu hết các tòa nhà dọc theo cùng một con phố đối diện đều có thể nhìn ra bức tường cung điện.
Vùng đất “đế vương chung hội”
Địa điểm nổi tiếng nhất ở Seochon trong những ngày đầu triều đại Joseon là tư dinh của Taejong (Thái Tông, trị vì 1400-1418) Yi Bang-won (Lý Phương Viễn), con trai thứ năm của vua Taejo (Thái Tổ). Tại dinh thự này, được cho là nằm ở phường Tongin-dong, quận Jongno-gu ngày nay, có đến bốn vị vua đã chào đời, bao gồm bản thân Taejong, con trai ông và hai cháu trai. Vỗn dĩ các thái tử sống trong cung nên không thể có tư dinh. Trong khi đó, Taejong và các con cháu của ông sống ở tư dinh. Điều này cho chúng ta biết rằng họ không phải là người thừa kế ngai vàng ngay từ đầu.
Vậy mà, con trai của Yi Bang-won là Sejong (Thế Tông, trị vì 1418-1450), cùng các cháu trai là Munjong (Văn Tông, trị vì 1450-1452) và Sejo (Thế Tổ, trị vì 1455-1468) - những người được hạ sinh tại trú thất này - đã lần lượt lên ngôi vua. Lý do là bởi Yi Bang-won đã âm mưu soán ngôi và giành được ngai vàng. Sejong, con trai của vua Taejong, đã để lại thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử Joseon. Vua Sejong đã tạo ra Hangeul (bảng chữ cái tiếng Hàn), mở rộng lãnh thổ và phát triển khoa học công nghệ.
Vào thời sơ kỳ Joseon, không chỉ vua Taejong và vua Sejong mà còn nhiều thành viên hoàng thất sống ở Seochon. Một trong số đó là Anypyeong Daegun (An Bình Đại quân, thời Goryeo và Joseon, tước hiệu “đại quân” thường phong cho con trai do vương phi chính thất hạ sinh – chú thích của người dịch), con trai của vua Sejong. Tư dinh của ông là nơi ra đời bức họa sơn thủy nổi tiếng Mongyu dowondo (Mộng du đào viên đồ, tạm dịch: bức họa giấc mơ đến thăm vườn hoa anh đào) - tác phẩm tiêu biểu cho hội họa nửa đầu triều đại Joseon. Đây chính là bức tranh mà Anpyeong Daegun đã nhờ họa sĩ vĩ đại nhất đương thời, An Gyeon, khắc họa lại giấc mộng thần tiên của mình. Hiện tác phẩm này được lưu trữ tại thư viện Đại học Tenri ở Nhật Bản.
Yeongjo (Anh Tổ, trị vì 1724-1776), vị vua kiệt xuất nhất nửa sau thời Joseon, từng sống tại Cung Changui ở phía nam Seochon trước khi lên ngôi. Ngay cả sau đó, ông vẫn thường xuyên xa giá đến nơi này, hoài niệm về ngày tháng xưa cũ nơi đây qua những bài thơ. Ông còn cho xây dựng từ đường ở phía bắc Seochon để thờ phụng người mẹ có địa vị thấp của mình và thường xuyên đến thăm nơi đó.
Mở cửa vào năm 1951, Daeo được biết đến là hiệu sách lâu đời nhất của Seoul. Hiện đang hoạt động như một quán cà phê và không gian văn hóa, đây là điểm đến hấp dẫn tiêu biểu ở Seochon thu hút lượng du khách liên tục.
Nơi sinh sống của thế tộc Kim ở Jangdong
Vị quan đại thần lừng lẫy nhất xuất thân từ Seochon trong triều đại Joseon là Kim Sang-heon (Kim Thượng Hiến, 1570-1652). Nhân vật này từng được tái hiện trong phim Nam Hán Sơn thành (The Fortress) công chiếu năm 2017 của đạo diễn Hwang Dong-hyuk, người nổi tiếng với loạt phim gốc Netflix Trò chơi con mực (Squid Game). Vai diễn do nam diễn viên Kim Yoon-seok thủ vai chính là Kim Sang-heon. Trong phim, Kim Sang-heon kiên định với lập trường mạnh mẽ của mình, nói rằng đất nước phải chiến đấu chống lại cuộc tấn công của nhà Thanh, Trung Quốc.
Không chỉ bản thân Kim Sang-heon là một quan văn đạt đến đỉnh cao quyền lực, mà con cháu của ông cũng lên nắm quyền như gia tộc quyền thế. Gia tộc này là trung tâm của phe phái quyền lực nhất vào cuối triều đại Joseon, sản sinh ra 15 jeongseung (thừa tướng, tương đương thủ tướng và phó thủ tướng ngày nay) và 35 panseo (phán thư, tương đương bộ trưởng ngày nay). Bổn quán của gia tộc này là làng Andong thuộc Gyeongsangbuk-do, nhưng vì huynh đệ Kim Sang-heon sống ở Seochon nên họ được gọi là “gia tộc Kim ở Jangdong”, dựa trên tên gọi của Seochon vào thời điểm đó. Ông đã góp phần làm nên tên tuổi của Seochon qua những áng văn chương. Ông để lại 10 bài thơ ngợi ca vẻ đẹp của những danh lam thắng cảnh ở Seochon, một quyển du ký về núi Inwang, và thậm chí còn viết một bài thơ thể hiện nỗi nhớ quê nhà Seochon khi bị giam cầm bởi nhà Thanh.
Có những tòa nhà lớn dọc theo các con phố chính của Seochon, nhưng rẽ vào bên trong, bạn sẽ thấy những con hẻm chật hẹp gợi lên bầu không khí cổ kính, nối liền nhau như một mê cung.
Thế tộc Kim ở Jangdong không chỉ nắm giữ quyền lực chính trị mà còn dẫn dắt cả lĩnh vực văn hóa. Các chắt của Kim Sang-heon bảo trợ cho Jeong Seon (Trịnh Thiện, 1676-1759), họa sĩ tài danh bậc nhất nữa sau thời Joseon. Để báo ân, Jeong Seon đã vẽ toàn cảnh Seochon, nơi sinh sống của gia tộc Kim ở Jangdong, vào chuỗi họa Jangdong bát cảnh thiếp (tạm dịch: chuỗi tranh tám cảnh đẹp Jangdong). Vào những năm cuối đời, Jeong Seon đã vẽ Inwang jesaekdo (Inwang tễ sắc đồ), một bức tranh phong cảnh tiêu biểu của nửa sau triều đại Joseon. Tác phẩm này phác họa phong cảnh núi Inwang sau cơn mưa, nhìn từ hướng Bukchon ngày nay (ngôi làng phía bắc Cung Gyeongbok).
Trong khi đó, với sự phát triển thương nghiệp và sự nới lỏng của chế độ thân phận vào cuối thời Joseon, địa vị xã hội của tầng lớp jungin (trung nhân làm quan lại cấp thấp) sống ở phía nam và trung tâm Seochon ngày càng cao lên. Khi cơ hội tiếp cận giáo dục tăng lên, họ bắt đầu tiếp thu nền văn hóa tinh hoa của yangban (giới quan lại quý tộc), thành lập một số thi xã và cùng nhau tham gia các hoạt động văn học ở khu vực Ogin-dong gần núi Inwang - đại bản doanh của gia tộc Kim ở Jangdong và các quan đại thần khác. Thi xã nổi tiếng nhất trong số đó là Songseogwon Sisa. Songseogwon Sisa đóng vai trò quan trọng trong việc giúp dòng văn học trung lưu (do tầng lớp trung nhân dẫn dắt) bén rễ trong xã hội Joseon, nơi văn học của giới quý tộc là trung tâm. Thi xã này đã xuất bản nhiều tập thơ và hoạt động sôi nổi cho đến đầu thế kỷ XIX, dẫn đầu thời kỳ hoàng kim của dòng văn học trung lưu.
Dấu ấn thời cận đại
Trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ, những người thân Nhật đã xây dựng và sinh sống trong các dinh thự nguy nga ở Seochon. Đáng chú ý nhất là Yun Deok-yeong (1873-1940), người tham gia ký kết Hiệp ước Nhật - Triều năm 1910, đã cho xây một biệt phủ theo phong cách phương Tây với diện tích rộng khoảng 800 pyeong (khoảng 2.645m2), được biết đến là dinh thự tư nhân lớn nhất lúc bấy giờ. Ngôi nhà này được xây dựng tại chính nơi mà giới quý tộc trong Joseon thưởng thức nghệ thuật phong lưu và tầng lớp trung nhân tụ họp tổ chức hội thơ ca. Mặc dù dinh thự này đã bị thiêu rụi trong thập niên 1960 nhưng ngôi nhà theo phong cách phương Tây mà ông Yun cho con gái và con rể mình, cũng như nhà hanok nơi người vợ lẽ của ông sống vẫn còn đó. Ngôi nhà kiểu phương Tây đã được quận Jongno chuyển thành Bảo tàng Nghệ thuật Park No-soo, còn ngôi nhà kiểu truyền thống sẽ được chính quyền Seoul lên kế hoạch tu sửa thành không gian mở phục vụ công chúng.
Đây là ngôi nhà nơi Yi Sang (1910-1937) - một nhà thơ, tiểu thuyết gia và kiến trúc sư, người đã để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử văn học cận hiện đại Hàn Quốc - đã sống trong khoảng 20 năm. Ngôi nhà đã được cứu khỏi bị phá hủy khi Quỹ Tín thác Di sản Văn hóa Quốc gia mua lại vào năm 2009 bằng tiền quyên góp của công chúng và đóng góp của các doanh nghiệp. Dọc theo một trong những bức tường bên trong, một kho lưu trữ các tác phẩm của Yi Sang được trưng bày theo trình tự thời gian.
ⓒ Hiệp hội Các Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc
Trong và sau thời Nhật chiếm đóng, Seochon là nơi hoạt động của nhiều nhà thơ, tiểu thuyết gia và họa sĩ tài năng - những người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn học và hội họa Hàn Quốc. Những nhà văn tiêu biểu sống ở Seochon trong thời Nhật thuộc có thể kể đến như Yi Sang (1910-1937) với các bài thơ, tiểu thuyết và tùy bút đầy tính tiên phong, hay Yi Yuksa (1904-1944) và Yun Dong Ju (1917-1945) được biết đến rộng rãi như những nhà thơ kháng Nhật. Họa sĩ Gu Bonung (1906-1952) - bạn của Yi Sang, họa sĩ Lee Quede (1913-1965) - người toát ra năng lượng tự sự mạnh mẽ trên tranh, và họa sĩ Lee Jung Seob (1916-1956) - người vễ nên những bức tranh thấm đẫm chất trữ tình đồng quê thưở ấu thơ, cũng từng hoạt động ở Seochon.
Sự kiện quan trọng nhất xảy ra ở Seochon sau giải phóng là Cách mạng 19 tháng 4 (năm 1960). Cuộc cách mạng bùng lên khi cảnh sát nổ súng vào sinh viên và người dân đang diễu hành đến Gyeongmudae (nay là Cheong Wa Dae), Phủ tổng thống thời Rhee Syngman, để phản đối hành vi gian lận bầu cử. Nơi người dân ngã xuống dưới làn đạn của cảnh sát nay là khu vực xung quanh Quảng trường Đài phun nước Cheong Wa Dae và con đường Hyoja-ro.
Từng là nơi sinh sống tốt nhất ở Seoul cùng với làng Bukchon dưới triều đại Joseon, Seochon dần suy tàn dưới thời chính quyền quân sự của Park Chung-hee vào những năm 1960-1970. Nguyên nhân là do là do khi an ninh tại Cheong Wa Dae được tăng cường, việc kiểm soát khu vực Seochon trở nên nghiêm ngặt hơn. Nhiều quy định hạn chế đối với Seochon đã được nới lỏng sau quá trình dân chủ hóa năm 1987, và bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ bảo tồn nhà ở truyền thống được triển khai vào năm 2010 đã góp phần đưa Seochon trở thành một trong những điểm đến được yêu thích nhất Seoul, nơi giao hòa giữa thiên nhiên, lịch sử và văn hóa.
Sự kết hợp hài hòa giữa hanok hiện đại được xây dựng vào những năm 1920-1930 với các công trình kiến trúc đương đại là cảnh tượng thường thấy ở Seochon. Núi Inwang, địa danh nổi bật của Seochon, có thể được nhìn thấy từ xa.
KIM Kyuwon– Phóng viên cao cấp Tuần báo Hankyoreh21
Ảnh. Choi Tae-won
Dịch. Nguyễn Trung Hiệp