Seochon, cùng với Bukchon, được xem là một trong những ngôi làng
hanok tiêu biểu của thủ đô Seoul. Trong đó, những ngôi nhà hanok công cộng ở Seochon do chính quyền thành phố Seoul và quận Jongno-gu quản lý đang nổi lên như một địa điểm hấp dẫn, mới lạ đại diện cho vùng Seochon vì tại nơi đây, mọi người có thể tham gia trải nghiệm văn hoá cư trú truyền thống cũng như các chương trình nghệ thuật văn hoá đa dạng khác.
Toàn cảnh sân trong của Seochon Lounge. Nhà hanok hai tầng Seochon Lounge đã được cải tạo và tân trang lại, cho phép những người đã quen với lối sống hiện đại như căn hộ có thể trải nghiệm văn hóa cư trú hanok bằng cả năm giác quan.
ⓒ Ủy ban Thành phố Seoul
Những ngôi nhà hanok ở Seochon phần lớn là “hanok kiểu đô thị” được xây dựng trong thời hiện đại. Hanok kiểu đô thị được xây dựng chủ yếu vào những năm 20, 30 của thế kỷ XX nhằm để giải quyết vấn đề cư trú lúc bấy giờ ở Gyeongseong (nay là Seoul), nơi đang phải đối mặt với tình trạng đông dân trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Vào thời điểm ấy, các nhà phát triển bất động sản đã mua các mảnh đất và chia thành nhiều lô nhỏ, sau đó tiến hành xây dựng những ngôi nhà Hanok nhỏ và cung cấp với số lượng lớn.
Hanok kiểu đô thị có cấu trúc gồm sân giữa làm trung tâm, các phòng và cổng chính được nối với nhau như hình dáng của chữ “mi-eum” (ㅁ). So với hanok truyền thống, kiểu nhà này có quy mô và cấu trúc đơn giản hơn nhưng lại được trang trí cầu kỳ hơn và sử dụng vật liệu xây dựng hiện đại hơn như kính và gạch. Ngoài ra, nhà bếp và nhà vệ sinh cũng được cải tiến, tân trang theo kiểu mới để phản ánh lối sinh hoạt đã dần dần thay đổi.
Tuy nhiên, những ngôi nhà Hanok kiểu đô thị vẫn lưu giữ bầu không khí của ngôi nhà hanok xưa. Đó là lý do tại sao mà nhiều người tìm đến hanok stay (tạm dịch: dịch vụ nghỉ qua đêm trong hanok) để thoát khỏi cuộc sống thường nhật và tận hưởng sự đặc biệt dù chỉ là một đêm. Nhưng có một sự thật rằng lưu trú ở hanok là một gánh nặng vì giá cả không hề rẻ. Do đó, chính quyền thành phố Seoul và quận Jongno-gu đã mua lại những ngôi nhà hanok bằng ngân sách công nhằm mở cửa và tạo cơ hội cho tất cả mọi người có thể trải nghiệm nơi này.
Ở Seochon có các ngôi nhà hanok công cộng như Sangchonjae, Hong Geon-ik House và Seochon Lounge, nơi đang được người dân địa phương lẫn các du khách tham quan khi đến vùng Seochon đặc biệt yêu thích và tìm đến. Đến với những ngôi nhà hanok công cộng này, không chỉ được đắm mình, trải nghiệm trong không gian sống truyền thống mà còn được tham gia và thưởng thức các hoạt động văn hoá nghệ thuật đặc sắc như làm đồ thủ công mỹ nghệ, xem triển lãm mỹ thuật,...
Ở Seochon tập trung các hanok kiểu đô thị được hình thành qua quá trình hiện đại hóa. Thoạt nhìn, nó trông giống như hanok truyền thống nhưng hình thức, vật liệu và phương pháp xây dựng có sự khác biệt. Sử dụng các vật liệu hiện đại như kính, gạch viên, gạch men, thiếc và xem trọng phương diện trang trí là đặc trưng của hanok kiểu đô thị.
ⓒ Choi Tae-won
Nét đẹp của hanok truyền thống
Sangchonjae vốn là một tòa nhà bỏ hoang thuộc sở hữu Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc. Vào năm 2013, quận Jongno-gu đã mua lại và phục dựng, sau đó mở cửa cho công chúng tham quan từ năm 2017. Được xây dựng theo phong cách nhà hanok truyền thống vào cuối thế kỷ XIX, Sangchonjae trở thành nhà mẫu để khám phá văn hoá ondol và cấu trúc nhà ở truyền thống của Hàn Quốc. Sân trong và sân phòng khách được sắp xếp phân cấp một cách tự nhiên theo địa hình. Anchae (khu nhà biệt lập), sarangchae (khu nhà dành cho khách) và haengnangchae (không gian mở) được bố trí xung quanh sân khu nhà biệt lập và sân của khu nhà dành cho khách, có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Vì vậy, Sangchonjae là một điểm đến phổ biến của những ai nghiên cứu kiến trúc hanok. Vào năm 2017, nơi đây đã nhận được giải thưởng “Kiến trúc Công cộng Hàn Quốc” của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc. Vào năm 2018, địa điểm này lại tiếp tục nhận được giải thưởng “Văn hoá Không gian Hàn Quốc” của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Hàn Quốc.
Nhà hanok Sangchonjae bị bỏ hoang lâu ngày được khôi phục lại theo phong cách hanok cuối thế kỷ XIX. Sangchonjae được đánh giá là công trình kiến trúc đẹp, làm sống dậy nét thẩm mỹ hanok truyền thống và được biết đến là không gian kiến trúc công cộng tiêu biểu ở Seochon.
ⓒ Quỹ Văn hóa và Nghệ thuật Jongno
Sức hấp dẫn của Sangchonjae không chỉ dừng lại ở kiến trúc độc đáo mà còn ở sự đa dạng của các chương trình văn hoá nghệ thuật. Nơi đây thường hay tổ chức các hoạt động liên quan đến hanok, hanbok, thủ công truyền thống và phong tục theo mùa. Đặc biệt, không chỉ có các sự kiện trải nghiệm một lần mà còn có các chương trình đào tạo chuyên sâu. Bên cạnh đó các buổi triển lãm được tổ chức thường xuyên để tìm kiếm các nghệ sĩ trẻ tuổi. Chính vì Sangchonjae mang đến nhiều cơ hội thưởng thức văn hoá cho công chúng nên địa điểm này đã trở thành một địa điểm nổi tiếng của vùng Seochon, thu hút khoảng 20.000 lượt khách du lịch mỗi năm.
Sangchonjae, một trong những hanok công cộng ở Seochon, mang đến cho người dân các chương trình trực tiếp trải nghiệm văn hóa truyền thống. Ảnh chụp chương trình “Giảng dạy về cách ăn, mặc, ở truyền thống”. Trong ảnh là trẻ em mặc hanbok đang được hướng dẫn thực hiện lễ nghi.
Phong cách chiết trung hiện đại
Hong Geon-ik House được xây dựng vào những năm 1930, là tòa kiến trúc kết hợp giữa phong cách truyền thống và hiện đại. Trong số những ngôi nhà Hanok còn lại ở Seoul, đây là một trong số ít ngôi nhà có giếng và thậm chí là hầm băng. Hong Geon-ik được biết đến là một thương gia, tuy nhiên không có hồ sơ ghi chép cụ thể nào được lưu giữ. Được xây dựng trên một ngọn đồi nông, ngôi nhà này đã tận dụng địa hình tự nhiên và bài trí các không gian kiến trúc gồm anchae, sarangchae và haengrangchae một cách độc lập. Cấu trúc này là nét đặc trưng điển hình của phong cách hanok truyền thống. Trái lại, cửa kính được lắp ở sảnh chính và phần đuôi mái cheoma (phần cong của mái nhà hanok) đã khắc họa rõ nét sự thay đổi của hanok trong thời kỳ hiện đại. Hong Geon-ik House đã được công nhận là di sản văn hóa dân gian của thành phố Seoul để tôn vinh giá trị kiến trúc của nó.
Hong Geon-ik House được thành phố Seoul mua vào năm 2011, trải qua quá trình tu sửa và cải tạo, đến năm 2017, nơi này chính thức mở cửa như những ngôi nhà hanok công cộng. Hong Geon-ik House tổ chức chương trình thuyết minh du lịch dành cho du khách. Trong đó, chương trình đi dạo quanh Seochon và lắng nghe thuyết minh về các di sản văn hóa thì rất được yêu thích. Điển hình là chương trình lần theo dấu vết lịch sử ở vùng đất này bằng việc đến tham quan bối cảnh Jangdong bát cảnh thiếp (tạm dịch: chuỗi tranh tám cảnh đẹp Jangdong)) của họa sĩ Jeong Seon (Trịnh Thiện) thời Joseon để lại. Một điểm thu hút khác của Hong Geon-ik House là các sự kiện văn hóa theo mùa. Nơi đây mang đến nhiều chương trình khác nhau tùy theo mùa và thời điểm trong năm, chẳng hạn như thưởng thức trà truyền thống vào những đêm mùa hè, hay sự kiện làm songpyeon (một loại bánh làm từ bột gạo, nặn thành hình nửa mặt trăng có nhân vừng, đậu, đậu đỏ) vào Tết Trung thu. Các chương trình thủ công mỹ nghệ như thêu thùa, sơn mài, gốm sứ càng trở nên có ý nghĩa hơn khi cùng các nghệ nhân địa phương và các nhà sáng tạo thực hiện.
Hình ảnh buổi triển lãm đặc biệt của Hong Geon-ik House Đồ vật trong nhà – Ứng xử trong cuộc sống được tổ chức từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 01 năm 2023. Triển lãm đã giới thiệu nhiều tác phẩm của các nghệ nhân, những người kết nối quá khứ và hiện tại, chẳng hạn như OUWR DESIGN HOUSE.
ⓒ Hong Geon-ik House, OUWR
Kết nối giữa truyền thống và hiện đại
Seochon Lounge là một không gian văn hóa phức hợp được khai trương vào tháng 10 năm 2023 như một phần trong chính sách hanok đang được thành phố Seoul thúc đẩy. Thiết kế hanok bên trong Seochon Lounge được tu sửa thành không gian hiện đại, gồm tầng một là nơi tổ chức các cuộc triển lãm đặc biệt và tầng hai là không gian nghỉ ngơi dành cho khách tham quan.
Seochon Lounge chủ yếu cung cấp các hoạt động văn hóa của khu vực Seochon, nơi diễn ra hoạt động văn hóa sôi nổi của các tác giả trên nhiều lĩnh vực hội họa, thủ công và kiến trúc. Đặc biệt nơi đây tập trung vào phong cách sống xuyên quốc gia và thế hệ. Triển lãm kỷ niệm khai trương “Bauhaus × Korea Craft Design” đã nêu rõ tính chất và hướng đi của không gian văn hóa này qua sự kết hợp giữa nội thất tiêu biểu cho phong cách Bauhaus và tác phẩm của những nghệ nhân Hàn Quốc. Các chương trình liên kết trong nước và quốc tế, truyền thống và hiện đại được tổ chức thường xuyên trong năm nay, trong đó có triển lãm hợp tác giữa sinh viên khoa Thiết kế công nghiệp của Trường Đại học Nghệ thuật Lausanne, Thụy Sĩ và thương hiệu đèn AGO, Hàn Quốc.
Ngoài các chương trình triển lãm, Seochon Lounge còn nổi tiếng với chương trình “Trà đạo theo mùa” cùng với chuyên gia tư vấn trà. Đến với chương trình sẽ được thưởng thức và so sánh trà truyền thống không chỉ của Hàn Quốc mà còn của các quốc gia khác. Chương trình này được yêu thích đến nỗi đặt trước nhanh chóng cháy vé. Cấu trúc và hình dáng của hanok đang dần thay đổi theo thời gian, nhưng bầu không khí và không gian yên tĩnh, độc đáo của nó vẫn còn đó, mang lại nguồn cảm hứng cho cuộc sống và văn hóa của người hiện đại. Các chương trình hay sự kiện do hanok công cộng ở Seochon mang đến cũng là một cách khác để thưởng thức Seochon.
Người tham gia đang thưởng thức trà tại chương trình “Trà đạo theo mùa” nổi tiếng của Seochon Lounge. Đến với chương trình này, người tham gia có thể nâng cao hiểu biết về trà qua lời giải thích từ chuyên gia tư vấn, đồng thời chương trình tổ chức riêng buổi gặp gỡ về trà dành cho người nước ngoài.
ⓒ Seochon Lounge