Bộ phim
Đố anh còng được tôi (
I, The Executioner) của đạo diễn Ryoo Seung-wan, phần tiếp theo của bộ phim bom tấn
Chạy đâu cho thoát (
Veteran) năm 2015, đặt ra câu hỏi về sự phân biệt giữa thiện và ác khi một tổ chức tư nhân xưng danh chính nghĩa tự mình thực thi công lý. Tại đây, đạo diễn nói về bộ phim trong một cuộc phỏng vấn tại Liên hoan phim Cannes.
Ryoo Seung-wan là một đạo diễn theo phong cách vừa chỉ đạo diễn xuất vừa làm sáng tỏ rõ nét mặt tối của xã hội và bản chất con người Hàn Quốc nhưng không làm mất đi tính đại chúng. Đặc biệt, nổi bật là cách ông chỉ đạo vừa diễn xuất với hành động linh hoạt bên trong một câu chuyện đầy sức gợi lấy nhân vật làm trung tâm, kết hợp hài hòa giữa thông điệp xã hội và tính giải trí.
Được cung cấp bởi CJ ENM
Đạo diễn Ryoo Seung-wan đã trở thành trụ cột của ngành điện ảnh Hàn Quốc hơn 20 năm qua. Nổi tiếng với những bộ phim hành động, quan sát tinh tế và thông minh trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, đạo diễn Ryoo đã mang đến hiện tượng phòng vé vào năm ngoái với Smugglers (tạm dịch Những kẻ buôn lậu). Bộ phim theo chân một nhóm haenyeo, những nữ thợ lặn thu hoạch hải sản, những người mà kế sinh nhai của họ bị đe dọa bởi một nhà máy hóa chất được xây dựng tại một thị trấn ven biển vốn yên bình một thời.
Năm nay, ông đã mang các thám tử cảnh sát từ Chạy đâu cho thoát trở lại để truy đuổi một kẻ tình nghi giết người hàng loạt. Đố anh còng được tôi (còn gọi là Chạy đâu cho thoát 2) đã ra rạp ở Hàn Quốc vào tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ Chuseok và thu hút hơn sáu triệu khán giả chỉ trong 15 ngày.
Bộ phim gốc Chạy đâu cho thoát đã thu về hơn 90 triệu USD tại phòng vé Hàn Quốc, trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ năm trong lịch sử điện ảnh nước này. Thành công của nó đã vượt biên giới, truyền cảm hứng cho một phiên bản làm lại ở Ấn Độ vào năm 2019 với siêu sao Salman Khan thủ vai chính. Nhà làm phim Mỹ Michael Mann hiện đang phát triển một phiên bản làm lại khác dự kiến sẽ được quay ngay sau dự án Kỳ phùng địch thủ 2 (Heat 2) rất được mong đợi của ông. Buổi công chiếu đầu tiên của Chạy đâu cho thoát ở nước ngoài diễn ra tại Liên hoan phim Toronto (TIFF) năm 2015. Phần tiếp theo đã ra mắt tại Liên hoan phim Cannes năm nay trong hạng mục Phim chiếu lúc nửa đêm (Midnight Screenings) tại Nhà hát lớn Lumière.
Đã có nhiều bộ phim Hàn Quốc nằm trong danh sách chính thức của Liên hoan phim Cannes. Những tác phẩm gây được sự chú ý trước đó bao gồm Thiện, Ác, Quái (The Good, the Bad, the Weird) của đạo diễn Kim Jee-woon, Hạ cánh khẩn cấp (Emergency Declaration) của đạo diễn Han Jae-rim, Hoàng hải (The Yellow Sea) của đạo điễn Na Hong-jin, Cô hầu gái (The Handmaiden) của đạo diễn Park Chan-wook, Kế hoạch Bắc Hàn (The Spy Gone North) của đạo diễn Yoon Jong-bin, và đặc biệt nhất là Ký sinh trùng (Parasite) của đạo diễn Bong Joon-ho, người chiến thắng giải Cành cọ Vàng năm 2019.
Đạo diễn Ryoo Seung-wan lần đầu tiên tham dự Cannes vào năm 2005 với bộ phim về môn quyền anh Cú đấm nước mắt (Crying Fist). Được trình chiếu trong Tuần lễ Đạo diễn (Directors’ Fortnight), sự kiện độc lập được tổ chức đồng thời với Liên hoan phim Cannes để giới thiệu các phim ngắn, phim điện ảnh và phim tài liệu trên toàn cầu, Cú đấm nước mắt có sự tham gia của em trai ông là Ryoo Seung-bum, một ngôi sao lớn hiện nay cùng với diễn viên Choi Min-sik, biểu tượng điện ảnh của Hàn Quốc, người lúc đó đã được khán giả toàn cầu biết đến nhờ diễn xuất trong bộ phim Oldboy do Park Chan-wook đạo diễn - tác phẩm đoạt giải Grand Prix tại Liên hoan phim Cannes năm 2004.
Một trong những tác phẩm đầu tiên của đạo diễn Ryoo Seung-wan, Cú đấm nước mắt (2005), kể về nhân vật chính, một cựu ngôi sao quyền anh và vận động viên đoạt huy chương bạc Đại hội Thể thao châu Á, đang vật lộn với ngõ cụt của cuộc đời. Đây là bộ phim không sử dụng những kỹ xảo và hành động phức tạp mà chỉ tập trung vào đời sống nội tâm, cảm xúc của các nhân vật.
Được cung cấp bởi Yong Film
Bộ phim Chạy đâu cho thoát có sự tham gia của diễn viên Hwang Jung-min trong vai một thám tử cảnh sát bất cần và tàn nhẫn được giao nhiệm vụ tiêu diệt một ông trùm tội phạm độc ác thế hệ thứ ba do Yoo Ah-in thủ vai đầy ấn tượng. Bộ phim kết hợp hoàn hảo giữa sự hài hước, hành động gay cấn và phê phán sâu sắc về nạn tham nhũng và bất bình đẳng ở Hàn Quốc, điều này đã tạo được sự đồng cảm sâu sắc đối với khán giả. Phần tiếp theo là sự tái hợp của diễn viên Hwang Jung-min với dàn diễn viên đa tài từ bộ phim gốc - bao gồm diễn viên Oh Dal-su và diễn viên Jang Yoon-ju. Diễn viên Jung Hae-in cũng gia nhập đoàn làm phim với vai diễn một thành viên mới của Đội Điều tra Tội phạm Bạo lực. Khi những tin đồn về danh tính kẻ giết người lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội khiến cả nước rơi vào hỗn loạn thì thám tử anh hùng cùng đội ngũ phải cân nhắc phương án và giả thuyết của họ.
Một cảnh trong bộ phim mới nhất của Ryoo Seung-wan, Đố anh còng được tôi (Chạy đâu cho thoát 2). Bộ phim được phát hành vào tháng 9 năm 2024, đã thành công về mặt doanh thu, lập kỷ lục với hơn 7,5 triệu lượt khán giả trên toàn quốc.
Được cung cấp bởi CJ ENM
Trải nghiệm gần đây của ông tại Cannes như thế nào so với lần đầu tiên vào năm 2005?
Sự khác biệt lớn nhất là 19 năm trước, tôi chỉ là người ngoài nhìn vào Nhà hát lớn Lumière từ xa. Tôi còn trẻ và mọi thứ đều mới mẻ, thú vị và hào hứng. Tôi nhớ mình từng tự nhủ rằng: Một ngày nào đó tôi muốn trình chiếu bộ phim của mình ở nhà hát này. Giờ đây, tôi đang ở bên trong, giới thiệu về bộ phim của mình. Một thay đổi đáng kể khác là sự công nhận mà điện ảnh Hàn Quốc nhận được ngày hôm nay. 19 năm trước, các bộ phim Hàn Quốc không nhận được nhiều sự chú ý như vậy. Các rạp chiếu không đông đúc như bây giờ cũng như không có nhiều cuộc phỏng vấn như chúng tôi nhận được hiện nay.
Điều gì khiến ông bị cuốn hút bởi các bộ phim hành động?
Tôi yêu điện ảnh từ trước khi đi học. Tôi lớn lên ở Asan, nơi không phải thành phố lớn nhưng có nền văn hóa đặc sắc. Tôi có cơ hội tiếp cận nhiều loại hình điện ảnh khác nhau - từ bom tấn Hollywood đến các bộ phim châu Á bao gồm cả điện ảnh Hồng Kông. Tôi bị cuốn hút bởi những bộ phim võ thuật Hồng Kông cùng những ngôi sao tuyệt vời của họ. Những hình ảnh về những anh hùng hành động này đã ăn sâu vào tâm trí tôi và hình thành nên cách hiểu về điện ảnh như một nghệ thuật ghi lại chuyển động và cử chỉ con người. Tuy nhiên, khi tôi trưởng thành hơn thì cách tiếp cận đối với phim hành động cũng thay đổi theo thời gian. Tôi nghĩ rằng “hành động” giờ đây không đơn thuần là chuyển động thể chất hay ngôn ngữ cơ thể nữa mà còn liên quan đến sự phát triển nhân vật, tâm lý, chuỗi sự kiện xảy ra cũng như cách mà cảm xúc, suy nghĩ khán giả thay đổi theo câu chuyện.
Bộ phim thứ năm của đạo diễn Ryoo, Thành phố bạo lực (The City of Violence, 2006), là bộ phim mà đạo diễn Ryoo tham gia đóng vai chính cùng với Jung Doo-hong, một đạo diễn võ thuật và diễn viên hành động. Đây là tác phẩm vận dụng tối đa sức mạnh của động tác cơ thể mà không dựa vào dây cáp.
Ông nghĩ điều gì khiến Chạy đâu cho thoát trở nên thành công?
Tại sao ông trở lại với câu chuyện này sau chín năm?
Thành công ban đầu thật bất ngờ đối với tôi, thật lòng mà nói, tôi đã có khoảng thời gian khó khăn để đối diện với nó. Ban đầu, tôi muốn tạo ra một tác phẩm thuộc thể loại đúng với phong cách riêng của mình, mang đến niềm vui cũng như thoát khỏi thực tế cho khán giả Hàn Quốc. Trùng hợp thay, thời điểm đó xuất hiện vài tranh luận trong xã hội, điều lại được phản chiếu trong bộ phim khiến nó trở thành hiện tượng phòng vé. Trong quá trình quay Chạy đâu cho thoát, tôi bắt đầu gắn bó với các nhân vật khiến tôi muốn quay lại câu chuyện này. Tuy nhiên, thành công quá lớn quả thực đã giữ chân tôi khỏi việc khám phá chất liệu ngay lập tức. Trong phần đầu tiên, việc mô tả thiện ác khá đơn giản. Sự đơn giản này có thể góp phần tạo nên thành công nhưng nhìn lại thì nó có chút gì thiển cận. Cách mà nhân vật chính tìm kiếm công lý rất khác so với thực tế. Thực tế thì ranh giới giữa thiện ác thường không rõ ràng. Sau khi Chạy đâu cho thoát đạt doanh thu cao thì nhiều tác phẩm điện ảnh cũng như truyền hình khác ở Hàn Quốc cũng nối gót và đạt được thành công tương tự nên tôi không cảm thấy cần thiết phải tái tạo lại tác phẩm trước đó ngay lập tức.
Trong khoảng thời gian ấy, tôi đã thực hiện một vài dự án khác bao gồm Thoát khỏi Mogadishu (Escape from Mogadishu), tác phẩm đại diện cho Hàn Quốc gửi tới Oscar vào năm 2021. Chín năm trôi qua nhanh chóng và tôi cảm thấy cuối cùng cũng đến lúc để Chạy đâu cho thoát trở lại bằng góc nhìn mới mẻ hơn.
Bộ phim Hồ sơ Berlin (The Berlin File) ra mắt năm 2013 kể về cuộc rượt đuổi giữa những người bị cuốn vào một âm mưu quốc tế. Bộ phim được đánh giá là đã thiết lập cột mốc mới cho dòng phim hành động Hàn Quốc với dàn diễn viên hoàn hảo, hành động sáng tạo và cốt truyện đẩy lên cao trào. Nam diễn viên Ryoo Seung-bum, em trai của Ryoo Seung-wan, được cho là mang nhiều nét tính cách của đạo diễn Ryoo.
ⓒ Cine21
Ông sẽ khắc họa Park Sun-woo - nhân vật gây tranh cãi trong phần tiếp theo này thế nào?
Tôi cố tình đưa yếu tố gây tranh cãi vào nhân vật cũng như câu chuyện nhằm kích thích phản ứng từ phía khán giả, dù phản ứng đó ra sao đi nữa. Nếu tranh cãi ấy tạo ra tiếng vang thì với chính cá nhân họ, điều đó đồng nghĩa rằng họ đang suy nghĩ về nó - đó đúng là điều mà tôi hướng tới.
Trong một lần gặp gỡ với nhà làm phim nổi tiếng Hồng Kông Johnny To, tôi đã hỏi ông ấy làm thế nào để tôi có tạo ra những tác phẩm hấp dẫn và mang tính giải trí giống như những bộ phim của ông ấy. Ông ấy đã trả lời rằng “Nhân vật chính phải mắc sai lầm”. Câu trả lời thật đơn giản nhưng rõ ràng và tôi rất thích ý tưởng đó.
Trong hầu hết các bộ phim, những người tự thực thi công lý thường bị trừng phạt vào cuối phim. Trong bộ phim của ông, mọi thứ không đơn giản như vậy.
Đó là một điểm thú vị. Trong bộ phim của tôi, nhân vật chính thực sự không phải là Park Sun-woo mà là thám tử Seo Do-cheol. Vẻ đẹp của nhân vật Seo, và điều làm cho anh ấy khác biệt với Sun-woo, là ngay cả khi anh ấy ghét ai đó đến mức muốn giết họ, anh ta vẫn trung thành với nhiệm vụ của mình. Anh sẽ cứu mạng một người, ngay cả khi người đó là tội phạm. Đối với anh, đó mới là ý nghĩa thực sự của công lý. Còn về Park Sun-woo, tôi không có ý định miêu tả anh ta như một kẻ phản diện truyền thống. Mục tiêu của tôi là khám phá hai phương diện khác nhau về công lý và xung đột giữa chúng. Định nghĩa về công lý được xác định bởi góc nhìn và bối cảnh lịch sử, cũng như cách chúng được áp dụng. Tôi không tin vào công lý hay sự thật tuyệt đối. Tôi muốn khán giả đặt câu hỏi về giá trị của họ thay vì áp đặt những thông điệp cụ thể lên họ.
Câu chuyện trong phần tiếp theo sẽ khác biệt như thế nào?
Khi bạn nói chuyện với mọi người, luôn có ấn tượng rằng thời gian trước đây ít căng thẳng hơn hoặc dễ dàng hơn theo cách nào đó, và thời gian khó khăn nhất chính là lúc mà chúng ta đang sống. Chúng ta thường tin rằng mình đang trải qua những kịch bản tồi tệ nhất và những tình huống khó khăn nhất, trong khi nghĩ rằng những người khác thì dễ dàng hơn hoặc những nơi khác thì yên ổn hơn. Nhưng khi bạn thực sự đến đó, bạn sẽ thấy mọi thứ cũng giống như vậy. Trong khi xã hội đang thay đổi nhanh chóng, nhiều vấn đề có thể phát sinh như là hệ quả của tiến trình đó. Do vậy, phần Chạy đâu cho thoát đầu tiên của tôi không chỉ tập trung vào cá nhân mà chủ yếu về xã hội và hệ thống nói chung. Ngược lại, phần tiếp theo chuyển trọng tâm nhiều hơn về cá nhân và xa rời các cấu trúc phổ quát của xã hội. Ví dụ, có một cảnh mà vợ thám tử giúp đỡ một phụ nữ Việt Nam cùng con cái cô ấy. Điều này không được thực hiện bởi các quan chức mà bởi một người bình thường. Tôi tin rằng dù xã hội có vẻ vô vọng đến đâu, nếu chỉ cần một người hoàn toàn tỉnh táo và nhận thức được điều đó thì hạt giống hy vọng đã hiện hữu rồi. Thay vì đặt hy vọng vào các chính trị gia với những tuyên bố lớn lao về việc cứu lấy nhân loại, tôi tìm thấy nhiều hy vọng hơn ở những con người hàng ngày sống cuộc sống bình thường của họ, thể hiện sự quan tâm đến gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
Ông có nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong ảnh hưởng của dư luận đối với thế hệ trẻ không?
Sự đoàn kết của dân tộc Hàn Quốc là điều gì đó ăn sâu vào xã hội chúng tôi, phần nào là do điều kiện địa lý độc đáo của Hàn Quốc. Khác với châu Âu, nơi các quốc gia dễ dàng tiếp cận bằng đường bộ, Hàn Quốc có chút bị cô lập khỏi phần còn lại của thế giới. Để đi ra nước ngoài, người Hàn Quốc phải đi bằng đường hàng không hoặc đường biển; không có lựa chọn nào đơn giản là lái xe qua biên giới cả. Điều này cộng thêm với sự chia cắt bán đảo Triều Tiên tạo ra cảm giác khép kín, gần giống như sống trên một hòn đảo. Theo thời gian, điều này đã nuôi dưỡng một tinh thần đoàn kết mạnh mẽ vì chúng tôi phải gắn bó với nhau. Tuy nhiên, thế hệ trẻ trải nghiệm mọi thứ khác biệt. So với ông bà họ thì họ được kết nối nhiều hơn với phần còn lại của thế giới nhờ internet và mạng xã hội. Họ có thể giao tiếp nhanh chóng và dễ dàng với mọi người bên ngoài Hàn Quốc điều này khiến họ có nhận thức về toàn cầu. Do đó, khái niệm cộng đồng vốn mạnh mẽ ở các thế hệ trước dường như đang thay đổi. Mặc dù vẫn mang tinh thần thống nhất mạnh mẽ nhưng nó đang phát triển khi giới trẻ Hàn Quốc tham gia nhiều hơn vào cộng đồng toàn cầu.
Có khả năng nào cho Chạy đâu cho thoát 3 không?
Hiện tại tôi đang thực hiện một bộ phim hành động gián điệp mô tả cuộc đối đầu giữa các đặc vụ Hàn Quốc và Triều Tiên khi họ khám phá ra những tội ác xảy ra gần biên giới Nga. Còn về phần ba của Chạy đâu cho thoát thì tôi quả thực đang thảo luận cùng các diễn viên của mình; tùy thuộc vào phản ứng từ khán giả đối với Chạy đâu cho thoát 2 mà chúng tôi có thể xem xét việc tiếp tục câu chuyện.
Smugglers (2023) lấy bối cảnh những năm 1970, là một bộ phim thú vị kể về câu chuyện của những nữ thợ lặn sa vào thế giới của những kẻ buôn lậu. Diễn xuất nhập vai, kỹ năng diễn xuất xuất sắc của các diễn viên và việc bối cảnh thời đại được tái hiện một cách sống động bởi đội mỹ thuật đã giúp bộ phim nhận được nhiều đánh giá tích cực.
ⓒ The Next World of Entertainment (NEW)