메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2024 SPRING

RÁC THẢI TRỞ THÀNH BÁU VẬT

Cuộc sống hàng ngày của chúng ta đã không thể sống thiếu nhựa, và rác thải từ nhựa, chủ yếu là nhựa dẻo và nhựa nilon, được dự án JUST PROJECT thu gom lại rồi biến chúng thành vật dụng hàng ngày. Họ nghiên cứu và phát triển đến khi nào rác thải từ “của nợ” thành “báu vật”.
Bộ 4 khối

Đây là bộ sản phẩm giá đỡ làm từ nhựa tái chế. Một bộ bao gồm bốn khối, có thể dùng làm khay đựng trang sức, xà phòng hoặc làm đồ trang trí.
ⓒ JUST PROJECT


Định hướng tăng trưởng liên tục của chủ nghĩa tư bản khiến hoạt động sản xuất và tiêu dùng luôn được đẩy mạnh không ngừng. Kết quả là đã xuất hiện một kỷ nguyên của sản xuất dư thừa và tiêu thụ quá mức. Từ sản xuất, phân phối, đến tiêu thụ và thải bỏ, tất cả các quá trình này đều liên quan đến lượng khí thải carbon. Đây là lý do tại sao sản xuất và tiêu thụ quá mức bị xem là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng khí hậu.


Đưa quan điểm đạo đức vào sản xuất và tiêu dùng

Để tiến tới trung hòa carbon (lượng CO2 thải ra môi trường trong quá trình sản xuất tương đương với lượng CO2 được hấp thụ ngược trở lại – chú thích của người dịch), cần phải có ý thức đạo đức trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Đối với phương thức sản xuất, văn hoá tạo ra những giá trị mới cho đồ vật bằng cách sử dụng nguồn nguyên liệu bị bỏ đi để thiết kế lại hoặc thay đổi mục đích sử dụng ban đầu (upcycle), đã trở thành một phong trào mang tầm ảnh hưởng lớn.

Upcycle là một chủ đề được nêu ra vào năm 2002 bởi kiến trúc sư người Mỹ William McDonough và nhà hóa học người Đức Michael Braungart. Trong cuốn sách “Cradle to Cradle” (tạm dịch Cradle to Cradle: Thay đổi cách chúng ta sản xuất) năm 2003, các tác giả đã kêu gọi giải quyết vấn đề chất thải công nghiệp bằng cách hướng đến quy trình tuần hoàn của hệ sinh thái ngay từ khâu thiết kế sản phẩm. Họ kêu gọi tìm kiếm ý tưởng để tuần hoàn tài nguyên đồng thời xây dựng một hệ thống dựa vào công nghệ và thiết kế để các vật liệu vẫn có thể sử dụng có cơ hội tái sinh thành các sản phẩm mới mà không kết thúc cuộc sống của chúng trong thùng rác.

Mặt khác, sản xuất có đạo đức phải đi kèm với tiêu dùng có đạo đức. Một trong những cách để thực hiện tiêu dùng đạo đức là chú tâm tìm hiểu những dự án như JUST PROJECT.

Khối làm từ 100% nhựa tái chế

Giá đỡ hình hộp làm từ nhựa tái chế. Nó có một rãnh ở giữa để có thể chèn danh thiếp, ảnh, hoặc nhang thơm vào.
ⓒ JUST PROJECT

Thay đổi xuất phát từ những việc bản thân muốn làm

Có nhiều hình thức để giúp tuần hoàn tài nguyên. Nói một cách ngắn gọn, đó là cách chúng ta cân nhắc sử dụng một sản phẩm rồi tái sử dụng chúng. Chỉ khi nào chúng ta thực hiện tích cực và liên tục tất cả mọi hình thức thì mới có thể đạt được sự tuần hoàn hiệu quả cho trung hòa carbon.

JUST PROJECT là một thương hiệu thiết kế đã không ngừng truyền tải thông điệp về tính bền vững trong suốt 12 năm qua. Công việc chính của họ là xem rác như nguồn nguyên liệu và tài nguyên, họ là thu thập và biến rác thành những vật dụng hữu ích. Ngoài ra, thương hiệu này còn lên kế hoạch và tổ chức các buổi triển lãm và chương trình liên quan đến upcycling. Đồng thời, họ cũng phát hành tạp chí hướng đến hệ sinh thái tuần hoàn tự nhiên và cố gắng lan toả văn hóa tái chế upcycling thông qua các buổi hội thảo đa dạng.

Lý do khiến cho những hoạt động của JUST PROJECT trở nên nổi bật là nhờ chiến lược thương hiệu được xây dựng bởi chủ tịch Yi Young-yeun. JUST PROJECT không phải là một phong trào môi trường mà là một thương hiệu thiết kế truyền cảm hứng cho mọi người suy ngẫm về thói quen tiêu dùng và gợi ý các vật dụng cần thiết phù hợp với thị hiếu của họ. Hoạt động của JUST PROJECT không phải để thực hiện một nghĩa vụ hay hoài bão lớn lao mà cái hay của nó nằm ở chỗ tạo ra một công việc mà nhân viên thực sự muốn làm, đó là tạo ra những sản phẩm khách hàng muốn mua. Điều này thể hiện đúng như tên gọi của thương hiệu “Just” (chỉ là).

Tạp chí hàng quý “Rác”

Tạp chí hàng quý “Rác” được xuất bản bởi JUST PROJECT giới thiệu những câu chuyện, tác phẩm của những người yêu rác, thu thập và khám phá nó. Đặc biệt, trang bìa của tạp chí có điểm đặc trưng là được làm từ những tờ rơi bỏ đi và giấy in cũ, do đó không có bìa nào giống bìa nào cả.
ⓒ JUST PROJECT

Sự hoá thân của rác

Thật thú vị khi thấy một loại rác thải nào đó được sử dụng để tái chế thành các sản phẩm do JUST PROJECT giới thiệu. Nếu bạn nhìn vào các sản phẩm công ty này thiết kế, bạn có thể biết loại rác họ sử dụng dựa vào tên sản phẩm. Ví dụ như những cái tên: “I was t-shirts” (tạm dịch Tôi là áo phông), “I was label” (tạm dịch Tôi là mác quần áo), “I was foil” (tạm dịch Tôi là giấy bạc), “I was straw” (tạm dịch Tôi là ống hút)...

Thảm làm từ áo phông cũ, túi làm từ nhãn mác quần áo, ví và túi nhỏ làm từ bao bì bánh kẹo và ống hút bỏ đi. Họ có một quan điểm hoàn toàn khác về rác, đến mức họ có thể nói rằng rác vừa là một nguồn cảm hứng vừa là đối tượng thưởng thức.

Những bao bì bánh kẹo mà chúng ta thường vứt đi sau khi dùng hết sản phẩm bên trong là một ví dụ như vậy. Loại nhựa dùng trong bao bì bánh kẹo thường có ít nhất là ba lớp nhựa khác nhau được ép vào nên rất khó để tái chế. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của JUST PROJECT, bao bì bánh kẹo là một chất liệu cao cấp, vừa chắc chắn vừa không thấm nước. Những chiếc túi cầm tay được làm bằng cách tách vỏ túi bánh kẹo và lau sạch dầu mỡ, sau đó thiết kế túi theo nhiều kích cỡ và mục đích sử dụng đa dạng. Chúng cứng cáp và hữu ích hơn chúng ta nghĩ nhiều. Vì mỗi chiếc túi cầm tay đều được làm từ nhiều loại vỏ bánh keọ khác nhau, nên mỗi chiếc đều có dáng vẻ khác biệt, và thật thú vị khi ngắm nghía từng chiếc túi và lựa chọn theo sở thích cá nhân.

Nếu một chiếc túi cầm tay làm từ vỏ bánh keọ được đặt tên là “I was foil”, thì “I was t-shirt” là tên gọi của tấm thảm. Thoạt nhìn, tấm thảm bóng bẩy này được hoàn thiện bằng cách cắt áo phông cũ thành những dải dài, sau đó dệt chúng lại trên khung cửi thủ công, và hoàn thiện bằng cách khâu tay. Ưu điểm của loại thảm làm từ áo phông này là có thể dễ dàng giặt trong máy giặt bởi công ty chỉ sử dụng chất liệu áo cô tông, đồng thời nhờ họa tiết đặc trưng khác nhau của từng loại vải nên mỗi một sản phẩm mang một thiết kế độc đáo riêng. Ngoài ra, nhờ phương pháp dệt sợi vải rất chặt bằng khung dệt tay khiến cho tấm thảm trông đẹp mắt, chất lượng cũng rất tuyệt vời đến mức người ta không còn để tâm nhiều đến việc nó là một tấm thảm làm từ đồ bỏ đi.

Quả nhiên, cách giải thích của thương hiệu JUST PROJECT hoàn toàn thuyết phục khi cho rằng những món đồ bỏ đi chính là một nguồn tài nguyên, một kho báu và là khởi nguồn của các ý tưởng.

Các tính năng của nhựa dẻo

Bí quyết để JUST PROJECT phát triển bền vững trong 10 năm qua không đơn thuần chỉ vì họ đã sản xuất và bán các sản phẩm làm từ rác thải. Chúng ta có thể tìm ra bí quyết đó từ quỹ đạo hoạt động của JUST PROJECT, họ thực hiện các dự án hợp tác với các thương hiệu, công ty và nhóm hoạt động xã hội khác nhau, tích cực phát huy năng lực ở những nơi cần thiết.

Một ví dụ tiêu biểu phải nhắc đến chính là triển lãm nhựa upcycling do JUST PROJECT phối hợp với thương hiệu NoPlasticSunday tổ chức tại Seoul Design Festival 2023. NoPlasticSunday là thương hiệu nỗ lực tạo ra hệ thống kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa. JUST PROJECT đã lên kế hoạch thực hiện tập hợp các nhà thiết kế nội thất, nhà thiết kế công nghiệp đang hoạt động mạnh tại Hàn Quốc và đề xuất làm các đồ nội thất phản ánh được ngôn ngữ thiết kế của từng tác giả theo chủ đề nhựa tái chế.

Các nhà thiết kế khi tham gia đã sử dụng các tấm ván nhựa tái chế thay cho các vật liệu quen thuộc để tạo ra các món đồ nội thất đẹp và hữu ích. Dự án được đánh giá cao vì là sự kiện mở ra tính ứng dụng cho nhựa tái chế thông qua các thiết kế độc đáo. Dự án đã cho mọi người thấy tiềm năng về mặt chức năng và tính thẩm mỹ của nhựa phế liệu, vốn luôn là vấn đề lớn và nóng trong số các vấn đề về môi trường và khí hậu.

Ngoài ra, sổ nhật ký do JUST PROJECT kết hợp làm với tổ chức phi chính phủ Team & Team cũng rất ấn tượng. Việc sử dụng vật liệu polyester tái chế hoàn toàn từ chai nhựa PET để làm bìa nhật ký và bìa được thiết kế để có thể tái sử dụng làm túi cầm tay chính là kết quả của việc xem xét cẩn thận vòng đời từ khi sản phẩm ra đời đến khi thải bỏ. Số tiền thu được từ dự án sổ nhật ký đã được sử dụng để cung cấp nước sạch cho người dân Đông Phi đang phải chịu nạn đói, việc làm này đã khiến cho dự án mang nhiều ý nghĩa hơn

NoPlasticSunday

“Plastics” là một dự án do công ty JUST PROJECT kết hợp với NoPlasticSunday tổ chức,và giới thiệu các tác phẩm của 10 nghệ sĩ trong năm 2022.
ⓒ JUST PROJECT

Định nghĩa lại thế nào là một món đồ tốt

Vấn đề lượng rác thải khổng lồ đang gia tăng từng ngày đã khiến chúng ta phải nhìn nhận rằng đây không chỉ là vấn đề cốt lõi cần giải quyết để khắc phục ô nhiễm môi trường và khủng hoảng khí hậu mà nó còn buộc chúng ta phải xem xét lại hệ thống sản xuất và tiêu dùng. Đã đến lúc mọi người phải cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là trung hòa carbon, tiến hành thí điểm và làm nhiều thử nghiệm khác nhau dựa trên việc xem xét kỹ lưỡng từng giai đoạn trong vòng đời của sản phẩm, từ khâu lập kế hoạch sản xuất đến khâu lựa chọn nguyên liệu và thiết kế, đến khi đồ vật bị loại bỏ sau khi sử dụng hết chức năng. Trong 10 năm qua, JUST PROJECT đã không ngừng vươn lên bằng cách xác định thế nào là sản phẩm tốt, là thiết kế họ muốn thực hiện và hoàn thành những điều đó. Cách thức hoạt động của họ đã trở thành hình mẫu và gây ấn tượng mạnh mẽ trong việc truyền tải một cách sâu sắc việc tái sử dụng rác và văn hoá upcycling, đồng thời chúng cũng khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ lại về các tiêu chuẩn đánh giá một thương hiệu tốt.

Chương trình hộp cơm trưa dành cho nghệ sĩ đang được tiến hành

Vào năm 2019, Bảo tàng Nghệ thuật Seoul đã tổ chức chương trình “Buffet rác” thuộc hoạt động “Hộp cơm của các nghệ sĩ”. Bữa ăn trong chương trình này được chế biến từ những nguyên liệu tốt nhưng nhìn không được đẹp mắt lắm và người dự có thể lựa chọn các loại rác khác nhau như thủy tinh, vải và nhựa theo sở thích riêng của họ.
ⓒ JUST PROJECT

Yoo Da-mi Nhà văn
Mai Như NguyệtDịch

전체메뉴

전체메뉴 닫기