메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

An Ordinary Day > 상세화면

2024 WINTER

TIẾP ĐÓN KHÁCH HÀNG NHƯ NGƯỜI NHÀ

Người ta nói rằng, để có một bữa ăn thành công ở thành phố xa lạ, bạn nên hỏi tài xế taxi về quán ăn. Nhờ có thể di chuyển đến bất kỳ đâu nên tài xế taxi không chỉ nắm rõ như lòng bàn tay những quán ăn có giá cả phải chăng ở khắp nơi, mà còn có thể cung cấp cho bạn danh sách quán ăn đáng tin cậy bởi chúng đã được kiểm chứng bằng thời gian và trải nghiệm của họ. Quán Gamnamujip Gisa Sikdang ở Yeonnam-dong, Mapo-gu, Seoul, là nơi thường xuyên thu hút các tài xế sành quán ghé thăm cả ngày lẫn đêm.

Cô Jang Yunsu, chủ quán Gamnamujip Gisa Sikdang đang phục vụ đồ ăn cho khách.

Ở Hàn Quốc, gisa sikdang là những quán dành riêng cho giới tài xế, đặc biệt là tài xế taxi. Để phục vụ tốt cho những khách hàng tài xế của mình, quán ăn cần đáp ứng một số điều kiện nhất định. Đầu tiên, quán cần có bãi đỗ xe rộng rãi. Thực đơn càng đa dạng càng tốt, nhưng sẽ mất thời gian chuẩn bị món. Do tính chất công việc, quán ăn cũng phải mở cửa vào buổi sáng sớm hoặc đêm khuya. Ngoài ra, giá cả hợp lý, khẩu phần ăn đầy đặn và hương vị ổn định cũng là những yếu tố quan trọng.

Quán ăn mở cửa 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm

Sự khởi đầu ngày mới của cô Jang Yunsu, chủ nhân của quán Gamnamujip Gisa Sikdang mỗi ngày đều khác nhau.

“Có những ngày tôi đến quán từ sáng sớm, và nếu ngày nào đi chợ thì tôi cũng có thể đến muộn hơn một chút. Tôi không làm việc theo một thời gian cố định. Dù khi ở nhà tranh thủ nghỉ ngơi trong chốc lát, tôi vẫn thường xuyên quan sát quán ăn qua màn hình camera. Nếu thấy có nhiều khách, tôi sẽ gác hết mọi việc qua một bên và chạy ngay đến quán.”

Các gisa sikdang ở Hàn Quốc mang những đặc trưng như có bãi đỗ xe, khẩu phần ăn nhiều và phục vụ nhanh.

Khu vực bãi đỗ xe, quán ăn và nhà ở được xây dựng liền kề. Cấu trúc này không thể tách bạch giữa công việc và nghỉ ngơi nhưng đối với cô Jang, đây không phải là một nhược điểm mà là một lợi thế.

“Với người làm kinh doanh thì nhà phải gần cơ sở kinh doanh để dễ kiểm soát công việc. Nếu cửa hàng có việc gấp, họ có thể đến ngay. Vì vậy mà cửa hàng có thể hoạt động suốt 24 giờ trong mọi hoàn cảnh.”

Vào giờ ăn trưa, quán ăn có sức chứa khoảng 70 người này thường đầy khách chỉ trong chốc lát. Gamnamujip Gisa Sikdang đã duy trì được 25 năm, mở cửa suốt 24 giờ mỗi ngày không ngưng nghỉ.

“Tôi đã mở một quán món Hàn truyền thống và một quán chuyên galbi (sườn bò được tẩm ướp) ở những nơi khác nhưng không thành công. Cuối cùng, tôi phải đóng cửa cả hai quán ăn và quay về ngôi nhà này. Vì ở đây là nhà tôi. Ban đầu, tôi mở một quán hamba (quán ăn được xây tạm ở công trường). Các công nhân bắt đầu làm việc từ sớm, nên chúng tôi cũng bán hàng từ sáng tinh mơ. Rồi dần dần, các tài xế taxi đi qua khu vực này bắt đầu ghé vào quán. Họ nói rằng nếu chúng tôi mở cửa trễ thêm chút nữa sẽ tốt hơn. Vì vậy mà quán đã bắt đầu mở cửa suốt 24 giờ.”

Thực khách đến đây bất cứ lúc nào cũng luôn được ăn cơm nóng, giá cả lại phải chăng và món ăn rất ngon. Canh và các món ăn kèm cũng được thay đổi hàng ngày. Vì thế, tự khắc mà những đánh giá tốt về quán đã bắt đầu được lan truyền.

“Ở gần đây có rất nhiều quán ăn tài xế nhưng các quán chỉ có một thực đơn duy nhất, chẳng hạn như sundaeguk (canh dồi lợn), seolleongtang (canh xương bò hầm). Quán ăn chúng tôi thì lại theo kiểu quán baekban (quán phục vụ bữa ăn gồm có cơm, canh và vài món ăn – chú thích của người dịch). Thời đó, vì hầu hết các tài xế đều không mấy dư giả, có nhiều gia đình tài xế cả vợ và chồng đều cùng phải đi làm, hầu như họ không thể chuẩn bị cơm ở nhà nên chắc hẳn rất nhớ bữa cơm gia đình. Thức ăn mua ngoài thường khó ăn một mình và cũng đắt đỏ. Nếu đến đây, họ có thể thưởng thức những món thường ăn ở nhà như miyeokguk (canh rong biển), doenjangguk (canh đậu tương), kongnamulguk (canh giá đỗ) và món ăn kèm nên họ rất thích.”

Giống như thức ăn bạn ăn ở nhà

Chungcheong-do là quê hương của Jang Yunsu. Cô lớn lên trong một gia đình đông con, là con thứ bảy trong gia đình có tám anh chị em. Do gia đình cô làm nông nghiệp quy mô lớn nên trong nhà luôn đông nhân công và người nhà. Bà và mẹ cô nấu ăn rất ngon, họ thường ở trong bếp, chuẩn bị bữa ăn, làm kimchi và trộn rau.

“Ngày nào tôi cũng quan sát bà và mẹ thực hiện các công đoạn trộn rau, việc đó thật sự rất thú vị. Khi bạn bè đến nhà chơi, chúng tôi cùng nhau nhổ cải, hái dưa chuột, cắt và trộn chúng, rồi nói “mặn quá”, “nhạt quá”, “thử thêm cái này đi”, “thử thêm cái kia đi”... Chúng tôi cũng cho nước dùng vào bột nhào làm kalguksu (mì thái tay) nữa. Khi người lớn nếm thử và khen ngon, chúng tôi cảm thấy hứng khởi lắm. Vậy nên, hễ mẹ mắng rồi bắt tôi đi học bài thì tôi lại trốn đi... Nấu ăn thú vị đến thế mà, làm sao tôi có thể học được? Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ trở thành đầu bếp và kinh doanh ẩm thực, sống một cuộc sống thú vị với công việc ấy.”

Cô nấu những món ăn như cơm nhà để phục vụ khách. Món doenjang (đậu tương lên men) được làm từ đậu nành trồng ở Gangwon-do.

Dwaeji bulbaek và ojingeo bokkeum (mực xào cay) là hai món ăn được yêu thích ở Gamnamujip Gisa Sikdang.

“Tôi đã nghiên cứu rất nhiều để xem những món ăn nào có thể phục vụ nhanh cho các tài xế, món nào họ có thể ăn ngon miệng, món nào có giá cả hợp lý nhưng vẫn no bụng. Và từ đó, món dwaeji bulbaek ra đời.”

Dwaeji bulbaek, hay gọi đầy đủ là dwaeji bulgogi baekban (thịt heo nướng ăn với cơm),là món ăn bán chạy nhất và cũng là món luôn được ưa chuộng tại quán của chúng tôi. Món chính là dwaeji bulgogi (thịt heo nướng) được phục vụ kèm rau sống như xà lách, cải thảo để cuốn ăn. Khay thức ăn phục vụ khách còn có từ ba đến bốn món ăn kèm, một quả trứng chiên và janjiguksu (mì với nước dùng từ cá cơm hoặc rong biển – chú thích của người dịch). Ngoài ra, một nồi cơm đầy cũng được đặt sẵn trong quán, khách có thể tự đến lấy thoải mái mà không cần gọi thêm. Các món banchan và canh cũng có thể được tiếp thêm, trừ dwaeji bulgogi. Sau bữa ăn, khách cũng có thể tráng miệng với cà phê miễn phí lấy từ máy bán hàng tự động và bánh quy. Vào cuối năm, quán còn tặng cho các tài xế cuốn lịch nhỏ có thể để trong xe.

“Trước đây, khi chế biến món ăn, tôi nêm nếm gia vị theo thói quen và kinh nghiệm của mình. Nhưng trước khi con trai tôi đi lính, nó đã viết tất cả công thức nấu ăn của tôi ra giấy. Điều đó có nghĩa là hương vị xưa nay của quán vẫn được tiếp nối.”

Công thức và lượng hàng bán mỗi ngày là “tuyệt mật” -  cô Jang trả lời khi được hỏi.

Quán ăn tạo cảm giác như ở nhà, khách hàng như người thân trong nhà

Trước đây, khách đến Gamnamujip Gisa Sikdang chủ yếu là các tài xế nhưng dạo này, những nhóm thực khách khác tìm đến đây lại chiếm tỷ lệ đáng kể. Trong bối cảnh ngày càng có ít quán cơm phục vụ đa dạng các món ăn kèm, nơi đây lại thu hút nhiều bạn trẻ hoặc gia đình có con nhỏ bởi nó mang lại trải nghiệm ẩm thực với giá cả hợp lý hơn so với việc tự nấu ăn ở nhà. Ngoài ra, nhiều du khách nước ngoài muốn trải nghiệm ẩm thực gia đình Hàn Quốc cũng tìm đến.

Lịch trình một ngày của cô Jang Yunsu được chia thành lúc đông khách và lúc ít khách. Cô thường đi chợ từ sáng sớm rồi mới về quán ăn. Vào buổi sáng bận rộn, cô thường bỏ bữa sáng và chỉ ăn trưa vào khoảng hai giờ chiều khi vắng khách. Từ ba giờ chiều đến bảy giờ tối, cô gắng dành thời gian nghỉ ngơi, lướt điện thoại một lát trước khi ngủ bù.

Thời gian cô bận rộn nhất là vào buổi tối cuối tuần. Khách ra vào liên tục cho đến tận sáng sớm. Cô tới lui giữa bếp và khu vực phục vụ, tất bật kiểm tra bàn ăn, bổ sung thêm món còn thiếu và mang đến những đồ dùng cần thiết. Cô chú ý xem món nào được khách dùng nhiều, món nào hay bị để thừa, từ đó quyết định thêm hoặc bớt các món ăn kèm. Khoảng mười giờ đêm, cô mới có thời gian ăn bữa tối muộn.

Gần đây, không chỉ tài xế taxi mà nhiều nhóm khách hàng khác như những người nhớ vị cơm nhà, người nước ngoài muốn trải nghiệm bữa cơm gia đình Hàn Quốc cũng đến quán ăn này, nơi mở cửa 24 giờ mỗi ngày.

Vào các ngày trong tuần, cô kết thúc công việc và rời khỏi quán vào khoảng một giờ sáng. Nhưng vào cuối tuần thì phải đến khoảng ba hoặc bốn giờ sáng, cô mới có thể nghỉ tay. Những khi đông khách, chồng thường cùng cô đi chợ và giúp quản lý, sắp xếp bãi đỗ xe. Còn con trai cô cũng thích nấu nướng giống mẹ, là một cộng sự đắc lực của cô. Quán có hơn hai mươi nhân viên làm việc theo ca ngày hoặc ca đêm, hầu hết đều có thâm niên gắn bó hơn mười năm ở đây. Vì thế mà tất cả đều coi nhau như một gia đình, là những người cùng sinh sống và chia sẻ bữa ăn dưới một mái nhà. Cả những thực khách đến đây để thưởng thức bữa cơm gia đình cũng vậy.

Từ ba món ban đầu là dwaeji bulbaek, sundubu jjigae (canh đậu phụ cay) và saengseon gui (cá nướng), thực đơn của quán hiện giờ đã tăng lên mười món. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu không ngừng nghỉ vì các tài xế muốn dùng bữa với những món ăn đa dạng.

“Tôi không hề hối tiếc. Đến bây giờ, tôi vẫn thích nấu ăn và hạnh phúc khi nhìn mọi người thưởng thức một cách ngon lành món ăn do mình chế biến. Đối với tôi, những thực khách đến đây dùng cơm của quán, tôi cũng đều xem như là những người thân trong gia đình. Tôi thật sự rất thích việc nấu những bữa cơm nhà đến độ không biết mệt mỏi là gì.”

“Cho một phần dwaeji bulbaek nhé!”

Một khách hàng thiếu kiên nhẫn mở cửa và hét lớn trước khi ngồi xuống bàn. Một nụ cười nở trên khuôn mặt của cô chủ Jang Yunsu.

Hwang Kyung-shin – Nhà văn
Ảnh. Han Jung-hyun
Dịch. Trần Thị Như Ngọc

전체메뉴

전체메뉴 닫기